Độc giả bàn luận xung quanh câu chuyện thu phí và vấn nạn ùn tắc giao thông:

Thu phí giao thông: "Sẽ khai tử ngành CN lắp ráp chế tạo ô tô, xe máy"

16/04/2012 06:50
Độc giả Trương Nhất Vương
(GDVN) - Liên tục thời gian gần đây, từ báo chí cho đến dân cày ruộng; từ diễn đàn lớn Quốc hội đến chuyện phiếm bên quán trà cũng bàn thế sự, đi đâu cũng nghe ông Đinh La Thăng, đi đâu cũng nghe bàn về thu phí.
Xung quanh câu chuyện về vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM và phương án đề xuất thu các loại phí bảo trì giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2012. Đã có rất nhiều ý kiến gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam để bày tỏ ý kiến, quan điểm về câu chuyện đề xuất thu phí “lưu hành phương tiện cá nhân” hay nói cách khác là “phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân” mà Bộ GTVT mới đề nghị đổi tên. 

 Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải một bài viết của độc giả Trương Nhất Vương với những nội dung tranh luận xung quanh câu chuyện phí giao thông này. Mời bạn đọc cùng theo dõi:
Trong những ngày qua, trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đang bàn luận rất nhiều về câu chuyện thu phí giao thông và vấn nạn ùn tắc tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Tôi đã chăm chú đọc rất nhiều các bài viết bàn luận xung quan vấn đề này nhưng tôi vẫn kiên quyết ủng hộ Bộ trưởng Đinh La Thăng;
Bộ trưởng Đinh La Thăng. Ảnh: Tiến Dũng/ VnExpress.
Bộ trưởng Đinh La Thăng. Ảnh: Tiến Dũng/ VnExpress.
Chỉ mỗi phí cao tốc Trung Lương là 'lỡ' thu hơi cao, nhưng sau đó Bộ GTVT đã cho điều chỉnh giảm xuống. Với phí bảo trì đường bộ đã ra quyết định bắt đầu thu từ ngày 1/6/2012, ông bảo chỉ lên kế hoạch trình vậy chứ chưa ấn định thời gian thu, bởi hơn ai hết ông hiểu rõ nỗi khó khăn của người dân trong thời điểm này, phải chờ khi nào tình hình khả quan hơn thì mới xúc tiến.
Không ai có thể phủ nhận nhiệt huyết cùng quyết tâm của Bộ trưởng muốn "thanh toán" ngay nạn ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông. Nhưng thật khó cho ông Bộ trưởng. “Ma trận… phí chồng phí” cùng đánh vào một mục tiêu đó là ô tô, xe máy, với tính toán sẽ hạn chế bớt lưu lượng phương tiện xe cơ giới tham gia giao thông và bổ sung ngân sách cho xây dựng hạ tầng giao thông đường bộc lộ rõ nhiều hạn chế và bất cập.  Bằng chứng là sự phản ứng của dư luận tăng cao hơn bao giờ hết, nhiều đại biểu Quốc hội cũng tỏ thái độ không đồng tình… Điều ấy buộc Bộ trưởng Bộ GTVT cũng phải cân nhắc, thêm, bớt, điều chỉnh, cắt giảm phí bảo trì đường bộ đối với từng loại xe cho phù hợp điều kiện thực tế, và tạm dừng chưa triển khai hai khoản phí: Phí lưu hành phương tiện vào giờ cao điểm và phí hạn chế phương tiện cá nhân. Việc ngành GTVT "xoay như chong chóng" và các điều chỉnh của ông Bộ trưởng về phí thay đổi xoành xoạch đủ thấy khâu chuẩn bị lên kế hoạch quá nóng vội và thiếu cơ sở lý luận, thiếu thực tế? Xin chỉ ra điểm chung những hạn chế trong việc thu các loại phí mà tôi nghĩ một người nông dân bình thường người ta cũng nghĩ được như sau: Giả sử việc thu phí của Bộ GTVT sẽ đạt được mục tiêu: Hạn chế được phương tiện ô tô, xe máy cá nhân (chỉ là giả sử) thì đồng nghĩa với việc khai tử ngành công nghiệp lắp ráp chế tạo ô tô, xe máy. Các liên doanh lắp ráp ô tô, xe máy không biết họ đang nghĩ gì khi mà Bộ GTVT mong muốn giảm ách tắc mà vô tình 'quên' đi một ngành công nghiệp có đóng góp cho ngân sách nhà nước như vậy? Đó là nghĩ cho to tát, còn nghĩ vụn vặt thì: Hạn chế phương tiện cá nhân nghĩa là đã xâm phạm quyền tự do cá nhân, quyền tự do mua sắm. Một chiếc xe thi thoảng ló mặt ra đường phải đóng hàng loạt loại phí như vậy. Cho dù không muốn suy diễn nhưng nó chính là một thứ thuế áp đặt. Như vậy từ đi đứng, đến mua sắm đều bị áp đặt bằng việc đóng góp, nộp tiền; nói cho dễ nghe là thu phí. Rõ ràng, những quyền tối thiểu của con người đã bị vi phạm, bị giới hạn, giới hạn rất vô lý, chưa nói là cấm đoán.
Cước vận tải có khả năng tăng giá vì thu phí. Ảnh minh họa: Infonet.
Cước vận tải có khả năng tăng giá vì thu phí. Ảnh minh họa: Infonet.
Một điều gần gũi thiết thực hơn đó là: Có được bao nhiêu gia đình Việt Nam giàu đến nỗi có ý nghĩ sắm xe để đi chơi, đi lượn khoe mẽ? Rất hiếm! Cùng lắm chỉ rơi vào một số ít rất nhỏ những cậu ấm, cô chiêu con nhà giàu có nhưng ít học? Tất cả đều hướng vào cuộc mưu sinh. Đại đa số người dân đều nương tựa vào chiếc xe để tìm miếng ăn và nếu từ bỏ chiếc xe đồng nghĩa với cuộc sống mưu sinh thêm khó khăn...  Một hệ lụy tất yếu nữa xảy ra đó là cơn bão giá sẽ đổ bộ lên nhiều mặt hàng, trong đó có cước vận tải, giá vé, thực phẩm...Vậy không biết Bộ trưởng Đinh La Thăng đã lường hết và có chính sách kiểm soát cơn bão giá này chưa? Những lời nói tận cùng gan ruột như vậy để cá nhân ông Bộ trưởng Bộ GTVT, các cơ quan ngang Bộ và Chính phủ nên cân nhắc thật kỹ lưỡng trước việc cho rằng: Thu phí sẽ hạn chế được các phương tiện cá nhân và phương tiện tham gia giao thông vì thế mà các phương tiện tham gia giao thông này ít đi?Mọi ý kiến đóng góp của độc giả xin gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn.
Độc giả Trương Nhất Vương