Chuyên gia hiến kế giúp trường đại học gỡ khó khi tìm "tiến sĩ ngành phù hợp"

17/10/2024 06:19
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Nếu chúng ta vẫn tiếp tục khiên cưỡng rằng khi mở ngành, tiến sĩ phù hợp phải là tiến sĩ ngành này hay tiến sĩ ngành kia vô tình lại là “hổng” trong quy định.

Tọa đàm “Trường đại học khó tìm “tiến sĩ ngành phù hợp” để mở ngành” do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức đã nhận được sự chia sẻ, đóng góp ý kiến từ lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục đại học và chuyên gia.

Còn máy móc, khiên cưỡng trong quy định về tiến sĩ phù hợp để mở ngành đào tạo

Chia sẻ tại tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ sự băn khoăn khi xây dựng chương trình đào tạo đại học trong bối cảnh hiện nay.

Theo thầy Trình, nếu nhìn vào bài toán quản trị nhà nước, để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho thị trường lao động, công tác quản trị được thực hiện một cách phổ rộng chung đối với tất cả trường đại học, bao gồm cả việc mở ngành, xây dựng chương trình đào tạo, tiến sĩ ngành đúng, ngành phù hợp để mở ngành. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển của xã hội hiện nay, việc triển khai như vậy tất yếu sẽ có một số bất cập, đặc biệt là trong việc mở ngành mới.

z5935455674811_ccc307d47ac6bedb5d21c38cdc780cfe.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Doãn Nhàn).

Để đáp ứng nhu cầu của xã hội, thời gian qua, rất nhiều ngành nghề mới sinh ra nhưng cũng nhiều ngành nghề đóng lại. Theo thống kê trên thế giới, một công dân tốt nghiệp trình độ cao đẳng, đại học,… thường trải qua khoảng 4-5 lần chuyển nghề. Có thể thấy rằng, “biên giới” giữa nhiều ngành nghề đang bị nhòa đi. Do đó, người lao động hiện nay phải được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để vận hành vào các công việc, nghề nghiệp trong xã hội.

Thông tin thêm, thầy Trình cho biết, trên thế giới hiện đang có xu hướng đào tạo tiến sĩ theo ngành phổ rộng thay vì chuyên ngành hẹp. Như vậy, mặc dù có cùng đầu vào nhưng tùy từng luận án tiến sĩ khác nhau, những tiến sĩ đó lại có đầu ra khác nhau.

Đứng từ góc nhìn của trường đại học, chúng ta cần tiếp cận một cách hệ thống hơn, phân cấp trách nhiệm mạnh hơn của mỗi nhà trường đối với các ngành đào tạo.

Từ thực tế của Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, thầy Trình cho biết, thời gian qua, nhà trường cũng mở rất nhiều ngành mới và cũng gặp phải một số khó khăn nhất định ban đầu. Vấn đề ngành gần là gì hay ngành đúng là gì để có tiến sĩ phù hợp chủ trì mở ngành, đào tạo cũng khá khó khăn với nhà trường.

Ví như khi mở ngành Trí tuệ nhân tạo, ban đầu nhà trường tiếp cận dựa trên bài toán rằng đây có thể là ngành đồng hành của ngành Khoa học máy tính. Và những giảng viên của ngành Khoa học máy tính có thể là giảng viên ngành đúng của Trí tuệ nhân tạo; những sinh viên Khoa học máy tính được học thêm một số kiến thức liên quan đến Trí tuệ nhân tạo có thể hiểu là giống như sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo.

Thế nhưng khi đi vào thực tiễn, nhà trường nhận ra rằng, nếu chỉ dựa trên tiến sĩ Khoa học máy tính sẽ là không đủ. Bởi, trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh hiện nay là trí tuệ nhân tạo ứng dụng do đó, để tham gia giảng dạy, cần có cả những tiến sĩ nghiên cứu sâu về luật.

Thầy Trình cho rằng, cần trao quyền tự chủ cao hơn cho các trường đại học trong vấn đề mở ngành, đặc biệt là đối với tiến sĩ phù hợp chủ trì mở ngành.

Tại Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ có nêu quy định về ngành phù hợp của tiến sĩ chủ trì mở ngành là ngành có cùng tên và cùng 6 chữ số cuối của mã ngành theo Danh mục thống kê ngành đào tạo.

Theo thầy Trình, quy định này đối với những ngành truyền thống sẽ không gặp vấn đề gì nhưng với những ngành mới thì chưa thể đáp ứng được. Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần cập nhật thêm cho những ngành mới mở khi sửa đổi, bổ sung Thông tư này.

Về đội ngũ giảng viên, thầy Trình thông tin, hầu hết giảng viên của nhà trường đều là tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế là các ngành đào tạo trên thế giới so với ở Việt Nam có nhiều sự khác biệt.

Bên cạnh đó, ngay từ thời gian đầu thành lập, nhà trường đã luôn chú trọng trong việc thực hiện chính sách “cán bộ tạo nguồn”, tức những sinh viên giỏi, xuất sắc sẽ được giữ lại trường để tạo “nguồn” bằng cách trả lương, đầu tư cho những đối tượng này đi học nâng cao trình độ. Đáng nói, bài toán sau khi đầu tư để những nguồn cán bộ giỏi này trở về làm việc tại trường đang là khó khăn chung của nhiều cơ sở giáo dục đại học. Để làm được việc này, cơ sở giáo dục đại học phải chuẩn bị về điều kiện, môi trường, văn hóa làm việc, thu nhập, … mới giữ chân được nhân tài.

Hơn nữa, việc giữ chân hay thu hút sinh viên giỏi ở lại trường, học lên trình độ cao không phải đơn giản. Thực tế hiện nay, nhiều nhân lực giỏi chưa thấy được lợi ích tiềm năng, vị thế công việc, thu nhập sau khi học lên trình độ cao (thạc sỹ, tiến sĩ) nên chọn sau khi tốt nghiệp đại học sẽ đi làm luôn. Chính vì vậy, thời gian tới, chúng ta phải khẳng định được “điểm hơn” ở đâu mới nâng cao được số lượng và chất lượng trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

Nên có quy định mở, linh hoạt hơn, ở từng nấc khác nhau khi tìm tiến sĩ phù hợp mở ngành

Trao đổi tại tọa đàm, Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự "hiến kế' để các trường đại học có thể vận dụng nhằm khắc phục khó khăn trong việc tìm “tiến sĩ ngành phù hợp” để mở ngành đào tạo.

z5936657020262_af6cf4d2338ce1806175a5ed70ae05fe.jpg
Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự phát biểu tại tọa đàm.

Theo cô Phụng, trên thực tế, khi quy định có tính chặt chẽ và định lượng rõ ràng, trường đại học sẽ có cơ sở để thực hiện. Khi triển khai công tác mở ngành, nhà trường sẽ thấy được sự thống nhất, đồng bộ và biết chắc chắn hợp pháp hay không…

Tuy nhiên, tất yếu khi càng quy định chặt chẽ, quy định đó càng dễ trở nên máy móc. Đến một thời điểm nào đó, quy định đó có thể trở thành rào cản, làm hạn chế sự phát triển của những trường lớn, trường tiên phong, những ngành đào tạo đặc thù

Trong khi đó, nếu quy định về tiến sĩ phù hợp mở ngành lại có sự định tính, giao quyền tự chủ nhiều cho trường đại học, các trường sẽ dễ thực hiện hơn, nhất là với những trường đại học tiên phong, những đơn vị có nhiều điều kiện để phát triển ngành học theo năng lực của mình và theo nhu cầu của xã hội.

Thế nhưng, khi thực hiện cách làm như vậy, đối với hệ thống giáo dục đại học chung có thể đi đến trường hợp không thống nhất; đào tạo tràn lan, không đồng đều về chất lượng, khó tiên lượng tính hợp pháp, …

Cũng theo cô Phụng, theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT, ngành phù hợp của tiến sĩ chủ trì mở ngành là ngành có cùng tên và cùng 6 chữ số cuối của mã ngành theo Danh mục thống kê ngành đào tạo đã có độ mở nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này chỉ dễ thực hiện đối với các ngành truyền thống nhưng không phải phù hợp với tất cả. Trong một nhóm ngành có nhiều ngành đào tạo khác nhau và chưa chắc các ngành cùng nhóm có nội dung chuyên môn phù hợp để đào tạo lẫn nhau.

Trong Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT cũng xác định “trường hợp ngành đó chưa được đào tạo trong nước ở trình độ tiến sĩ hoặc chưa có nhiều người tốt nghiệp thì ngành phù hợp là ngành có nội dung kiến thức chuyên môn gần nhất và thuộc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo ở trình độ đại học”, cô Phụng cho rằng, thay vì quy định 2 nấc đánh giá để xác định ngành phù hợp của tiến sĩ chủ trì mở ngành, cần quy định theo 3 nấc sẽ phù hợp hơn. Cụ thể, từ ngành có cùng tên, đến ngành có cùng 6 chữ số cuối của mã ngành theo Danh mục thống kê ngành đào tạo rồi đến ngành có cùng nội dung kiến thức chuyên môn phù hợp. Không những vậy, nên áp dụng quy định trong phạm vi phù hợp, khả thi của các ngành truyền thống và có nhiều quy định mở, linh hoạt hơn, ở từng nấc khác nhau cho phù hợp với yêu cầu đa dạng của thực tiễn.

Ngoài 3 nấc này, theo cô Phụng, trong điều kiện hiện nay, để có tiến sĩ ngành phù hợp đứng chủ trì mở ngành có thể dựa trên sự giải trình của mỗi nhà trường về việc tiến sĩ đó có kiến thức chuyên môn phù hợp dựa trên phụ lục văn bằng, việc tích lũy được khối lượng kiến thức về lĩnh vực học tập như thế nào, có luận án phù hợp, có công bố nghiên cứu chuyên sâu phù hợp… với ngành định mở của tiến sĩ đó ra sao.

Mặt khác, nếu là ngành chưa được đào tạo hay chưa có người tốt nghiệp, chưa có nhiều người nghiên cứu, bản thân nhà trường nên tổ chức nghiên cứu trước khi mở ngành. Từ đó mới có những tiến sĩ có công trình, định hướng, kinh nghiệm nghiên cứu về ngành định mở và nhà trường cũng mới chứng minh, giải trình được.

Cũng theo cô Phụng, quy định về ngành phù hợp của tiến sĩ chủ trì mở ngành là ngành có cùng 6 chữ số cuối của mã ngành theo Danh mục thống kê chỉ nên áp dụng với những ngành truyền thống đã được đào tạo lâu đời. Còn đối với những ngành đào tạo mới, những ngành đặc thù phải có tiêu chí thay thế. Đơn cử như, tiến sĩ ngành phù hợp phải có nội dung kiến thức chuyên môn đáp ứng đủ để giảng dạy và chủ trì mở ngành. Và bản thân những trường mở ngành cũng phải đo đếm được chuẩn đầu ra của người học ngành đó trước khi “xuất khẩu” nhân lực ra thị trường lao động.

Mặt khác, trước một số ý kiến cho rằng cần có cổng thông tin dữ liệu thống kê về ngành đào tạo các trình độ của cơ sở giáo dục, số lượng người tốt nghiệp để làm cơ sở minh chứng cho việc được chọn tiến sĩ ngành phù hợp là ngành có nội dung kiến thức chuyên môn gần nhất và thuộc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo ở trình độ đại học/thạc sĩ, cô Phụng bày tỏ, việc có hệ thống thông tin dữ liệu chung như vậy là rất cần thiết.

Hiện nay, chúng ta đã có Hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học HEMIS nhưng chưa công khai cho tất cả các trường có thể khai thác được. Hiện nay, mức độ công khai thông tin của các cơ sở giáo dục đại học là chưa nhiều, hầu như trường nào thì chỉ biết trường đó. Theo cô Phụng, việc công khai để giúp cho các trường đại học phát triển là cần thiết nhưng công khai đến đâu phải tính trên nhiều phương diện.

Đặc biệt, cô Phụng cho rằng, các thông tư, quy định phải được thường xuyên rà soát, bổ sung, được nhiều người chung tay vào góp ý, phản biện để tạo tính định hướng cho thực tế, từ đó tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học cùng nhau phát triển.

Tường San