Tốt nghiệp ngành Hải dương học không chỉ để đi khảo sát trên biển

01/08/2024 08:40
Thúy Quỳnh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ngành Hải dương học góp phần quan trọng vào công tác nghiên cứu và quản lý biển. Sau khi tốt nghiệp, người học có thể làm ở rất nhiều vị trí khác nhau.

Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260km trải dài từ Bắc xuống Nam với vùng lãnh hải rộng lớn, đây chính là lợi thế để phát triển các ngành nghề về nghiên cứu, quản lý biển.

Tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, ngành Hải dương học tập trung vào nghiên cứu, phân tích và tìm hiểu các quy luật biến động các quá trình vật lý, hóa học và sinh học – sinh thái biển.

Hiện nay, nhu cầu nhân lực của ngành này rất lớn, tuy nhiên, những năm gần đây ngành Hải dương học lại khó thu hút thí sinh đăng ký học. Một trong những nguyên nhân là do nhiều thí sinh chưa hiểu đúng về tầm quan trọng và cơ hội việc làm của ngành học này.

Ngành Hải dương học góp phần quan trọng vào công tác nghiên cứu và quản lý biển tại Việt Nam

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Tiến Đạt - Trưởng bộ môn Khoa học và Công nghệ Biển - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Hải dương học là ngành tương đối mở, có thể liên kết với các ngành khác. Chính vì vậy, sinh viên theo học ngành Hải dương học được cung cấp những kiến thức rất đa dạng.

Cụ thể, sinh viên được học các kiến thức về vật lý biển, hóa học biển, sinh học và sinh thái biển, các kiến thức liên quan đến các quá trình thủy động lực học (sóng, thủy triều, dòng biển,...).

Bên cạnh đó, để đáp ứng tốt yêu cầu của ngành học cũng như công việc sau khi tốt nghiệp, các bạn sinh viên còn được trau dồi thêm những kỹ năng thực tế khác.

“Nếu chỉ nói về kiến thức là chưa đủ, mà sinh viên cần phải có nhiều kỹ năng khác. Ví dụ, để giải quyết các bài toán về Hải dương học, sinh viên cần có kỹ năng lập trình tính toán, sử dụng các phần mềm và công cụ hiện đại như hệ thống máy tính.

Sinh viên ngành Hải dương học không chỉ được cung cấp kiến thức theo đúng khung chương trình đào tạo mà còn được trang bị những kỹ năng về khoa học máy tính, kỹ năng phân tích và xử lý số liệu, kỹ năng phân tích tổng hợp, kỹ năng sử dụng các mô hình - mô phỏng,...”, thầy Đạt chia sẻ.

GDVN_thay dat.jpg
Tiến sĩ Phạm Tiến Đạt - Trưởng bộ môn Khoa học và Công nghệ Biển, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Thúy Quỳnh

Để học tốt ngành Hải dương học, sinh viên cần có kiến thức nền tảng về Toán, Vật lý, tư duy tổng hợp chắc chắn để bao quát và giải quyết được toàn diện vấn đề.

Ngoài trang bị các kiến thức, kỹ năng làm việc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chú trọng đến hoạt động thực tập, thực tế của sinh viên, tạo điều kiện để các bạn sinh viên có nhiều cơ hội “học đi đôi với hành”.

“Thực tập, thực tế là một trong những nội dung rất quan trọng với sinh viên, bởi trải nghiệm ngoài thực tế và tại cơ quan chuyên môn sẽ giúp các em được cọ xát nhiều hơn, hình dung được công việc thực tế.

Để tạo điều kiện cho sinh viên có nhiều cơ hội quan sát, thực tập thì ngoài các đối tác truyền thống như Viện Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Địa lý, chúng tôi cũng mở rộng các đối tác mà sinh viên có thể đến thực tập như: Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công ty Cổ phần Tư vấn và Kỹ thuật Hạ tầng Giao thông – CEOTIC.

Những cơ quan vừa có tính quản lý nhà nước vừa có tính chuyên môn sẽ là nơi rất tiềm năng để sinh viên thực tập và tìm kiếm cơ hội việc làm”, thầy Đạt nhấn mạnh.

Bạn Phan Nguyễn Hoàng Nam, sinh viên K66 ngành Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên chia sẻ: “Khi mới vào học ngành này, bản thân em cảm thấy khá choáng ngợp vì ngành Hải dương học có nhiều kiến thức chuyên sâu.

Tuy nhiên sau một thời gian học tập và được các thầy cô đồng hành thì em đã thích nghi được và thấy hứng thú hơn khi hiểu rõ đại dương đóng vai trò quan trọng như thế nào trên Trái Đất.

Đây cũng là lý do em muốn được học chuyên sâu và tìm hiểu thêm kiến thức về ngành học này. Nhờ các chuyến đi thực tế, thực tập, em được tiếp xúc và làm quen với việc sử dụng máy móc, thiết bị liên quan đến ngành học có thể ứng dụng được sau khi ra trường”.

Chia sẻ về thế mạnh trong công tác đào tạo, Tiến sĩ Phạm Tiến Đạt cho hay, có thể khẳng định một trong những thế mạnh lớn của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên nói chung và của ngành Hải dương học nói riêng đó là nhà trường có truyền thống đào tạo cơ bản và chuyên sâu hàng đầu Việt Nam.

c7ca31458fab2af573ba.jpg
Sinh viên ngành Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đi thực tập trên biển. Ảnh: NTCC

“Ngành Hải dương học tự hào là ngành đào tạo góp phần trực tiếp và rất quan trọng trong công tác nghiên cứu và quản lý biển tại Việt Nam.

Với truyền thống đào tạo đã gần 60 năm, qua nhiều thế hệ cán bộ giảng viên, chúng tôi đã đào tạo rất nhiều cử nhân khoa học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Phần lớn trong số họ đã và đang trực tiếp làm việc tại các cơ quan chuyên môn liên quan tới biển trên khắp đất nước ở cả lĩnh vực quản lý và nghiên cứu khoa học biển. Chính điều đó đã góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển, góp phần bảo vệ an ninh - quốc phòng của Tổ quốc trên biển”, thầy Đạt thông tin.

Với thế hệ cán bộ giảng dạy đi trước là các giáo sư đầu ngành về nghiên cứu biển tại Việt Nam như Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Tố; cố Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Ưu và nhiều thầy cô khác; đội ngũ cán bộ giảng viên hiện nay của Bộ môn Khoa học công nghệ biển là sự kết hợp và tiếp nối giữa các thầy cô nhiều kinh nghiệm, chuyên môn cao và các giảng viên trẻ đã được đào tạo bài bản tại các nước tiên tiến.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác giảng dạy và giải quyết những bài toán lớn cho vùng biển Việt Nam. Đặc biệt, đội ngũ giảng viên bộ môn, khoa và nhà trường luôn không ngừng đổi mới, cập nhật nội dung giảng dạy để theo kịp xu hướng và yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Biến thách thức thành cơ hội để đổi mới ngành học, nâng cao chất lượng

Theo Tiến sĩ Phạm Tiến Đạt, thực trạng diễn ra trong những năm gần đây cho thấy, sự quan tâm của các thí sinh thường hướng về những ngành học “hot”, xã hội có nhiều thông tin. Điều này dẫn đến những thách thức không nhỏ đối với nhóm ngành Khoa học Trái Đất, trong đó có ngành Hải dương học.

“Khó khăn trong công tác tuyển sinh đặt ra nhiều thách thức trong công tác đào tạo ngành Hải dương học. Nhưng chúng tôi cũng nhìn thấy những cơ hội từ trong thách thức đó.

Chúng tôi có cơ hội nhìn lại mình, thay đổi và cập nhật tốt hơn, đa dạng hóa các nội dung giảng dạy phù hợp với thực tiễn công việc để giúp các sinh viên được tiếp thu những kiến thức, kỹ năng cần thiết đáp ứng được nhu cầu công việc sau này”, thầy Đạt cho biết.

Theo thầy Đạt, giữa những thách thức cạnh tranh với các ngành học đang "hot", các thầy cô bộ môn Hải dương học luôn cố gắng cập nhật các phương pháp giảng dạy, phương pháp tiếp cận cũng như giảm tải những kiến thức mang nặng tính hàn lâm, bổ sung thêm những kiến thức, kỹ năng giúp sinh viên có thể ứng dụng vào thực tiễn. Từ đó, góp phần đào tạo nguồn nhân lực kế cận đạt chuẩn về kiến thức, kỹ năng và thái độ cho lĩnh vực biển của đất nước.

Trong những năm gần đây, ngành Hải dương học nhận được sự quan tâm đặc biệt đến từ nhà trường cũng như Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hàng năm, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đều tham gia ngày hội tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh ở các địa phương, các trường trung học phổ thông và có sự tham gia của cán bộ Khoa, giảng viên Bộ môn nhằm thông tin rộng rãi đến các thí sinh.

Bên cạnh đó, công tác quảng bá ngành học cũng được đẩy mạnh trên các kênh truyền thông, mạng xã hội của trường.

Sinh viên theo học ngành Hải dương học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội không chỉ được thụ hưởng truyền thống đào tạo lâu đời của nhà trường mà còn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của đội ngũ giảng viên cả về mặt vật chất và tinh thần.

Để khuyến khích các sinh viên nâng cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu, nhà trường cùng Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học luôn cố gắng để mang lại nhiều chính sách, học bổng hỗ trợ cho các em. Mỗi khóa học, sẽ có 05 suất học bổng cho sinh viên của ngành với tổng giá trị cao nhất lên tới 140 triệu đồng/sinh viên/khóa và số suất học bổng hàng năm do hiệu trưởng quyết định tùy thuộc vào số lượng và chất lượng hồ sơ ứng tuyển.

Bên cạnh đó, từ năm học 2022 -2023, Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai thí điểm các suất học bổng cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Trong đó, sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên được cấp học bổng 9 ngành học bao gồm: Tài năng Toán học, Tài năng Vật lý, Tài năng Hóa học, Tài năng Sinh học, Địa lý tự nhiên, Địa chất học, Tài nguyên và môi trường nước, Công nghệ kỹ thuật hạt nhân và Hải dương học.

Ngoài ra, sinh viên được ưu tiên xét và nhận các học bổng khác, có mức hỗ trợ cao hơn của Đại học Quốc gia Hà Nội nếu đáp ứng yêu cầu; sinh viên được nhận tham gia chương trình ươm tạo nhà khoa học, được phân công nhà khoa học đỡ đầu, tham gia nghiên cứu khoa học, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế trong suốt quá trình học…

Học ngành Hải dương học không chỉ làm công việc nghiên cứu

Theo Tiến sĩ Phạm Tiến Đạt, với tính chất là ngành học tương đối mở và tầm quan trọng của Hải dương học đối với sự phát triển trong lĩnh vực biển của đất nước, sinh viên tốt nghiệp ngành này có nhiều cơ hội việc làm ở các cơ quan Nhà nước hoặc các tổ chức, công ty tư nhân.

Trước đây nhiều người vẫn nghĩ học các ngành khoa học, nghiên cứu cơ bản thì chỉ làm về nghiên cứu. Điều này đúng nhưng chưa phản ánh đầy đủ về cơ hội vị trí việc làm của ngành này. Với ngành Hải dương học, nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu chuyên sâu là một mảng rất quan trọng, nếu sinh viên có đam mê nghiên cứu thì hoàn toàn có thể tiếp tục theo đuổi.

Bên cạnh đó, các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước về biển như: Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc một số tổ chức phi chính phủ, các công ty thiết kế - tư vấn về công trình biển.

Thầy Đạt cũng cho biết thêm, hiện nay những công việc liên quan đến khảo sát trên biển là lĩnh vực tương đối “khát” nhân lực, đặc biệt là những nhân lực có trình độ chuyên môn, hiểu biết về cơ chế hoạt động máy móc thiết bị, hiểu biết về các chế độ thủy động lực của vùng biển.

Đam mê công việc nghiên cứu, ngay sau khi tốt nghiệp, chị Lê Thị Thanh Huệ (cựu sinh viên K60 ngành Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã ở lại trường làm việc với vị trí nghiên cứu viên tại Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường.

Trước những định kiến về ngành Hải dương học rất vất vả, đặc thù công việc không phù hợp với nữ giới, chị Huệ cho hay: “Việc đi khảo sát ngoài biển chỉ là một phần của công việc, bên cạnh đó ngành này cũng rất cần những người làm việc tại cơ quan để xử lý các công việc chuyên môn như viết báo cáo, phân tích, xử lý kết quả, chạy mô hình mô phỏng, dự báo,... Những công việc này rất phù hợp với nữ giới”.

Anh Trần Quang Hưng (cựu sinh viên ngành Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội) cho biết, ngay sau khi tốt nghiệp anh đã tìm được công việc phù hợp. Hiện tại anh đang làm việc cho một đơn vị tư nhân với chuyên môn khảo sát, phân tích số liệu và nghiên cứu môi trường biển.

“Mong muốn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, bám biển cùng ngư dân và sự thích thú với khoa học tự nhiên đã đưa tôi đến với ngành Hải dương học.

Đây cũng là lý do khiến tôi quyết định theo học và từ đó quyết tâm làm việc trong ngành. Được góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bằng khoa học công nghệ là niềm vui, niềm vinh dự của tôi”, anh Hưng chia sẻ về lý do lựa chọn ngành Hải dương học.

20220523_203035.jpg
Anh Trần Quang Hưng (cựu sinh viên ngành Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội). Ảnh: NVCC

Anh Trần Quang Hưng cũng cho biết thêm, nhìn chung, Hải dương học là một ngành nhiều thử thách, yêu cầu phải nắm chắc cả lý thuyết và ứng dụng.

Đồng thời, ngành học này cũng đòi hỏi phải liên tục cải tiến, nâng cao năng suất và cập nhật kiến thức, từ việc chuẩn bị máy móc đến lập trình tính toán, so sánh phân tích, đưa ra nhận định có cơ sở, viết bài,...

Người làm trong lĩnh vực Hải dương học cần làm chủ nhiều kỹ năng cùng với lượng kiến thức chuyên môn lớn. Điều này đặt ra yêu cầu các bạn sinh viên theo học nếu muốn theo đuổi ngành nghề phải tích cực khai thác nguồn tài nguyên kiến thức và trải nghiệm từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bên cạnh đó, phẩm chất trung thực là quan trọng nhất và cũng là thử thách lớn nhất đối với người làm khoa học biển. Nguyên nhân là bởi kết quả nghiên cứu khoa học biển thường có vẻ bề ngoài “khiêm nhường” nhưng lại có vai trò cốt lõi, thậm chí "sống còn" đối với các sản phẩm công trình biển hoặc các chính sách quy hoạch vùng biển và ven biển của các cơ quan Nhà nước. Chính vì vậy người làm khoa học biển cần trung thực và nhẫn nại với những việc mình đang làm.

Thúy Quỳnh