Miễn thi ĐH: Học sinh hớn hở, trường lo tiêu cực

16/03/2012 10:46
Theo Vietnamnet
Năm nay, lần đầu tiên học sinh các thuộc 62 huyện nghèo sẽ được đặc cách xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng mà không cần thi.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Điều này khiến thầy và trò  vùng khó rất phấn khởi vì cơ hội học tập mở rộng hơn, nhưng các đại học, cao đẳng lại tỏ ra khá lo lắng về chất lượng đầu vào cũng như nguy cơ tiềm ẩn tiêu cực.
Rộng cửa vào đại học
Thanh Hóa là tỉnh có số lượng huyện nằm trong danh sách 62 huyện nghèo nhiều nhất, với 7 huyện, gồm Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Quan Hóa, Bá Thước, Mường Lát và Quan Sơn.
“Miễn thi cho thí sinh huyện nghèo thực sự là một tin vui với các em học sinh. Không phải dự thi đồng nghĩa với việc cơ hội vào đại học của các em sẽ rộng mở hơn rất nhiều,” ông Nguyễn Văn Hồi, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Quan Hóa-Thanh Hóa, chia sẻ. 
Ông Hồi cho biết, thầy trò đang rất sốt ruột chờ thông báo cụ thể từ Sở vì hôm nay, ngày 15/3, đã là ngày bắt đầu nộp hồ sơ tuyển sinh.
Đứng thứ hai về số huyện nghèo là tỉnh Hà Giang với 6 huyện, gồm Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh, Xín Mần và Hoàng Su Phì. Theo bà Triệu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này, việc đặc cách cho thí sinh huyện nghèo là rất nên làm để tạo điều kiện cho các em có thể vào đại học, vừa giúp gia đình đỡ tốn kinh phí đi lại những ngày thi cử. 
Đây cũng là chia sẻ của ông Nguyễn Huy Văn, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Mường Nhé, thuộc huyện nghèo Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Theo ông Văn, trường có khoảng 70 học sinh lớp 12. Cả thầy và trò đang chờ hướng dẫn cụ thể của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên về cách thức làm hồ sơ.
Trường đại học lo
Trong khi thầy và trò các huyện nghèo đang rất phấn khởi thì lãnh đạo các đại học lại tỏ ra khá lo lắng. 
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những thí sinh này, sau khi nhập học, được học bổ sung kiến thức 1 năm học, trước khi vào học chính thức. 
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng trường Đại học Tây Nguyên cho rằng, việc đào tạo 1 năm cho đối tượng được xét tuyển sẽ gây nhiều phiền phức cho các trường, nhất là đối với trường có số lượng xét tuyển ít. Bài toán đặt ra sẽ là đào tạo như thế nào? Giáo viên ở đâu? Kinh phí bao nhiêu? Dạy chương trình gì?...
Cũng theo vị hiệu trưởng này, trường vẫn muốn cho các em thử thách qua một kỳ thi, dù là điểm thấp hơn điểm sàn nhưng sẽ có chọn lọc hơn. 
“Chỉ căn cứ xét tuyển theo học bạ thì không chuẩn lắm, dễ tiêu cực về vấn đề chạy điểm, làm đẹp học bạ,” ông Vui lo lắng nói.
Khác với Đại học Tây Nguyên, ông Hoàng Nam, Hiệu phó trường Đại học Hồng Đức cho biết, trường không băn khoăn về vấn đề đào tạo bồi dưỡng. Là trường thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong nhiều năm qua, Đại học Hồng Đức đã đảm nhận hệ cử tuyển, đào tạo nhân lực cho địa phương, mỗi năm khoảng 20-30 sinh viên. 
Số sinh viên này, trường phải tập trung lại, tổ chức lớp bồi dưỡng riêng trong một năm, sau đó mới phân theo từng ngành, học cùng các sinh viên khác. Vì thế, nếu xét tuyển học sinh huyện nghèo trong năm nay, trường chỉ cần ghép các học sinh đó với học sinh hệ cử tuyển để bồi dưỡng kiến thức. 
Tuy nhiên, ông Nam cũng tỏ ra băn khoăn với những tiêu cực có thể phát sinh. “Trường hợp chạy chọt để được là hộ nghèo chúng tôi đã gặp rất nhiều. Quy định mới này của Bộ có nguy cơ tiêu cực như khai man lý lịch, dẫn đến ưu tiên không đúng đối tượng,” ông Nam nói.
Đồng quan điểm này, ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ngoài công lập cho rằng, việc xét tuyển học bạ cần cân nhắc kỹ để tránh tiêu cực. 
Về vấn đề đào tạo bồi dưỡng, ông Nhĩ cho rằng Bộ nên theo dõi, thống kê số lượng sinh viên thuộc huyện nghèo của từng trường, trên cơ sở đó, có thể hỗ trợ các trường bằng cách “gom” thí sinh lại để đào tạo cho đỡ tốn kém. Tuy nhiên, cách hợp lý nhất là để việc đào tạo bồi dưỡng cho các trường dân tộc nội trú hoặc trường dự bị đại học đảm nhiệm.
Theo Vietnamnet