Học ngành Kỹ thuật máy tính có ưu thế việc làm về thiết kế vi mạch bán dẫn

05/07/2024 06:43
Minh Quân
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Học ngành Kỹ thuật máy tính sinh viên được làm quen với một hệ thống tính toán hoàn chỉnh gồm phần cứng, phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng.

Ngành Kỹ thuật máy tính, thuộc nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin, luôn thu hút nhiều sự quan tâm của phụ huynh và học sinh trong bối cảnh công nghệ là nền tảng phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của tương lai.

Tuy nhiên, nhiều thí sinh vẫn còn băn khoăn và có nhầm lẫn giữa ngành Kỹ thuật máy tính với các ngành trong cùng lĩnh vực khác như: Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm,…

Phân biệt Kỹ thuật máy tính với Khoa học máy tính và Kỹ thuật phần mềm

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Cường, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật máy tính, Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, cả ba ngành Kỹ thuật máy tính, Khoa học máy tính và Kỹ thuật phần mềm đều liên quan đến máy tính và công nghệ thông tin nói chung, xoay quanh việc sử dụng các hệ thống tính toán để phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau từ đơn giản đến phức tạp.

“Cụ thể, ngành Kỹ thuật máy tính giảng dạy sinh viên tất cả vấn đề liên quan đến một hệ thống tính toán hoàn chỉnh gồm phần cứng, phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng. Từ đó, sinh viên có thể lập trình và phát triển các ứng dụng không chỉ thực thi được trên máy tính cá nhân mà còn trên các board mạch hệ thống nhúng và hệ thống tính toán chuyên biệt như hệ thống đa nhân, GPU hay các chip phần cứng lập trình được.

Đặc biệt trong xu thế tính toán trí tuệ nhân tạo trên các nền tảng điện toán biên (Edge-AI), sinh viên ngành Kỹ thuật máy tính có thế mạnh vì nắm vững kiến trúc cũng như các ưu nhược điểm của các hệ thống xử lý điện toán biên.

Riêng tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên Kỹ thuật máy tính còn được trang bị kiến thức liên quan đến thiết kế vi mạch để có thể tham gia vào quá trình thiết kế, kiểm thử và chế tạo một chip bán dẫn.

Về Khoa học máy tính, ngành này tập trung phát triển và cải tiến các giải thuật, các mô hình tính toán trí tuệ nhân tạo, các mô hình ngôn ngữ lớn và các phương pháp xử lý dữ liệu nói chung. Ngành Kỹ thuật phần mềm tập trung vào việc sử dụng các giải thuật, mô hình và các thư viện để thiết kế, phát triển và kiểm tra phần mềm phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau của các tổ chức, cá nhân”, thầy Cường phân tích.

z5601457390077_808cc0bcbdd2c2b598d6bdc79bcaa3b9.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Cường, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật máy tính, Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mỹ Hà, Phó Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh giải thích: “Ngành Kỹ thuật máy tính được xây dựng dựa trên nền tảng những kiến thức cơ bản, hiểu biết về điện tử và phần cứng máy tính. Từ đó, sinh viên có thể phát triển những phần mềm, ứng dụng sao cho đạt hiệu năng cao nhất.

Đặc biệt, trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, số lượng máy tính nhúng, phần cứng IoT tăng lên không ngừng đòi hỏi kỹ sư lập trình phải có đủ hiểu biết về phần cứng để tối ưu được phần mềm thực thi trên nền tảng phần cứng đó.

Bên cạnh đó, với thế mạnh của khoa Điện – Điện tử, thiết kế vi mạch là một trong những hướng chính của ngành Kỹ thuật máy tính tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Song song với đó, trí tuệ nhân tạo cũng được cập nhật là một trong những lựa chọn chuyên ngành hẹp của sinh viên”.

Về chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật máy tính, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Cường cho hay, điểm giống của ngành này với Khoa học máy tính và Kỹ thuật phần mềm là sinh viên được trang bị đầy đủ các kiến thức cơ sở của máy tính và công nghệ thông tin nói chung như lập trình, tổ chức dữ liệu, hệ điều hành, mạng, các mô hình tính toán, công nghệ và giải thuật hiện đại như AI, bảo mật dữ liệu, xử lý dữ liệu lớn.

Trong khi đó, điểm khác biệt của ngành Kỹ thuật máy tính là sinh viên được trang bị thêm kiến thức liên quan đến các hệ thống tính toán chuyên biệt như hệ thống tính toán hiệu năng cao, hệ thống nhúng, hệ thống điện toán biên nơi các tài nguyên tính toán và cách thức giao tiếp giữa các thành phần trong hệ thống tính toán khác nhau. Bên cạnh đó, ngành Kỹ thuật máy tính còn trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng liên quan đến thiết kế vi mạch nhằm hướng đến việc tạo ra các chip xử lý phục vụ cho nhu cầu tính toán ở các mức khác nhau.

Gắn đào tạo với thực hành, thực tế tại doanh nghiệp

Chia sẻ về các hoạt động thực hành của sinh viên, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật máy tính, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Tại trường, sinh viên sẽ được đi thực tập tại doanh nghiệp liên quan trong tối thiểu 8 tuần vào hè năm thứ 3. Bên cạnh đó, Bộ môn và Khoa liên tục hợp tác với các doanh nghiệp tổ chức hội thảo, seminar chuyên đề phục vụ cập nhật kiến thức mới về công nghệ và yêu cầu trong công nghiệp cho sinh viên. Các hoạt động như ngày hội việc làm, hội nghị doanh nghiệp và các ngày hội kỹ thuật được tổ chức định kỳ hàng năm cũng tạo cơ hội cho sinh tiếp xúc với doanh nghiệp và các cựu sinh viên của ngành.

Bên cạnh đó, xu thế của những năm gần đây là sinh viên thực hiện công bố khoa học ngay khi làm các đồ án liên quan đến học phần tốt nghiệp. Sinh viên của ngành Kỹ thuật máy tính nói riêng và của Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính nói chung luôn được tạo điều kiện tham gia nghiên cứu khoa học với các thầy cô và thực hiện viết các bài báo khoa học. Đã có những sinh viên có những công bố uy tín trong Scopus và ISI với vai trò tác giả đứng đầu trong những năm gần đây”.

Sinh viên SPKT.jpg
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh trong phòng thí nghiệm thực hành. (Ảnh: website nhà trường)

Chị Phạm Lê Song Ngân, cựu sinh viên ngành Kỹ thuật máy tính tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Các sinh viên năm nhất hiện nay đã được kết nối với nhiều cựu sinh viên trong lĩnh vực từ sớm để định hướng ngành học và nghề nghiệp tương lai qua các buổi seminar do nhà trường, khoa và các doanh nghiệp tổ chức.

Ngoài ra, các nhóm nghiên cứu và thực hiện dự án khoa học cũng được nhà trường và khoa chú trọng hơn với sự dẫn dắt của các giáo sư, tiến sĩ, giảng viên có kinh nghiệm. Đây cũng là môi trường giúp các bạn phát huy khả năng nghiên cứu, tìm hiểu xu hướng khoa học, làm dự án thực tế cùng các thầy cô và có cơ hội được báo cáo công trình tại hội nghị khoa học, tạp chí khoa học uy tín”.

Chị Ngân.jpg
Chị Phạm Lê Song Ngân, cựu sinh viên ngành Kỹ thuật máy tính, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Là một ngành học đòi hỏi nhiều thao tác tính toán và phải liên tục cập nhật các xu thế mới trên thế giới, giảng viên và cựu sinh viên cho rằng người học cần hội tụ nhiều phẩm chất để theo đuổi được Kỹ thuật máy tính.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Cường nhận định: “Người học Kỹ thuật máy tính cần có các kỹ năng liên quan đến suy luận logic, tính toán và sắp xếp các công việc theo một trình tự, bởi đây là nền tảng của tư duy lập trình. Sinh viên cũng nên là người học tốt các môn Toán, Lý và khoa học tự nhiên. Thêm vào đó, tiếng Anh là điều kiện cần thiết với ngành này để người học có thể tự cập nhật kiến thức, công nghệ mới và xu thế phát triển của ngành”.

Đồng quan điểm, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mỹ Hà, Kỹ thuật máy tính là ngành học kỹ thuật đặc thù, đòi hỏi người học phải có đam mê với lĩnh vực kỹ thuật, thích tìm tòi học hỏi; đặc biệt, tư duy thiết kế và tư duy lập trình chiếm phần quan trọng. Học sinh cần học tốt các môn học nền tảng như Toán, Vật lý, Tiếng Anh để có thể lĩnh hội tốt nhất kiến thức chuyên ngành liên quan.

Trong khi đó, theo chị Song Ngân, hiện nay, số lượng doanh nghiệp trong ngành vi mạch bán dẫn đang dần gia nhập nhiều vào thị trường Việt Nam. Các công ty đang cạnh tranh nhau bằng mức lương thưởng để tuyển được nhân sự chất lượng cao, trong đó có kỹ sư Kỹ thuật máy tính. Để đạt được những vị trí việc làm tốt, theo chị Song Ngân, các bạn sinh viên cần chuẩn bị tốt kiến thức sâu về lĩnh vực bán dẫn, kiến trúc vi mạch, quy trình sản xuất, các vật liệu bán dẫn, các công nghệ tiên tiến và khả năng ứng dụng vào lĩnh vực; kỹ năng lập trình với đa dạng ngôn ngữ, thành tạo các công cụ thiết kế EDA và một số kỹ năng mềm như tiếng Anh, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo, khả năng tự học,... Chính vì thế, khi kết hợp việc học trên giảng đường với các hoạt động thực hành, thực tế tại doanh nghiệp sẽ giúp các bạn trẻ có nhiều cơ hội việc làm hơn trong tương lai.

Thách thức cho nhà trường nhưng là cơ hội để người học có công việc tốt

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Cường, với sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin nói chung và nhu cầu ngày càng cao của các nhà tuyển dụng, một thách thức trong công tác đào tạo Kỹ thuật máy tính của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là đội ngũ giảng dạy hiện tại có số lượng hạn chế, đặc biệt là thiếu nhân sự có trình độ tiến sĩ mặc dù nhà trường đã và đang có nhiều chính sách để thu hút nhân lực.

Ngoài ra, một thách thức khác là đảm bảo trang thiết bị cơ sở vật chất để cung cấp đủ kiến thức nền tảng và cả công nghệ mới cho sinh viên. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhà trường luôn được các doanh nghiệp lớn như Bosch, Renesas, VNG,... và các trường đối tác hỗ trợ trang thiết bị và công cụ để phục vụ đào tạo.

Từ sau đại dịch Covid-19, ngành công nghệ thông tin ở một số quốc gia trên thế giới đã trải qua nhiều đợt sa thải hàng loạt khiến nhiều thí sinh có tâm lý e ngại khi lựa chọn các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có ngành Kỹ thuật máy tính.

Nhận định về hiện tượng này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Cường phân tích: “Đúng là trong những năm gần đây, có những đợt sa thải từ các công ty hoạt động ở lĩnh vực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ các con số, phần lớn các doanh nghiệp công nghệ lớn như Google, Microsoft, Tiktok sa thải nhân viên liên quan đến mảng vận hành, bán hàng trực tuyến và chăm sóc khách hàng thay vì nhân sự trực tiếp làm công nghệ thông tin.

Mặc dù vẫn có các nhân sự làm việc trực tiếp đến công nghệ thông tin như lập trình viên bị sa thải, nhưng số này hầu như tập trung ở những công ty startup bùng nổ trong giai đoạn Covid-19.

Vì vậy, ngành công nghệ thông tin vẫn có sức hút lớn và nhu cầu tuyển dụng cao. Ở thị trường Việt Nam, hiện tại nhu cầu nhân lực liên quan đến công nghệ thông tin và thiết kế chip vẫn đang ở mức cao”.

Thầy Cường cho biết, sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật máy tính của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có khả năng làm được nhiều công việc ở các mảng khác nhau tại các công ty lớn với lương thưởng cao do được trang bị kiến thức từ phần cứng đến phần mềm. Cụ thể:

Công ty Bosch có các vị trí việc làm liên quan đến hệ thống nhúng, các ứng dụng trên nền tảng nhúng trong xe hơi và các thiết bị thông minh;

Công ty VNG có các vị trí phát triển các sản phẩm AI trên các nền tảng tính toán không phải là máy tính cá nhân;

Các công ty chuyên về thiết kế vi mạch như Renesas, Marvell, Synopsys,.. có các vị trí kỹ sư thiết kế và kiểm thử các vi mạch;

Ngoài ra, sinh viên cũng có thể làm việc tại những công ty liên quan đến bảo mật và an ninh mạng, những công ty liên quan đến các hệ thống tự động hoá trong các lĩnh vực như nông nghiệp thông minh, sản xuất công nghiệp,...

Ảnh sinh viên.jpg
Sinh viên tham gia hoạt động tại tại Ngày hội Kỹ thuật lần II - năm học 2023 - 2024 của Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: webiste nhà trường)

Bên cạnh cơ hội việc làm rộng mở, sinh viên ngành Kỹ thuật máy tính có thể tiếp tục học lên bậc cao học hoặc làm nghiên cứu sinh ở trong và ngoài nước để phát triển sự nghiệp theo con đường nghiên cứu và giảng dạy.

Đang làm việc ở vị trí kỹ sư chính tại Marvell Việt Nam, chị Song Ngân cho biết công ty mở các vị trí thực tập từ 3 đến 6 tháng dành cho các bạn sinh viên năm 3 đại học thuộc lĩnh vực thiết kế vi mạch, trải dài từ khâu thiết kế ban đầu cho đến quá trình kiểm thử chip sau khi sản xuất ra sản phẩm. Sinh viên được hướng dẫn và định hướng phát triển sự nghiệp tại công ty sau khi các bạn hoàn thành thực tập. Yêu cầu và đãi ngộ có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí công việc, kỹ năng ứng viên, quy mô và ngành nghề doanh nghiệp.

Đối với các kỹ sư làm việc chính thức tại Marvell, bên cạnh lương và các phúc lợi, công ty còn thưởng cho nhân sự bằng cổ phiếu của chính doanh nghiệp được niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế NASDAQ. Đây cũng là một phúc lợi hấp dẫn khác mà ít doanh nghiệp Việt Nam áp dụng cho nhân viên.

Minh Quân