Gia đình, nhà trường chỉ nên cho HS sử dụng thiết bị thông minh khi có giám sát

23/09/2024 09:33
Huyền Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Một số trường THPT ở Hà Nội đã cấm học sinh sử dụng điện thoại trên lớp và tổ chức thêm các hoạt động ngoại khoá để thu hút các em tham gia.

Việc có nên cấm học sinh sử dụng điện thoại tại trường học hay không là vấn đề gây tranh cãi nhiều năm qua. Có ý kiến cho rằng, trong thời đại công nghệ phát triển, việc học sinh dùng điện thoại là phù hợp, nâng cao hiểu biết xã hội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, học sinh dùng điện thoại ở trường "lợi bất cập hại", rất khó để kiểm soát các em sử dụng điện thoại đúng mục đích.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) cũng đã đưa ra khuyến nghị cấm điện thoại thông minh trong trường học nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của công nghệ đến quá trình học tập và phát triển của học sinh. Một số trường trung học phổ thông tại Việt Nam đã hưởng ứng khuyến nghị này bằng cách ra quyết định cấm học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong khuôn viên trường.

Trường học “nói không” với sử dụng điện thoại

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Dương Thùy Linh, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V. Lô-mô-nô-xốp, Hà Nội chia sẻ: “Tôi hoàn toàn đồng ý với khuyến nghị của UNESCO về việc cấm điện thoại di động trong trường học trên toàn cầu. Đây là việc hoàn toàn có thể thực hiện được. Tại trường, việc này đã được áp dụng nghiêm túc nhiều năm qua.

Nhà trường đã thực hiện nghiêm túc việc cấm sử dụng điện thoại trong lớp học nếu không phục vụ cho việc học. Với nề nếp kỷ cương của nhà trường, cùng với sự phối hợp, đồng lòng của cha mẹ học sinh, chúng tôi thuận lợi trong quá trình thực hiện quy định này”.

Cô Dương Thùy Linh cho rằng, việc cấm điện thoại di động trong trường học là phù hợp bởi học sinh không nên quản lý tài sản có giá trị lớn, khi chưa đủ khả năng, có thể các em sẽ gặp những hệ lụy phát sinh ảnh hưởng đến tâm lý lứa tuổi và học tập. Mặt khác, cấm điện thoại di động cũng giúp học sinh tăng nhu cầu giao tiếp với bạn bè, thầy cô và những người xung quanh

c Linh.jpeg
Cô Dương Thùy Linh, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V. Lô-mô-nô-xốp, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Theo cô Linh, thực tế, việc thoát ly điện thoại di động sẽ giúp học sinh tránh được những tác động từ mạng xã hội có thể làm ảnh hưởng sự tập trung trong quá trình học tập tại trường. Nếu cần liên lạc, các em vẫn có thể thông qua nhiều bộ phận của nhà trường, điều này làm tăng tính kỷ luật, tạo ra sự nhất quán trong quản lý học sinh của mỗi trường học.

“Có như vậy, các em sẽ được sống trong môi trường học tập lí tưởng, nhà trường cũng có thể tập trung để nâng cao chất lượng dạy và học. Học sinh cũng từ đó mà nâng cao tính kỷ luật, có khả năng thích ứng với bất kì môi trường làm việc nào trong tương lai”, cô Linh nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, cô Nguyễn Vân Anh, giáo viên Trường Dewey Tây Hồ Tây, Hà Nội cho rằng nên cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp để nâng cao chất lượng học tập. Ngoài ra, việc hạn chế điện thoại có thể giúp học sinh tránh tình trạng nghiện công nghệ, từ đó khuyến khích học sinh tham gia nhiều hơn vào các hoạt động thể chất hoặc sáng tạo khác.

Tuy nhiên, từ vấn đề này, giáo viên cũng cần tạo ra các phương pháp giảng dạy linh hoạt và có thể tận dụng công nghệ một cách hiệu quả thay vì chỉ đơn thuần cấm đoán.

the-dewey-schools-1279781.jpg
Học sinh hệ thống Trường phổ thông Dewey. Ảnh: Website nhà trường

Cô Nguyễn Vân Anh cho biết, tại hệ thống Trường phổ thông Dewey, điện thoại của học sinh để vào tủ chuyên dụng vào buổi sáng. Sau khi kết thúc buổi học tại trường, các em được nhận lại điện thoại. Nếu gia đình có việc quan trọng có thể liên hệ giáo viên chủ nhiệm, thầy cô sẽ có trách nhiệm thông báo tới học sinh của mình.

Về các thiết bị khác như laptop hay ipad, học sinh vẫn sẽ được đem theo bên mình. Tuy nhiên chỉ sử dụng trong các tiết học khi giáo viên bộ môn cho phép, học sinh sử dụng để phục vụ một hoạt động học tập cụ thể. Và việc sử dụng các thiết bị này, đều nằm dưới sự kiểm soát của giáo viên.

Cần sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh để học sinh không lạm dụng điện thoại

Thực tế, quy định học sinh không được dùng điện thoại tại trường đã có trong Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, làm thế nào để kiểm soát được học sinh sử dụng điện thoại ở trường là phục vụ cho việc học hay các hoạt động khác là vấn đề tương đối khó. Tình trạng nhiều học sinh lấy cớ sử dụng điện thoại để học tập nhưng thực chất lại để chơi game vẫn diễn ra khá phổ biến.

Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Lương Đức Trọng, giáo viên Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Cầu Giấy, Hà Nội đồng thời là giảng viên Khoa Toán - Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ quan ngại về việc tham gia của các thiết bị điện tử và thiết bị thông minh vào các lĩnh vực giáo dục ngày càng nhiều.

“Việc sử dụng các thiết bị này cho mục đích giáo dục ngày càng trở thành nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên có một số người học thường lợi dụng việc sử dụng điện thoại hay các thiết bị điện tử để thực hiện các hoạt động khác ngoài giáo dục như chơi game, lướt web, facebook, tiktok,… một cách thường xuyên", Tiến sĩ Lương Đức Trọng chia sẻ.

Chính vì vậy, thầy Trọng cho rằng nhà trường và gia đình cần tăng cường tương tác thông qua sổ liên lạc điện tử. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần phân chia các hoạt động giáo dục nào có thể được sử dụng thiết bị điện tử, hoạt động nào không để gia đình nắm được.

Đồng thời, gia đình và nhà trường chỉ nên cho phép học sinh được sử dụng thiết bị thông minh dưới sự giám sát. Tuy nhiên, để tránh trường hợp học sinh có nhiều thiết bị nhưng chỉ nộp 1 thiết bị để đối phó, trường học nên tăng cường giám sát thông qua hệ thống camera. Ngoài ra, nhà trường có thể cung cấp các thiết bị tra cứu và học tập có kiểm soát như phòng công nghệ thông tin, thư viện và 1 máy tính tại lớp,...

“Hơn hết, việc học sinh hiểu đúng về tác động tốt và xấu của điện thoại trong môi trường học đường đóng vai trò then chốt cho việc đảm bảo yếu tố cân bằng giữa việc sử dụng đúng và lạm dụng. Theo tôi, nhà trường có thể tuyên truyền, mời các nhà chuyên gia tâm lý, giáo dục tổ chức các buổi talk show về vấn đề này để hướng học sinh đến con đường đúng đắn nhất”, thầy Trọng cho hay.

c39adea6-95a1-4315-aafa-0a77f4ec4082.jpeg
Tiến sĩ Lương Đức Trọng, giáo viên Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Cầu Giấy, Hà Nội đồng thời là giảng viên Khoa Toán - Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về phương pháp hướng dẫn học sinh sử dụng điện thoại hợp lý, cô Dương Thùy Linh nhấn mạnh cần sự phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình về ý thức tự giác của các em. Học sinh phải nâng cao nhận thức về tác hại của việc lạm dụng điện thoại trong cuộc sống và nâng cao tính kỷ luật trong việc chấp hành nội quy trường học.

Theo cô Linh, nếu có những hoạt động nhằm phát huy ứng dụng của công nghệ, giáo viên chỉ nên để học sinh sử dụng trong thời gian ngắn, có hình thức kiểm tra nội dung, báo cáo kết quả từ việc sử dụng điện thoại trong giờ học. Hơn hết, giáo viên cần bao quát, kịp thời quan sát học sinh trong lớp tránh việc các em sử dụng điện thoại vào mục đích khác.

Khuyến khích học sinh tham gia hoạt động ngoại khoá để hạn chế sử dụng điện thoại

Bên cạnh việc cấm học sinh sử dụng điện thoại, các giáo viên cũng cho rằng cần có sự linh hoạt. Nhà trường nên tổ chức thêm nhiều hoạt động ngoại khóa để khuyến khích học sinh hạn chế sử dụng điện thoại di động.

“Dù cấm sử dụng điện thoại có thể mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng cần có sự linh hoạt trong việc áp dụng. Ví dụ, trong một số trường hợp đặc biệt, học sinh có thể thực sự cần sử dụng điện thoại để liên lạc với gia đình hoặc sử dụng vào mục đích học tập chính đáng, tra cứu thông tin trong giờ ra chơi hoặc các hoạt động ngoại khóa.

Bên cạnh đó, nếu việc cấm cản diễn ra quá khắt khe, vô tình sẽ tạo ra sự căng thẳng cho người học, thậm chí có thể dẫn đến phản ứng gay gắt từ phía học sinh", cô Vân Anh cho hay.

Cũng theo giáo viên Trường Dewey Tây Hồ Tây, Hà Nội thay vì cấm hoàn toàn điện thoại trong giờ ra chơi hoặc các hoạt động ngoại khóa trường học có thể thiết lập khu vực dành riêng cho việc sử dụng điện thoại. Ví dụ như tạo ra một khu vực cụ thể trong trường, nơi học sinh có thể sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi hoặc các thời điểm nghỉ ngơi. Điều này giúp học sinh không cảm thấy bị cấm đoán hoàn toàn nhưng vẫn giữ được môi trường học tập lành mạnh.

Đồng thời, cần giới hạn thời gian sử dụng điện thoại của học sinh. Nhà trường có thể quy định thời gian cụ thể trong ngày khi học sinh có thể sử dụng điện thoại, chẳng hạn chỉ trong giờ ăn trưa hoặc các buổi ra chơi ngắn. Điều này đảm bảo rằng học sinh vẫn có thời gian để thư giãn với thiết bị của mình nhưng không bị lạm dụng.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa. Nhà trường có thể tổ chức thêm nhiều hoạt động ngoại khóa hấp dẫn và có tính tương tác cao để học sinh ít có nhu cầu sử dụng điện thoại. Những hoạt động như thể thao, câu lạc bộ sáng tạo hoặc trò chơi ngoài trời có thể giúp học sinh tận hưởng thời gian mà không cần đến thiết bị di động.

Ngoài ra, cô Vân Anh cũng cho rằng sự cân bằng giữa việc sử dụng điện thoại như một công cụ hỗ trợ học tập và việc lạm dụng điện thoại cho các mục đích khác trong môi trường học đường phải đến từ chính nhận thức của học sinh. Học sinh cần ý thức được tính cần thiết của việc học, tính thiết yếu của việc giải trí, từ đó lên kế hoạch học tập cho bản thân mình. Đồng thời nên có sự đồng hành từ phụ huynh và giáo viên thì học sinh sẽ tự cân bằng được hai mục đích của việc sử dụng điện thoại.

thpt ml.jpeg
Học sinh Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V. Lô-mô-nô-xốp, Hà Nội tham gia tập huấn phòng cháy, thoát hiểm. Ảnh: Website nhà trường

Tại Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V. Lô-mô-nô-xốp, Hà Nội, cô Linh cho biết, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khoá và tổ chức các cuộc thi cho học sinh như: khởi nghiệp sáng tạo, tranh biện bằng tiếng Anh, tiếng Việt, lễ hội văn hoá dân gian, Festival Tiếng Anh, lễ hội âm nhạc. Bên cạnh đó, trường cũng có hệ thống các câu lạc bộ thể thao, câu lạc bộ khoa học, câu lạc bộ nghệ thuật, kênh chuyển động LomoTV, các câu lạc bộ tiếng nước ngoài, câu lạc bộ văn học, báo chí – thư viện,… để giúp các em phát triển tư duy toàn diện.

Cô Linh nhận định: "Với những lợi ích và tính khả thi của việc cấm sử dụng điện thoại tại trường, tôi tin học sinh sẽ không bị sa đà, phụ thuộc quá nhiều vào thiết bị điện tử. Đồng thời, các em vẫn có thể tiếp cận và học hỏi về công nghệ thông qua sự hướng dẫn từ gia đình, bạn bè và thầy cô. Khi đó, bố mẹ sẽ trở thành những người bạn đáng tin cậy, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng cho con cái sử dụng các thiết bị thông minh một cách hợp lý và đúng mục đích".

Huyền Trang