Khoản 1, Điều 85, Luật Giáo dục 2019 quy định về học bổng, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt: “Nhà nước có chính sách cấp học bổng khuyến khích học tập cho học sinh đạt kết quả học tập xuất sắc ở trường chuyên, trường năng khiếu quy định tại Điều 62 của Luật này và người học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học…”.
Trong khi đó, tại Điểm b, Khoản 4, Điều 8, Nghị định 84/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành vào ngày 17/7/2020, quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nêu: “Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học: Học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí đối với trường công lập và tối thiểu 2% nguồn thu học phí đối với trường tư thục”.
Điều này gây nên những băn khoăn trong quá trình thực hiện.
Học bổng được trích tối thiểu 8% nguồn thu học phí liệu có công bằng?
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hùng – Trưởng Phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, giữa Luật Giáo dục 2019 và Nghị định 84/2020/NĐ-CP đang tồn tại những vấn đề bất cập.
"Trong bối cảnh tự chủ về chi thường xuyên, việc trích ít nhất 8% học phí để cấp học bổng khuyến khích học tập đang trở thành gánh nặng trong việc cân đối nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đãi ngộ đội ngũ giảng viên, nhân viên.
Điều này đã khiến nhiều trường đại học gặp khó khăn và dẫn đến tình trạng 'chảy máu chất xám'", Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hùng cho hay.
Theo Trưởng Phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Học viện Chính sách và Phát triển, các cơ quan có thẩm quyền cần tư vấn để từng bước ban hành những chính sách mới phù hợp với tự chủ đại học. Đồng thời, cần tháo gỡ và giảm bớt gánh nặng cho người học cũng như các cơ sở giáo dục đại học.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ một góc độ nào đó, việc học bổng khuyến khích được trích tối thiểu 8% từ nguồn thu học phí có thể xem là thiếu công bằng. Tuy nhiên, nhà trường không có sự lựa chọn nào khác, vì nguồn thu của trường chủ yếu đến từ học phí.
Đối với khóa tuyển sinh gần đây, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng quy định về học bổng theo Nghị định 84/2020/NĐ-CP. Do đã tự chủ từ lâu nên nguồn kinh phí cho học bổng khuyến khích chủ yếu đến từ ngân sách của trường. Việc xây dựng quy định học bổng được thực hiện một cách cân đối, trích khoảng 8% tổng nguồn thu.
Hiện tại, Nhà nước chỉ hỗ trợ học bổng dành cho các đối tượng chính sách, bao gồm các gia đình chính sách và con em của thương binh, liệt sĩ,... theo quy định của Nhà nước. Hàng năm, nhà trường vẫn tiếp nhận các học bổng này. Đặc biệt, học bổng chính sách không yêu cầu về kết quả học tập, mà được cấp cho những đối tượng đặc biệt trên.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho rằng, chính sách cấp học bổng khuyến khích học tập và chính sách trợ cấp, miễn, giảm học phí cho người học là các chính sách khác nhau.
Học sinh, sinh viên thuộc các đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo được hưởng các trợ cấp và miễn, giảm học phí theo quy định.
Quỹ học bổng khuyến khích học tập được trích từ tối thiểu 8% từ nguồn thu học phí hằng năm của các cơ sở đào tạo để cấp cho học sinh, sinh viên có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên theo quy định. Cụ thể là xét từ cao đến thấp cho đến khi hết nguồn quỹ học bổng nói trên.
Bên cạnh đó, căn cứ Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nguồn thu học phí sử dụng để chi cho các hoạt động đào tạo, phục vụ đào tạo của các cơ sở giáo dục, trong đó có hoạt động khuyến khích học tập đối với người học. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn, việc học bổng khuyến khích học tập được trích từ nguồn thu học phí là hoàn toàn phù hợp.
Hiện nay, quỹ học bổng khuyến khích học tập tại Trường Đại học Hồng Đức được trích bằng 8% tổng nguồn thu học phí hệ chính quy. Đối với sinh viên các ngành đào tạo giáo viên không phải đóng học phí, quỹ học bổng được trích tối thiểu bằng 8% từ nguồn học phí do Nhà nước cấp bù.
Trong những năm qua, Trường Đại học Hồng Đức thực hiện xét cấp học bổng khuyến khích học tập theo học kỳ, theo nguyên tắc đảm bảo chính xác, công khai, dân chủ, công bằng, đúng quy trình và kịp thời trên cơ sở đánh giá đúng thành tích học tập và kết quả rèn luyện của sinh viên.
Về thứ tự xét ưu tiên trong việc xét cấp học bổng cho sinh viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn cho biết nhà trường căn cứ vào các tiêu chí: thứ nhất là điểm trung bình chung học tập (hệ 4), thứ hai điểm trung bình chung học tập (hệ 10) và thứ ba là điểm đánh giá kết quả rèn luyện. Căn cứ vào điểm trung bình chung học tập và điểm rèn luyện trong học kỳ, nhà trường tổ chức xét, cấp học bổng khuyến khích học tập theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết số suất học bổng theo quy định, chiếm 7% sinh viên theo từng ngành và khóa học.
Nếu có từ hai sinh viên trở lên bằng điểm nhau về các tiêu chí, số suất học bổng được chia đều cho tất cả các sinh viên đó. Nếu số lượng sinh viên đạt loại khá trở lên cao hơn số suất học bổng khuyến khích học tập, việc xét, cấp học bổng thực hiện theo thứ tự từ điểm cao xuống thấp, đến khi hết số suất học bổng đã xác định.
Có nên ưu tiên sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khi xét học bổng khuyến khích học tập?
Nhiều ý kiến cho rằng việc cấp học bổng cần rõ đối tượng và ưu tiên với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Ví dụ, trường hợp nhiều sinh viên có cùng điểm trung bình trung tích lũy học tập loại “xuất sắc” thì nên ưu tiên sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hơn, sau đó mới xét đến yếu tố khác như điểm rèn luyện, tín chỉ tích lũy…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn, vấn đề này rất khó trong quá trình triển khai thực hiện. Mục tiêu của việc xét cấp học bổng khuyến khích học tập là ghi nhận, động viên, khích lệ phong trào học tập, rèn luyện nên cần có sự công bằng, công khai, minh bạch với mọi đối tượng sinh viên.
"Sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hưởng các chính sách trợ cấp, miễn, giảm học phí theo quy định nếu thuộc đối tượng. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cũng đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trao học bổng, hỗ trợ học phí cho các em tốt nhất cần được tuyên dương để khuyến khích việc thi đua trong học tập.
Ban giám hiệu nhà trường rất quan tâm và ưu tiên đối tượng sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, và có thể nói các bạn có một sự ưu tiên riêng biệt. Ngoài các chế độ chính sách mà người học được thụ hưởng đúng đủ, kịp thời theo đúng đối tượng quy định của Nhà nước tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP, hàng năm, ngoài học bổng khuyến khích học tập còn có rất nhiều các học bổng ngoài ngân sách do các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp và đối tác của nhà trường trao cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hay thuộc đối tượng ưu tiên mà có kết quả học tập tốt. Điều này không áp dụng cho các bạn sinh viên học tốt nhưng không thuộc diện đối tượng khó khăn.
Hơn nữa, hội khuyến học nhà trường cũng có những suất học bổng và các phần quà cho các bạn sinh viên thuộc đối tượng khó khăn. Vừa qua, nhà trường đã trao quà cho 50 sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 17 sinh viên khuyết tật, 17 sinh viên mồ côi nhân dịp tết khuyến học Giáp Thìn năm 2024 với tổng kinh phí là 118.000.000 đồng", thầy Thìn thông tin.
Cũng đồng tình với đại diện Trường Đại học Hồng Đức, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cho rằng, học bổng khuyến khích học tập, như tên gọi đã chỉ rõ, phải dựa trên kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên, không bao gồm các yếu tố khác. Đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mong muốn nhận học bổng, các em bắt buộc phải nỗ lực trong học tập.
Về học bổng khuyến khích học tập, nhà trường không xem xét đến yếu tố vùng sâu, vùng xa hay hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường có thể xem xét cấp học bổng từ quỹ khuyến học hoặc miễn giảm học phí.
Cũng theo thầy Nhân, trước đây, nhà trường áp dụng chính sách xét, cấp học bổng chung cho tất cả các khối ngành. Tuy nhiên, phương pháp này đã dẫn đến một số bất cập, đặc biệt là với các khối ngành như kinh tế, tỷ lệ sinh viên đạt loại A với điểm tích lũy cao vượt trội hơn so với sinh viên thuộc khối kỹ thuật và công nghệ. Hệ quả là sinh viên khối kinh tế nhận được nhiều học bổng hơn, trong khi sinh viên khối kỹ thuật và công nghệ lại nhận ít hơn, do học bổng được phân bổ dựa trên tỷ lệ phần trăm.
Để đảm bảo tính công bằng, nhà trường đã triển khai chính sách cấp học bổng theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với từng ngành, thay vì phân bổ đồng đều cho toàn trường. Một khoa có nhiều sinh viên sẽ có số lượng học phí thu được lớn, do đó, số học bổng mà sinh viên nhận được cũng sẽ cao hơn. Ngược lại, với khoa có ít sinh viên, số học bổng sẽ ít hơn.
Trên thực tế, nhiều ngành học hầu như không có sinh viên đạt kết quả học tập loại xuất sắc. Do đó, chỉ cần điểm trung bình chung tích lũy đạt loại giỏi, các em có thể nhận học bổng loại A (xuất sắc), trong khi những sinh viên có điểm loại giỏi ở các ngành khác có thể chỉ đủ điều kiện cho học bổng loại B (giỏi) hoặc C (khá).
Ví dụ, sinh viên khoa Quản trị kinh doanh có điểm tích lũy học kỳ là 3.3/4 có thể nhận học bổng loại khá, do tỷ lệ sinh viên đạt điểm 3.3 trong khoa này khá cao. Ngược lại, một sinh viên tại khoa Điện với điểm tích lũy 3.3 có thể đủ điều kiện để nhận học bổng loại xuất sắc.
Sau nhiều năm triển khai, nhà trường nhận thấy sự thay đổi này phù hợp với tình hình thực tiễn. Nguồn kinh phí hỗ trợ sinh viên thông qua học bổng khuyến khích học tập được phân bổ đều hơn giữa các ngành, dựa trên quy mô và tính công bằng tương đối với mức học phí mà sinh viên đóng. Hơn nữa, điều này cũng tạo ra sự hài lòng cho sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng học tập và động lực phấn đấu của các em.
Cần thiết lập quỹ học bổng ưu tiên cho khối ngành STEM và khoa học cơ bản
Hiện nay, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực STEM và khoa học cơ bản đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Đại diện các trường đại học đều cho rằng, cần có quỹ học bổng riêng hỗ trợ các ngành cần ưu tiên phát triển như STEM và khoa học cơ bản.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân nhận định, đối với giáo dục đại học hiện nay, Chính phủ đã có quy định về mức trần học phí, nhưng vẫn chưa có chính sách nào cung cấp học bổng từ ngân sách Nhà nước dành riêng cho các ngành STEM. Điều này đặt ra thách thức lớn cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn muốn theo đuổi các ngành học STEM, vốn đã đòi hỏi sự đầu tư lớn về cả thời gian và tài chính.
Nhiều sinh viên phải tìm kiếm các nguồn học bổng từ các tổ chức quốc tế hoặc các doanh nghiệp tư nhân, nhưng những cơ hội này thường rất cạnh tranh và không đủ đáp ứng nhu cầu.
Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước cần xem xét việc thiết lập các quỹ học bổng từ ngân sách, đặc biệt dành riêng cho các ngành STEM. Việc này không chỉ giúp đỡ các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mà còn khuyến khích nhiều bạn trẻ tham gia vào các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, từ đó đóng góp vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân chia sẻ thêm, trong những năm gần đây, khối ngành STEM tại Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng thu hút sự quan tâm của thí sinh. Để khuyến khích sự phát triển của khối ngành này, nhà trường đã cấp nhiều học bổng theo từng ngành, nhằm hỗ trợ về mặt tài chính cho sinh viên thuộc khối STEM.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng thúc đẩy khối ngành STEM bằng cách thực hiện mức thu học phí theo quy định của Nhà nước, mặc dù khối ngành này thường có mức học phí cao hơn so với các khối ngành khác, như khối kinh tế. Tuy nhiên, hiện tại, nhà trường vẫn giữ mức học phí tương đương cho tất cả các khối ngành.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hùng cho biết, việc trích tối thiểu 8% học phí để xét học bổng khuyến khích học tập là chính sách chung. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào điều kiện tài chính và nguồn tài trợ, xã hội hóa, cần có sự hỗ trợ cho các đối tượng sinh viên khối ngành STEM và khoa học cơ bản, đảm bảo phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Điều này nhằm khuyến khích việc học tập và phát triển tài năng, đặc biệt là đối với những chuyên ngành hẹp mà xã hội đang có nhu cầu.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn nhấn mạnh, khối ngành STEM và khoa học cơ bản đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, cũng như các lĩnh vực trọng điểm khác của đất nước. Tuy nhiên, để ưu tiên cấp học bổng cho sinh viên khối ngành này, các cơ sở đào tạo cần xem xét kỹ lưỡng các điều kiện cụ thể của nhà trường, địa phương và mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho khối ngành STEM và khoa học cơ bản.