Giáo viên Hải Phòng ứng dụng AI vào giảng dạy môn khoa học tự nhiên

26/09/2024 18:38
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Cô giáo Trường Trung học cơ sở Trần Phú (Hải Phòng) đã sử dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo vào dạy học môn Khoa học tự nhiên đạt hiệu quả cao.

Chiều 26/9, Trường Trung học cơ sở Trần Phú (quận Lê Chân, Hải Phòng) tổ chức chuyên đề cấp thành phố “Sử dụng công nghệ AI hỗ trợ giáo viên dạy học môn khoa học tự nhiên”.

GDVN_thcs-tran-phu-cd-2024-8.jpg
Tiết mục văn nghệ tại chuyên đề do học sinh Trường Trung học cơ sở Trần Phú thực hiện (Ảnh: LT)

Dự chuyên đề có ông Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng; ông Phạm Quốc Hiệu – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Hoàng Linh – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận Lê Chân; ông Phạm Việt Anh – Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận Lê Chân;

GDVN_thcs-tran-phu-cd-2024-3.jpg
Các đại biểu tham dự chuyên đề (Ảnh: Lã Tiến)

Cùng dự có lãnh đạo Phòng Giáo dục Trung học trực thuộc sở Giáo dục và Đào tạo; ông Phạm Sỹ Tuyên – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân; lãnh đạo phòng giáo dục các quận, huyện; cùng đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên nhiều trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố.

GDVN_thcs-tran-phu-cd-2024-1.jpg
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân quận Lê Chân tặng hoa chúc mừng nhà trường và giáo viên lên lớp tiết dạy minh hoạ (Ảnh: Lã Tiến)

Sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ giảng dạy và học tập

Phát biểu khai mạc chuyên đề, ông Phạm Quốc Hiệu – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng nhấn mạnh: “Năm học 2024-2025 là năm hết sức quan trọng, ngành giáo dục phải bứt tốc để về đích hoàn thành chu trình theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Chính vì vậy, ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo) đã chủ động xây dựng kế hoạch nhiệm vụ năm học, triển khai chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục.

Cùng với đó, các nhà trường đăng ký những chuyên đề từ cấp cơ sở đến cấp thành phố nhằm tạo cơ hội trao đổi, giao lưu học tập kinh nghiệm trong chuyên môn, nhằm triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018”.

GDVN_thcs-tran-phu-cd-2024-7.jpg
Ông Phạm Quốc Hiệu – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng phát biểu khai mạc chuyên đề (Ảnh: Lã Tiến)

Ông Phạm Quốc Hiệu cho rằng, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chú trọng phát triển năng lực học sinh, trong đó năng lực tự chủ, tự học; năng lực giao tiếp và hợp tác; năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cần được quan tâm.

Để phát triển toàn diện năng lực của học trò, thầy cô cần đổi mới các hình thức tổ chức dạy học, trong đó ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và học tập là xu hướng tất yếu trong quá trình đổi mới giáo dục.

Trí tuệ nhân tạo đang từng bước thay đổi cách chúng ta dạy và học. Các công cụ hỗ trợ bởi AI giúp giáo dục hiệu quả hơn, được cá nhân hoá và dễ tiếp cận hơn.

GDVN_thcs-tran-phu-cd-2024-6.jpg
Các đại biểu quét mã QR để tải tài liệu chuyên đề (Ảnh: Lã Tiến)
GDVN_thcs-tran-phu-cd-2024-5.jpg
Các đại biểu quét mã QR để tải tài liệu chuyên đề (Ảnh: Lã Tiến)
GDVN_thcs-tran-phu-cd-2024-4.jpg
Các đại biểu quét mã QR để tải tài liệu chuyên đề (Ảnh: Lã Tiến)

Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo lưu ý, các giáo viên hãy sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ giảng dạy và học tập, không thay thế sự tương tác của giáo viên và học sinh trong lớp học, vai trò của giáo viên trong việc truyền thụ, dẫn dắt học sinh tiếp thu kiến thức vẫn là trọng tâm.

Ông Phạm Quốc Hiệu cũng mong muốn sau chuyên đề, các cán bộ quản lý, giáo viên rút ra những bài học kinh nghiệm để đưa ứng dụng AI vào hỗ trợ giảng dạy một cách hiệu quả và bền vững.

Đồng thời cần có đánh giá tổng quan về sử dụng AI trong giảng dạy, từng bước từ việc hiểu về AI và những thay đổi tích cực mà AI đem lại trong giảng dạy; những thách thức, rào cản khi ứng dụng AI vào giảng dạy. Từ đó đưa ra các giải pháp chủ yếu để khắc phục khó khăn, góp phần hiện thực hoá tiềm năng của AI trong giảng dạy.

Sự cấp cấp thiết của AI trong giáo dục

Phát biểu tại chuyên đề, cô giáo Lê Thị Minh Tâm – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Phú cho biết, nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá trong thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn đăng ký chuyên đề dạy học, đặc biệt chú trọng đưa các thành tựu của Công nghệ số vào hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả dạy học.

GDVN_thcs-tran-phu-cd-2024-2.jpg
Cô giáo Lê Thị Minh Tâm – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Phú phát biểu đề dẫn chuyên đề (Ảnh: Lã Tiến)

Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, công nghệ số không ngừng phát triển và trở thành một phần không thể thiếu trong các hoạt động giảng dạy. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ.

Hiệu trưởng nhà trường đã chỉ ra sự cấp cấp thiết của AI trong giáo dục. Đó là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ AI không còn là lựa chọn mà là sự cần thiết. AI không chỉ đơn thuần là một công cụ hỗ trợ, mà còn mở ra những phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả.

Trong môn Khoa học Tự nhiên, các khái niệm thường mang tính trừu tượng và phức tạp. Đây chính là lúc AI thể hiện vai trò của mình, giúp giáo viên giải thích một cách trực quan và sinh động các hiện tượng khoa học.

GDVN_thcs-tran-phu-cd-2024-11.jpg
Tiết dạy chuyên đề sử dụng hình thức sân khấu hoá (Ảnh: Lã Tiến)

Tại trường Trung học cơ sở Trần Phú (quận Lê Chân) việc giảng dạy môn Khoa học Tự nhiên đang đối mặt với nhiều thách thức do số lượng học sinh đông, trong khi đội ngũ giáo viên chưa thể đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng chuyên môn.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ của công nghệ AI đang mở ra những giải pháp tiềm năng cho vấn đề này. Nhờ AI, giáo viên có thể tạo ra các bài giảng sinh động và trực quan, giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng hơn.

Đồng thời, AI còn hỗ trợ cá nhân hóa quá trình học tập, tạo ra môi trường học tập tương tác và hiệu quả, giúp giáo viên tự tin hơn trong việc giảng dạy môn Khoa học Tự nhiên, dù phải dạy chéo chuyên môn.

Bằng cách tận dụng AI, nhà trường có thể nâng cao trải nghiệm học tập của học sinh, tạo ra những bài giảng mà trước đây chỉ có thể thực hiện trong phòng thí nghiệm. Các thí nghiệm ảo với mô phỏng sinh động sẽ giúp học sinh hiểu sâu hơn về bài học, từ đó khơi dậy sự hứng thú và niềm đam mê học hỏi.

GDVN_thcs-tran-phu-cd-2024-9.jpg
Chuyên viên công nghệ giới thiệu về việc ứng dụng AI trong thiết kế bài giảng (Ảnh: Lã Tiến)

Chính từ sự hỗ trợ cần thiết, hiệu quả của trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy các môn Khoa học tự nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục quận Lê Chân đã đồng ý cho Trường Trung học cơ sở Trần Phú xây dựng Chuyên đề cấp thành phố “Sử dụng công nghệ AI hỗ trợ giáo viên dạy học môn khoa học tự nhiên”.

Để chuẩn bị cho chuyên đề, Ban Giám hiệu nhà trường đã khẩn trương chỉ đạo tổ, nhóm Khoa học tự nhiên xây dựng kế hoạch, thảo luận hướng triển khai nhiệm vụ cụ thể, nghiên cứu bài học và tham khảo tài liệu, xin ý kiến của chuyên gia AI để cùng thúc đẩy và nâng cao hiệu quả dạy học; sao cho vừa phát huy được tinh hoa của phương pháp truyền thống vừa khai thác được thế mạnh của phương pháp dạy học hiện đại và tích cực.

Giáo viên ứng dụng AI vào giảng dạy thế nào?

Tại chuyên đề, các vị đại biểu cùng đông đảo thầy cô giáo, các em học sinh được dự một tiết dạy minh hoạ: Tiết 103 - Bài 6: “Giới thiệu về liên kết hóa học” ở sách Khoa học tự nhiên lớp 7 thuộc bộ Kết nối tri thức và cuộc sống do cô giáo Lưu Thị Mai Phương thực hiện.

GDVN_thcs-tran-phu-cd-2024-12.jpg
Cô giáo Lưu Thị Mai Phương cùng các em học sinh lớp 7 thực hiện tiết dạy minh hoạ (Ảnh: Lã Tiến)

Tiết dạy tại chuyên đề cấp thành phố “Sử dụng công nghệ AI hỗ trợ giáo viên dạy học môn khoa học tự nhiên” của Trường Trung học cơ sở Trần Phú hướng tới các mục tiêu cụ thể như sau:

Nâng cao năng lực giảng dạy: Hỗ trợ giáo viên sử dụng AI để tạo ra các bài giảng trực quan và hấp dẫn.

Tạo môi trường học tập tương tác: AI giúp học sinh tham gia vào các thí nghiệm ảo, từ đó hiểu rõ hơn về các hiện tượng khoa học.

Cá nhân hóa lộ trình học tập: AI giúp theo dõi tiến độ học tập của từng học sinh, từ đó điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với nhu cầu riêng của từng em.

GDVN_thcs-tran-phu-cd-2024-13.jpg
Học sinh hứng thú học tập (Ảnh: Lã Tiến)

Trong tiết dạy minh hoạ, việc ứng dụng công nghệ AI và các phần mềm vào giảng dạy đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Giáo viên đã triển khai các công cụ như Chat GPT để hỗ trợ học sinh giải thích kiến thức một cách chi tiết, và phần mềm mô phỏng giúp học sinh quan sát cấu trúc và quá trình hình thành liên kết hóa học một cách trực quan.

Đồng thời, giáo viên đã sử dụng các phần mềm kiểm tra như Kahoot đã tạo ra môi trường học tập tương tác, giúp đánh giá hiệu quả hơn.

GDVN_thcs-tran-phu-cd-2024-14.jpg
Nhờ AI, giáo viên có thể tạo ra các bài giảng sinh động và trực quan, giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng hơn (Ảnh: Lã Tiến)

Ngoài ra, giáo viên còn khuyến khích việc sử dụng các phần mềm tạo bài hát, thơ, vè, và bản đồ tư duy để giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách sáng tạo. Những công cụ này không chỉ làm cho bài học trở nên sinh động, sáng tạo mà còn nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, hướng đến một môi trường học tập hiện đại và hiệu quả.

GDVN_thcs-tran-phu-cd-2024-10.jpg
Đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên các trường trung học cơ sở tham dự chuyên đề (Ảnh: Lã Tiến)

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Phú nhấn mạnh: “Chuyên đề này không chỉ là cơ hội để chúng ta nhìn nhận về vai trò của AI trong giáo dục, mà còn là lời kêu gọi giáo viên và các nhà quản lý hành động ngay để ứng dụng công nghệ này trong giảng dạy.

AI không phải là tương lai xa vời, mà là hiện thực mà chúng ta có thể tận dụng ngay. Với sự hỗ trợ của AI, giáo viên sẽ có thêm công cụ mạnh mẽ để truyền tải kiến thức, học sinh sẽ có môi trường học tập tốt hơn, và cả hệ thống giáo dục sẽ đạt được những bước tiến xa hơn”.

Chuyên đề của Trường Trung học cơ sở Trần Phú khép lại được lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân, các cán bộ, quản lý, giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên đánh giá xuất sắc.

Các đại biểu cho rằng, tiết dạy minh hoạ thực hiện thành công và chu đáo, giáo viên tham gia giảng dạy có phong thái tự tin, ứng dụng nhiều trí tuệ nhân tạo để tạo nên phương pháp dạy học hiệu quả.

Các đại biểu đánh giá, chuyên đề "Sử dụng công nghệ AI hỗ trợ giáo viên dạy học môn Khoa học tự nhiên” không chỉ là một chủ đề mới mẻ mà còn là một hướng đi mang tính chiến lược để nâng cao hiệu quả giáo dục.

LÃ TIẾN