Tốt nghiệp ngành Hóa học cơ hội việc làm không gói gọn ở phòng thí nghiệm, lab

09/07/2024 06:20
Thúy Quỳnh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Là một trong những ngành Khoa học cơ bản, Hóa học đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế - xã hội của đất nước.

Những kiến thức ngành Hóa học rất cần thiết và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, không chỉ cung cấp kiến thức cơ bản mà còn mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực y sinh, vật liệu mới, xử lý ô nhiễm môi trường, phát triển nguồn năng lượng bền vững,...

Tuy nhiên, ngành học này lại chưa được nhiều thí sinh quan tâm, trong khi nhu cầu nhân lực có chuyên môn Hóa học ngày một lớn. Đây cũng là tình trạng chung của các nhóm ngành Khoa học cơ bản. Một trong những lý do có thể kể đến là nhận thức của xã hội chưa đầy đủ về tầm quan trọng của các ngành Khoa học cơ bản, trong đó có ngành Hóa học.

Thách thức cạnh tranh với các ngành học hot

Thực tế hiện nay cho thấy, sự quan tâm của các thí sinh đổ dồn về các ngành học hot như Kinh tế, Công nghệ,...đã khiến các ngành Khoa học cơ bản, trong đó có ngành Hóa học phải đối diện với nhiều thách thức.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Khiếu - Trưởng khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho biết : “Trong giai đoạn từ năm 2017 – 2021, chúng tôi chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng số lượng sinh viên tuyển sinh vào ngành Hóa. Và hầu như không có năm nào đạt chỉ tiêu. Tuy nhiên trong 2 năm trở lại đây thì tình hình tuyển sinh đã khởi sắc lên nhiều. Đồng nghĩa với việc cách nhìn nhận và lựa chọn ngành học của các bậc phụ huynh và học sinh đã có nhiều biến chuyển tích cực”.

So sánh với các ngành học khác tại Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế), Hóa học thuộc nhóm ngành mà số lượng tuyển sinh còn “khiêm tốn”, đứng sau các ngành như Công nghệ thông tin, Kiến trúc, Báo chí,...

unnamed.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Khiếu - Trưởng khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế. Ảnh: NVCC

“Một trong những thách thức lớn đó là sự suy giảm trong số lượng thí sinh chọn ngành Hóa học dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Các doanh nghiệp sản xuất hằng năm tuyển dụng số lượng lớn nhân lực có chuyên môn Hóa học, tuy nhiên họ luôn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng cả về số lượng và chất lượng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh” - thầy Khiếu nói.

Với các cơ sở đào tạo, thách thức trong đào tạo ngành học này là có thể gặp khó khăn trong đầu tư cho cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, cải tiến nội dung và điều kiện học. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nhân lực dẫn đến định hướng phát triển khoa học công nghệ gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi về ngành học này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Mỷ - Phó trưởng khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Nếu sự quan tâm đến ngành Hoá học bị suy giảm, có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn trong tương lai.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành mà còn có thể làm chậm quá trình đổi mới, cải tiến của các ngành công nghiệp và hoạt động nghiên cứu khoa học”.

Cũng theo Tiến sĩ Mỷ, trong những năm gần đây, tình hình tuyển sinh ngành Hoá học tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tương đối ổn định và đạt chỉ tiêu tuyển sinh đề ra.

Tuy nhiên, so với các ngành học khác thì ngành Hóa học không phải là ngành có chỉ tiêu tuyển sinh lớn nhất. Đối với những ngành học khó tuyển sinh, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để thu hút thí sinh tham gia tìm hiểu ngành học như: Tuyên truyền và quảng bá ngành học trên các phương tiện truyền thông, đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ và học bổng, không ngừng cải thiện chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất,... Ngoài ra, việc xây dựng môi trường học tập thân thiện, hỗ trợ sinh viên trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu cũng được nhà trường đặc biệt chú trọng.

Học ngành Hóa học không phải chỉ ở trong phòng thí nghiệm

Nhắc đến ngành Hóa học, các thí sinh có thể tưởng tượng ra ngay hình ảnh người nghiên cứu mặc áo blouse trắng, găng tay trắng, tay cầm các dụng cụ thí nghiệm, tiến hành các phản ứng hóa học trong phòng thí nghiệm. Bởi đó đã là một hình ảnh gắn liền với ngành Hóa học từ lâu nay.

Điều này vô tình khiến nhiều thí sinh “e dè” vì nhầm tưởng rằng học ngành Hóa học là chỉ ở trong phòng thí nghiệm.

unnamed (1).jpg
Sinh viên khoa Hóa - Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế trong giờ thực hành tại phòng thí nghiệm. Ảnh: NTCC

Về vấn đề này, Tiến sĩ Mỷ cho rằng, định kiến học ngành Hóa học chỉ ở trong phòng thí nghiệm là chưa thực sự đúng và phản ánh không đầy đủ về tính đa dạng và bản chất của ngành này.

Ngành Hóa học không chỉ giới hạn ở trong phòng thí nghiệm mà còn bao gồm nhiều hoạt động khác nhau như nghiên cứu lý thuyết phát triển công nghệ mới, quản lý dự án và thậm chí là làm việc trong các lĩnh vực như kinh doanh, pháp lý và quản lý môi trường.

Các sinh viên khi theo học ngành Hóa học tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được cung cấp những kiến thức nền tảng theo chuẩn chương trình đào tạo bao gồm các học phần chuyên ngành về Hoá học hữu cơ, Hóa vô cơ, Hóa phân tích, Hóa lý và nhiều học phần chuyên ngành khác. Bên cạnh đó, các bạn còn được phát triển nhiều kỹ năng quan trọng như phân tích , giải quyết vấn đề, tư duy logic và kỹ năng làm việc nhóm,... Những kỹ năng này đều rất hữu ích và có thể áp dụng vào nhiều ngành nghề ở những lĩnh vực khác nhau, không riêng gì lĩnh vực Hóa học.

unnamed (2).jpg
Sinh viên ngành Hóa học - Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tham gia Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học. Ảnh: NTCC

Thầy Mỷ nhấn mạnh thêm, các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm là một phần không thể thiếu trong việc học và nghiên cứu lĩnh vực Hoá học, nhưng đó chỉ là một khía cạnh của ngành này.

Bên cạnh các thí nghiệm thực hành, sinh viên theo học ngành Hóa còn được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm như thực tập nghề nghiệp, tham gia hội thảo, hội nghị khoa học, các dự án nghiên cứu thực tế tại các doanh nghiệp và viện nghiên cứu có liên kết đào tạo.

So với chương trình Hóa học ở bậc phổ thông, chương trình Hóa học ở bậc đại học chuyên sâu và phức tạp hơn và có tính ứng dụng hơn rất nhiều. Điều này đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho các bạn.

Do vậy, đòi hỏi các bạn sinh viên phải trau dồi sự hiểu biết sâu rộng, khả năng tư duy logic và phân tích các vấn đề phức tạp. Cùng với đó, để có thể tiếp thu kiến thức một cách chủ động và đầy đủ, sinh viên cần nâng cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu tham gia thảo luận nhóm và thực hiện các dự án nghiên cứu độc lập.

Sinh viên ngành Hóa học có nhiều cơ hội việc làm

Có một điều khiến nhiều thí sinh băn khoăn khi lựa chọn ngành học, đó là học ngành này cơ hội việc làm bó hẹp ở trong một lĩnh vực? Tuy nhiên, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Khiếu cho biết, sinh viên tốt nghiệp ngành Hóa học có triển vọng nghề nghiệp vô cùng rộng mở với nhiều vị trí việc làm đa dạng : “Sau khi tốt nghiệp, có rất nhiều vị trí công việc thú vị khác cho một cử nhân hay kỹ sư Hóa học lựa chọn chứ không gói gọn ở các thí nghiệm, trong phòng lab.”

Thầy Khiếu cho rằng, ngành Hóa học đem lại cho các bạn sinh viên cơ hội nghề nghiệp rất tươi sáng. Tùy vào khả năng, sở thích mà các bạn có thể lựa chọn vị trí việc làm phù hợp với mình.

Đối với các bạn yêu thích tìm tòi, sáng tạo thì có thể tìm những công việc ở bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm, đây sẽ là nơi cho các bạn thỏa thích sáng tạo, tìm tòi và nghiên cứu ra sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.

Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp ngành Hóa học còn có thể đảm nhiệm một số công việc như sau : Bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm, làm việc ở các viện, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng để phục vụ cho khoa học và cộng đồng, giảng dạy ở các trường cao đẳng, đại học và nhiều ngành công nghiệp khác có liên quan.

unnamed (3).jpg
Tổng giám đốc công Ty Tokans, ông Arima ( thứ 5 từ phải qua trái ) làm việc với khoa Hóa - Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế và các em sinh viên có nguyện vọng làm việc ở Nhật Bản. Ảnh: NTCC

Thêm một yếu tố nữa khiến cho các sinh viên ngành Hóa học có thể yên tâm về cơ hội việc làm của mình, đó là bối cảnh của sự phát triển công nghiệp và nghiên cứu khoa học hiện nay đã thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu về nhân lực có chuyên môn trong lĩnh vực Hóa học, đặc biệt trong các lĩnh như công nghiệp hóa chất, dược phẩm, xử lý môi trường và công nghệ vật liệu mới,...

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tỉ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Hóa học tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh những năm qua là khá tốt. Khảo sát việc làm năm 2023 cho thấy tỷ lệ trên 80% sinh viên tốt nghiệp ngành Hóa học có việc làm tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Tốt nghiệp năm 2023, anh Trần Quang Trường (cựu sinh viên ngành Hóa học Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) hiện nay đang làm ở Công ty Cổ phần Tập đoàn KKS Đồng Nai cho biết : “Mình thích theo học ngành Hóa vì nhận thấy tương lai của ngành này rất rộng mở, ngành này liên quan đến nhiều mảng, rất nhiều lĩnh vực cần đến kiến thức Hóa học. Quan trọng là mình phải có đam mê, có nỗ lực”.

Dành lời khuyên cho các bạn sinh viên ngành Hóa học, anh Trường nói rằng, khi còn ngồi trên ghế nhà trường các bạn cần chịu khó nghiên cứu, học hỏi để có kiến thức từ thực tiễn, từ đó đáp ứng tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng cũng như công việc sau này.

Trần Thị Thanh Hoa, sinh viên năm thứ ba đang theo học tại khoa Hóa - Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho biết: “Sau quá trình rèn luyện và tham gia phỏng vấn chương trình Học bổng Internship do nhà trường kết hợp cùng Hiệp hội hỗ trợ Internship và Công ty Nippon Tsubasa Education, hiện nay em đã trúng tuyển để sang Nhật thực tập trong vòng 1 năm”.

Với sự cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân cũng như sự quan tâm, tạo điều kiện đến từ phía các thầy cô trong khoa, trường, Hoa cho biết rất yên tâm về cơ hội việc làm của mình.

Trả lời về dự định sau khi tốt nghiệp, nữ sinh chia sẻ: “Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, cơ hội việc làm liên quan đến ngành Hóa là rất lớn nên sau khi tốt nghiệp, em dự định sẽ làm trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sản phẩm”.

Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Khiếu cho biết, ở Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đã triển khai đa dạng các phương thức quảng bá tuyển sinh. Ngoài các phương thức thông thường như dựa vào truyền thông, mạng xã hội, trường cũng tổ chức một vài chương trình có dấu ấn riêng, mang bản sắc riêng và đem lại những hiệu quả rõ rệt.

Ví dụ như chương trình Open Day – ngày hội sáng tạo, ở đó các em học sinh trung học phổ thông được đến trường và tham gia trực tiếp vào các hoạt động trải nghiệm ở các khoa và bộ môn của trường, giúp các em hiểu rõ hơn về ngành nghề và mở rộng tầm nhìn hơn. Cùng với đó là chương trình dạy hướng nghiệp ở các trường trung học phổ thông trong và ngoài tỉnh, đưa hình ảnh và chất lượng đội ngũ giảng viên của trường đến gần hơn với các trường trung học phổ thông.

Ngoài ra, nhà trường cải tiến chất lượng đào tạo và thay đổi chương trình sao cho phù hợp với thực tiễn. Cụ thể song song với Ngành Hóa học (hệ cử nhân 4 năm), Khoa mở thêm ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học (hệ kỹ sư 4.5-5 năm), chú trọng đến thực hành ở nhà máy, để sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc được ngay.

Còn ở Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, thầy Mỷ cho hay, để cung cấp rộng rãi những thông tin chi tiết về các ngành học, chương trình đào tạo và cơ hội nghề nghiệp đến với các thí sinh và phụ huynh, nhà trường liên tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các ngày hội tuyển sinh và hướng nghiệp,... Bên cạnh đó, nhà trường không ngừng cải thiện chất lượng đào tạo, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất để tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên tham gia học tập.

Thúy Quỳnh