Vừa qua, Đại học Bách khoa Hà Nội ban hành Quyết định số 12160/QĐ-ĐHBK về việc ban hành quy định liêm chính học thuật của đơn vị này. Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội quy định các yêu cầu liêm chính học thuật trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo; trong liên kết nghiên cứu khoa học, liên kết đào tạo đối với toàn thể cán bộ, viên chức, giảng viên, người lao động, người học, các đơn vị thuộc và trực thuộc trong toàn đại học; các cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, hợp tác đào tạo và học thuật khác với Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trong đó, Đại học Bách khoa Hà Nội yêu cầu không mua, bán kết quả nghiên cứu khoa học dưới mọi hình thức.
Quy định liêm chính học thuật ngăn ngừa các vi phạm không mong muốn
Về lý do ban hành quy định liêm chính học thuật, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Việt Anh - Trưởng ban Khoa học công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, việc ban hành quy định liêm chính học thuật, cấm mua, bán nghiên cứu khoa học chính là nhà trường cụ thể hóa một số yêu cầu, quy định của nhà nước trong hoạt động khoa học công nghệ nói chung và hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà khoa học, giảng viên ở trường đại học nói riêng.
Thầy Việt Anh khẳng định, những yêu cầu trong quy định liêm chính học thuật giúp ích về mặt nhận thức cũng như phòng ngừa các vi phạm không mong muốn.
"Thực tế, các vi phạm liêm chính học thuật vẫn còn tồn tại, trong thời gian gần đây vấn đề này cũng là chủ đề nóng được quan tâm ở Việt Nam. Đại học Bách khoa Hà Nội luôn theo tôn chỉ, mục đích để phát triển thành đại học chất lượng, đạt được các yêu cầu và chuẩn mực hội nhập quốc tế. Hơn thế nữa, một trường công nghệ và kỹ thuật thì chúng tôi càng chú trọng trong vấn đề về liêm chính học thuật", thầy Việt Anh nhận định.
Cũng theo Trưởng ban Khoa học công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội, việc mua, bán kết quả nghiên cứu là hành vi không thể chấp nhận được trong môi trường nghiên cứu khoa học nói chung cũng như ở Đại học Bách khoa Hà Nội từ trước đến nay. Bởi nếu cổ xúy cho việc mua, bán kết quả công bố nghiên cứu sẽ dẫn đến những hệ lụy tiêu cực, gây nguy hại cho ngành khoa học.
Kết quả nghiên cứu khoa học cần phải được tôn trọng về mục tiêu đóng góp tích cực cho cộng đồng, phát triển đời sống xã hội. Cần tôn trọng quyền của tác giả đã được quy định theo Luật sở hữu trí tuệ và tạo động lực giúp cho nhà khoa học đóng góp, xây dựng phát triển xã hội và được ghi nhận, tôn vinh với cống hiến của mình. Do đó, quy định này không chỉ giới hạn riêng cho chuyện ngăn ngừa và nghiêm cấm mua, bán kết quả nghiên cứu mà còn là yêu cầu rộng hơn trong hoạt động công nghệ khoa học nói chung và tính liêm chính cần phải được thực hiện, đề cao đối với mỗi nhà khoa học.
Về kỳ vọng kết quả nghiên cứu khoa học trong thời gian tới thông qua việc ban hành quy định liêm chính học thuật, thầy Việt Anh cho rằng, nếu thực hiện nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc thì kết quả đạt được sẽ tập trung và trọng điểm cho mục tiêu nghiên cứu đúng đắn. Bên cạnh đó, việc ban hành quy định liêm chính học thuật là hành động mang tính thời điểm nhưng hoạt động nghiên cứu khoa học lại là giá trị nền tảng của một cơ sở giáo dục và mang tính lâu dài, hướng đến sự phát triển bền vững.
"Tôi cho rằng kết quả nghiên cứu khoa học ở Đại học Bách khoa Hà Nội phụ thuộc vào yếu tố điều kiện của đầu tư cũng như mức độ phát triển chung trong nền tảng của công nghệ trong xã hội. Mặt khác, sự phát triển nội lực bên trong của nhà trường và sự kết nối, chia sẻ cùng các trường đại học trong hệ thống giáo dục đại học, các doanh nghiệp, các đối tác nghiên cứu, sử dụng nguồn nhân lực trong nước, trong khu vực và quốc tế có thể nâng cao chất lượng và uy tín của nhà trường. Kết quả đạt được cũng phụ thuộc lớn vào chiến lược và các chính sách đề ra chứ không chỉ lệ thuộc vào việc có ban hành ra quy định liêm chính học thuật hay không.
Tất nhiên, việc ban hành quy định này là quan trọng bởi nó sẽ góp phần về mặt định hướng, phòng ngừa, phòng tránh những rủi ro, những vi phạm không mong muốn để giúp cho bước phát triển của nhà trường đảm bảo sự bền vững, tránh nguy cơ bị khai thác theo hướng tiêu cực và phản khoa học", thầy Việt Anh nhận định thêm.
Vi phạm liêm chính học thuật có thể bị xử lý hình sự
Về xử lý hành vi vi phạm liêm chính học thuật trong Đại học Bách khoa Hà Nội, thầy Việt Anh cho biết, ban Khoa học - Công nghệ là đầu mối tiếp nhận thông tin, dấu hiệu vi phạm liêm chính học thuật liên quan hoạt động nghiên cứu khoa học. Ban Đào tạo là đầu mối tiếp nhận thông tin, dấu hiệu vi phạm liêm chính học thuật liên quan hoạt động đào tạo. Ban Thanh tra, Pháp chế và Kiểm toán nội bộ tiếp nhận thông tin, ý kiến phản ánh hoặc đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về dấu hiệu hành vi vi phạm liêm chính học thuật.
Thầy Việt Anh cũng khẳng định, các cá nhân trong và ngoài Đại học Bách khoa Hà Nội đều có quyền phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo các hành vi có dấu hiệu vi phạm liêm chính học thuật của cán bộ, viên chức, người học thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội theo quy định của pháp luật.
Trình tự xử lý vi phạm liêm chính học thuật được quy định: Sau khi tiếp nhận thông tin về dấu hiệu vi phạm liêm chính học thuật, đơn vị tiếp nhận thông tin cần thu thập hồ sơ, đánh giá sơ bộ, làm việc với cá nhân có liên quan, lập biên bản ghi nhận sự việc và báo cáo với Giám đốc Đại học Bách khoa. Tùy theo mức độ phức tạp của vụ việc và tường minh về hồ sơ minh chứng, Giám đốc đại học chỉ đạo việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn hoặc giao cho Ban Khoa học - Công nghệ với hành vi có dấu hiệu vi phạm liên quan hoạt động nghiên cứu khoa học, Ban Đào tạo với hành vi có dấu hiệu vi phạm liên quan hoạt động đào tạo đề xuất phương án xử lý. Căn cứ báo cáo, hồ sơ vụ việc, ý kiến tham mưu, đề xuất của Ban chức năng và Hội đồng tư vấn, Giám đốc đại học ban hành quyết định xử lý vụ việc, xử lý cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định.
Theo thầy Việt Anh, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật và các quy chế, quy định của Đại học Bách khoa Hà Nội. Các cá nhân có hành vi vi phạm liêm chính học thuật còn có thể phải chịu hình thức xử lý bổ sung theo quy định cụ thể của từng lĩnh vực: nghiên cứu khoa học, đào tạo, thi đua khen thưởng,… Các sản phẩm học thuật bị xác định là vi phạm liêm chính học thuật phải được chỉnh sửa, bổ sung, hoặc thu hồi theo quyết định của Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội.
Phóng viên băn khoăn, nội dung quyết định số 12160/QĐ-ĐHBK có đề cập đến việc xử lý các hành vi vi phạm liêm chính học thuật nhưng chưa thấy hình thức cụ thể, trong trường hợp xảy ra vi phạm, nhà trường sẽ có các hình thức xử lý cụ thể như thế nào?
Vấn đề này, thầy Việt Anh thông tin: "Về xử lý vi phạm, quy định liêm chính học thuật chỉ là một trong những văn bản ban hành trong hệ thống văn bản về tổ chức và quản lý của nhà trường. Tuân thủ theo các quy định của Luật Giáo dục cũng như các luật liên quan như sở hữu trí tuệ, khoa học công nghệ,... Hơn thế nữa, quy định liêm chính học thuật nằm trong hệ thống tài liệu gồm có quy chế tổ chức cán bộ, quy định về thi đua khen thưởng,... các đánh giá về cán bộ theo hệ thống KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc) của nhà trường. Còn đối với người học thì liên quan đến quy chế đào tạo, trong đó có các thông tư, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo đại học và sau đại học. Bên cạnh đó, quy chế đào tạo của nhà trường cũng đã có quy định cụ thể.
Do đó khi có vấn đề gì liên quan đến vi phạm liêm chính học thuật sẽ có sự đánh giá một cách khách quan về mặt chuyên môn, khoa học. Qua đó xác định mức độ vi phạm và việc xử lý căn cứ theo các quy định khác trong vấn đề xử lý về vi phạm của cán bộ, giảng viên và người học".
Cũng theo Trưởng ban Khoa học công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội, tùy theo từng mức độ vi phạm, có thể xử lý thuần túy về mặt hành chính hoặc chuyển sang xử lý hình sự như đã nói ở trên.
"Mức xử phạt được căn cứ theo các quy định hiện hành của nhà nước, Luật Giáo dục, Luật Khoa học công nghệ", thầy Việt Anh nhấn mạnh.
Thành lập hội đồng tư vấn liêm chính khoa học
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Việt Anh thông tin thêm, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng thành lập hội đồng tư vấn liêm chính khoa học. Hội đồng có vai trò quan trọng, có chức năng tư vấn cho Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội trong thẩm định, đánh giá mức độ vi phạm về liêm chính học thuật. Hội đồng tư vấn liêm chính khoa học do Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập theo đề nghị của Trưởng các ban: Tổ chức - Nhân sự, Khoa học - Công nghệ, Đào tạo.
"Các lĩnh vực của khoa học rất đa dạng, do đó, cách thức tổ chức hội đồng là khi có sự việc xảy ra sẽ có mời những chuyên gia độc lập tham gia tư vấn, thẩm định,... giúp cho hội đồng có thể xác định một cách công bằng và khách quan vấn đề, sự việc xảy ra liên quan đến liêm chính học thuật", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Việt Anh nhấn mạnh.
Thầy Việt Anh chia sẻ thêm về tổ chức và nguyên tắc làm việc của Hội đồng tư vấn liêm chính khoa học Đại học Bách khoa Hà Nội. Theo đó, hội đồng có từ 7 thành viên trở lên, số lượng thành viên là số lẻ, trong đó có chủ tịch, 2 phó chủ tịch, các ủy viên và thư ký, cụ thể: Chủ tịch hội đồng là thành viên ban giám đốc đại học; 2 phó chủ tịch là trưởng ban ban Khoa học - Công nghệ, ban Đào tạo; các ủy viên bao gồm: đại diện lãnh đạo các ban Thanh tra, Pháp chế và Kiểm toán nội bộ, Tổ chức - Nhân sự, đại diện Ban Giám hiệu Trường thuộc, đại diện lãnh đạo đơn vị chuyên môn khác của Đại học Bách khoa Hà Nội, một số nhà khoa học có uy tín do giám đốc đại học chỉ định; thư ký hội đồng là chuyên viên Ban Khoa học - Công nghệ.
Hội đồng chỉ tiến hành họp khi có mặt ít nhất 2/3 số thành viên, trong đó phải có chủ tịch (hoặc phó chủ tịch được chủ tịch ủy quyền) và thư ký hội đồng. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thảo luận và đồng thuận với ít nhất trên 1/2 thành viên có mặt đồng ý bằng hình thức bỏ phiếu hoặc biểu quyết. Chủ tịch hội đồng ban hành kết luận phiên họp, báo cáo giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội. Báo cáo cần nêu rõ việc có hay không hành vi vi phạm liêm chính học thuật và phương án xử lý với sản phẩm học thuật bị xác định là vi phạm liêm chính học thuật (chỉnh sửa, bổ sung, thu hồi).
Thành viên Hội đồng có người thân (cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ/chồng, mẹ vợ/chồng, vợ/chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột) là người liên quan trực tiếp đến vụ việc vi phạm liêm chính học thuật, thì không tham gia phiên họp Hội đồng xử lý vụ việc đó. Chủ tịch Hội đồng xin ý kiến Giám đốc đại học về việc bổ sung thành viên thay thế (nếu cần thiết).