Sau vụ bài báo khoa học bị gỡ: Nhiều góc khuất về công bố quốc tế được bàn luận

17/05/2024 06:45
Minh Chi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Theo một số nhà khoa học, các quốc gia đang trên đà phát triển có xu hướng chạy theo số lượng để đạt một số thành tích nhất định, mà ít quan tâm đến chất lượng.

Những ngày qua, câu chuyện Giáo sư, Tiến sĩ Võ Xuân Vinh - “nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu Việt Nam” vướng vào lùm xùm có tên trong bài báo quốc tế trên tạp chí uy tín bị gỡ bỏ lại làm dậy lên một cuộc thảo luận sôi nổi về vấn đề liêm chính trong công bố khoa học. Nhiều "góc khuất" trong việc công bố bài báo khoa học quốc tế cũng được giới khoa học bàn luận.

“Bài báo khoa học bị gỡ không bao giờ là tốt cả”

Giáo sư Võ Xuân Vinh hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH). Ông là tác giả thứ 5 trong số 9 tác giả của bài báo bị gỡ đăng trên Tạp chí Environmental Science and Pollution Research (thuộc Nhà xuất bản Springer).

Screenshot 2024-05-10 021501.png
Nhà xuất bản Springer thông báo về việc rút bài báo đối với nhóm tác giả có tên Giáo sư Võ Xuân Vinh. Ảnh chụp màn hình

Trả lời báo chí, Giáo sư Võ Xuân Vinh cho biết mình bị lạm danh để đứng tên trong một bài báo khoa học quốc tế, đồng thời ông đã đề nghị tạp chí xóa tên mình ra khỏi bài báo.

Đại diện Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã làm việc và lập biên bản ghi nhận, xử lý vụ việc với Giáo sư Vinh vào ngày 27/3/2024. Đồng thời, đề nghị ông Vinh nghiêm túc rút kinh nghiệm trong hoạt động hợp tác công bố quốc tế của cá nhân.

Trước đó, vào năm ngoái, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có trường hợp một nhà khoa học của trường có bài báo bị gỡ bỏ. Tương tự “số phận” bài báo bị gỡ của Giáo sư Võ Xuân Vinh, bài báo có tên của tác giả này bị gỡ do chứa những cụm từ bị xuyên tạc (tortured phrases) thường do các phần mềm tạo ra để che giấu đạo văn.

Chia sẻ với báo chí, nhà khoa học này cho biết đã không thực sự tham gia viết bài, thực tế tên ông được nhóm tác giả ghi tên vào bài báo như cảm ơn.

Với trường hợp này, được biết hội đồng liêm chính học thuật UEH đã đề nghị nhà khoa học nghiêm túc rút kinh nghiệm và tuân thủ các quy định của liêm chính học thuật. [1]

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một giáo sư của trường đại học ở Hà Nội chia sẻ, không thể có kết luận chắc chắn, song việc tác giả hoàn toàn không hề biết tên mình bị đưa vào bài báo khoa học trong thời gian gần 3 năm là không hợp lý.

Trong thông báo được nhà xuất bản Springer công khai, một trong những nguyên nhân của việc này là do bài báo có một số vấn đề đáng lo ngại, bao gồm "quy trình bình duyệt bị lũng đoạn".

Theo vị giáo sư, hiện nay tồn tại nhiều cách lũng đoạn khác nhau. Trong đó, thông thường sẽ có một nhóm vài chục người vừa viết bài vừa nhận phản biện, khi gặp bài của tác giả trong nhóm thì họ sẽ phản biện rất nhanh và chấp nhận bất kể chất lượng.

“Trường hợp cụ thể này thì không rõ phương thức lũng đoạn ra sao, song việc bị gỡ bài không bao giờ là tốt cả”, vị giáo sư nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo vị giáo sư, việc trước đây Giáo sư Vinh từng đồng tác giả với một người có dấu hiệu lũng đoạn “là rất không tốt”.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, một giáo sư là thành viên của Hội đồng khoa học Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia (Nafosted) cũng cho rằng, việc một bài báo khoa học đã được xuất bản gần 3 năm nhưng nhà khoa học lại không biết mình không có tên trong danh sách là rất khó tin.

Không phải tất cả công bố quốc tế đều là chất lượng

Theo giáo sư, khi nhận phản biện cho một bài báo khoa học, bản thân có khi phải mất 2-3 tuần mới đọc hiểu hết nội dung bài báo. Song, với mô hình xuất bản mở ngày nay, khâu phản biện được thực hiện “rất tùy tiện, vì người ta đánh vào lợi nhuận, càng đăng nhiều bài càng tốt”.

Theo chia sẻ của một nhà khoa học lĩnh vực khoa học kỹ thuật, thời gian để có công bố trên tạp chí quốc tế tùy thuộc vào mức độ uy tín của từng tạp chí. Theo đó, có nhiều tạp chí uy tín cao, phản biện chặt chẽ, thời gian từ lúc nộp bài đến khi được chấp nhận có thể lên đến cả năm. Còn thông thường với phần lớn các tạp chí uy tín, thời gian dao động thì từ 6 tháng đến 1 năm. Với các tạp chí chất lượng thấp hoặc là tạp chí mở (open access), thời gian được đăng bài sẽ ngắn hơn, thông thường chỉ mất khoảng 1-2 tháng là có kết quả chấp nhận.

Không ít tạp chí còn bày nhiều trò làm sơ sài khâu phản biện để đăng bài, có trường hợp người phản biện nghiêm khắc quá sẽ không được mời để tham gia phản biện nữa, hay gửi lời mời phản biện tự động cho cả các nhà khoa học không có chuyên môn liên quan đến bài báo…

Các bài báo được đăng trên những tạp chí rởm như vậy thường được bỏ qua khâu bình duyệt, hoặc nếu có bình duyệt thì chỉ qua loa, đại khái và tác giả bài báo sẽ phải mất một mức phí xuất bản rất cao để thực hiện điều này. Ngày nay, thủ thuật này được nhóm nhà khoa học muốn “ăn xổi”, làm khoa học không nghiêm túc, chạy theo số lượng,... sử dụng phổ biến nhằm chạy theo thành tích.

“Mọi người thường nghĩ rằng có công bố quốc tế đều là chất lượng. Nhưng điều quan trọng phải xem xét công bố ở tạp chí nào, có tạp chí tốt, uy tín, nhưng cũng có vô vàn tạp chí rởm, kém chất lượng”, vị giáo sư phân tích.

Theo giáo sư, nói như vậy không có nghĩa không ủng hộ công bố quốc tế. Tất cả các công trình nghiên cứu khoa học cần có công bố để có thẩm định khách quan từ bên ngoài, điều này cả hệ thống khoa học thế giới đều thực hiện. Song, vấn đề ở các nước phát triển, vấn đề liêm chính khoa học được thực hành nghiêm túc hơn.

Đấu tranh loại bỏ mọi hành vi gian dối trong nghiên cứu khoa học

Gần đây, tình trạng bài báo khoa học bị rút cũng xảy ra nhiều trong cộng đồng nghiên cứu khoa học ở nước ta. Vừa qua, tạp chí khoa học lâu đời Nature cho biết năm 2023, đã có hơn 10.000 bài báo khoa học bị rút - mốc này đã chính thức phá vỡ kỷ lục hàng năm. Tuy nhiên, các chuyên gia về liêm chính đánh giá đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Trong số đó, Ả Rập Saudi, Pakistan, Nga và Trung Quốc là một số nước có tỷ lệ bài báo khoa học bị rút lại cao nhất trong hai thập kỷ qua, theo phân tích của Nature.

bài báo.png
Số bài báo bị rút trong năm 2023 đã vượt mốc 10.000 bài. Biểu đồ thống kê của Nature

Theo giáo sư, liên quan đến bài báo bị rút thường đến từ 2 trường hợp: vô tình hoặc cố ý.

Cụ thể, có trường hợp bài báo bị gỡ do tác giả có suy luận sai trong quá trình thực nghiệm, hay phát minh sáng tạo. Nhưng cũng có trường hợp sai là do cố ý, tác giả cố tình giả tạo dữ liệu, hay tác động vào hệ thống biên tập để có bài đăng…

“Tuy nhiên, trường hợp vô tình sai thường ít xảy ra với các tạp chí uy tín, bởi hệ thống phản biện hoạt động nghiêm túc sẽ phát hiện những lỗi sai trong bài báo.

Trường hợp cố tình ngụy biện, giả tạo thành tích để đăng tải cần phải được lên án và loại bỏ”, giáo sư nói.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc rút bài khoa học về bản chất không xấu. Đây là một cơ chế quan trọng của quá trình tự sửa chữa trong nghiên cứu học thuật, thể hiện cam kết của giới khoa học về tính chính xác của hệ thống kiến thức mà mình cung cấp cho xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những sai sót nằm ngoài ý muốn, việc ngày càng nhiều hành vi cố tình gian dối trong nghiên cứu khoa học đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của công chúng, và gây nên tình trạng thật giả lẫn lộn trong hệ thống khoa học.

Nguyên nhân của vấn đề này, theo vị giáo sư là do nhà khoa học không làm khoa học một cách nghiêm chỉnh. Nhu cầu xuất bản nhanh, chạy theo số lượng, thành tích một cách bất chấp của bộ phận nhà khoa học là cơ sở xuất hiện ngày các nhiều các tạp chí xấu, rởm, mà theo giáo sư, hiện nay có nhiều tạp chí như vậy.

Nguyet_Nhatnam_nature_2.jpg
Ả Rập Saudi, Pakistan, Nga và Trung Quốc là 4 quốc gia có tỷ lệ bài bị rút đăng cao nhất trong hai thập kỷ gần đây. Biểu đồ thống kê của Nature

Theo phân tích của Nature, trong số các quốc gia đã xuất bản hơn 100.000 bài báo trong hai thập kỷ qua, Ả Rập Saudi là quốc gia có tỷ lệ rút lại cao nhất, 30/10.000 bài báo (không bao gồm số lần rút lại của các tài liệu hội nghị). Tỷ lệ rút lại bài báo của Trung Quốc đứng thứ 4 thế giới. [2] [3]

Hiện Trung Quốc cũng là quốc gia đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng về đạo đức khoa học. Một số nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm liêm chính khoa học ở Trung Quốc trở nên đáng báo động trong những năm gần đây được chỉ ra là do biện pháp xử lý người vi phạm liêm chính không đủ mạnh. Mặt khác, một bộ phận cộng đồng xã hội Trung Quốc vẫn còn coi thường chuyện vi phạm liêm chính. Một vấn đề cũng được cho là nguyên nhân thúc đẩy tình trạng này diễn biến ngày càng trầm trọng là cơ chế dùng tiền thưởng “vô tội vạ, không thẩm định kỹ lưỡng các công trình”.

Nhằm tìm cách trấn áp tình trạng nghiên cứu “dỏm”, trong những năm gần chính phủ Trung Quốc đã chú trọng thắt chặt các chế tài xử lý gian lận trong khoa học, phạt các nhà khoa học có hành vi sai trái và cấm họ nhận tài trợ công.

Mới đây nhất, vào đầu tháng 1 năm nay, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã phát động một chiến dịch yêu cầu các trường đại học điều tra mọi bài báo của giảng viên đã bị rút. Động thái này đến sau khi Hindawi - một tạp chí có trụ sở tại London, Anh, trực thuộc Nhà xuất bản Wiley, rút lại gần 10.000 bài báo khoa học, trong đó đại đa số đều có đồng tác giả ở Trung Quốc.

Hiện chưa rõ biện pháp trừng phạt là gì, nhưng vào năm 2021, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã công bố kết quả điều tra về một loạt bài bị rút lại. Các hình phạt bao gồm cắt giảm lương, rút tiền thưởng, giáng chức và đình chỉ có thời hạn việc xin trợ cấp và khen thưởng nghiên cứu. [4]

Theo các chuyên gia về liêm chính, để đảm bảo liêm chính khoa học ở Việt Nam, cần thiết phải xây dựng biện pháp xử lý vi phạm có tính răn đe mạnh mẽ; đồng thời phải đẩy mạnh công tác truyền thông, định hướng đúng để xây dựng nhận thức đúng đắn trong cộng đồng. Cần thời gian để xây dựng, đưa văn hóa khuyến khích sự xuất sắc và liêm chính trong khoa học, song điều này là vô cùng cần thiết và bắt buộc phải làm.

Với trường hợp bài báo khoa học bị gỡ, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh của một trường đại học ở Hà Nội cho rằng, nếu liên quan đến việc thực hiện một nhiệm vụ khoa học công nghệ, hay cá nhân tác giả được khen thưởng từ kết quả bài báo thì các đơn vị liên quan cần có chế tài cụ thể. Một số nơi sẽ yêu cầu trả lại một phần/toàn bộ kinh phí đề tài/thưởng; một số nơi lại có thể không yêu cầu điều này, mà chấp nhận nó như một rủi ro đương nhiên của việc làm nghiên cứu.

Tài liệu tham khảo:

[1]:https://tuoitre.vn/bai-bao-bi-tap-chi-quoc-te-go-tac-gia-o-dai-hoc-kinh-te-tp-hcm-thua-nhan-khong-tham-gia-viet-20230818084229012.htm

[2]:https://vjst.vn/vn/tin-tuc/8716/hon-10-000-bai-nghien-cuu-bi-rut-dang-trong-nam-2023.aspx

[3]: https://www.nature.com/articles/d41586-023-03974-8

[4]:https://tuoitre.vn/qua-nhieu-bai-bao-khoa-hoc-bi-rut-lai-chinh-phu-trung-quoc-vao-cuoc-20240214170906352.htm

Minh Chi