Tiêu chí 2.3 của Tiêu chuẩn 2 về Giảng viên tại Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học yêu cầu các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 10% (tính từ năm 2025) và từ năm 2030 không thấp hơn 15%.
So với yêu cầu dành cho các cơ sở giáo dục đại học đại trà, tỷ lệ này được đánh giá là đã có sự “nới lỏng” và tạo nhiều điều kiện cho các trường đại học đào tạo các ngành đặc thù.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc vận động giảng viên đi học nghiên cứu sinh hay giữ chân đội ngũ giảng viên trình độ tiến sĩ đối với các trường/ngành đặc thù vẫn là một thách thức lớn.
Giảng viên các ngành đặc thù không “mặn mà” học lên trình độ tiến sĩ
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh đánh giá ở yếu tố đặc thù, lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật còn nhiều hạn chế trong việc thu hút, vận động người học, thậm chí là giảng viên tham gia học nghiên cứu sinh.
Theo đó, vì đặc thù công việc của những người làm trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật chủ yếu liên quan đến kỹ năng thực hành nên việc viết một bài nghiên cứu chuyên sâu, đạt chuẩn Scopus hay làm luận án tiến sĩ thì hầu hết không mấy ai mặn mà.
Trên thực tế, có nhiều giảng viên phải học đi học lại nhiều lần mà vẫn chưa được tốt nghiệp trình độ thạc sĩ, tiến sĩ vì tính chất nghiên cứu không phải sở trường của họ cũng như không liên quan nhiều đến những nội dung họ được đào tạo ở trình độ đại học.
Thầy Nhân cho rằng, các ngành thuộc lĩnh vực khoa học khác rất cần đến tầng lớp trẻ để số hóa, sáng tạo và cập nhật công nghệ thông tin.
Tuy nhiên với các lĩnh vực đặc thù như văn hóa - nghệ thuật thì lại hoàn toàn ngược lại bởi như câu nói xa xưa “thầy già, con hát trẻ”, lĩnh vực nghệ thuật thường đòi hỏi và ưu tiên những người dày dạn kinh nghiệm, chững chạc trong cách sống để có thể hướng dẫn các thế hệ trẻ hoạt động và phát triển tốt trong môi trường đặc thù này.
Đánh giá những yêu cầu theo tiêu chí 2.3 của Tiêu chuẩn 2 về Giảng viên tại Thông tư 01, thầy Nhân cho rằng việc tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ theo đúng tiêu chuẩn là tỷ lệ tương đối ổn định. Thế nhưng với các trường có đào tạo ngành đặc thù vẫn có khó khăn, hạn chế.
Hiện nay, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đang đào tạo trình độ tiến sĩ duy nhất với ngành Quản lý Văn hóa. Trên thực tế, trường cũng rất mong muốn sẽ có thêm cơ hội mở 1 số ngành học khác ở trình độ này nhưng vì điều kiện nhà trường đang là cơ sở giáo dục tự đảm bảo một phần chi thường xuyên nên việc thực thi vẫn còn nhiều bất cập.
Cụ thể, cơ chế ký hợp đồng chuyên môn theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vẫn chưa được áp dụng tại trường.
Vậy nên, các giảng viên có trình độ tiến sĩ nhưng chưa là viên chức thì không được làm giảng viên cơ hữu mà chỉ được phép tham gia thỉnh giảng.
"Trên thực tế, số lượng giảng viên trình độ cao đối với lĩnh vực văn hoá - nghệ thuật tại Việt Nam hiện nay còn khá khiêm tốn. Chưa kể đến chi phí tuyển dụng, chiêu mộ các giảng viên đã tham gia học tiến sĩ tại nước ngoài lại tương đối lớn nên bài toán kinh tế đối với các trường đào tạo ngành đặc thù vẫn còn nhiều nan giải.
Đối với Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài hạn chế về việc chưa có cơ chế ký hợp đồng thì còn có khó khăn về tình trạng số lượng giảng viên cơ hữu có học hàm, học vị là giáo sư, phó giáo sư hầu hết đều cao tuổi và chuẩn bị bước sang giai đoạn nghỉ hưu nên áp lực trong việc đào tạo, tuyển dụng đội ngũ giảng viên tiến sĩ mới để bổ sung là một vấn đề vô cùng lớn.
Trước tình hình đó, nhà trường chỉ có thể sử dụng một số phương án khắc phục như xây dựng chính sách đãi ngộ để khuyến khích, thu hút và tuyển dụng đội ngũ giảng viên trình độ tiến sĩ ở bên ngoài tham gia giảng dạy tại trường.
Đồng thời tích cực khích lệ các giảng viên cơ hữu trong trường đã học xong trình độ thạc sĩ tiếp tục học lên trình độ cao hơn để có thể duy trì số lượng và tỷ lệ giảng viên hiện có tại trường", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân bày tỏ.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phương - Chủ tịch Hội đồng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng cho rằng, riêng với lĩnh vực nghệ thuật, công tác vận động giảng viên tham gia học nghiên cứu sinh hay tuyển dụng, thu hút giảng viên trình độ cao tham gia giảng dạy cũng là một thách thức lớn đối với các trường.
Hiện nay, trong lĩnh vực nghệ thuật của Việt Nam chưa có tiến sĩ biểu diễn và các trường đào tạo lĩnh vực nghệ thuật vẫn chỉ dừng lại ở việc “thai nghén” xin phép mở đào tạo đối với ngành Nghệ thuật biểu diễn trình độ tiến sĩ.
Theo đó, vì chưa được phép đào tạo nên các nghệ sĩ biểu diễn đã học trình độ thạc sĩ nhưng muốn học lên tiến sĩ thì thường phải chuyển sang học chương trình tiến sĩ của ngành Âm nhạc học.
Đây là một hạn chế lớn và là rào cản khiến những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật dù có động lực học tiếp lên trình độ cao hơn nhưng vì chưa đủ cơ sở pháp lý cũng như ngành đào tạo trình độ tiến sĩ còn chưa đúng nguyện vọng nên mọi người cũng không quá nhiệt tình.
Hơn hết, khi học chương trình tiến sĩ của ngành học khác thì người học chỉ được tập trung đào tạo về phương pháp viết luận án và nghiên cứu khoa học chứ không sử dụng đến những kỹ năng biểu diễn đã học trước đó.
Do đó, thầy Phương mong rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có sự đánh giá mềm mỏng đối với các ngành đặc thù. Cần cho phép mở đào tạo tiến sĩ biểu diễn thì lúc đó các trường mới có thể gỡ bỏ những bất cập còn tồn tại, cũng như dễ dàng hơn trong việc đáp ứng yêu cầu trình độ giảng viên như tiêu chí 2.3 tại Thông tư 01.
Đối với tỷ lệ 10% (tính từ năm 2025) và từ năm 2030 không thấp hơn 15%, áp dụng với những trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ, theo thầy Phương đây là con số hợp lý và các trường sẽ cân đối được.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện tại các trường sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn nếu như có thêm các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Đặc biệt cần chú ý đến việc phát triển kỹ năng của giảng viên khi học lên trình độ tiến sĩ làm sao để cân đối giữa yếu tố nghiên cứu và các nội dung thực hành.
Đánh giá từ thực tế tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nhiều giảng viên sau khi tốt nghiệp trình độ thạc sĩ là đã có thể đi làm những công việc trong lĩnh vực nghệ thuật mà nhu cầu xã hội đang cần tới. Do đó, phần lớn mọi người không quá thiết tha đối với việc học tiếp lên trình độ cao hơn vì so sánh điều kiện, thu nhập hiện có của họ cũng ở mức tương đối, đủ trang trải cuộc sống của mình.
Trong khi đó nếu tham gia học nghiên cứu sinh thì giảng viên không chỉ mất thêm thời gian, tiền bạc, công sức, đặc biệt đối với những người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật thì việc đi sâu sang mảng nghiên cứu là không hề dễ dàng. Chưa kể đến những yêu cầu đầu vào - đầu ra cũng là một áp lực vô cùng lớn đối với đội ngũ giảng viên trong lĩnh vực nghệ thuật nói riêng.
“Đây là tình trạng chung của hầu hết các trường đào tạo lĩnh vực nghệ thuật chứ không phải riêng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Hằng năm, nhà trường luôn xây dựng những chính sách khuyến khích, hỗ trợ giảng viên tham gia đào tạo trình độ tiến sĩ song các thầy cô vẫn không quá mặn mà.
Trường cũng hết sức ưu tiên những giảng viên tham gia đào tạo tiến sĩ tại nước ngoài về trường giảng dạy. Dẫu vậy bài toán giữ chân giảng viên đồng hành và công tác tại trường lâu dài cũng là một bài toán khó khi thực tế nếu so sánh thu nhập nhà giáo với thu nhập biểu diễn bên ngoài có sự chênh lệch rất lớn.
Nhiều thầy cô được trường mời về giảng dạy với những điều kiện vô cùng hấp dẫn, song chỉ vài năm các thầy cô vẫn có sự dao động với những điều kiện hấp dẫn hơn từ công việc bên ngoài.
Đặc biệt, khi các cơ sở giáo dục phải thực hiện tinh giản biên chế thì công tác giữ chân giảng viên có trình độ cao càng thêm khó khăn.
Do đó, dù số lượng giảng viên có thể đủ đáp ứng yêu cầu, tiêu chí tại Thông tư 01 trước năm 2025 nhưng việc đảm bảo tỷ lệ này đến năm 2030 đối với trường sẽ không quá dễ dàng", thầy Phương chia sẻ.
Các đơn vị đào tạo cần phải thay đổi nhiều chính sách
Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân cho biết, để đạt được chỉ tiêu như tiêu chuẩn về giảng viên tại Thông tư 01 thì Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh phải dồn sức phấn đấu cũng như thực hiện theo kế hoạch, lộ trình cụ thể.
Theo đó, nhà trường tích cực đưa ra các chính sách đãi ngộ và chế độ quyền lợi cho đội ngũ nhà giáo. Đối với giảng viên đang ở trình độ thạc sĩ, trường đầu tư cho các thầy cô đăng ký đào tạo chương trình cử nhân ngoại ngữ, tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học để định hướng nghiên cứu.
Với các giảng viên đủ điều kiện học nghiên cứu sinh sẽ được trường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đi học như việc giảm giờ dạy chính khoá, giảm thời lượng nghiên cứu khoa học, chi trả tiền học phí và các hạng mục chi phí khác theo Quy định hiện hành.
Sau khi có bằng tiến sĩ, giảng viên nộp lại nhà trường để nhận phần thưởng là tiền mặt bằng 10 lần lương tối thiểu. Số tiền thưởng này vẫn đang được nghiên cứu và đề xuất tăng thêm trong năm học 2024 - 2025.
Trong bối cảnh trường chưa được phép trả lương theo Nghị định 111, vẫn có một số giảng viên đã tham gia đào tạo, giảng dạy và gắn bó với trường trong nhiều năm mà không đòi hỏi về chi phí. Tuy nhiên, theo thầy Lâm Nhân, việc này không thể kéo dài hơn nữa vì sẽ ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của các thầy cô.
Do đó, khi trường có cơ chế ký hợp đồng chuyên môn thì sẽ thu hút được các giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá nghệ thuật nhiều hơn. Chính những thầy cô này là những người có kinh nghiệm thực tiễn, sẽ bổ sung và chia sẻ chuyên môn cho giảng viên và sinh viên trong trường.
Vậy nên hiện nay, nhà trường cũng đang khuyến khích các giảng viên trình độ tiến sĩ hiện đang công tác trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật tham gia giảng dạy các môn học định hướng ứng dụng để sau khi hết thời hạn quản lý sẽ ký kết hợp đồng và trở thành giảng viên của nhà trường.
Trong khi đó, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phương, hiện nay hầu hết các nguồn hỗ trợ kinh phí dành cho giảng viên tham gia đào tạo trình độ tiến sĩ đều đến từ ngân sách của các cơ sở giáo dục đại học.
Đối với những trường có nguồn thu dư dả hoặc đã là đơn vị tự chủ, có nguồn thu từ công tác đào tạo, nghiên cứu thì sẽ ngân sách của các đơn vị đó sẽ dồi dào.
Thế nhưng trong một số lĩnh vực đặc thù, chẳng hạn như văn hoá - nghệ thuật thì kinh phí hết sức khó khăn khi tính đến thời điểm hiện tại chưa có nhiều đơn vị đủ lực tự chủ.
Điển hình như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là một trong những cơ sở đào tạo top đầu trong nước về lĩnh vực nghệ thuật nhưng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm trên thực tế còn rất hạn chế và với định mức thu học phí như hiện nay cùng với ngân sách cấp thì nhà trường chỉ vừa đủ hoặc gần đủ để trang trải tối thiểu các hoạt động cơ bản tại trường.
Do đó, việc trích một khoản trong tổng ngân sách để hỗ trợ cho giảng viên tham gia học nâng cao trình độ còn nhiều bất cập và khiêm tốn.
Trong quy chế đào tạo của trường mới chỉ đề cập đến việc hỗ trợ cho giảng viên tham gia nghiên cứu sinh về kinh phí đăng bài báo khoa học hay hỗ trợ 1 phần kinh phí tổ chức hội thảo chứ vẫn chưa đủ sức để hỗ trợ kinh phí học tập cho giảng viên.
Trước tình hình giảng viên không quá “mặn mà" với việc nâng cao trình độ, nhà trường đang có dự định sẽ bổ sung thêm một số quy định “cứng" như việc ký kết hợp đồng đối giảng viên để trở thành công chức thì nhà giáo phải cam kết đăng ký tham gia nghiên cứu sinh.
Đây là một cách mà nhà trường áp dụng để các giảng viên đã học xong trình độ thạc sĩ bắt buộc phải có sự chuẩn bị và tính toán về lộ trình của mình trong tương lai.
Với những khó khăn, hạn chế còn tồn tại, thầy Phương hy vọng sẽ có thêm những chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực đặc thù để các cơ sở đào tạo “cởi trói" những rào cản trong thực tiễn.
“Nếu được Nhà nước hỗ trợ một phần ngân sách khuyến khích, động viên đội ngũ giảng viên trong các ngành đặc thù như văn hoá - nghệ thuật thì các đơn vị đào tạo sẽ gỡ bỏ được một phần áp lực về tài chính.
Ở một số quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc họ đã có những chính sách giảm thuế cho các doanh nghiệp khi đóng góp và tham gia đào tạo cùng các cơ sở giáo dục đại học và nhận được những kết quả rất tích cực.
Do đó, sự quan tâm và tầm nhìn đa chiều hơn của những nhà hoạch định chính sách sẽ là điều kiện góp phần tháo gỡ khó khăn mà các cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành đặc thù nói riêng còn đang phải đối mặt", thầy Phương bày tỏ.