Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở GDĐH thu hồi văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt

22/10/2024 09:42
Thi Thi - Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học liên quan khẩn trương thu hồi văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt theo quy định của pháp luật.

Theo kết quả xác định, ông Vương Tấn Việt đã sử dụng bằng cấp ba bổ túc văn hoá không hợp pháp và ông Vương Tấn Việt cũng đã thừa nhận việc này.

cha-n2024060718185720240617112658-8229-9439-3404.jpg
Thượng toạ Thích Chân Quang có tên khai sinh là Vương Tấn Việt. Ảnh: GHPGVN.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xem xét quá trình đào tạo, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xác minh bằng cấp của ông Vương Tấn Việt theo quy trình kỹ lưỡng, cẩn trọng, đúng quy định của pháp luật.

Kết quả xác định ông Vương Tấn Việt đã sử dụng bằng cấp ba bổ túc văn hoá không hợp pháp. Ông Vương Tấn Việt cũng đã thừa nhận việc này và tự nguyện giao nộp các văn bằng để xử lý theo quy định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học liên quan khẩn trương thu hồi văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt theo quy định của pháp luật, đồng thời rà soát quy trình tổ chức đào tạo nhằm tránh xảy ra các trường hợp tương tự.

Sáng 22/10, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội Nguyễn Tiến Dũng cho biết, nhà trường đang thực hiện quy trình thu hồi bằng cử nhân ngoại ngữ ngành tiếng Anh hệ đào tạo từ xa đã cấp cho ông Vương Tấn Việt.

Cũng liên quan đến vấn đề này, tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban thường vụ Quốc hội diễn ra vào ngày 9/10, một trong những nội dung đáng chú ý được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu ra trong báo cáo thẩm tra số 3176/BC-UBKT15 thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 là năm 2024, dư luận xã hội dậy sóng với trường hợp "học giả, bằng thật" ở cấp đào tạo trình độ cao nhất, tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa có biện pháp xử lý thỏa đáng, công khai, minh bạch với công luận.

Báo cáo thẩm tra cũng dẫn chứng trường hợp ông Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang) bảo vệ luận án và được cấp bằng tiến sĩ tại Trường Đại học Luật Hà Nội sau khoảng hơn 2 năm từ khi tốt nghiệp cử nhân luật hệ vừa học, vừa làm.

Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận kết quả rà soát hồ sơ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của ông Vương Tấn Việt sinh năm 1959 như sau:

Không có tên trong danh sách dự thi, bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo tìm hiểu, năm 2001, ông Vương Tấn Việt tốt nghiệp cử nhân ngành tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ - nay là Trường Đại học Hà Nội.

Tháng 1/2019, ông Việt được công nhận tốt nghiệp và được cấp bằng Cử nhân ngành Luật văn bằng thứ 2 – Vừa làm vừa học theo Quyết định số 140/QĐ-ĐHLHN ngày 15/01/2019 của Trường Đại học Luật Hà Nội, xếp hạng tốt nghiệp loại Giỏi.

Tháng 11/2019: ông Việt trúng tuyển Nghiên cứu sinh khoá 25B (niên khoá 2019-2023) theo Quyết định 4567/QĐ-ĐHLHN ngày 26/11/2019 của Trường Đại học Luật Hà Nội.

Ngày 26/12/2019: Học viên được công nhận nghiên cứu sinh theo Quyết định 5114/QĐ-ĐHLHN của Trường đại học Luật Hà Nội, ngành Luật Hiến pháp - Hành chính.

Ngày 09/12/2021: Nghiên cứu sinh bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ cấp Trường tại Trường Đại học Luật Hà Nội.

Ngày 17/3/2022: Nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt được cấp bằng Tiến sĩ luật ngành luật Hiến pháp – Hành chính theo Quyết định số 1141/QĐ- ĐHLHN của Trường Đại học Luật Hà Nội.

Thi Thi - Mạnh Đoàn