Vừa qua, Vũ Thị Hải Anh, sinh viên năm thứ hai ngành Quan hệ công chúng của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) đã vinh dự là một trong 20 gương thanh niên tiêu biểu nhận giải thường "Thanh niên sống đẹp" năm 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng.
Nữ sinh là Phó Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam, tấm gương truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên và cộng đồng người khuyết tật.
Cô gái khiếm thị tỏa sáng từ bóng tối
Trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Vũ Thị Hải Anh bày tỏ: “Em thật sự bất ngờ và vô cùng xúc động khi được vinh danh là "Thanh niên sống đẹp" năm 2024.
Đây là một giải thưởng danh giá của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và trong số 20 nhân vật nhận giải thưởng, em là sinh viên duy nhất, cũng là một sinh viên khuyết tật. Điều này khiến em cảm thấy rất vinh dự và tự hào.
Giải thưởng không chỉ là niềm vui mà còn là động lực để em tiếp tục phấn đấu, mang lại giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, đặc biệt là trong việc hỗ trợ các nhóm yếu thế hòa nhập với cộng đồng xã hội”.
Vũ Thị Hải Anh sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Em không được may mắn như những đứa trẻ khác khi mắc bệnh đục thủy tinh thể từ khi mới lọt lòng. Dù đã trải qua các cuộc phẫu thuật mắt, Hải Anh tiếp tục bị chẩn đoán mắc bệnh teo nhãn cầu, thị lực dần mất đi.
Không thể nhìn thấy ánh sáng, Hải Anh đã trải qua một thời thơ ấu khá khó khăn. Em không xin được vào những trường học tại địa phương vì là người khiếm thị. Mẹ Hải Anh phải ở nhà chăm sóc con, dạy Hải Anh cách sinh hoạt trong bóng tối.
Đến tận năm 8 tuổi, cô gái sinh năm 2000 được kết nạp vào Hội người mù tỉnh Nam Định và được học chữ nổi. Năm 2013, Hải Anh cùng mẹ lên Hà Nội tham gia lớp học hòa nhập Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Sau đó, nữ sinh chuyển sang học tập tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Trong suốt thời gian học tập, Hải Anh đã giành rất nhiều thành tích, trong đó phải kể đến giải Đặc biệt trong Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 48 năm 2019, Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô năm 2019, học sinh giỏi tiêu biểu của Thủ đô năm học 2019 - 2020, một trong 50 thanh niên khuyết tật được vinh danh trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2022…
Mặc dù có khiếm khuyết về thị lực, lại đi học muộn hơn các bạn đồng trang lứa, năm 2023, Hải Anh vẫn xuất sắc thi đỗ vào ngành Quan hệ công chúng, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội).
Ngoài việc học, Hải Anh tiếp tục đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau, trong đó có Phó Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị và Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa Đá Nhân Văn. Em cũng là thành viên của Câu lạc bộ thể thao cho người khiếm thị và Câu lạc bộ sinh viên khuyết tật Hà Nội.
Một trong những dự án lớn nhất mà em đang điều phối là "Hành chính công trực tuyến với người khuyết tật" do quỹ Abilis Phần Lan tài trợ.
Hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập xã hội số
Chia sẻ về dự án "Hành chính công trực tuyến với người khuyết tật", Hải Anh cho biết, dự án có mục tiêu chính là nâng cao nhận thức và khả năng tiếp cận dịch vụ hành chính công trực tuyến của người khuyết tật, giúp họ hòa nhập vào xã hội số hiện nay.
Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, người khuyết tật vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc sử dụng dịch vụ hành chính công. Chính vì thế, dự án của Hải Anh bao gồm các hoạt động cụ thể như:
Thứ nhất, tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng sử dụng dịch vụ hành chính công cho người khuyết tật thuộc nhiều dạng tật khác nhau.
Thứ hai, tổ chức cuộc thi "Hành chính công trực tuyến: Tầm nhìn của tương lai" nhằm khuyến khích sự sáng tạo và nâng cao nhận thức của người khuyết tật về lợi ích của dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Thứ ba, chương trình "Một ngày hành chính vui" dành cho trẻ em khuyết tật tại các trường học ở Hà Nội, giúp học sinh và phụ huynh hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của dịch vụ hành chính công trong cuộc sống hàng ngày.
Thứ tư, nghiên cứu khoa học về thực trạng sử dụng dịch vụ hành chính công của người khuyết tật, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện tình trạng này.
Thứ năm, tổ chức hội thảo "Góc nhìn của người khuyết tật đối với chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính công trực tuyến," với sự tham gia của nhiều cơ quan ban ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực này.
“Hiện tại, em đang hoàn thiện các phần cuối bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến dành riêng cho người khuyết tật với nhiều dạng tật khác nhau.
Đây là dự án có quy mô lớn nhất mà em từng thực hiện, có nhiều anh chị sau khi tập huấn đã kể với em rằng các anh chị đã có thể đăng kí tạm trú tạm vắng, đăng kí hộ chiếu trên nền tảng số khiến em rất vui.
Dự án không chỉ giúp người khuyết tật tiếp cận tốt với dịch vụ hành chính công trực tuyến một cách dễ dàng hơn, mà còn đóng góp vào mục tiêu chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đến năm 2030” - Hải Anh tâm sự.
Mong ước người khuyết tật có cuộc sống thuận tiện hơn
Nữ sinh bày tỏ, mặc dù đã có những cải thiện, các tiện ích công cộng tại Hà Nội vẫn chưa thực sự thuận tiện cho người khuyết tật.
Trước đây, ở phố đi bộ đã có các đường đi nổi dành cho người khiếm thị, nhưng sau các đợt sửa chữa và tôn tạo, các đường đi này đã biến mất. Đường phố Hà Nội dù có nhiều lối kẻ nổi định hướng cho người khiếm thị nhưng thường xuyên bị lấn chiếm làm chỗ đỗ xe, bán hàng…
Các lối đi cho xe lăn ở vài chung cư mới đã được quan tâm xây dựng, nhưng ở nhiều trường học, bệnh viện còn hạn chế.
Các phương tiện giao thông công cộng hiện nay, như xe buýt, đã có thể cập nhật thông tin trên điện thoại thông minh, nhưng độ chính xác vẫn chưa cao và bến xe buýt cũng chưa được thiết kế thân thiện với người khuyết tật.
Ngoài ra, các công trình công cộng vẫn còn thiếu những thiết kế phù hợp để đảm bảo người khuyết tật có thể dễ dàng tiếp cận. Cơ sở hạ tầng vẫn chưa đồng bộ, và nhiều khi sự thay đổi chưa được duy trì một cách nhất quán.
Điều này làm cho cuộc sống của người khuyết tật trở nên khó khăn hơn và họ vẫn phải phụ thuộc nhiều vào sự trợ giúp của người khác, hạn chế khả năng tự lập của họ.
Hải Anh tâm sự, nếu có cơ hội thực hiện các dự án lớn hơn trong tương lai, em mong muốn sẽ tập trung vào việc phát triển một hệ thống hỗ trợ toàn diện cho người khuyết tật trong việc sử dụng các dịch vụ công cộng, từ giao thông đến hành chính công.
Một trong những mục tiêu quan trọng của em là tạo ra các giải pháp lâu dài để đảm bảo người khuyết tật có thể sử dụng các dịch vụ này một cách độc lập và dễ dàng.
Ngoài ra, em cũng muốn thúc đẩy các chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng về khả năng của người khuyết tật.
Xã hội cần có cái nhìn rộng mở hơn về tiềm năng của họ, để từ đó tạo điều kiện cho người khuyết tật không chỉ hòa nhập mà còn phát triển bản thân, đóng góp vào sự tiến bộ của cộng đồng.
Hải Anh hy vọng rằng thông qua các dự án này, người khuyết tật sẽ có nhiều cơ hội hơn để sống một cuộc sống bình đẳng, tự tin và có giá trị.
Nữ sinh cũng có những lời chia sẻ chân thành dành cho những người bạn có hoàn cảnh chưa may mắn: "Cuộc sống có thể mang đến cho chúng ta nhiều thử thách lớn, có những lúc bạn cảm thấy như bị bỏ lại phía sau khi mọi cánh cửa dường như đóng lại. Nhưng đừng để những khó khăn đó làm bạn nản chí.
Chính trong những giây phút khó khăn ấy, bạn sẽ khám phá ra sức mạnh bên trong mình và khả năng sáng tạo để tìm ra con đường đi riêng.
Ngày nay, các bạn trẻ nhiều khi sợ thất bại nhưng thất bại không phải là điều gì tồi tệ. Mỗi lần vấp ngã chỉ là một bước đệm để bạn học hỏi và trưởng thành hơn. Đừng sợ sai lầm, và cũng đừng sợ những điều chưa biết.
Thế giới ngoài kia tràn đầy cơ hội, nhưng nó chỉ thực sự dành cho những ai dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Bạn có thể không chạy nhanh, nhưng những bước đi chậm rãi vững vàng, có thể mất thời gian, sẽ cho bạn sức bền để đi xa hơn.
Hãy tin, mỗi bước bạn đi, dù chậm rãi, vẫn đang đưa bạn đến gần hơn với ước mơ. Điều kỳ diệu sẽ luôn chờ đón những ai kiên trì vượt qua mọi thử thách".