Lãnh đạo THPT Yên Hòa nói đi trải nghiệm cấp chứng chỉ, Sở GD Hà Nội cần làm rõ

27/10/2024 07:54
Phúc Khang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Phụ huynh không chỉ giám sát về việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ mà họ cũng cần được giám sát chương trình, tài chính của hoạt động trải nghiệm.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết phản ánh những băn khoăn của phụ huynh Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) liên quan việc tổ chức hoạt động trải nghiệm giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh khối 10 và 11 của nhà trường.

Theo đó, mỗi học sinh phải đóng 1,8 triệu đồng để tham gia hoạt động được tổ chức trong 3 ngày. Rất nhiều ý kiến phụ huynh gửi về Tòa soạn bức xúc cho rằng, việc tổ chức hoạt động này có nhiều nội dung cần làm rõ như tham gia có được cấp "chứng chỉ" như Hiệu trưởng thông tin trên báo chí, mức thu có hợp lý, căn cứ nào để tổ chức...?

Các bài viết hiện đang thu hút được sự quan tâm đông đảo của các độc giả và phụ huynh. Một số ý kiến băn khoăn về trả lời của thầy Lê Hồng Chung - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa rằng: "Cái này chủ yếu là cho các em có trải nghiệm và có chứng chỉ cho các trải nghiệm đó. Sau này có làm hồ sơ đại học hay du học nước ngoài cũng sẽ là một lợi thế cho các em". [1]

Điều này khiến độc giả đặt ra nghi vấn, việc lãnh đạo nhà trường nói học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm tự nguyện được cấp "chứng chỉ". Tuy nhiên, theo thông tin phụ huynh cung cấp đến Tòa soạn mới nhất là cấp "chứng nhận". Liệu thông tin hiệu trưởng cung cấp có phải là cách để thu hút phụ huynh đăng ký cho con họ tham gia nhiều không?.

Hiệu trưởng nhà trường có đang "thổi phồng" giá trị của chứng chỉ?

Trao đổi về vấn đề này, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Nếu thực sự các chứng chỉ hoặc chứng nhận được cấp sau hoạt động trải nghiệm đó là có thể tạo thuận lợi cho quá trình học sau này của học sinh thì lãnh đạo nhà trường có thể thông báo rộng rãi để phụ huynh biết và tham gia.

Nhưng nếu, việc cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận đó chỉ là hình thức, nhưng lãnh đạo nhà trường lại "thổi phồng" giá trị của nó chỉ với mục đích thu hút nhu cầu đăng ký của phụ huynh thì đó là một việc không nên có trong môi trường giáo dục.

Các cơ quan quản lý cũng nên vào cuộc xem mức độ tin cậy sau các phát ngôn như vậy của lãnh đạo nhà trường".

pgs-nguyen-van-ngai-1582.jpg
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Việt Dũng

Ngoài ra, vị này cũng cho rằng, đối với các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường mang tính tự nguyện và cần phụ huynh đóng góp thì nhà trường cũng nên có sự cân nhắc thật kỹ việc có nên tổ chức hoạt động đó hay không.

Theo nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, đối với các hoạt động tổ chức từ nguồn kinh phí phụ huynh đóng góp thì nhất thiết phụ huynh phải có vai trò giám sát.

"Phụ huynh không chỉ giám sát về việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ mà họ cũng cần được giám sát chương trình trải nghiệm và họ có quyền lựa chọn nên bỏ đi hoặc đưa thêm vào các hoạt động trong kế hoạch trải nghiệm.

Đã là hoạt động tự nguyện có sự kêu gọi đóng góp của phụ huynh, chỉ cần một số nhỏ trong đó có ý kiến băn khoăn, nếu nhà trường không giải thích thấu đáo để phụ huynh hiểu và đồng thuận thì nên dừng triển khai các hoạt động đó lại đánh giá", thầy Ngai nhấn mạnh.

Cùng quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Văn Phương (Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV) cho rằng, nếu lãnh đạo nhà trường nói rằng học sinh sau khi tham gia hoạt động trải nghiệm sẽ được cấp chứng chỉ thuận lợi cho việc làm hồ sơ đại học hoặc đi du học thì cần phải xét việc cấp chứng chỉ đó có trong quy định hay không?.

"Nếu các chứng chỉ đó không có quy định cụ thể trong hệ thống giáo dục quốc dân về giá trị của nó nhưng lãnh đạo nhà trường tự vẽ ra, rồi phụ huynh rơi vào tình thế "không thể không đăng ký cho con" thì nên xem xét lại trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường", ông Bùi Văn Phương nhấn mạnh.

202011041034069026-bui-van-phuong-doan-dbqh-tinh-ninh-binh-3.jpg
Ông Bùi Văn Phương (Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV). Ảnh: Quochoi.vn

Qua đó, ông Bùi Văn Phương nêu quan điểm, nếu là chứng chỉ có tầm quan trọng và mang tính ưu điểm như vậy thì đương nhiên nó phải được thiết kế trong chương trình giáo dục.

Từ đó, khi tổ chức các hoạt động mà học sinh nhận được các chứng chỉ có lợi thế thì phải là chương trình bắt buộc để học sinh nào cũng được tham gia. Đồng thời phải có các kế hoạch, có tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá.

Ông Phương bày tỏ: "Như vậy, nếu là hoạt động tự nguyện nhưng lại nói học sinh sẽ có được chứng chỉ ưu thế, điều này có khác gì "ngầm" kêu gọi các học sinh phải tham gia. Vì nếu không tham gia, học sinh nào thực sự có nhu cầu chứng chỉ đó có phải đã bỏ lỡ "cơ hội" hay không?

Hơn nữa, nếu đã là chứng chỉ có giá trị thì cần có sự kiểm tra, đánh giá, xếp loại chứ không thể cấp bừa. Trong khi đó, dù chưa đi trải nghiệm nhưng lãnh đạo nhà trường nói rằng, nếu học học sinh tham gia và có yêu cầu là sẽ có chứng chỉ, điều này giống như hình thức mặc cả, mua bán.

Trong việc này, đáng ra lãnh đạo nhà trường nên có sự cân nhắc và nghiên cứu kỹ từ các quy định về cấp chứng chỉ và tìm hiểu về giá trị thực của giấy tờ này trước khi thông báo đến các phụ huynh".

Đồng thời, ông Phương cũng nhấn mạnh việc, khi các trường tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường bằng nguồn tiền huy động từ phụ huynh thì nên chọn những hoạt động mang ý nghĩa để học sinh được khám phá bản sắc vùng miền, nâng cao vốn sống.

Hoặc chọn những hoạt động mang tính định hướng nghề nghiệp để học sinh không thấy nhàm chán với hoạt động này, hạn chế những hoạt động trải nghiệm mang yếu tố giống môn học bắt buộc, khiến học sinh mất hứng thú.

Quy trình tổ chức hoạt động trải nghiệm có huy động tài chính từ phụ huynh ra sao?

Liên quan đến những băn khoăn của phụ huynh về việc lựa chọn đơn vị phối hợp tổ chức hoạt động trải nghiệm của Trường Trung học phổ thông Yên Hoà, trong ngày 24/10 phóng viên đã liên hệ và để lại tin nhắn qua điện thoại cho thầy Lê Hồng Chung - Hiệu trưởng nhà trường để làm rõ việc, hoạt động này có được thực hiện thông qua đấu thầu hay không?. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ lãnh đạo nhà trường.

Để có thêm thông tin về việc tổ chức các hoạt động ngoài chương trình giáo dục bắt buộc, phóng viên đã trao đổi với lãnh đạo một số trường học công lập. Một hiệu trưởng trường trung học cơ sở công lập ở một tỉnh miền Trung cho biết, về quy trình lựa chọn đơn vị tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường, vừa qua vị này được tham gia tập huấn và được hướng dẫn là phải tổ chức đấu thầu đối với các gói thầu có giá trị trên 50 triệu đồng.

Bên cạnh đó, vị hiệu trưởng cho biết thêm: "Nếu muốn tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường thì nhà trường phải xây dựng và đưa vào kế hoạch của năm học.

Sau khi đã đưa vào kế hoạch của năm học thì trường lại tiếp tục phải xây dựng kế hoạch chi tiết, trình cơ quan quản lý có thẩm quyền để phê duyệt.

Sau khi kế hoạch đó được phê duyệt thì mới đến khâu vận động kinh phí. Khi đã vận động được kinh phí rồi mới bắt đầu lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ".

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/dong-18-trieu-di-trai-nghiem-ph-y-kien-hieu-truong-thpt-yen-hoa-noi-gi-post246294.gd

Phúc Khang