Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được phản ánh của bạn đọc về một số nội dung liên quan đến đội ngũ giảng viên cơ hữu, cơ sở vật chất tại Trường Đại học Thăng Long.
Theo phản ánh của bạn đọc nêu: "Thời gian qua, nhiều giảng viên rời trường (trong đó có
nhiều giảng viên có chức danh Phó Giáo sư, trình độ Tiến sĩ khiến cho đội ngũ giảng viên bị thiếu hụt). Nhiều giảng viên không có chuyên môn phù hợp với ngành đào tạo như giảng viên có chuyên môn về máy bay; tên lửa; cùng với đó giáo viên thể chất đều được kê khai tham gia một số ngành đào tạo không liên quan. Diện tích sàn xây dựng của trường được kê khai không đúng với thông tin được đăng tải trên website nhà trường".
Để có thêm thông tin, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có tìm hiểu cụ thể.
Trường không kê khai trình độ chuyên môn đào tạo của giảng viên cơ hữu
Liên quan đến nội dung phản ánh của bạn đọc, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam khảo sát qua Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Thăng Long đăng tải ngày 28/6/2024. Về điều kiện đảm bảo chất lượng, đề án nêu đường link công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo và dẫn đến link ba công khai.
Tại mục 3 công khai, có nội dung: "Các điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2024". Theo link gắn trong tiêu đề này cho ra một bản thống kê chi tiết các điều kiện đảm bảo chất lượng, gồm bảng kê Quy mô đào tạo hình thức chính quy tính đến ngày 31/12/2023 (người học); cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu; Danh sách giảng viên.
Đáng nói, theo biểu mẫu của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về danh sách giảng viên toàn thời gian, yêu cầu phải được kê khai đầy đủ các nội dung từ họ tên, chức danh khoa học, trình độ chuyên môn, chuyên môn đào tạo và tên ngành tham gia giảng dạy.
Tuy nhiên, trong bảng kê danh sách giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Thăng Long cho thấy, thông tin về chuyên môn đào tạo của giảng viên toàn thời gian không được kê khai theo yêu cầu tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. Nhà trường chỉ kê khai tên, năm sinh, chức danh, trình độ đào tạo, chuyên ngành giảng dạy.
Vì thế, phóng viên không có đủ căn cứ đối chiếu để làm rõ phản ánh về việc trình độ chuyên môn của giảng viên có phù hợp với chuyên ngành giảng dạy hay không?
Bạn đọc băn khoăn giảng viên trên 80 tuổi có đủ sức khỏe giảng dạy?
Cùng với đó, bạn đọc phản phản ánh về việc một số thầy/cô được kê khai nhiều lần trong danh sách giảng viên cơ hữu và tuổi khá cao liệu có đủ sức khỏe để tham gia giảng dạy. Để có thông tin khách quan về nội dung này, phóng viên đã tiếp cận với báo cáo 3 công khai năm học 2023-2024.
Theo biểu mẫu công khai giảng viên cơ hữu (biểu mẫu 20) được đăng tải trên website trường vào ngày 29/7/2024, số liệu tổng số giảng viên cơ hữu kê khai theo khối ngành khác với tổng số kê khai công khai thông tin về danh sách chi tiết đội ngũ giảng viên theo ngành.
Đáng lưu ý, trong bảng công khai thông tin về danh sách chi tiết đội ngũ giảng viên theo ngành cho thấy, có một số thầy/cô được kê khai nhiều lần trong danh sách này. Ví dụ như thầy Đỗ Văn Lưu (sinh năm 1946) được kê khai ở trình độ tiến sĩ, số thứ tự 1, chuyên ngành giảng dạy Toán ứng dụng.
Thầy tiếp tục được kê khai ở trình độ thạc sĩ, số thứ tự 33, cũng là chuyên ngành giảng dạy Toán ứng dụng và kê khai tại trình độ giảng dạy đại học số thứ tự 65, chuyên ngành giảng dạy là Quản trị kinh doanh.
Thầy Đặng Cảnh Khanh, được kê khai ở phần trình độ thạc sĩ, số thứ tự 75, chuyên ngành giảng dạy Quản lý bệnh viện. Thầy cũng được kê khai tại trình độ đại học, số thứ tự 305, chuyên ngành giảng dạy là Công tác xã hội (10% - trường ghi trong bảng kê) và được kê khai tại số thứ tự 330, chuyên ngành giảng dạy Truyền thông đa phương tiện.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng băn khoăn, trong danh sách giảng viên có nhiều thầy/cô lớn tuổi liệu có đủ sức khỏe để giảng dạy?
Theo tìm hiểu, tại mục danh sách giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy tại trường có một số giảng viên khá lớn tuổi như: Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Quỳnh, sinh năm 1933 (91 tuổi); Tiến sĩ Bùi Huy Hiền, sinh năm 1943 (81 tuổi); Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Huy Dũng sinh năm 1937 (87 tuổi).
Đồng thời, theo tìm hiểu của phóng viên, có nhiều thầy/cô có trình độ đào tạo bằng đại học cũng được kê khai vào danh sách giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy.
Nhiều thầy, cô còn rất trẻ như cô Bùi Thị Hà Tú, sinh năm 2000, chuyên ngành giảng dạy là Ngôn ngữ Anh, có trình độ đào tạo là đại học cũng được kê khai vào danh sách giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy.
Trong khi đó, theo quy định Luật Giáo dục đại học, trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ. Điều này cũng gây thắc mắc.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng nêu một số nghi vấn về việc vận hành phần mềm đăng ký học của trường gặp sự cố. Dữ liệu điểm của sinh viên có bị ảnh hưởng?
Để làm rõ các nội dung liên quan đến thông tin phản ánh từ độc giả, ngày 27/08/2024, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã gửi giấy giới thiệu kèm nội dung câu hỏi đến Trường Đại học Thăng Long. Tuy nhiên đến nay, phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi nào của nhà trường về các nội dung mà bạn đọc phản ánh nói trên.
Đồng thời, phóng viên cũng đã liên hệ qua điện thoại với Quyền Hiệu trưởng nhà trường là thầy Nguyễn Hữu Đăng. Tuy nhiên đến nay, nhà trường vẫn chưa có phúc đáp cụ thể về các băn khoăn trên.