Án sai dứt khoát phải sửa, nhưng khó làm tuyệt đối

31/10/2018 14:43
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đây là nhấn mạnh của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tại phiên trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội.

Ngày 31/10, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn tại hội trường.

Nhiều câu hỏi liên quan đến chất lượng xét xử các vụ án được đại biểu quan tâm chất vấn.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – đoàn Quảng Bình về xem xét đơn giám đốc thẩm và tái thẩm tăng rất nhiều năm 2018 và thời gian xem xét kéo dài.

Chánh án tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Chánh án tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Năm 2018, Tòa án nhận hơn 2.000 đơn giám đốc thẩm

Chánh án cho biết:

"Đơn về giám đốc thẩm, tái thẩm tăng rất nhiều trong năm 2018, Tòa án tối cao nhận được trên 2 nghìn đơn giám đốc thẩm.

Theo quy định của luật, điều này được quy định trong Hiến pháp là chúng ta thi hành chế độ xét xử 2 cấp, sơ thẩm, phúc thẩm và luật đã quy định rất chặt chẽ các điều kiện để kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm để tránh tình trạng trở thành cấp xét xử thứ ba.

Mặc dù vậy, tình trạng đơn giám đốc thẩm, tái thẩm cũng rất nhiều và năm 2018, chúng tôi nhận được 2 nghìn đơn.

Kết quả giải quyết đơn mặc dù tăng rất lớn nhưng Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao hàng tháng đều dành một tuần để xét xử các đơn yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm và chúng tôi đã giải quyết được 53%, tức là hơn 1.200 các đơn giám đốc thẩm, tái thẩm trên tổng số 2.200.

Đây là một tỷ lệ rất cao, nhiều nước khống chế Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao giải quyết đơn trong 1 năm không quá 150 vụ xét xử.

Nếu chúng ta làm quá nhiều thì vô tình đã biến giám đốc thẩm, tái thẩm thành một cấp xét xử thứ ba.

Án sai dứt khoát phải sửa, nhưng khó làm tuyệt đối ảnh 2Một Thẩm phán bị cựu Hiệu trưởng khiếu nại

Đối với những vụ án có sai sót, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết lập quy định rất chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của người dân, Chánh án cũng như Viện trưởng đều có kháng nghị và chúng tôi đã xét xử một cách chu đáo.

Kết quả cho thấy, nhiều năm qua, việc xét xử của Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao rất công tâm, chính xác và không có khiếu kiện gì về sau”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao lý giải, việc kéo dài cũng báo cáo với Quốc hội, đại biểu là đã lên đến giám đốc thẩm thì nó đã trải qua một quá trình sơ thẩm, phúc thẩm rất dài, nhiều cấp nên thường mất rất nhiều thời gian.

Đây cũng là cơ hội cuối cùng của người dân nên việc xem xét cũng phải rất thận trọng nên thường kéo dài.

“Giải pháp thì chúng tôi không có cách nào, phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm, đặc biệt là cường độ làm việc để đẩy nhanh việc giải quyết và một trong những giải pháp rất căn cơ.

Đó là nâng cao chất lượng xét xử của cấp sơ thẩm và phúc thẩm, hạn chế những sai sót dẫn đến kháng nghị, khiếu kiện lên giám đốc thẩm, tái thẩm”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu.

Đại biểu Pham Văn Hòa. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Pham Văn Hòa. Ảnh: Quochoi.vn

Sau phần trả lời của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, đại biểu Phạm Văn Hòa – đoàn Đồng Tháp giơ biển tranh luận với Chánh án về công tác xét xử của tòa án các cấp trong thời gian qua.

Theo đại biểu, hiện nay có nhiều trường hợp tòa phúc thẩm xử án đã có hiệu lực thi hành.

Như vậy, đi vào thi hành án và cưỡng chế người bị thi hành án, sau đó người thi hành án lại gửi đơn lên tòa cấp cao của thành phố hoặc giám đốc thẩm.

Giám đốc thẩm và tòa cấp cao xử là phủ quyết lại tòa án sơ thẩm và phúc thẩm của tòa án đó. Như vậy, người bị thi hành án đã bị thiệt hại tài sản rất lớn.

“Ở Đồng Tháp hiện nay có trường hợp này, đã bị cưỡng chế thi hành án, tài sản thiệt hại là hơn 600 triệu đồng.

Cách đây khoảng 2 năm nay nhưng đến nay không có một cấp nào, không ai đứng ra để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại cho người bị thi hành án.

Vậy, bị thi hành án như vậy có bị oan sai hay không? Tôi muốn tranh luận với Chánh án để Chánh án cũng cần thông tin cho cử tri để biết”, đại biểu Hòa nói.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trí Thức. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Phạm Trí Thức. Ảnh: Quochoi.vn

Sai lầm trong xét xử rất khó sửa chữa một cách tuyệt đối

Cũng giơ biển tranh luận với Chánh án Nguyễn Hòa Bình, đại biểu Phạm Trí Thức – đoàn Thanh Hóa nhấn mạnh:

"Chánh án là một người rất dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp.

Tuy nhiên, Chánh án cho rằng trong 2.000 đơn yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm đã giải quyết được 1.000 đơn và số lượng giám đốc thẩm rất cao, so với các nước người ta chỉ 100, hơn 100 vụ, như thế số lượng của chúng ta rất lớn.

Tôi cho rằng như vậy là chưa thỏa đáng. Vì sao, vì chất lượng của chúng ta khác với chất lượng xét xử của các nước.

Lênin có câu nói "người thông minh không phải là người không mắc sai lầm mà cái chính là biết sửa chữa sai lầm".

Tuy nhiên, sai lầm trong xét xử rất khó sửa chữa một cách tuyệt đối”, đại biểu khẳng định.

Vị đại biểu đoàn Thanh Hóa lấy ví dụ, có một vụ án ông Vũ Bá Phê ở Phú Yên tranh chấp một con bê, sau đó tòa xử sai cho nên ông đã tự tử.

Sau đó các cơ quan tư pháp phải tốn kém hàng tỷ đồng, đó là thời những năm 90 của thế kỷ trước và cũng không cứu lại mạng sống ông Vũ Bá Phê, ông đã tự tử chết chỉ vì một con bê.

Theo đại biểu, phía sau mỗi tờ đơn, lá đơn là số phận của một con người và là số phận của một gia đình, của một dòng họ, không đơn giản chúng ta giải quyết được một nửa là tốt lắm rồi, không phải như vậy, đại biểu thấy rất băn khoăn.

Về ý kiến tranh luận của đại biểu Phạm Trí Thức, Chánh án tòa án nhân dân tối cao cho biết, hoàn toàn đồng tình với quan điểm của đại biểu, đã sai phải sửa.

Đây đã trở thành nguyên lý và đúng trong tất cả các lĩnh vực, kể cả chính trị, kinh tế - xã hội cũng như là tư pháp.

Án sai dứt khoát phải sửa, nhưng khó làm tuyệt đối ảnh 5Kỷ luật hơn 4.300 cán bộ, đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái trong 5 năm qua

Điều này đã được ghi ở trong luật, nếu bản án có sai dứt khoát kháng nghị phải sửa, điều đó không có gì phải băn khoăn.

Việc Tòa án giải quyết 1.200 đơn ở Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao không có nghĩa con số đó dừng không giải quyết những đơn đã xác định là sai.

“Trên thực tế, trong 1.200 đơn chúng tôi đã giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm, tất cả các bản án có sai sót đều đã được kháng nghị và đã được xét xử theo thủ tục của giám đốc”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định.

Về ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa, Chánh án trả lời, liên quan đến một vụ án cụ thể, quay lại nguyên lý sai phải sửa.

Chúng tôi xin nhắc lại, nếu như bản án và kể cả đã thi hành án xác định là sai vẫn phải sửa để đảm bảo quyền lợi của người dân.

“Trong trường hợp bản án cụ thể này, tôi xin phép đại biểu được cho chúng tôi lấy lại hồ sơ và xem xét vụ án này đã được giải quyết đúng hay chưa.

Nhưng quá trình giải quyết lại tất cả những sai sót của giai đoạn trước thì bản án cuối cùng khi được giải quyết phải được giải quyết trong bản án cuối cùng.

Những hậu quả của quá trình thi hành án phải được giải quyết mới đúng yêu cầu.

Xin phép đại biểu chúng tôi sẽ kiểm tra lại vụ án này và có trả lời với đại biểu liên quan đến vụ án cụ thể”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Đỗ Thơm