Đóng 1,8 triệu đi trải nghiệm, PH ý kiến, Hiệu trưởng THPT Yên Hòa nói gì?

18/10/2024 06:37
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Kế hoạch của Trường THPT Yên Hòa nêu dự kiến có khoảng 1.000 người tham gia hoạt động trải nghiệm GDQP, chi phí mỗi học sinh tham gia phải đóng là 1,8 triệu đồng

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều phụ huynh tại Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) băn khoăn về kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh khối 10 và 11 của nhà trường.

GDVN_td.jpg
Ảnh: Trung Dũng

Bảng kế hoạch thống kê có khoảng 1.000 học sinh tham gia với chi phí 1,8 triệu đồng/ người

Các phụ huynh cho rằng, số tiền mỗi học sinh phải đóng góp để tham dự hoạt động này được nhà trường đưa ra có sự "nhỉnh cao" hơn so với các trường khác khi có cùng tên gọi và thời gian tổ chức.

Ngoài ra phụ huynh cho biết, khi gửi kế hoạch này trong nhóm zalo, nhà trường đã đề ra thời gian chốt danh sách học sinh tham gia vào ngày 21/10, sau đó sẽ ký hợp đồng làm thủ tục chuyến đi.

Qua đó, rất nhiều người tỏ ra băn khoăn, thời điểm hiện tại không rõ kế hoạch này có được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phê duyệt hay không, việc Trường Trung học phổ thông Yên Hòa gửi các thông báo mang tính "ấn định" như vậy cho phụ huynh liệu có phải là đang thực hiện theo kiểu "tiền trảm hậu tấu"?.

Về việc này một phụ huynh bày tỏ: "Khi nhận được kế hoạch này của nhà trường, tôi cũng đã tham khảo qua một số phụ huynh có con cùng độ tuổi, cùng khối lớp ở các trường trung học phổ thông khác trên địa bàn Hà Nội.

Đáng chú ý là mức chi phí cho hoạt động tương tự như thế này tại một số trường khác có mức thấp hơn từ 300 đến 500.000 đồng/ học sinh.

Ngoài vấn đề về chi phí, chúng tôi cũng đang rất lo ngại về tình hình an ninh, an toàn cho các con khi phải đi xa và đi dài ngày như vậy, liệu công tác đảm bảo cho học sinh được nhà trường bố trí ra sao.

Phụ huynh được thông báo đây là hoạt động tự nguyện, các con có thể không đăng ký tham gia nhưng chương trình được tổ chức theo phạm vi của cả khối, nếu một vài học sinh nào đó không tham gia thì các em có bị ảnh hưởng gì hay không?

Hơn nữa, nếu chương trình diễn ra vào ngày học chính khóa, nếu học sinh không đăng ký tham gia, cũng không được đến trường đi học thì việc học của những em đó sẽ được nhà trường bố trí ra sao?".

Theo phụ huynh thông tin, thời gian tổ chức sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 1/11/2024 đến ngày 3/11/2024 (vào các ngày từ thứ Sáu đến Chủ Nhật).

Địa điểm tổ chức tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng - An ninh Bắc Giang với mức kinh phí đóng góp dự kiến là 1,8 triệu đồng/ học sinh.

Cũng theo nội dung của kế hoạch này, kinh phí nói trên bao gồm: Xe ô tô đưa đón, phòng nghỉ có điều hòa, quân trang, giáo cụ, ăn sáng và hai bữa chính với mức 130.000 đồng/ học sinh/ ngày.

Ngoài ra, với mức đóng góp như vậy, trong bảng kế hoạch đề cập sẽ chi phí cho một số khoản khác nữa như: Chương trình gala, bảo hiểm và chi phí cho giáo viên, hậu cần, kỹ thuật trực 24/24 trong suốt chương trình.

Theo thống kê của nhà trường, số lượng học sinh khối 10 và 11 đăng ký tự nguyện và có ý kiến của cha mẹ học sinh tham gia hoạt động này là khoảng 1.000 người.

Đơn vị phối hợp tổ chức được lựa chọn là Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng KIBODO Hà Nội thuộc Công ty TNHH giáo dục Tuệ An có địa chỉ tại phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội.

Kế hoạch đang trong thời gian chờ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phê duyệt?

Để làm rõ thêm các băn khoăn của phụ huynh, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một số trao đổi với lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Yên Hòa về vấn đề này trong ngày 15/10.

Qua trao đổi, thầy Lê Hồng Chung - Hiệu trưởng nhà trường xác nhận, tính đến thời điểm trao đổi với phóng viên thì kế hoạch nói trên vẫn chưa được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phê duyệt.

Vị hiệu trưởng này cho biết thêm: "Đây là một hoạt động trải nghiệm ngoài giờ chính khóa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sau khi thống nhất chủ trương với Ban đại diện cha mẹ học sinh thì nhà trường mới làm các thủ tục, hồ sơ báo cáo và xin phép sở. Bây giờ đang trong quá trình đó (quá trình xin phê duyệt của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - PV)".

GDVN_yh1.png
Phụ huynh cho rằng, mức thu 1,8 triệu/ học sinh là cao hơn so với một số trường học khác có tổ chức trải nghiệm cho học sinh với cùng một tên gọi hoạt động và thời gian tham gia. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Phóng viên thắc mắc về tên gọi của hoạt động này có cụm từ là "giáo dục quốc phòng và an ninh", vậy chi tiết của các hoạt động học sinh sẽ được tham gia trong chuyến đi có phải theo hình thức học tập quân sự hay không? Học sinh nhận nhà trường nhận lại được gì sau chuyến đi này?.

Về việc này vị hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa cho biết, đây là một hoạt động trải nghiệm nhưng vì được tổ chức trong một đơn vị quân đội nên nó gắn với một số nội dung có liên quan đến giáo dục quốc phòng.

"Hoạt động này chủ yếu là trải nghiệm giúp học sinh phát triển những phẩm chất như: tinh thần yêu nước, nhân ái, trung thực, trách nhiệm, khả năng tự chủ và tự chăm sóc bản thân.

Điều này còn cho các em biết kỷ luật quân đội là như thế nào, đó là học cách biết tự tập thể dục, tự đánh răng rửa mặt, tự gấp chăn màn...", thầy Chung chia sẻ thêm.

Học sinh tham gia sẽ được cấp chứng chỉ, lợi thế khi làm hồ sơ du học?

Đề cập với mức thu được đưa ra, lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Yên Hòa cho biết đó là dựa trên mức mà nhà đơn vị cung cấp dịch vụ đưa ra. Mức chi với khoản thu đó ra sao cũng đã được công khai trong kế hoạch.

"Về mức thu chúng tôi cũng đã tham khảo qua nhiều trường và có sự cân nhắc chứ không phải tự nhiên mà đưa ra mức thu như vậy được.

Đối với hoạt động này, sau khi được sự phê duyệt của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, chúng tôi sẽ công khai lên trang thông tin điện tử của nhà trường. Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các nhà trường sẽ phải xây dựng kế hoạch giáo dục của đơn vị mình.

Việc xây dựng kế hoạch này của các trường có thể không hoàn toàn giống nhau nhưng trên cơ sở hướng dẫn của Bộ, của Sở thì sẽ xây dựng những hoạt động với những tiết hoặc những nội dung trong bộ môn trải nghiệm, hướng nghiệp sẽ phải thực hiện ở ngoài nhà trường.

Cái này chủ yếu là cho các em có trải nghiệm và có chứng chỉ cho các trải nghiệm đó. Sau này có làm hồ sơ đại học hay du học nước ngoài cũng sẽ là một lợi thế cho các em. Trường Trung học phổ thông Yên Hòa là có chất lượng đầu vào rất cao, học sinh cũng rất cần đến những chứng chỉ đó để đi du học hoặc vào các trường đại học có liên kết.

Đây là một hoạt động trải nghiệm tự nguyện, cũng không liên quan đến kiến thức chuyên môn nên không bắt bắt buộc học sinh phải đi", Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa cho hay.

Screenshot 2024-10-17 154806.png
Screenshot 2024-10-17 154827.png
Hiệu trưởng nhà trường cho biết, kế hoạch trải nghiệm GDQP và AN này sẽ được công khai trên website trường sau khi được phê duyệt. Tuy nhiên thời điểm phóng viên truy cập (chiều ngày 17/10) vẫn không tìm thấy thông tin đăng tải trên mục "ba công khai" và "hoạt động đoàn thể". Ảnh chụp màn hình

Phóng viên cũng nêu lên trường hợp, nếu học sinh nào không đăng ký tham gia hoạt động trải nghiệm thì nhà trường sẽ có phương án ra sao? Về việc này, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, nếu học sinh nào không muốn đi thì phụ huynh chỉ cần làm đơn không tham gia. Nhà trường cũng sẽ thống nhất với phụ huynh trong việc quản lý học sinh.

Thầy Chung nhấn mạnh: "Nghĩa là phải thống nhất việc, nếu học sinh không tham gia được thì gia đình phải có trách nhiệm quản lý các con. Còn nếu ngày các con đi trải nghiệm nó liên quan đến lịch học khác thì nhà trường cũng đã có lịch học bù".

Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng KIBODO Hà Nội nói gì?

Liên quan đến việc này, phóng viên cũng đã liên hệ với đại diện Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng KIBODO Hà Nội - là đơn vị phối hợp tổ chức để nắm thêm thông tin.

Khi đề cập đến việc, hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hoà cho rằng, học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm này sẽ được cấp "chứng chỉ", vị đại diện Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng KIBODO Hà Nội cho hay: "Cái đó phụ thuộc vào yêu cầu của nhà trường có yêu cầu lấy chứng chỉ cho học sinh hay không".

Đáng chú ý, dù thời điểm phóng viên liên hệ, chưa rõ kế hoạch này của Trường Trung học phổ thông Yên Hoà đã được Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt hay chưa và có được phê duyệt hay không, tuy nhiên vị đại diện trung tâm cho biết, đã phải chuẩn bị trước giáo cụ, nơi ăn, nơi ở cho học sinh và giáo viên tại nơi dự kiến diễn ra hoạt động trải nghiệm trong kế hoạch.

"Nếu nhà trường có yêu cầu theo chương trình Thông tư 46 (Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT ban hành ngày 24/11/2020 về Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông - PV) thì chúng tôi sẽ làm để các bác (lãnh đạo nhà trường - PV) đưa ra chứng chỉ nhận xét, chấm điểm với các học sinh.

Trong quá trình học tập chúng tôi sẽ lấy điểm an ninh quốc phòng cho các học sinh, việc tính điểm sẽ được thực hiện theo thông tư. Các học sinh làm bài thi ở Bắc Giang, sau đó gửi điểm về nhà trường. Thang điểm chúng tôi cũng chấm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo", vị đại diện trung tâm nói.

Phóng viên nêu câu hỏi, nếu điểm số để cấp chứng chỉ đó cho học sinh là căn cứ theo Thông tư 46, vậy hoạt động trong kế hoạch nhà trường đề ra mang tính chất trải nghiệm hay là môn học?

Phản hồi việc này, vị đại diện trung tâm khẳng định đây là môn học an ninh quốc phòng, trong đó các học sinh có thời điểm đi thực tế tại đơn vị an ninh quốc phòng bên ngoài nhà trường. Theo đề xuất của giáo viên nhà trường, một số nội dung trong trường nhưng muốn học sinh có trải nghiệm ở bên ngoài thực tế nên nó là "hoạt động trải nghiệm an ninh quốc phòng".

Phóng viên nêu băn khoăn trong trường hợp nhà trường đề nghị phải có chứng chỉ để cấp cho học sinh theo tiêu chuẩn của Thông tư 46, vậy với thời gian 3 ngày học có kèm trải nghiệm liệu có đủ thời lượng, thời gian để học sinh tích lũy kiến thức làm bài kiểm tra hay không?

Về việc này, đại diện Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng KIBODO Hà Nội cho biết, sẽ cân đối thời gian để "không cắt bớt học phần" của học sinh.

Người này thông tin thêm: "Về việc này chúng tôi sẽ cố gắng để đảm bảo học sinh học đủ kiến thức. Nếu ở trường thì các em chỉ học từ 40 đến 45 phút/ môn nhưng khi ở ngoài thì các em sẽ được học cả ngày.

Chúng tôi cũng đã gửi kế hoạch đến phụ huynh và nhà trường. Trong đó nêu rõ các khung giờ trong ngày rõ ràng để đảm bảo học sinh không quá sức. Nghĩa là các em sẽ vừa có nội dung của học tập và nội dung của trải nghiệm".

Sáng 18/10, sau khi bài viết lên trang, thầy Lê Hồng Chung - Hiệu trưởng nhà trường có trao đổi qua điện thoại cung cấp cho phóng viên rằng, ngày 16/10, kế hoạch trên đã được Sở phê duyệt. Phóng viên đề nghị thầy Chung cung cấp văn bản phê duyệt để có thông tin khách quan đến bạn đọc, phụ huynh nhưng thầy từ chối cung cấp.

Trung Dũng