Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 687/BGDĐT-NGCBQLGD gửi đến các cơ sở giáo dục đại học; các viện hàn lâm và viện nghiên cứu được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, yêu cầu báo cáo tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Theo đánh giá của lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, Quyết định số 37 có nhiều ưu điểm so với quy định trước đó, tuy nhiên, với các ngành văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao vẫn cần có những rà soát, điều chỉnh.
Còn băn khoăn trong quá trình xét duyệt
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Việt Bảo - Chủ tịch Hội đồng giáo sư cơ sở năm 2024 của Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, thực hiện quy định tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg, nhà trường thành lập Hội đồng giáo sư cơ sở xét ngành Thể dục thể thao.
Kể từ thời điểm năm 2019 đến năm 2024, đơn vị đã tổ chức xét và được Hội đồng giáo sư Nhà nước công nhận 9 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư. Trong đó có 4 ứng viên thuộc trường, 5 ứng viên của các cơ sở giáo dục đại học không thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở ngành này.
Thầy Bảo nói: "Hội đồng Giáo sư cơ sở đã bám sát quy định và thực hiện có trách nhiệm cao. Các thành viên hội đồng nghiêm túc, có trình độ và khả năng tiếp cận quốc tế.
Để Hội đồng Giáo sư cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, các hướng dẫn chi tiết hơn từ Hội đồng Giáo sư Nhà nước, đặc biệt là Hội đồng Giáo sư liên ngành, nhất là phương pháp tính điểm chuyên môn các bài báo, cách quy đổi điểm công trình thay thế với sự phong phú đa dạng của thực tiễn".
Chia sẻ cụ thể hơn về các quy định trong Quyết định số 37, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Việt Bảo bày tỏ, thực tiễn trong quá trình Hội đồng Giáo sư cơ sở làm việc, có một số điểm băn khoăn về quy đổi điểm bài báo khoa học uy tín đối với các ứng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Một ví dụ cụ thể từ tiêu chuẩn phó giáo sư. Theo điểm b, khoản 4, điều 6: “Ứng viên là tác giả chính đã công bố được ít nhất 03 bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế”.
Cách sử dụng dấu “ ; ” ở đây có thể hiểu rằng ứng viên phải có ít nhất một trong các điều sau: ít nhất 03 bài báo khoa học; ít nhất 03 bằng độc quyền sáng chế; ít nhất 03 giải pháp hữu ích; ít nhất 03 tác phẩm nghệ thuật đạt giải thưởng quốc tế; ít nhất 03 thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế.
Cũng theo điểm b, khoản 4, điều 6: “Ứng viên không đủ công trình khoa học quy định tại điểm này thì phải có ít nhất 02 trong số các công trình nêu trên và 01 chương sách phục vụ đào tạo do một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới xuất bản hoặc có ít nhất 02 trong số các công trình nêu trên và 01 sách chuyên khảo do một nhà xuất bản có uy tín xuất bản”.
Có nghĩa là ứng viên có thể thay thế một trong các điều sau: 02 bài báo khoa học + 01 chương sách phục vụ đào tạo (nhà xuất bản uy tín thế giới) hoặc 01 sách chuyên khảo (nhà xuất bản uy tín); 03 bằng độc quyền sáng chế + 01 chương sách phục vụ đào tạo (nhà xuất bản uy tín thế giới) hoặc 01 sách chuyên khảo (nhà xuất bản uy tín); 02 giải pháp hữu ích + 01 chương sách phục vụ đào tạo (nhà xuất bản uy tín thế giới) hoặc 01 sách chuyên khảo (nhà xuất bản uy tín); 02 tác phẩm nghệ thuật đạt giải thưởng quốc tế + 01 chương sách phục vụ đào tạo (nhà xuất bản uy tín thế giới) hoặc 01 sách chuyên khảo (nhà xuất bản uy tín); 02 thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế + 01 chương sách phục vụ đào tạo (nhà xuất bản uy tín thế giới) hoặc 01 sách chuyên khảo (nhà xuất bản uy tín).

Theo Phó giáo sư. Tiến sĩ Vũ Việt Bảo, nên chăng cần có định hướng từ Hội đồng Giáo sư liên ngành về danh mục nhà xuất bản uy tín thế giới, nhà xuất bản uy tín Việt Nam, có bổ sung hoặc đưa ra khỏi danh sách chính thức hằng năm. Đây là cơ sở để các hội đồng chức danh giáo sư cơ sở tham chiếu và quyết định thuận lợi, xác đáng hơn và rút ngắn “độ chênh” so với Hội đồng giáo sư liên ngành.
Đối với tiêu chí “giải pháp hữu ích” cần định lượng văn bản minh chứng thuộc thẩm quyền cấp Bộ; cấp Sở thuộc tỉnh, thành phố; Hiệp hội liên đoàn quốc gia, hay cấp trường đại học.
Đối với tiêu chí “giải thưởng nghệ thuật quốc tế” cần định hướng danh mục cụ thể. Vì giải thưởng quốc tế rất đa dạng, chủ thể tổ chức có thể chỉ là tổ chức địa phương, doanh nghiệp trong nước hoặc nước ngoài quy tụ một số quốc gia tham dự.
Bên cạnh đó có nhiều hạng mục giải thưởng, ngoài các giải thưởng danh giá, còn ghi nhận các giải thưởng mang tính khuyến khích, động viên.
Đối với tiêu chí “thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế” cũng rất phong phú từ các giải thi đấu nghiệp dư đến chuyên nghiệp, nhà nghề mang tính quốc tế.
Do vậy, cũng cần có danh mục với định hướng từ Hội đồng Giáo sư liên ngành để quá trình thẩm định ngày càng chính xác hơn và không có sự khác biệt lớn giữa Hội đồng Giáo sư liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở.
Bên cạnh đó, thầy Bảo chia sẻ: "Chức danh giáo sư, phó giáo sư liên quan mật thiết đến giảng dạy và nghiên cứu, vì vậy cần nhấn mạnh 2 yếu tố cốt lõi này. Việc thay thế “tác phẩm nghệ thuật” và “thành tích huấn luyện, thi đấu thể thao” chỉ nên ở mức vừa phải, cần bắt buộc ứng viên phải có công bố tối thiểu 02 bài báo khoa học ở tạp chí uy tín và là tác giả chính.
Việc thay thế quy đổi không nên hoàn toàn. Các ứng viên nếu có tác phẩm nghệ thuật hoặc thành tích thể thao quốc tế đã có các giải thưởng cấp nhà nước khác vinh danh hoặc huân, huy chương cấp nhà nước, hoặc danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân, nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân…
Tiêu chí về công bố khoa học là điều thúc đẩy và thách thức đặt ra đối với ứng viên cần phải nỗ lực trong nghiên cứu để tự học hỏi, nâng cao trình độ bản thân trước những yêu cầu ngày càng cao của người học, của xã hội. Nếu chỉ dừng lại đơn thuần việc giảng dạy và sử dụng thời gian để sáng tác tác phẩm và huấn luyện thể thao thì e rằng sẽ xa rời mục tiêu hướng tới của giáo dục đại học là nghiên cứu, phát triển, nơi tạo ra tri thức, đổi mới, sáng tạo".
Ngoài ra, về quy định điểm công trình khoa học quy đổi, Phó Giáo sư Vũ Việt Bảo cho biết, việc quy đổi cần có giới hạn và nhấn mạnh yêu cầu công bố khoa học, vì vậy yêu cầu ứng viên giáo sư có ít nhất 5,0 điểm được thực hiện trong 3 năm cuối và ứng viên phó giáo sư có ít nhất 2,5 điểm được thực hiện trong 3 năm cuối là tương đối phù hợp.
Thêm nữa, để phòng trường hợp “chạy” bài báo, cần có hướng dẫn để thống nhất từ Hội đồng Giáo sư liên ngành về số lượng bài báo có tên tác giả ứng viên/số tạp chí. Vì đã có hiện tượng 1 số tạp chí có thể xuất hiện nhiều bài báo cùng tên tác giả hoặc tác giả xuất hiện liên tục trong nhiều số tạp chí...
Tuy là hiện tượng bất thường, nhưng chưa có căn cứ hướng dẫn cụ thể nên gây lúng túng và sự thống nhất của các thành viên hội đồng các cấp. Thậm chí, tác giả đứng tên trên nhiều lĩnh vực rất khác nhau.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Việt Bảo - Chủ tịch Hội đồng giáo sư cơ sở năm 2024 của Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.
Xem xét cẩn trọng vấn đề liêm chính học thuật
Từ góc nhìn của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên - Ủy viên Hội đồng giáo sư liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao năm 2024: “Số lượng tiến sĩ các ngành nghệ thuật rất ít, thậm chí các trường khu vực phía Nam đang thiếu trầm trọng đội ngũ có trình độ cao, khiến có trường hợp cơ sở giáo dục phải đóng ngành đào tạo.
Hơn nữa, với riêng ngành Mỹ thuật, ở Việt Nam chỉ có 2 đơn vị được đào tạo tiến sĩ ngành này là Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam ở miền Bắc và Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh ở miền Nam. Thực tế, nhu cầu người học nhiều hơn so với chỉ tiêu hạn chế mà 2 cơ sở này được phép đào tạo. Điều này cũng kéo theo vấn đề, mỗi năm số lượng ứng viên đăng ký xét duyệt giáo sư, phó giáo sư ngành Mỹ thuật là không nhiều.
Ngoài ra, quy định về bài báo khoa học đăng trên tạp chí uy tín cũng gây khó khăn cho ứng viên ngành Nghệ thuật nói chung và ngành Mỹ thuật nói riêng.
Đăng bài ở các tạp chí nước ngoài vốn khó, do tính trừu tượng của nghệ thuật. Hiện nay, ở trong nước, những tạp chí áp dụng cho liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao được Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho phép 1 điểm rất ít, với ngành Mỹ thuật điểm tạp chí tối đa chỉ là 0,75 điểm".
Thầy Tiên cho biết, hiện nay, các ứng viên chuẩn bị xét chức danh phó giáo sư ngành Mỹ thuật giải quyết vấn đề bài báo khoa học đăng tạp chí bằng 2 cách. Đầu tiên, hầu hết ứng viên là những người đã đi học nước ngoài, có liên hệ với với các trường đại học để có thể đăng bài tạp chí. Thứ hai, ứng viên có thể đứng chung bài báo để đăng ở các tạp chí về kiến trúc trong đó có mảng mỹ thuật.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên, có nên chăng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có một bộ phận kết hợp với các tạp chí ở nước ngoài hoặc liên kết với các tạp chí của các trường đại học uy tín để hỗ trợ ứng viên có nơi công bố bài báo khoa học.
Nói thêm về quy định quy đổi các giải thưởng quốc tế trong Quyết định số 37, thầy Tiên chia sẻ: “Có nhiều giải thưởng của doanh nghiệp quốc tế không được xem là giải thưởng chính thức, không được tính điểm. Vì đây không phải giải thưởng của hiệp hội chuyên ngành. Tuy nhiên, các giải thưởng chuyên ngành về mỹ thuật hiện nay cũng rất ít.
Do vậy, chúng ta nên có quy định cụ thể về việc công nhận các giải thưởng quốc tế, cần một danh sách quy định rõ ràng về các giải thưởng quốc tế đối với ứng viên liên ngành Văn hóa - Thể dục thể thao, được quy đổi điểm tương đương với các bài báo khoa học. Điều này không chỉ cụ thể hơn cho hội đồng mà bản thân ứng viên cũng sẽ có sự soi chiếu”.
Về hiện tượng các công trình khoa học bị dồn nhiều vào năm cuối trước khi ứng viên nộp hồ sơ, theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên: “Vấn đề này chúng ta cần nhìn ở nhiều góc đó. Bởi có thể trong thời gian đầu, ứng viên chưa quan tâm đến công bố khoa học để xét chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Khi quyết tâm thực hiện họ mới tập trung viết và đăng tạp chí.
Mặc dù vậy, điều này vẫn cần có quá trình, nếu ứng viên đăng 3 bài trở lên ở cùng một tạp chí thì cần thiết phải xem xét cẩn trọng, cũng từng có trường hợp ứng viên biện luận vì 1 công trình nghiên cứu được tách thành nhiều bài báo, tuy nhiên điều này rõ ràng không ổn.
Hoặc có ứng viên trong 3 năm cuối, công bố tới 70 công trình nghiên cứu khoa học và đều là các tạp chí trong danh mục Scopus. Thực tế, ứng viên này hướng 1 nhóm sinh viên làm nghiên cứu khoa học, ứng viên chỉ tóm tắt, làm từ khóa nhưng lại đứng tên tác giả chính. Trường hợp như vậy cũng đã bị loại ngay từ Hội đồng Giáo sư cơ sở vì không đảm bảo tính liêm chính học thuật”.
Trước đề xuất Nhà nước chỉ đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn còn cần trao cho trường đại học quyền xem xét công nhận và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên bày tỏ:
"Có những trường hợp Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công nhận ứng viên đủ tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm lại phụ thuộc vào các trường nên cũng tồn tại sự chồng chéo nhất định.
Tôi cho rằng, Việt Nam cũng sẽ sớm đi đến mô hình trường đại học tự công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư giống như các nước phát triển trên thế giới. Các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề bổ nhiệm, kể cả về lương, đãi ngộ còn Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng giáo sư Nhà nước chỉ là đơn vị kiểm tra.
Chúng ta có thể tiến hành thí điểm ở các đại học uy tín như Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội để xem xét, nếu hiệu quả, sau đó áp dụng rộng rãi".