Thành lập quân đoàn chủ lực, chuẩn bị cho cuộc tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975

27/04/2018 08:05
Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY
(GDVN) - Theo đề nghị của Quân ủy Trung ương và Bộ quốc phòng, tháng 10/1973, Bộ Chính trị Trung ương Đảng phê chuẩn việc thành lập các quân đoàn chủ lực của Quân đội.

LTS: Nhân dịp kỉ niệm Đại thắng mùa Xuân 1975, Đại tá Đặng Việt Thủy đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ về việc thành lập các quân đoàn chủ lực, chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.

Thực hiện Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) ngày 13/10/1973 về Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ và nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới, cùng với đẩy mạnh tiến công địch, để tạo thế tạo lực ở chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chủ trương thành lập các quân đoàn chủ lực trực thuộc Bộ.

Theo đề nghị của Quân ủy Trung ương và Bộ quốc phòng, tháng 10/1973, Bộ Chính trị Trung ương Đảng phê chuẩn việc thành lập các quân đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thành lập quân đoàn chủ lực, chuẩn bị cho cuộc tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 (Ảnh minh họa: qdnd.vn).
Thành lập quân đoàn chủ lực, chuẩn bị cho cuộc tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 (Ảnh minh họa: qdnd.vn).

Ngày 24/10/ 1973, Quân đoàn 1 mang tên Binh đoàn Quyết Thắng được thành lập trên miền Bắc. Trong đội hình của quân đoàn có ba sư đoàn bộ binh: Sư đoàn 308, Sư đoàn 312 và Sư đoàn 320B.

Đây là những sư đoàn bộ binh chủ lực đầu tiên của quân đội ta, ra đời trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Các đơn vị binh chủng gồm Sư đoàn 367 phòng không, Lữ đoàn 202 xe tăng, Lữ đoàn 45 pháo binh, Lữ đoàn 299 công binh, Trung đoàn 240 thông tin cũng là những đơn vị binh chủng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hầu hết các đơn vị của quân đoàn đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954), đứng trong đội hình Binh đoàn 70 trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (năm 1971), Mặt trận B5 trong Chiến dịch Quảng Trị (năm 1972).

Thiếu tướng Lê Trọng Tấn - Phó Tổng tham mưu trưởng và Thiếu tướng Lê Quang Hòa - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được cử làm Tư lệnh và Chính ủy đầu tiên của Quân đoàn 1.

Vùng rừng núi Tam Điệp, tiếp giáp giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình, nơi gần 200 năm trước (đầu năm 1789), vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ đã tập kết lực lượng trước khi tiến ra Thăng Long, đánh tan 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, được chọn làm căn cứ đầu tiên của quân đoàn.

Thành lập quân đoàn chủ lực, chuẩn bị cho cuộc tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 ảnh 2Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Ngày 17/5/1974, ở chiến trường miền Nam, Quân đoàn 2 mang tên Binh đoàn Hương Giang được thành lập.

Các đơn vị hợp thành quân đoàn là ba sư đoàn bộ binh: Sư đoàn 304, Sư đoàn 325, Sư đoàn 324; Sư đoàn 673 phòng không, Lữ đoàn 164 pháo binh, Lữ đoàn 203 xe tăng, Lữ đoàn 219 công binh, Trung đoàn 463 thông tin.

Thiếu tướng Hoàng Văn Thái được cử làm Tư lệnh và Thiếu tướng Lê Linh được cử làm Chính ủy đầu tiên của Quân đoàn 2.

Các sư đoàn bộ binh trong đội hình Quân đoàn 2 đều là những đơn vị dày dạn kinh nghiệm chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lập nhiều chiến công oanh liệt, có truyền thống tự lực tự cường, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế.

Các đơn vị binh chủng ra đời trong những năm cuối kháng chiến chống Pháp và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có nhiều thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên chiến trường miền Nam.

Căn cứ Ba Lòng và vùng rừng núi phía tây Trị - Thiên, nơi nhiều đơn vị của quân đoàn đã ra đời và nhiều năm xây dựng, chiến đấu trong sự thương yêu, đùm bọc của nhân dân Bình - Trị - Thiên là địa bàn đứng chân đầu tiên của Quân đoàn 2.

Khối chủ lực Mặt trận Tây Nguyên có Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320A, hai trung đoàn 95 và 35 bộ binh, hai trung đoàn 40 và 675 pháo binh, hai trung đoàn 272 và 232 phòng không, Trung đoàn 198 đặc công, trung đoàn 273 xe tăng, hai trung đoàn 7 và 545 (thiếu) công binh, Trung đoàn 29 thông tin.

Tháng 6/1974, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định xây dựng các đơn vị chủ lực thành binh đoàn tác chiến hiệp động binh chủng. Các đơn vị được bổ sung đầy đủ số quân và trang bị theo biên chế.

Thành lập quân đoàn chủ lực, chuẩn bị cho cuộc tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 ảnh 3Cuộc tranh luận chưa hồi kết về ngày mở màn Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975

Khối chủ lực Mặt trận Tây Nguyên hình thành một lực lượng chiến đấu mạnh trên một địa bàn chiến lược, tạo thế trực tiếp uy hiếp quân khu 2 và quân đoàn 2 ngụy, chuẩn bị cho việc chính thức thành lập Quân đoàn 3 sau này.

Quân đoàn 3 chính thức thành lập ngày 26/3/1975 tại Tây Nguyên, mang tên Binh đoàn Tây Nguyên, gồm có:

Sư đoàn 10, Sư đoàn 316, Sư đoàn 320, 2 trung đoàn pháo binh (40 và 675), 3 trung đoàn phòng không (232, 234 và 593), Trung đoàn đặc công 198, Trung đoàn xe tăng 273, Trung đoàn công binh 7, Trung đoàn thông tin 29 và một số đơn vị trực thuộc.

Thiếu tướng Vũ Lăng là Tư lệnh và Đại tá Đặng Vũ Hiệp là Chính ủy đầu tiên của Quân đoàn.

Ngày 20/7/1974, Quân đoàn 4 mang tên Binh đoàn Cửu Long được thành lập ở vùng căn cứ miền Đông Nam Bộ.

Đồng chí Phạm Hùng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục chính thức công bố thành lập Quân đoàn 4.

Thiếu tướng Hoàng Cầm được cử làm Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy quân đoàn. (Ngày 5/3/1975, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện - nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn (Đoàn 559) được cử làm Chính ủy Quân đoàn 4).

Trong đội hình Quân đoàn 4 có Sư đoàn 7 bộ binh mang truyền thống đại đoàn Chiến Thắng trong kháng chiến chống Pháp; Sư đoàn 9 bộ binh, đơn vị chủ lực đầu tiên ra đời ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ và các đơn vị binh chủng: Trung đoàn 24 pháo binh, Trung đoàn 71 phòng không, Trung đoàn 429 đặc công, ba tiểu đoàn thông tin...

Thành lập quân đoàn chủ lực, chuẩn bị cho cuộc tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 ảnh 4Quân đoàn 3 phá tan tuyến phòng thủ Tây Bắc Sài Gòn

Sự ra đời của Quân đoàn 4 là thành quả của nhiều năm kiên trì xây dựng khối chủ lực và đẩy mạnh tác chiến tập trung ở chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ.

Hình ảnh một quân đoàn ở địa bàn chiến lược này, quân đội ta đã tạo nên một quả đấm chủ lực có sức uy hiếp rất lớn đối với địch ngay sát trung tâm đầu não của chúng.

Việc thành lập các quân đoàn chủ lực đánh dấu bước trưởng thành mới về quy mô tổ chức lực lượng, là một thay đổi về chất của quân đội ta sau gần 30 năm xây dựng và chiến đấu.    

Với các quân đoàn binh chủng hợp thành có trang bị khá mạnh, sức đột kích lớn, cơ động cao, sức chiến đấu liên tục, quân đội ta có khả năng mở các chiến dịch tiến công bằng lực lượng binh chủng hợp thành quy mô lớn trên các hướng chiến lược, kết thúc chiến tranh.

Cùng với việc tổ chức và bố trí các quân đoàn trên các địa bàn chiến lược, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chủ trương củng cố, nâng cao sức mạnh chiến đấu của một số sư đoàn, trung đoàn chủ lực làm lực lượng cơ động trực thuộc Bộ và các quân khu.

Sư đoàn 316 bộ binh sau một thời gian làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Lào được điều động về miền tây tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Sư đoàn 341 bộ binh chuyển từ đơn vị khung huấn luyện quân tăng cường cho chiến trường thành một sư đoàn cơ động có đủ số quân và trang bị theo biên chế, đứng ở nam Quân khu 4. Hai sư đoàn này nằm trong lực lượng dự bị cơ động chiến lược của Bộ.

Khối chủ lực Quân khu Trị - Thiên gồm ba trung đoàn bộ binh (trung đoàn 4, 6 và 271) và một số đơn vị binh chủng.

Thành lập quân đoàn chủ lực, chuẩn bị cho cuộc tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 ảnh 5Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể về cuộc tiến công giải phóng Sài Gòn

Các sư đoàn 2 và 3 chủ lực Quân khu 5 được biên chế đủ cho mỗi sư đoàn ba trung đoàn bộ binh, một trung đoàn pháo binh và các tiểu đoàn binh chủng.

Lữ đoàn 52 gồm ba tiểu đoàn bộ binh, hai tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn cao xạ 37, một tiểu đoàn đặc công.

Trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 5 còn có hai trung đoàn pháo binh (572 và 576), Trung đoàn 573 cao xạ, Trung đoàn 574 thiết giáp, Trung đoàn 575 thông tin và hai trung đoàn công binh (83, 270).

Bộ đội chủ lực Khu 6 có Trung đoàn 872 bộ binh, tiểu đoàn 130 trợ chiến và tiểu đoàn 200C đặc công.

Bộ đội chủ lực thuộc các quân khu ở Nam Bộ được tập trung xây dựng thành bốn sư đoàn và hai trung đoàn bộ binh:

Sư đoàn 3 thuộc Bộ Tư lệnh Miền, Sư đoàn 4 thuộc Quân khu 9, Sư đoàn 8 thuộc Quân khu 8, Sư đoàn 6 thuộc Quân khu 7 và hai trung đoàn Gia Định (1 và 2) thuộc Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Sài Gòn - Gia Định.

Các sư đoàn, trung đoàn này là những đơn vị cơ động trên địa bàn quân khu, lực lượng chiến đấu tại chỗ và có thể phối hợp chiến đấu với các quân đoàn trong các chiến dịch có ý nghĩa chiến lược.

Việc thành lập các quân đoàn chủ lực cũng như các đơn vị chủ lực khác đã tạo ra thế và lực mới của ta trên chiến trường.

Nhật ký Chiến dịch Hồ Chí Minh

Từ tháng 7/1974, ta đã tổ chức nhiều trận đánh vào tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch từ Trị - Thiên vào đến Nam Bộ.

Đến mùa thu năm 1974, thắng lợi của quân và dân ta trên hai miền Nam - Bắc đã làm chuyển biến so sánh lực lượng trên chiến trường, ta mạnh lên, địch yếu đi. Cuộc chiến đã đi vào giai đoạn cuối cùng.

Thực tế trên là cơ sở để Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương - Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam vạch kế hoạch, hạ quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tài liệu tham khảo:

- Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 - 1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.

- Đại thắng mùa Xuân 1975 - chiến thắng của sức mạnh Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.

Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY