Dư luận phản ứng là điều dễ hiểu
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Bất cứ một nội dung nào được đưa ra để điều chỉnh, thay đổi thì cũng nên được nghiên cứu và đánh giá trên tình hình thực tế.
Đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, có thể nói áp lực và tính cạnh tranh đối với học sinh hiện nay còn lớn hơn kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Đặc biệt khi tỷ lệ chọi vào các trường công trong nội thành ngày càng lớn thì tâm lý lo lắng của phụ huynh đối với những vấn đề liên quan đến kỳ thi cũng là điều dễ hiểu.
Nhìn từ góc độ tâm lý, phụ huynh hay học sinh đều mong muốn kỳ thi được tổ chức với 3 môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh vì đây là những môn học hiện đang được phụ huynh, học sinh chú trọng và đầu tư nhiều nhất nên sẽ an toàn và gia tăng cơ hội trúng tuyển.
Tuy nhiên, nếu để học sinh biết trước các môn thi thì các em sẽ chỉ tập trung thời gian học tập đối với các môn học đó. Điều này chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng học lệch và có tâm lý chống đối, coi thường, xem nhẹ đối với những môn học trước đây không được sử dụng trong các kỳ thi.
Ngược lại, nếu không biết trước môn thi thứ 3 thì học sinh buộc phải học tập nghiêm chỉnh, đồng đều các môn, không đặt nặng hay nhẹ các môn học như trước đây.
Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi vào lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông mới nên đề xuất bốc thăm ngẫu nhiên môn thi thứ 3 của Bộ sẽ có sự thống nhất với kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2025 (Toán và Ngữ văn bắt buộc cùng hai môn tự chọn).
Do đó, cô Hồng bày tỏ quan điểm: Nếu dư luận lo ngại phương thức bốc thăm mang tính may rủi thì việc lựa chọn các môn thi cố định chẳng phải đang dựa theo cảm tính hay sao?
Chưa kể đến việc vai trò của các môn học là như nhau nên không thể đánh giá môn này quan trọng và các môn còn lại kém quan trọng hơn.
Trên thực tế, vì việc cố định các môn thi mỗi năm đã vô tình gieo vào nhận thức chung của xã hội về việc phân biệt môn chính, môn phụ.
Trong khi đó hệ lụy và ảnh hưởng từ việc này chính là nguyên nhân khiến học sinh học tủ, học lệch và phát triển không toàn diện.
“Học tập là cả một quá trình chứ không phải là thời điểm thi cử, nếu tình trạng học lệch còn tiếp tục diễn ra thì việc dạy - học tại trường sẽ hướng đến mục đích phục vụ kỳ thi chứ không phải học tập để phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện và đồng bộ như mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trước đó, Bộ cũng đã chỉ đạo đến từng cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới trong 3 năm trở lại đây, điều đó đồng nghĩa với việc học sinh đã được làm quen từ lớp 6 đến lớp 9 chứ không có chuyện đột ngột thay đổi và áp dụng như điều mà phụ huynh đang lo lắng.
Thời điểm công bố môn thi thứ 3 trước ngày 31/3 cũng là một thời điểm hợp lý vì lúc này chương trình học tập trên lớp của các con cũng gần hoàn thiện, nên thời gian 2-3 tháng tập trung ôn luyện các môn thi là hoàn toàn phù hợp”, cô Vân Hồng chia sẻ.
Cùng bàn về vấn đề trên, Thạc sĩ Lê Nhơn - Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cũng cho rằng, việc bốc thăm ngẫu nhiên môn thứ 3 thi vào lớp 10 là một phương án mới nhằm tránh tình trạng học sinh học tủ, học lệch, tạo cơ hội công bằng giữa các môn học.
Theo đó, ông Nhơn nhấn mạnh đến mục tiêu trọng tâm của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phát triển phẩm chất và năng lực, song song với đó là phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho từng cá nhân học sinh.
Đối với học sinh Trung học cơ sở thì phải đảm bảo kiến thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau Trung học cơ sở.
Để đạt được điều đó thì học sinh phải học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, đặc biệt chú trọng đến tất cả các môn học, không coi trọng môn này và xem nhẹ môn kia.
Do đó, thầy Nhơn cho rằng phương án thi tuyển như Bộ đề xuất hiện nay với môn thi thứ ba do Sở Giáo dục và Đào tạo bốc thăm ngẫu nhiên vừa phù hợp với mục tiêu chung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mặt khác còn ngăn chặn, loại bỏ thực trạng học lệch, phân biệt môn chính, môn phụ.
Khi học sinh ở bậc Trung học cơ sở học đều các môn thì lên bậc Trung học phổ thông có nhiều điều kiện thuận lợi trong công việc học tập cũng như định hướng nâng cao được chất lượng giáo dục cho giai đoạn sau phổ thông.
“Cái hay của phương án này chính là để đến tận cuối tháng 3 mới công bố nên học sinh sẽ phải chủ động học tập, tích lũy kiến thức cơ bản đối với tất cả các môn. Nếu em nào không lo học từ ban đầu thì 3 tháng cuối sẽ không đủ ôn luyện.
Ngược lại với những học sinh có sự chuẩn bị từ ban đầu thì việc bốc thăm vào môn học nào cũng đều không có vấn đề gì.
Việc bốc thăm ngẫu nhiên sẽ đảm bảo tính khách quan và công bằng trong việc lựa chọn môn thi, ngăn chặn tình trạng học gì thi nấy hay “nước đến chân mới nhảy”.
Tuy nhiên, để kỳ thi diễn ra thuận lợi và hiệu quả thì trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo vô cùng lớn, đặc biệt là những người tham gia trực tiếp tổ chức kỳ thi phải làm một cách khách quan, công tâm và theo đúng quy trình, quy định đã đưa ra ban đầu", Thạc sĩ Lê Nhơn chia sẻ.
Nếu bốc thăm vào môn tích hợp sẽ là một thử thách với học sinh
Trong khi đó, giáo viên tại một Trường Trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội lại nhận định rằng, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai đến nay là năm thứ 4 ở các cấp học, bậc học nhưng thách thức lớn nhất đối với cả thầy và trò vẫn là các môn gọi là tích hợp ở bậc trung học cơ sở như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm,…
Vì các môn tích hợp bao gồm 2-3 phân môn nên nếu môn thi thứ ba bốc thăm ngẫu nhiên vào môn tích hợp thì chắc chắn sẽ là một áp lực đối với cả học sinh, phụ huynh và nhà trường.
Vị này lý giải thêm, các môn tích hợp được hình thành dựa trên 2-3 phân môn nên kiến thức sẽ nhiều và nặng hơn các môn đơn lẻ thông thường. Do đó, học sinh sẽ cần nhiều thời gian để nhuần nhuyễn và làm quen.
Mặt khác, việc tổ chức dạy và học 2 môn tích hợp này thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập và gây nhiều tranh cãi. Nếu môn thi thứ 3 được công bố trước ngày 31/3 thì học sinh chỉ còn 2-3 tháng ôn tập, nếu vào môn tích hợp thì sẽ không đủ thời gian cho các em.
Ngoài ra, giáo viên này còn cho hay, một thách thức khác đối với việc tích hợp 2,3 phân môn thành một môn học chính là năng lực và trình độ của giáo viên.
Nếu như trước đây giáo viên chỉ phụ trách một môn đơn lẻ là Hóa học hoặc Vật lý, Sinh học thì giờ đây giáo viên phụ trách môn Khoa học tự nhiên sẽ phải giảng dạy kiến thức của cả 3 phân môn.
Việc đào tạo, giảng dạy kiến thức một môn đơn lẻ trong nhiều năm giờ phải phụ trách thêm cả 2 phân môn khác chính là một thách thức lớn đối với giáo viên khi rất khó nắm vững kiến thức giảng dạy toàn bộ chương trình môn học.
Để có thể giảng dạy tốt môn tích hợp, giáo viên phải chủ động đi học để hoàn thiện bằng cấp, kỹ năng sư phạm cũng như kinh nghiệm cho bản thân trước khi giảng dạy, bồi dưỡng học sinh trên trường.
Vậy nên có thể thấy rằng, vấn đề giáo viên dạy giảng vốn đã tồn tại bất cập khi thầy cô cũng “lần đầu” phụ trách môn tích hợp nên kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức truyền đạt cho học sinh sẽ không đủ sâu.
Trong khi đó giáo viên là người trực tiếp giảng dạy, dẫn dắt học sinh học tập và ôn luyện. Khi người dẫn dắt còn nhiều hạn chế và vấn đề bất cập thì người thực hiện chắc chắn cũng sẽ không dễ dàng gì.
Do đó, vị này bày tỏ mong muốn Bộ xem xét và cân nhắc hình thức bốc thăm ngẫu nhiên môn thi thứ 3 trong năm đầu tiên đối với các môn tích hợp để giảm áp lực cho học sinh và cả giáo viên.
Tài liệu tham khảo:
[1]: https://giaoduc.net.vn/mon-thi-thu-3-vao-lop-10-bo-gd-dang-lay-y-kien-va-se-lang-nghe-tieng-noi-co-so-post246043.gd