Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2024-2025 được Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ra là tăng cường ứng dụng công nghệ giáo dục, trí tuệ nhân tạo (AI) trong dạy và học.
Sử dụng ChatGPT, tiết kiệm thời gian, tăng chất lượng, hiệu quả giảng dạy
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hà Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho (Nam Định) đánh giá cao những tác động tích cực của việc đưa công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào quản lý và giảng dạy.
Cụ thể, thầy Hải chỉ ra: “Việc ứng dụng công nghệ đã giúp giảm đáng kể khối lượng công việc hành chính cho giáo viên. Thay vì phải mất nhiều thời gian cho việc ghi chép, thầy cô có thể tập trung hơn vào việc nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy.
Đồng thời, giúp nhà trường minh bạch vấn đề thu chi, phụ huynh học sinh có thể nắm bắt rõ ràng; cán bộ quản lý cũng kiểm soát dễ dàng thông qua phần mềm quản lý tài chính.
Thứ ba, đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên trong các thí nghiệm khoa học. Ví dụ, thí nghiệm thật có thể sẽ tiền ẩn nguy hiểm, tốn kinh phí mua hóa chất và tiêu hủy hóa chất; thí nghiệm ảo thì tỉ lệ thành công trong lý thuyết sẽ cao hơn, đỡ tốn kém chi phí, học sinh được quan sát rõ ràng hơn, sáng tạo hơn; nhờ đó chất lượng dạy học cũng được nâng cao.
Một trong những lợi ích nổi bật nữa là tra cứu thông tin nhanh, dễ dàng, tra cứu chuẩn xác lý lịch học tập, điểm số của người học”.
Thầy Lê Văn Lực - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Yên số 2 (Bắc Giang) cũng cho biết: “Việc ứng dụng AI vào dạy học đem lại nhiều lợi ích, đồng thời mở ra cánh cửa mới cho sự phát triển giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Trí tuệ nhân tạo trở thành công cụ đắc lực trong việc tối ưu hóa quá trình giảng dạy - học tập. Nhờ đó, tạo ra các bài giảng và tài liệu phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng học sinh, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Ngoài ra, AI cũng giúp tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh nhà trường thông qua các hoạt động học tập sáng tạo, thú vị.
Đặc biệt, trong bối cảnh của cuộc cách mạng số hóa, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thiết kế bài giảng tại các trường phổ thông đang trở thành xu hướng tất yếu. Bằng cách sử dụng các công cụ và thuật toán AI như AIKTP và ChatGPT, giáo viên dễ dàng biên soạn bài giảng và đổi mới phương pháp giảng dạy đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng cho học sinh”.
Theo thầy Lực, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong dạy và học tại Trường Trung học phổ thông Việt Yên số 2 được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong các năm vừa qua, đặc biệt là từ năm học 2023-2024 trở lại đây. Nhà trường xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ AI lồng ghép với kế hoạch giáo dục; chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch thực hiện.
Thầy Lực cho biết thêm, nhà trường đang ứng dụng công nghệ thông tin rất nhiều trong quản lý và giảng dạy. Có thể kể đến như quản lý sổ theo dõi và đánh giá học sinh, học bạ học sinh trên phần mềm cơ sở dữ liệu dùng chung ngành giáo dục; sử dụng các phần mềm xếp thời khóa biểu, quản lý hồ sơ điện tử; sử dụng phần mềm dạy - học - thi trực tuyến; phần mềm quản lý, duyệt giáo án trực tuyến; sử dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ các hoạt động của giáo viên, như tạo giáo án powerpoint, xây dựng câu hỏi, bài tập,... Đồng thời, giáo viên sử dụng các phần mềm do nhà trường cung cấp để ứng dụng trong công tác giảng dạy.
Theo vị Hiệu trưởng, giáo viên sử dụng ChatGPT để soạn bài giảng, giúp tiết kiệm thời gian và tăng chất lượng, hiệu quả giảng dạy: “Bằng cách cung cấp thông tin về mục tiêu bài giảng, đối tượng học sinh, thời lượng dự kiến, ChatGPT sẽ tự động sinh ra một dàn bài logic và phân chia nội dung thành các phần chính, ý chính, cùng ví dụ minh họa phù hợp. Sau khi có dàn bài hoàn chỉnh, giáo viên tiếp tục sử dụng phần mềm này để tạo ra nội dung cụ thể cho từng phần của bài giảng.
Ngoài soạn nội dung bài giảng chính, việc tạo ra các tài liệu bổ sung như bài tập, câu hỏi thảo luận và slides thuyết trình cũng là một phần quan trọng của quá trình giảng dạy. ChatGPT cũng được sử dụng ở khâu này.
Bên cạnh đó, giáo viên còn tận dụng AI để dịch tài liệu bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, mở rộng hiểu biết và phát triển kỹ năng ngoại ngữ cho học sinh. Trong trường hợp cần dịch tài liệu từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ phù hợp, ứng dụng này tự động dịch một cách chính xác và tự nhiên. Nhờ thế, giáo viên tiết kiệm thời gian, công sức trong quá trình chuẩn bị tài liệu, đồng thời, giúp mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả, thuận lợi”.
Theo thầy Lực, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ hiện đại vào quản lý và giảng dạy không chỉ giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức của đội ngũ nhà trường, mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động một cách rõ rệt
Tuy nhiên, vị Hiệu trưởng cũng bày tỏ sự trăn trở trước những thách thức trong quá trình triển khai. Cụ thể, một số giáo viên lớn tuổi gặp khó khăn trong việc thích ứng với công nghệ mới, đồng thời hạ tầng công nghệ tại trường chưa thực sự đồng bộ, đặc biệt là phòng máy tính và hệ thống máy móc, chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh.
Bên cạnh đó, nhận thức và tâm lý ngại thay đổi của một bộ phận giáo viên cũng là rào cản trong việc ứng dụng công nghệ giáo dục một cách rộng rãi.
Nên đưa việc ứng dụng công nghệ trở thành tiêu chí đánh giá thi đua
Theo thầy Lê Văn Lực, để phát triển năng lực ứng dụng công nghệ AI cho toàn bộ đội ngũ, nhà trường đã và đang triển khai nhiều hoạt động tập huấn đa dạng.
Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tập trung xây dựng lực lượng giáo viên nòng cốt trong việc “cầm tay chỉ việc”; để trực tiếp hướng dẫn, tăng cường ứng dụng công nghệ trong trường.
Bên cạnh đó, khuyến khích giáo viên trao đổi nghiệp vụ thông qua các buổi báo cáo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng. Nhà trường luôn phối hợp chặt chẽ và thông tin kịp thời đến phụ huynh học sinh về các hoạt động, để cùng tạo ra một môi trường học tập tích cực, ứng dụng công nghệ hiệu quả.
Để nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo nói riêng và nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, thầy Lực đề xuất: “Một là, đưa việc ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào quản lý, dạy học trở thành tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá thi đua; đánh giá hiệu quả công tác của giáo viên và cán bộ quản lý.
Hai là, phải tạo được phong trào trong nhà trường, xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán, có khả năng dẫn dắt và hỗ trợ đồng nghiệp ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả. Đồng thời, tạo ra một môi trường làm việc khuyến khích chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau.
Ba là, thường xuyên tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức mới về công nghệ giáo dục để đáp ứng thực tiễn cho cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên”.
Chia sẻ về nội dung này, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cho biết, Sở đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, bao gồm:
Đẩy mạnh thanh toán tiền mặt để giảm thiểu thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc sử dụng văn bản điện tử trong công tác tổ chức các hoạt động của các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, hướng dẫn học sinh sử dụng tài khoản VNeID để biết sử dụng các thủ tục hành chính công (như cấp lại bằng tốt nghiệp, làm bản sao giấy khai sinh, đăng ký tuyển sinh đầu cấp…). Đặc biệt, chú trọng đảm bảo an toàn an ninh thông tin trên môi trường mạng bằng các biện pháp: Đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn an ninh mạng, các nền tảng mở, phần mềm nguồn mở vào chương trình giảng dạy; để hình thành các kỹ năng cần thiết cho thế hệ công dân số.
Vị này cho biết thêm, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục tại tỉnh An Giang đã được triển khai từ những năm 2010-2011; đặc biệt, thể hiện rõ nét nhất trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, giáo viên và học sinh đã thích ứng nhanh chóng.
Theo đó, nhiều trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh An Giang đã được trang bị được hệ thống Internet, thiết bị dạy học hiện đại, giúp thầy trò tiếp cận các thí nghiệm ảo, tranh ảnh, clip minh hoạ cho hoạt động dạy và học theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Bên cạnh đó, một số trường trung học phổ thông đã và đang tổ chức triển khai kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ bằng hình thức trực tuyến qua phần mềm chuyên dụng.
Đào tạo đội ngũ giáo viên có kỹ năng khai thác, sử dụng và ứng dụng công nghệ đáp ứng yêu cầu công việc của từng vị trí việc làm, khai thác hiệu quả kho bài giảng E-Learning. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh học trực tuyến qua hệ thống Zoom, Google Meet, Microsoft Teams, K12 online…
Đồng thời, các trường trung học phổ thông khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu chung của ngành và các phần mềm quản lý khác, đảm bảo kết nối liên thông dữ liệu với phần mềm cơ sở dữ liệu chung của ngành. Cùng với đó, khai thác có hiệu quả phần mềm quản lý thiết bị dạy học, phần mềm quản lý tài sản công, để quản lý các loại tài sản, thiết bị của đơn vị.
Đặc biệt, 100% giáo viên đều được tham gia tập huấn sử dụng sách giáo khoa; công tác đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã dần vào nền nếp, giáo viên đã từng bước thay đổi cách tiếp cận nội dung dạy học, giảm bớt dạy học truyền thụ kiến thức một chiều từ thầy đến trò. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đã góp phần giúp tiết dạy sinh động, thu hút học sinh học tập, phát huy vai trò là trung tâm của tiết học.
Cần nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ và giáo viên
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang nhấn mạnh, trong thời đại số hóa hiện nay, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo đã trở thành một phần không thể thiếu trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục. Tuy nhiên, khi triển khai trong thực tiễn, địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu nguồn lực đầu tư trang thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm thực hành.
Vị này bày tỏ: “Để tăng cường ứng dụng công nghệ, mang lại hiệu quả trong công tác giáo dục trong thời gian tới, trước hết, cần tập trung giải quyết vấn đề trang bị máy tính cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 đáp ứng nhu cầu tổ chức học tập bộ môn Tin học.
Bên cạnh đó, thúc đẩy đăng ký chữ ký số, góp phần hoàn thiện hồ sơ điện tử cho học sinh, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho quá trình quản lý giáo dục”.
Thầy Hà Văn Hải cho biết, Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi hoạt động, từ quản lý đến giảng dạy.
Nhà trường đã xây dựng một hệ sinh thái công nghệ bao gồm kho học liệu số, các phần mềm quản lý văn bản, hệ thống vn.edu, Zoom, Microsoft Teams. Sử dụng nhiều phần mềm để hỗ trợ giảng dạy (môn Vật lý sử dụng phần mềm Crocodile Physics, Physics draw, Solve Elec; môn Ngữ văn sử dụng Minmap 5.0; môn Tin học sử dụng Crocodile ICT; môn Toán sử dụng Cabri 3D, Mathtype, Geogebra, Mape; môn Hoá sử dụng phần mềm Mathtype, Crocodile chemistry; quản lý phòng thực hành qua phần mềm Yenka,...).
Các tổ, nhóm chuyên môn đã lập kế hoạch sử dụng thiết bị dạy học theo từng môn. Nhờ đó, chất lượng quản lý được nâng cao đáng kể, đồng thời việc dạy học trở nên sinh động và hiệu quả hơn.
Theo thầy Hải, năm học 2024-2025, nhà trường đã thành lập Ban Công nghệ thông tin do 1 Phó Hiệu trưởng phụ trách, nhằm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ trong quản lý và giảng dạy.
Bên cạnh đó, nhà trường không ngừng tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên và học sinh có nhận thức đúng đắn về việc triển khai ứng dụng công nghệ, đáp ứng đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông và các điều kiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhà trường cung cấp những kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, để giáo viên xây dựng những bài giảng sáng tạo, hấp dẫn hơn. Cuối cùng, chú trọng về ý thức học hỏi nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập.
Vị Hiệu trưởng cho biết, Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho kiểm soát ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giáo án, thực hiện bài giảng, đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Việc quản lý hồ sơ, sổ sách điện tử được thực hiện theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin hằng năm của nhà trường.
Ban Công nghệ thông tin thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và nhắc nhở cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện. Chú trọng bảo vệ các loại hồ sơ, sổ điểm điện tử bằng mật khẩu - chỉ có những người có trách nhiệm, đã đăng ký số điện thoại với nhà trường, mới có thể vào và sửa chữa được. Khi tổng kết năm học, nhà trường sẽ khóa mã sổ điểm để không ai có thể thay đổi được kết quả học tập của học sinh sau khi đã được phê duyệt.
“Để ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo thành công trong giáo dục, chúng ta cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, trang bị đầy đủ thiết bị dạy học thông minh và đảm bảo kết nối Internet ổn định.
Đồng thời, việc nâng cao năng lực số cho đội ngũ giáo viên là vô cùng quan trọng. Chỉ khi có sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ và con người, mới có thể khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ, tạo ra những đột phá trong đổi mới giáo dục”, thầy Hải chia sẻ.