Năm 2023, khi Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang được thành lập, ngành Giáo dục Tiểu học thuộc Khoa Sư phạm đã được đưa vào tuyển sinh và nhanh chóng trở thành ngành học thu hút nhiều thí sinh đăng kí của nhà trường.
Đa số sinh viên đều sinh sống trong địa bàn tỉnh và khu vực lân cận, theo học ngành Giáo dục Tiểu học với mơ ước mang con chữ đến cho các trẻ em vùng cao.
Giải “cơn khát” giáo viên tiểu học của tỉnh Hà Giang
Theo Tiến sĩ Lục Quang Tấn - Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang, giáo viên tiểu học luôn được xã hội coi trọng và có nhu cầu tuyển dụng cao, đặc biệt tại các vùng nông thôn và miền núi.
Là một địa phương có hoàn cảnh kinh tế xã hội còn khó khăn, Hà Giang luôn trong tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Tính theo định mức, nhu cầu cần bổ sung biên chế cho năm học 2024 - 2025, toàn ngành thiếu 1.997 giáo viên.
Trong đó, nhu cầu giáo viên mầm non, tiểu học giai đoạn 2024 - 2027 dự kiến là 2.128 giáo viên. Một số địa phương thiếu hụt nhiều giáo viên nhất là Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, Xín Mần.
Thầy Tấn cũng chia sẻ, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên tại tỉnh, qua đó giúp giải quyết nhu cầu cấp bách và thiết yếu, góp phần đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Hà Giang và các tỉnh lân cận như Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn.
Cũng như các ngành sư phạm khác, sinh viên theo học ngành Giáo dục Tiểu học tại Phân hiệu không phải lo lắng về học phí khi đã được Nhà nước hỗ trợ 100%.
Bên cạnh đó, sinh viên còn nhận thêm hỗ trợ chi phí sinh hoạt là 3.630.000 đồng/tháng, giúp các bạn an tâm học tập. Những sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người, sinh sống trong vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn sẽ có thêm những hỗ trợ khác.
“Nếu sinh viên là người tỉnh Hà Giang và một số khu vực tỉnh khác lân cận, các em sẽ gần gia đình, người thân; thường xuyên nhận được sự chăm sóc, chia sẻ từ gia đình” - thầy Tấn bày tỏ.
Do vậy, kể từ khi tuyển sinh lần đầu tiên vào năm học 2023 - 2024, ngành luôn nhận lượng hồ sơ đăng ký rất cao. Năm nay, ngành Giáo dục Tiểu học tuyển 200 chỉ tiêu với mức điểm trúng tuyển lên tới 27,4 - cao nhất tại phân hiệu.
Bạn Nguyễn Hùng Giang - lớp trưởng lớp K1 GDTH A, một trong những sinh viên đầu tiên của ngành Giáo dục Tiểu học chia sẻ: “Lý do em lựa học ngành Giáo dục tiểu học là vì nghề giáo không chỉ là một nghề, mà còn là một sứ mệnh.
Một người thầy, cô giáo không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn định hình nhân cách cho học sinh. Đó là lý do tại sao em luôn trân trọng và muốn cống hiến hết mình cho nghề giáo.
Khi biết ngành giáo dục tỉnh Hà Giang đang thiếu nhiều giáo viên, em muốn góp một phần nhỏ bé cho ngành giáo dục tỉnh nhà”.
Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang là trường đại học đầu tiên đặt đặt trên địa bàn tỉnh khiến Giang cảm thấy rất vinh dự khi được là một trong những sinh viên đầu tiên của ngành Giáo dục tiểu học tại Phân hiệu.
Đây là cơ hội để em được đóng góp vào việc xây dựng và phát triển ngành học, đồng thời được trải nghiệm những điều mới mẻ và thú vị.
Việc được học tại một trường mới như Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang giúp em có nhiều cơ hội để rèn luyện các kỹ năng cần thiết và thực hiện ước mơ của mình.
“Bên cạnh đó, em tiết kiệm được nhiều chi phí và có thêm thời gian dành cho gia đình. Việc được học tập và sinh sống gần nhà cũng giúp em cảm thấy an tâm hơn” - Giang tâm sự.
Nguyễn Ngọc Như - Phó Bí thư chi đoàn lớp K1 GDTH A được truyền cảm hứng theo đuổi nghề giáo từ gia đình. Bố Như là giáo viên tiểu học còn mẹ em là giáo viên mầm non.
“Bố mẹ em đã hơn 20 năm làm giáo viên vùng cao và khi nhìn thấy những hình ảnh của bố mẹ, em đã nghĩ mình phải theo ngành giáo viên để góp một phần công sức nhỏ bé nào đó cho các em học sinh trên vùng cao.
Em chọn học ở Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang bởi khi tìm hiểu em thấy có cơ hội phát triển tại chính mảnh đất quê hương của mình, có cơ hội học tập, tìm hiểu và tiết kiệm chi phí cho gia đình” - Như bày tỏ.
Sau một năm học tập, cả Giang và Như đều có thành tích học tập tốt, được trường tuyên dương nhờ đóng góp trong phong trào Tiếp sức mùa thi năm 2024.
Sinh viên được trau dồi nhiều kỹ năng mềm
Theo thầy Tấn, chương trình đào tạo ngành Giáo dục Tiểu học gồm các môn học cơ bản và chuyên sâu về giáo dục tiểu học, tâm lý học giáo dục, phương pháp giảng dạy, và thực hành giảng dạy tại các trường tiểu học.
Bên cạnh đó, người học cần rèn luyện và phát triển các năng lực, phẩm chất gồm: Một là, khả năng nghiên cứu: Làm trong ngành sư phạm, bạn phải thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi và tự học hỏi để cập nhật những kiến thức mới, đồng thời trang bị những cách dạy mới để học sinh dễ dàng tiếp thu hơn.
Hai là, khả năng lập kế hoạch: Trước mỗi tiết học, bạn cần soạn bài, lên kế hoạch tổ chức bài giảng (dạy như nào, có những hoạt động gì trong tiết học...). Vì thế, kỹ năng lập kế hoạch để tạo ra một buổi dạy hấp dẫn là cần thiết trong ngành sư phạm.
Ba là, khả năng linh hoạt thích ứng: Khả năng thích ứng với các môi trường học tập và giảng dạy khác nhau là một kỹ năng cần thiết để các nhà giáo dục trở nên xuất sắc trong nghề nghiệp của họ.
Bốn là, khả năng giao tiếp: Công việc của ngành giáo viên đòi hỏi bạn phải giao tiếp với nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm học sinh, phụ huynh và các nhân viên giảng dạy khác…
Với đặc thù là ngành sư phạm đào tạo giáo viên vùng cao, sinh viên được đi thực tế ngay tại địa phương. Đây là một trong những hoạt động giúp sinh viên áp dụng lý thuyết vào thực tế, nâng cao khả năng tự học và chuẩn bị cho sự nghiệp sau này.
Hoạt động học tập trải nghiệm của sinh viên không chỉ khắc sâu lại kiến thức môn học mà còn giúp phát triển kỹ năng mềm, tạo ra cơ hội networking, và hỗ trợ sự phát triển cá nhân.
Bên cạnh đó, sinh viên được bồi dưỡng thêm chứng chỉ tiếng H’Mông, giúp người học thuận lợi hơn khi dạy học tại các điểm trường nhiều học sinh người dân tộc thiểu số.
Bạn Nguyễn Hùng Giang chia sẻ: “Em từng có cơ hội xuống thăm một điểm trường tại địa phương. Các em học sinh người dân tộc thiểu số nói tiếng phổ thông còn chưa sõi, thầy cô sẽ phải dạy kết hợp cả tiếng dân tộc và tiếng phổ thông để giúp các em hiểu hơn về bài học. Việc trường đào tạo thêm tiếng dân tộc thiểu số sẽ hỗ trợ sinh viên trong việc giảng dạy”.
Với không gian học tập và sáng tạo, sinh viên được khuyến khích tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ.
Ngọc Như tâm sự: “Bên cạnh việc học thì em có tham gia Câu lạc bộ Truyền thông, vì em rất thích chụp ảnh, viết bài.
Câu lạc bộ giúp em rèn luyện khả năng giao tiếp trước đám đông, khả năng làm việc nhóm, giúp em phát triển kỹ năng công nghệ thông tin của em và có những trải nghiệm thú vị”.