Tỷ lệ ứng viên GS, PGS bị loại nhiều nhất, Chủ tịch HĐGS ngành CNTT chia sẻ

22/10/2024 09:06
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Năm nay, Công nghệ thông tin là ngành có tỷ lệ ứng viên được hội đồng cấp ngành thông qua thấp nhất (55,56%).

Trong đợt xét công nhận giáo sư, phó giáo sư năm nay, Công nghệ thông tin là ngành có tỷ lệ ứng viên được hội đồng cấp ngành thông qua thấp nhất (55,56%).

Trước đó, ngành Công nghệ thông tin có 27 ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, tăng 8 ứng viên so với năm 2023 (19 ứng viên).

Trong đó, có 4 ứng viên giáo sư, 23 ứng viên phó giáo sư. Số ứng viên nữ, ứng viên nam lần lượt là 4 (chiếm 14,81%) và 23 (chiếm 85,19%).

Kết quả, sau vòng xét duyệt của Hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin, số ứng viên giáo sư, phó giáo sư được đề nghị xét của ngành này giảm 12 người, từ 27 xuống chỉ còn 15 ứng viên.

Trong đó, có 1 ứng viên giáo sư và 14 ứng viên phó giáo sư. Số ứng viên nữ là 2 (chiếm 86,67%) và ứng viên nam là 13 (chiếm 13,33%).

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (5).png

Theo thống kê của phóng viên, các ứng viên giáo sư, phó giáo sư của ngành Công nghệ thông tin đến từ 16 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước, trong đó Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Cần Thơ là 2 cơ sở giáo dục đại học có số lượng ứng viên nhiều nhất (tính ở vòng Hội đồng Giáo sư cơ sở).

Trong đó, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có 6 ứng viên, gồm 1 ứng viên giáo sư và 5 ứng viên phó giáo sư, là giảng viên tại các trường thành viên: Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Trường Đại học Quốc tế.

Trường Đại học Cần Thơ có 5 ứng viên, gồm 1 ứng viên giáo sư và 4 ứng viên phó giáo sư.

Sau vòng xét duyệt của Hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin, có 4 cơ sở giáo dục đại học không còn ứng viên nào (do chỉ có 1 ứng viên đăng ký nhưng không đủ điều kiện qua vòng xét của hội đồng cấp ngành - PV), đó là Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Học viện An ninh nhân dân.

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Cần Thơ, mỗi đơn vị có 4 ứng viên không đủ điều kiện qua vòng xét của hội đồng ngành.

Cơ sở giáo dục đại học nào có ứng viên đạt ở hội đồng giáo sư ngành nhiều nhất?

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (4).png
Thống kê số lượng ứng viên đăng ký xét công nhận đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư ngành Công nghệ thông tin năm 2024 ở các cơ sở giáo dục đại học. Bảng: Doãn Nhàn

Tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, năm nay, có 5 ứng viên đăng ký xét công nhận đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Và cả 5/5 (đạt 100%) ứng viên đều được Hội đồng này tín nhiệm đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư.

Trong đó, có 3/5 ứng viên thuộc ngành Công nghệ thông tin, đều công tác tại Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Tại vòng xét của hội đồng cấp ngành, cả 3 ứng viên đều không đủ điều kiện để xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư.

Điểm chuẩn 56 chương trình đào tạo UEH tăng mạnh so với năm 2023.jpg
Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (UEH)

Tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, năm nay có 18 ứng viên đăng ký xét công nhận đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Hội đồng này. Trong đó, có 3 ứng viên giáo sư và 15 ứng viên phó giáo sư.

Kết quả, có 3 ứng viên giáo sư và 14 ứng viên phó giáo sư được Hội đồng này đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Như vậy, có 17/18 (đạt 94,44%) ứng viên đạt đủ số phiếu tín nhiệm của Hội đồng Giáo sư cơ sở Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, có 1 ứng viên phó giáo sư thuộc ngành Công nghệ thông tin, là giảng viên của Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, tại vòng xét của Hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin, ứng viên này không đủ điều kiện để xét công nhận đạt chức danh phó giáo sư.

Còn tại Hội đồng Giáo sư cơ sở 2 Trường Đại học Cần Thơ, năm 2024 có 23 ứng viên đăng ký xét công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Trong đó, có 4 ứng viên giáo sư và 19 ứng viên phó giáo sư.

Kết quả, 20/23 ứng viên (đạt 86,96%) được Hội đồng Giáo sư cơ sở 2 Trường Đại học Cần Thơ thông qua. Trong đó, có 3 ứng viên giáo sư và 17 ứng viên phó giáo sư.

Ngành Công nghệ thông tin có 5 ứng viên (đều là giảng viên của Trường Đại học Cần Thơ), bao gồm 1 ứng viên giáo sư và 4 ứng viên phó giáo sư.

Kết quả đánh giá tại Hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin, trong 5 ứng viên trên, chỉ có 1 ứng viên phó giáo sư đạt đủ điều kiện.

bkhcm.jpg
Khuôn viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: HCMUT

Tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, năm 2024, có 24 ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Kết quả, 19/24 (đạt 79,17%) ứng viên được Hội đồng này đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Như vậy, có 5 ứng viên không được Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thông qua.

Trong 19 ứng viên trên, có, 2 ứng viên thuộc ngành Công nghệ thông tin, gồm 1 ứng viên giáo sư và 1 ứng viên phó giáo sư, đều là giảng viên của trường.

Kết quả đánh giá tại Hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin, có 1 ứng viên đạt đủ điều kiện xét công nhận đạt chuẩn chức danh phó giáo sư.

Còn sự “nể nang” ở một số Hội đồng Giáo sư cơ sở

hdgsnnn.jpg
Ảnh minh họa

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một thành viên của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành cho hay, một trong những lý do khiến các ứng viên không được thông qua là do chất lượng các bài báo khoa học không đảm bảo theo quy định của Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Quá trình đánh giá ở Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành cho thấy nhiều ứng viên đăng bài ở các tạp chí không đảm bảo uy tín; một số ứng viên có bài báo khoa học không phù hợp với nội dung của tạp chí đăng tải, cũng như hướng nghiên cứu của ứng viên,...

Vị này nhận định, thực tế tại một số Hội đồng Giáo sư cơ sở, việc đánh giá còn chưa chặt chẽ và có sự nể nang, dẫn đến nhiều tiêu chí xét không chặt. Ngoài ra, do Hội đồng Giáo sư cơ sở là hội đồng đa ngành, bởi vậy ít nhiều việc đánh giá đối với ứng viên ở từng ngành có thể còn chưa đảm bảo sự sát sao.

Đánh giá nghiêm ngặt với các trường hợp vi phạm liêm chính khoa học, đạo đức khoa học

Nói về tỷ lệ ứng viên ngành Công nghệ thông tin được hội đồng giáo sư ngành thông qua năm nay, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Thanh Thuỷ - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin cho hay: “Cũng như các năm, Hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin vốn có tỷ lệ đạt chức danh thấp (so với tỷ lệ ở các hội đồng khác)”.

cntt.png
Kết quả đánh giá ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành Công nghệ thông tin ở hội đồng các cấp trong 5 năm qua. Bảng: Doãn Nhàn

Giáo sư Nguyễn Thanh Thuỷ cho biết, đối với các bài báo khoa học, việc đánh giá được Hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin thực hiện đúng theo tiêu chí đã được nêu trong Danh mục Tạp chí được tính điểm, với các tiêu chí:

Thứ nhất, tạp chí Quốc tế uy tín (các tiêu chí rõ ràng, chặt chẽ về chất lượng, liêm chính, đạo đức): Thuộc Danh mục SCI, SCIE, Scopus Q1, Q2, Q3, trừ các tạp chí thuộc loại săn mồi, tạp chí được xuất bản bởi Nhà xuất bản săn mồi, tạp chí đóng tiền để được nhận đăng, tạp chí phản biện thời gian ngắn, tạp chí xuất bản nhiều bài trong một số.

Thứ hai, Nhà xuất bản uy tín: Elsevier, Springer-Nature, Wiley, Taylor & Francis, có chỉ số ISBN.

Thứ ba, tác giả chính: là tác giả đầu tiên và tác giả liên hệ với điều kiện không có co-first author và số lượng tác giả liên hệ khác với tác giả đầu tiên không vượt quá 1. Nếu có co- first author hoặc số lượng tác giả liên hệ khác với tác giả đầu tiên vượt quá 1 thì tác giả đầu tiên là tác giả chính duy nhất của bài báo hay báo cáo khoa học đó.

“Việc áp dụng đúng quy định sẽ góp phần giữ chất lượng, liêm chính khoa học”, Giáo sư Nguyễn Thanh Thuỷ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Giáo sư Nguyễn Thanh Thuỷ cho biết, trong quá trình đánh giá, Hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin đặc biệt nghiêm ngặt với các trường hợp vi phạm liêm chính khoa học, đạo đức khoa học: ứng viên có bài bị gỡ; ứng viên có bài ghi tên cơ quan không phải là cơ quan hiện công tác; ứng viên đăng rất nhiều bài trong thời gian ngắn; ứng viên hợp tác linh hoạt với người nước ngoài nhưng không minh chứng được sự hợp tác khoa học thực sự,...

Quy trình xét công nhận đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư hiện trải qua 3 cấp hội đồng: cơ sở, ngành/liên ngành và nhà nước.

Theo đó, hàng năm, căn cứ nhu cầu xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học quyết định việc thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở (trong đó, cần đảm bảo yêu cầu về số lượng và tiêu chuẩn thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở theo quy định).

Kết quả đánh giá tại các Hội đồng Giáo sư cơ sở được lên Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Tiếp đó, Hội đồng Giáo sư nhà nước lại giao cho Hội đồng ngành, liên ngành tiến hành thẩm định các ứng viên giáo sư, phó giáo sư. Và cuối cùng là vòng thẩm định, đánh giá tại Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Theo quy định tại Quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để được xét công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, ứng viên cần là tác giả chính của 3-5 bài báo trên tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus hoặc danh mục khác do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định.

Đội ngũ các giáo sư, phó giáo sư là một trong những điều kiện quan trọng để cơ sở giáo dục đại học mở rộng quy mô đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhất là với trình độ sau đại học.

Giáo sư, phó giáo sư đang công tác tại các cơ sở giáo dục đại học được hưởng các quyền lợi như có thể kéo dài thời gian làm việc tối đa 5 năm kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học; Xét đặc cách bổ nhiệm vào hạng chức danh khoa học, hạng chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác; Được ưu tiên trong việc giao đề tài, dự án khoa học - công nghệ, xây dựng các chương trình, đề án phục vụ công tác quản lý và các điều kiện cần thiết khác để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Doãn Nhàn