Trường ĐH cần sớm đề xuất các tổ hợp xét tuyển mới có môn Công nghệ, Tin học

20/08/2024 06:36
Châu Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Hiện nay, các trường đại học đã bắt đầu đề xuất các tổ hợp xét tuyển mới, trong đó có sự góp mặt của môn Công nghệ và Tin học.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 sẽ có nhiều thay đổi. Trong đó, thay đổi lớn nhất là học sinh sẽ thi 4 môn, bao gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn sau: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Các chuyên gia giáo dục và lãnh đạo trường đại học đều cho rằng đây là bước đi cần thiết, đáp ứng xu hướng phát triển xã hội, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Đưa môn Công nghệ và Tin học vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là bước đi cần thiết

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh - Tổng Chủ biên sách giáo khoa Công nghệ, bộ sách Chân trời sáng tạo cho biết việc đưa môn Công nghệ và Tin học vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là hoàn toàn phù hợp với định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo thầy Hồng, Công nghệ và Tin học là môn học bắt buộc ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, tiếp tục là môn học lựa chọn ở cấp trung học phổ thông, cho phép học sinh phát triển toàn diện các phẩm chất và năng lực, đặc biệt là năng lực công nghệ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Hồng nhấn mạnh rằng, việc bổ sung môn Công nghệ và Tin học không chỉ giúp học sinh áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp thuộc lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học).

Thầy Hồng tin rằng, sự hiện diện của môn Công nghệ và Tin học trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ thu hút nhiều học sinh quan tâm và lựa chọn những ngành nghề liên quan đến kỹ thuật, công nghệ. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường lao động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

su pham cn (5).jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh - Tổng Chủ biên sách giáo khoa Công nghệ, bộ sách Chân trời sáng tạo. Ảnh: NVCC

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Đàm - Tổng Chủ biên sách giáo khoa Tin học, bộ sách Cánh diều chia sẻ rằng, việc đưa 2 môn Công nghệ và Tin học vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là bước đi cần thiết và mang tính chiến lược trong việc điều chỉnh mục tiêu dạy và học, từ "học để thi" - quan điểm đã ngự trị hàng chục năm nay sang "học để biết, để làm", thể hiện triết lý “thực học, thực nghiệp”.

Thầy Đàm cho rằng, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, việc tư vấn cho học sinh chọn thi các môn chỉ để dễ đạt kết quả cao, việc học, ôn thi tốt nghiệp lại nhẹ nhàng, nhưng hầu như không có hữu dụng gì nhiều đến ngành nghề Khoa học kỹ thuật, công nghệ, là một sự lãng phí về thời gian và nguồn lực. Điều này thậm chí khiến học sinh thiếu cơ hội chuẩn bị kiến thức và kỹ năng tốt hơn, gây khó khăn cho việc theo đuổi ngành nghề mong muốn ở bậc đại học.

“Thay vì tập trung vào những môn học có lợi trước mắt, chỉ để thi dễ, học nhàn, điểm cao, học sinh cần được trang bị từ sớm các kiến thức cơ bản liên quan đến nghề nghiệp sẽ gắn bó với sự nghiệp của các em suốt cuộc đời”, thầy Đàm nói.

Theo thầy Đàm, việc cho phép học sinh chọn môn thi theo sở thích và định hướng nghề nghiệp là điều hết sức cần thiết. Chính sách này không chỉ đáp ứng được nguyện vọng "học gì thi nấy" của học sinh mà còn giúp các em tập trung vào những môn học thật sự có ý nghĩa cho con đường sự nghiệp sau này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Đàm - Tổng Chủ biên sách giáo khoa Tin học, bộ sách Cánh diều. Ảnh: Thùy Linh
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Đàm - Tổng Chủ biên sách giáo khoa Tin học, bộ sách Cánh diều. Ảnh: Thùy Linh

Tiến sĩ Trần Đức Mạnh - Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cũng đồng tình rằng việc bổ sung hai môn Tin học và Công nghệ vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 sẽ giúp tăng tính linh hoạt trong lựa chọn của học sinh, phù hợp với sở trường và định hướng nghề nghiệp của từng em. Việc này cũng góp phần xóa bỏ sự phân biệt giữa các môn học chính và phụ trong trường phổ thông, tạo ra một môi trường học tập công bằng hơn.

Các trường đại học cần sớm sắp xếp các tổ hợp xét tuyển mới

Có ý kiến lo ngại về số lượng học sinh chọn thi các môn Tin học và Công nghệ sẽ không nhiều vì các tổ hợp xét tuyển đại học hiện tại vẫn chưa có sự xuất hiện của hai môn này. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Đàm cho hay, từ trước đến nay, lý do mà hai môn Công nghệ và Tin học chưa có mặt trong các tổ hợp xét tuyển đơn giản là bởi hai môn này không nằm trong kỳ thi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, đã có những sự thay đổi về tổ hợp xét tuyển trong phương thức xét tuyển học bạ tại một số trường đại học.

Chẳng hạn, Trường Đại học Nha Trang đã đưa môn Tin học vào các tổ hợp xét tuyển theo phương thức xét tuyển học bạ vào năm ngoái. Một số trường khác, như Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức một số năm qua, hồ sơ xét tuyển có điểm thi môn Tin học. Bài kiểm tra kiến thức theo ngành dự tuyển, nhiều ngành liên quan cũng có môn Tin học. Điều này cho thấy sự thay đổi trong tư duy giáo dục đang dần diễn ra.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Đàm cho rằng, khi đã chính thức đưa môn Công nghệ và Tin học trở thành môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chắc chắn các trường đại học sẽ có sự thay đổi trong tổ hợp xét tuyển.

Tuy nhiên, các trường đại học cần sớm công bố các tổ hợp mới để tránh ảnh hưởng đến quyết định của học sinh và phụ huynh. Đây không chỉ là trách nhiệm của các trường đại học mà còn là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống giáo dục trong việc định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, các trường đại học tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cần có một số điều chỉnh, đưa năng lực Tin học và năng lực Công nghệ vào hệ thống các câu hỏi đánh giá. Bởi điều đó không chỉ giúp học sinh chọn đúng môn học theo khả năng sở trường mà còn cải thiện chất lượng tuyển sinh, từ đó chất lượng đào tạo, kết quả đầu ra được nâng cao.

“Muốn phát triển nguồn nhân lực với số lượng lớn, chất lượng cao cho chuyển đổi số, cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc tuyển chọn được học sinh có năng khiếu Tin học, Công nghệ, có tư duy Khoa học máy tính ở những cấp độ khác nhau ở bậc phổ thông là rất cần thiết”, thầy Đàm nêu quan điểm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Hồng cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng cần thiết phải có những tổ hợp xét tuyển bao gồm các môn Công nghệ hoặc Tin học.

Theo thầy Hồng, những tổ hợp này sẽ giúp học sinh tận dụng được kết quả học tập môn Công nghệ ở bậc trung học phổ thông, thông qua học bạ và kết quả kỳ thi tốt nghiệp, để xét tuyển vào đại học và cao đẳng.

Đối với các ngành nghề thuộc lĩnh vực STEM, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Hồng đề xuất bổ sung các tổ hợp như Toán - Vật lý - Công nghệ; Toán - Sinh học - Công nghệ; Toán - Hóa học - Công nghệ; Toán - Vật lý - Tin học; Toán - Công nghệ - Tiếng Anh; và Toán - Tin học - Tiếng Anh.

Đối với ngành Sư phạm Công nghệ, thầy Hồng đề xuất các tổ hợp như Toán - Vật lý - Công nghệ; Toán - Sinh học - Công nghệ; và Toán - Công nghệ - Tiếng Anh.

Đối với ngành Sư phạm Tin học, các tổ hợp Toán - Vật lý - Tin học và Toán - Tin học - Tiếng Anh được cho là phù hợp.

Tiến sĩ Trần Đức Mạnh nói thêm rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc đưa các môn Tin học và Công nghệ vào các tổ hợp xét tuyển đại học là cần thiết để đảm bảo tính toàn diện và khách quan trong giáo dục và đánh giá học sinh.

Nếu học sinh được đăng ký thi tốt nghiệp các môn Công nghệ và Tin học, thì các trường đại học cũng nên sắp xếp các tổ hợp xét tuyển mới bao gồm những môn này. Điều này sẽ giúp học sinh tự tin và yên tâm hơn khi đăng ký các môn học từ lớp 10, đồng thời đảm bảo rằng các tổ hợp xét tuyển sẽ phù hợp với các ngành đào tạo liên quan đến khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

Thầy Mạnh đề xuất 1 số tổ hợp có môn Tin học, Công nghệ: Toán - Vật lý - Công nghệ; Toán - Vật lý - Tin học; Toán - Hóa học - Tin học; Toán - Hóa học - Công nghệ; Toán - Sinh học - Công nghệ; Toán - Công nghệ - Tin học, Toán - Địa lý - Tin học.

Cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo viên

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Đàm chia sẻ, khi thực hiện khảo sát tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, 100% học sinh tại các trường trung học phổ thông ở đây đều có nguyện vọng học môn Tin học, thể hiện sự nhận thức rõ ràng của học sinh về tầm quan trọng của môn học này. Trong đó có khoảng 70-80% học sinh được chọn và được học môn Tin học đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu học tập của học sinh.

Tuy nhiên, việc đưa các môn Tin học và Công nghệ trở thành môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp có thể dẫn đến sự phân hóa rõ rệt giữa các học sinh ở những vùng có điều kiện cơ sở vật chất khác nhau.

Thầy Đàm cho hay, tại các trường ở khu vực khó khăn, việc thiếu môn Tin học trong chương trình giảng dạy thường bắt nguồn từ những hạn chế về cơ sở vật chất và chất lượng giáo viên. Những khó khăn này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định lựa chọn môn thi của học sinh.

Một trong những nguyên nhân khiến chất lượng giáo viên Công nghệ và Tin học chưa cao, theo Phó Giáo sư Đàm, là do trước đây môn này không nằm trong kỳ thi tốt nghiệp, dẫn đến việc nhà trường chưa chú trọng tuyển dụng giáo viên chất lượng.

Theo thầy Đàm, vai trò của hiệu trưởng và lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo ở các địa phương là vô cùng quan trọng. Khi lãnh đạo nhận thức được tầm quan trọng của các môn học này, họ sẽ có những biện pháp cụ thể để khắc phục các khó khăn hiện tại.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Đàm cũng lưu ý rằng, trong thực tế, mọi thay đổi đều gặp phải những trở ngại và bất cập từ nhiều nguyên nhân góc độ khác nhau.

Tuy nhiên, chúng ta không nên quá lo ngại mà cần duy trì sự kiên nhẫn, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục và thực hiện theo đúng lộ trình đã đề ra, để dần dần tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của học sinh và phụ huynh, nhà trường, các cấp quản lí và toàn xã hội.

Châu Anh