Theo tìm hiểu của phóng viên tại Đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 của Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, có một số điểm đáng chú ý ngành Tài chính - Ngân hàng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm năm 2022 chỉ chiếm 66,7%.
Năm 2022, ngành Kỹ thuật môi trường có 2 sinh viên trúng tuyển/30 chỉ tiêu tuyển sinh, số sinh viên tốt nghiệp trong năm 2022 chỉ 2 sinh viên tốt nghiệp... Còn tại thông tin tuyển sinh năm 2024, nhà trường không đào tạo ngành học này.
Để làm rõ những nội dung liên quan, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Thạc sỹ Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng Ban Truyền thông Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).
Vì sao ngành Tài chính - Ngân hàng tỷ lệ sinh viên có việc làm năm 2022 chỉ đạt 66,7%?
Trả lời về việc tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Tài chính - Ngân hàng đã có việc làm năm 2022 là 66,7% (theo Đề án tuyển sinh 2023), Thạc sỹ Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, theo thông tin từ số liệu chính thức được nhà trường báo cáo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ sinh viên có việc làm năm 2022 là 95%.
Về tỷ lệ 66,7% nêu trên, Thạc sỹ Ngọc cho hay, mỗi năm, nhà trường có 2 lần thực hiện khảo sát thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm ở thời điểm tốt nghiệp và sau 1 năm tốt nghiệp.
Theo đó, Đề án tuyển sinh mỗi năm thường phải bắt đầu xây dựng từ tháng 1 của năm tuyển sinh và công bố trước khi tuyển sinh. Do đó đề án tuyển sinh năm 2023, chỉ có thể đánh giá tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm ngay tại thời điểm xây dựng đề án.
"66,67% nêu trên là tỷ lệ sinh viên có việc làm ở thời điểm tốt nghiệp (sinh viên tốt nghiệp vào cuối năm và đề án tuyển sinh thì làm vào đầu năm sau)", Thạc sỹ Ngọc cho hay.
Trưởng Ban Truyền thông Trường Đại học Quốc tế chia sẻ thêm, sau khi sinh viên tốt nghiệp được 1 năm, nhà trường sẽ thực hiện khảo sát một lần nữa và tỷ lệ 95% là kết quả của lần khảo sát thứ 2 trong năm. Chính vì vậy, đã có sự chênh lệch giữa 2 lần và 2 tỷ lệ trên cũng hoàn toàn hợp lý.
Bên cạnh đó, Thạc sỹ Ngọc cũng cho biết, tỷ lệ sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng và Kế toán ra trường có việc làm của các năm qua đều ở mức hơn 93% mỗi năm.
Cơ bản các em sinh viên của ngành đều tìm được việc làm ở thời điểm trước khi tốt nghiệp chính thức. Số ít các em không có việc làm tại thời điểm khảo sát hoặc do mới nghỉ việc.
Hoặc có những em đang trong quá trình tìm việc mới hoặc đang nghỉ ôn, chuẩn bị hồ sơ để định hướng đi học tiếp bậc sau đại học.
Vì sao dừng tuyển sinh ngành Kỹ thuật môi trường?
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2022, ngành Kỹ thuật môi trường có 2 sinh viên trúng tuyển nhập học trên tổng số 30 chỉ tiêu tuyển sinh (năm 2021, ngành học này có 8/30 chỉ tiêu trúng tuyển).
Cũng trong năm học 2022, nhà trường thống kê có 2 sinh viên tốt nghiệp.
Trả lời nội dung nêu trên, Thạc sỹ Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, về số lượng ít sinh viên học tập, có thể có cả ưu và nhược điểm trong công tác đào tạo giảng dạy của nhà trường.
Về phần ưu điểm, người học được hưởng lợi từ lớp sĩ số nhỏ như, được hướng dẫn chi tiết mỗi môn học, được quan tâm tới từng em trong công tác cố vấn học tập và định hướng nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đối mặt với một số khó khăn. Cụ thể, khó khăn về tài chính khi duy trì lớp ít sinh viên, khó linh hoạt trong việc mở lớp cho trường hợp đăng ký học lại môn,...
Theo thông tin tuyển sinh năm 2024, trong 23 ngành đào tạo của nhà trường không có ngành Kỹ thuật môi trường,
Về nội dung nêu trên, Thạc sỹ Nguyễn Thị Bích Ngọc xác nhận thông tin tuyển sinh năm 2024, nhà trường không có chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành Kỹ thuật môi trường.
"Trước đó, năm 2023, Bộ môn Kỹ thuật Môi trường được sáp nhập với Bộ môn Kỹ thuật Hóa học và thành lập Khoa Kỹ thuật Hóa học và Môi trường. Sau đó, ngành Kỹ thuật môi trường đã được chuyển thành một chuyên ngành nằm trong ngành Kỹ thuật Hóa học.
Việc này nhằm tối ưu hóa nguồn lực và hiệu quả đào tạo, cũng như tạo cơ hội nghề nghiệp rộng hơn cho người học khi ra trường. Đồng thời khắc phục được những khó khăn đã nêu trên khi đứng riêng lẻ.
Bên cạnh đó, chúng tôi đào tạo chương trình song ngành Kỹ thuật hóa học và Kỹ thuật môi trường dành cho những sinh viên đam mê hai ngành nghề này và có thể làm việc trong cả hai lĩnh vực khi ra trường", Thạc sỹ Ngọc chia sẻ.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ thêm, về việc học và cơ hội việc làm của các sinh viên đang theo học ngành này cơ bản không bị ảnh hưởng nhiều, bởi vì nhà trường vẫn duy trì tất cả các điều kiện giảng dạy học tập như trước.
Hơn nữa, ngành Kỹ thuật môi trường là ngành đã đạt kiểm định chất lượng theo chuẩn ASIIN (của Cộng hòa Liên Bang Đức năm 2024). Nhà trường cũng nhận được các phản hồi tích cực từ doanh nghiệp sử dụng lao động về kiến thức, kỹ năng, năng lực làm việc của người học tốt nghiệp từ ngành này.
"Như vậy, chúng tôi tự tin là các em sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có nhiều cơ hội việc làm, và có thể chứng minh được năng lực nghề nghiệp của mình", Thạc sỹ Ngọc chia sẻ.
Doanh thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học năm 2022 đạt 21,2 tỷ đồng
Theo báo cáo ba công khai năm 2022-2023, nhà trường có tổng thu là 502 tỷ đồng, trong đó nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (2022) là 21,2 tỷ đồng (chiếm 4,3%) và từ nguồn thu hợp pháp khác là 12,9 tỷ đồng (chiếm 2,5%).
Thông tin về nội dung trên, Thạc sỹ Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, cách thức tăng nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ được định hướng trong tầm nhìn của nhà trường.
Theo đó, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP. HCM) là trường đại học nghiên cứu thuộc tốp đầu tại châu Á, là cơ sở giáo dục quốc tế, tự chủ, sáng tạo từ những năm 2008. Nhà trường cũng là nơi vun đắp và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và quốc tế trong 20 năm qua.
Chính từ tầm nhìn này, nhà trường đã có các chính sách thu hút những chuyên gia đầu ngành, thu hút đội ngũ giảng viên đam mê nghiên cứu khoa học về công tác tại trường.
Từ đó, nhà trường thông qua Phòng Quản lý Khoa học với Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Chuyển giao Công nghệ phối hợp, hỗ trợ các giảng viên ký hợp đồng khoa học công nghệ với Quỹ Khoa học Công nghệ Quốc gia (Nafosted), Sở Khoa học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Khoa học Công nghệ các tỉnh và các địa phương, doanh nghiệp,...
Ngoài ra, các giảng viên chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ từ nước ngoài để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học.
Về nguồn thu hợp pháp khác của nhà trường được thu từ các khoản thu dịch vụ, trên cơ sở lấy thu bù chi có tích lũy để hỗ trợ cho các hoạt động của sinh viên.
Giả dụ, tiền lãi gửi ngân hàng đưa vào quỹ hỗ trợ người học như học bổng, hay các khoản tiền dịch vụ trông giữ xe để thuê nhân viên giữ xe,...
Về lộ trình gia tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học để đạt chuẩn theo Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT, nhà trường vẫn đang cố gắng phấn đấu và đang trong quá trình thực hiện.
Trường Đại học Quốc tế đã đề ra định hướng nhằm phát triển giai đoạn trung hạn 2021-2025 với mục tiêu chung cần đạt đến là “Hoàn thiện nguồn lực khoa học & công nghệ, hướng đến nghiên cứu khoa học chuyên sâu và nâng cao uy tín khoa học”.
Trong đó, có các mục tiêu cụ thể của chiến lược này nhằm gia tăng nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, phù hợp với các tiêu chuẩn của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT.
Cụ thể, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phòng thí nghiệm dành cho các nghiên cứu chuyên sâu; Tiếp tục đa dạng hoá nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học: Đẩy mạnh các nguồn kinh phí cho nghiên cứu khoa học; Đẩy mạnh nghiên cứu hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học.
"Có thể nói, mục tiêu đẩy mạnh nguồn thu cho các hoạt động khoa học và công nghệ ngoài nguồn vốn đầu tư của nhà trường, là một trong những chiến lược trọng tâm của nhà trường trong giai đoạn 2021-2025, chiếm 3/9 mục tiêu hoạt động cụ thể trong chiến lược phát triển hoạt động khoa học và công nghệ của nhà trường", Thạc sỹ Ngọc chia sẻ.
Diện tích đất/sinh viên mới có tỷ lệ 13,711m2/sinh viên
Tại báo cáo ba công khai năm học 2022-2023 của Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có nêu, tổng diện tích đất/sinh viên là 117.442m2/8552 sinh viên, quy đổi ra tương đương 13,711m2/sinh viên.
Tổng diện tích sàn là 39.150m2/8552 sinh viên, quy đổi thành 4,577m2 sàn/sinh viên.
Theo tiêu chí 3.1, Tiêu chí 3: Cơ sở vật chất tại Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định: "Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2.". Đối chiếu với số liệu công khai của Trường Đại học Quốc tế thì tỷ lệ diện tích đất/sinh viên chưa đạt yêu cầu. Phóng viên nêu câu hỏi, nhà trường làm gì để đáp ứng yêu cầu tại Thông tư trên.
Về nội dung trên, Thạc sỹ Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Trường Đại học Quốc tế là 1 trong các trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, được thành lập theo Quyết định số 260/2003/QĐ-TTg ngày 05/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 790/QĐ-TTg ngày 3/7/2023 về Quy hoạch phân khu xây dựng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Theo đó, đến năm 2030, quy mô sinh viên là 65.000 trên diện tích toàn khu là 647,3 ha.
"Các trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500... ", Thạc sỹ Ngọc cho hay.
Trường Đại học Quốc tế là đơn vị thuộc hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – một hệ thống theo định hướng sử dụng chung nguồn lực về cơ sở vật chất, tài nguyên và đã triển khai cho phép sử dụng chung trên thực tế.
Do đó, nhà trường được tính thêm diện tích sử dụng chung trong hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thì mới phản ánh chính xác chất lượng cơ sở vật chất của Trường Đại học Quốc tế.
Theo lộ trình phát triển của Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 nhà trường sẽ đảm bảo các tiêu chí về cơ sở vật chất tại Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT do quy hoạch chi tiết xây dựng của các đơn vị thành viên.
Nhà trường cũng đang trong quá trình triển khai điều chỉnh thực hiện theo quy hoạch phân khu xây dựng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 790.
"Dự kiến khoảng thời gian tới, các dự án xây dựng của Trường Đại học Quốc tế có thể tiếp tục triển khai. Khi hoàn thành việc xây dựng thì các chỉ tiêu phục vụ của Trường Đại học Quốc tế phù hợp quy định của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT nêu trên", Thạc sỹ Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định, Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT mang tính chất đổi mới, góp phần nâng cao tiêu chuẩn đào tạo bậc đại học, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Với những quy định cụ thể và chặt chẽ, Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT tập trung vào các tiêu chí cốt lõi như đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, và hoạt động quản lý.
Nhờ vậy, môi trường giáo dục đại học sẽ được cải thiện đáng kể, hướng đến mục tiêu đào tạo những chuyên gia có chuyên môn cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.