Theo đó, căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, từ năm 2018- 2019, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với các đơn vị tiến hành đánh giá, thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn các tỉnh/thành phố.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong trao giấy chứng nhận đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho Công ty Cổ phần Dược phẩm Gia Nguyễn. |
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, với 94 cơ sở có chứng nhận GMP trong sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện nay tương đương với hàng nghìn sản phẩm được đưa ra thị trường. (GMP - Good Manufacturing Practices là tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn cho sản xuất).
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, theo quy định, từ 1/7/2019, tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có giấy chứng nhận GMP thì mới được sản xuất.
Cục đã có văn bản đề nghị cơ quan thanh tra, kiểm tra của các địa phương tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn, nếu doanh nghiệp chưa có chứng nhận GMP mà vẫn sản xuất thì phải xử lý nghiêm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với các doanh nghiệp, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, các sản phẩm được sản xuất từ trước ngày 1/7/2019 vẫn được lưu hành, còn các sản phẩm sản xuất sau ngày 1/7/2019 phải có chứng nhận GMP mới được lưu hành.
Trước đó, khi chưa áp dụng quy định đạt GMP, nước ta có khoảng trên 4.000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Nhiều sản phẩm được quảng cáo thổi phồng công dụng, bán với giá “trên trời”, khiến người dân tưởng nhầm là thuốc chữa bệnh.