Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn số 4857/BGDĐT-GDCTHSSV về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống ma túy, bạo lực học đường cho học sinh, sinh viên năm học 2024-2025.
Cụ thể, đối với công tác giáo dục an toàn giao thông: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về an toàn giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên; Thực hiện hiệu quả các Chương trình phối hợp về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục.
Giúp học sinh nâng cao hiểu biết, hình thành văn hóa giao thông
Đánh giá về vai trò hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, ông Phạm Văn Ngát - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, hoạt động này đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với học sinh, giúp các em nâng cao nhận thức, ý thức, hình thành văn hóa giao thông khi tham gia giao thông.
“Hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật, trong đó, có kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông cho các nhà trường trên địa bàn huyện.
Cụ thể, phối hợp với Công an huyện, Công an địa phương để tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh các nhà trường về công tác đảm bảo an toàn giao thông.
Ngoài ra, tổ chức xây dựng các clip, bài viết tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của huyện, các nhà trường hoặc trên các kênh thông tin khác như: Facebook, Zalo,....”, ông Phạm Văn Ngát chia sẻ.
Tại Trường Trung học phổ thông Sông Công (Thái Nguyên), thầy Nguyễn Ngọc Huỳnh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, nhà trường đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức.
Cụ thể, tổ chức dạy các bài về an toàn giao thông theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; triển khai cho học sinh ký cam kết thực hiện nội quy, quy định của nhà trường, trong đó, có nội dung nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông đường bộ; phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh Thái Nguyên và Cảnh sát giao thông thành phố Sông Công để tổ chức ngoại khóa, tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh toàn trường.
Bên cạnh việc tổ chức hoạt động ngoại khóa, Trường Trung học phổ thông Sông Công cũng thường xuyên duy trì phối hợp với cảnh sát giao thông địa phương để quản lý, đồng thời thực hiện công tác giáo dục, tuyên truyền cho học sinh, yêu cầu học sinh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Thầy Huỳnh nhận định: “Việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông là hoạt động rất quan trọng, giúp nâng cao học sinh hiểu biết, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của học sinh khi tham gia giao thông ở ngoài đường.
Tôi cho rằng đây là hoạt động rất quan trọng mà các nhà trường nên quan tâm, thực hiện”.
Ông Phạm Văn Ngát cũng cho hay, công tác thực hiện tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trên địa bàn huyện Thanh Trì đã đem đến những kết quả tích cực đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn ngành. Kết quả đó thể hiện qua việc nhận thức, ý thức và văn hóa tham gia giao thông của các thầy cô và học sinh đã được nâng cao, giảm thiểu tối đa các trường hợp tai nạn và vi phạm pháp luật về an toàn giao thông.
Nhiều phụ huynh còn nhầm lẫn giữa xe đạp điện và xe máy điện
Theo ông Phạm Văn Ngát, quá trình thực hiện công tác tuyên truyền còn gặp phải một số khó khăn như: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì cùng các nhà trường đều không có cán bộ chuyên trách phụ trách hoạt động tuyên truyền cho học sinh; kinh phí chi cho hoạt động còn hạn chế; một số trường học trên địa bàn huyện thuộc khu vực phức tạp về giao thông; sự phối hợp của cha mẹ học sinh trong việc quản lý, giáo dục con em còn chưa chặt chẽ.
Trước những khó khăn đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh: Tăng cường hơn công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, nâng cao ý thức chấp hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của mỗi cá nhân; chỉ đạo các trường sáng tạo xây dựng đội ngũ “đại sứ an toàn giao thông”; tổ chức thực hành an toàn giao thông trong sân trường.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Sông Công cũng chia sẻ: “Ngoài các hoạt động tuyên truyền, nhà trường cũng có chỉ đạo Đoàn Thanh niên thường xuyên kiểm tra việc chấp hành luật giao thông đường bộ.
Trong đó, thường xuyên kiểm tra việc học sinh đến trường có đội mũ bảo hiểm và đội mũ bảo hiểm đúng quy cách hay không. Nếu học sinh vi phạm, nhà trường sẽ có các biện pháp xử lý tùy mức độ, có thể trừ thi đua của tập thể lớp, giáo viên chủ nhiệm”.
Trong quá trình thực hiện công tác tuyên truyền, thầy Huỳnh nhận thấy hoạt động này đã đem lại những hiệu quả nhất định; tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế và cần đề cao hơn nữa vai trò của xã hội trong việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh.
“Nhiều phụ huynh còn nhầm lẫn giữa xe đạp điện và xe máy điện, nhiều khi cứ thấy con đỗ vào trường trung học phổ thông là mua xe máy điện, nhưng theo quy định là học sinh dưới 16 tuổi không được sử dụng xe máy điện tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cần phải thực hiện đồng bộ đối với cả xã hội. Bởi thực tế, đi ra đường, nhiều người lớn cũng không đội mũ bảo hiểm, việc đó ảnh hưởng đến hiệu quả tuyên truyền chung.
Ngoài ra, một số em chưa có ý thức tốt trong việc chấp hành các quy định, có hiện tượng học sinh đi trên đường không đội mũ mà đến cổng trường mới đội. Theo tôi, nguyên nhân cũng là do chưa tạo ra được thói quen cho học sinh trong việc chấp hành luật về an toàn giao thông đường bộ.
Do đó, nhà trường cũng phối hợp và giao cho giáo viên chủ nhiệm thường xuyên trao đổi với phụ huynh nhắc nhở con em tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng, đúng quy cách. Và không giao cho con phương tiện khi con chưa đủ điều kiện sử dụng phương tiện, vì nếu học sinh đủ tuổi nhưng chưa có bằng lái xe thì cũng chưa được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông”, thầy Huỳnh phân tích.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trên địa bàn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì đề xuất nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, mở rộng làn đường, đặc biệt là những tuyến đường trọng yếu mà học sinh thường xuyên qua lại.
Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý địa phương để có các biện pháp giám sát và hỗ trợ hiệu quả hơn trong việc triển khai công tác đảm bảo an toàn giao thông trường học.
Theo thầy Nguyễn Ngọc Huỳnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Sông Công, các nhà trường nên xây dựng kế hoạch giảng dạy cụ thể các bài tuyên truyền về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo tài liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thầy Huỳnh nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, hiện nay, các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông về cơ bản vẫn là hoạt động tuyên truyền, sau đó người dân, học sinh tự tìm hiểu. Theo tôi, nên đưa hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông vào chương trình dạy học chính, tôi cho rằng đó là việc làm thiết thực, là làm công tác giáo dục chứ không chỉ đơn giản là tuyên truyền.
Bên cạnh đó, cũng nên tổ chức dạy cho học sinh về hệ thống câu hỏi phục vụ cho việc thi bằng lái xe máy và đặt ra tiêu chí để học sinh thực hiện, đảm bảo nắm chắc kiến thức, từ đó nâng cao hiểu biết của các em”.
Ngoài ra, thầy Huỳnh đề xuất cần có sự phối hợp của liên ngành, siết chặt nghiêm việc kiểm tra, quản lý các cơ sở bán mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, thậm chí là thu “trắng” để góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đảm bảo an toàn giao thông.