Cần làm rõ nội dung trong đơn tố cáo của cô giáo Hoa Anh

25/08/2019 07:36
Phan Tuyết
(GDVN) - Chúng tôi mong muốn Thanh tra tỉnh Đắk Lắk làm việc thật công tâm, minh bạch để làm rõ nội dung tố cáo của cô giáo Hoa Anh đem lại niềm tin cho nhà giáo.

Ngày 15/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành công văn số 6660/UBND-KGVX yêu cầu Thanh tra tỉnh làm rõ những nội dung cô giáo Hoa Anh tố cáo để giải quyết dứt điểm vụ này.

Bảng xác nhận tiết dạy thực của giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Ảnh CTV)
Bảng xác nhận tiết dạy thực của giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Ảnh CTV)

Ở bài viết này, chúng tôi sẽ nêu rõ nội dung tố cáo thứ 2 trong đơn tố cáo của cô giáo Hoa Anh.

Cô Hoa Anh tố cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột đưa ra lý do nêu trong Quyết định số 5246/QĐ-UBND ngày 17/8/2018 về việc "Điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu" là không đúng sự thật.

Ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột (cũng là người ký quyết định thuyên chuyển cô giáo Hoa Anh) đã khẳng định trong cuộc họp tiếp công dân sáng ngày 12/8:

“Quyết định ngày 18/7/2018 Ủy ban Nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột điều chuyển cô giáo Hoa Anh từ Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến công tác tại trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh dựa trên căn cứ về tờ trình của Phòng Giáo dục và Phòng Nội vụ điều động giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu”.

Thế nhưng khi nghe cô Hoa Anh nói rằng, thời điểm mình bị chuyển đi, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu thiếu giáo viên trầm trọng đến nỗi Phó hiệu trưởng phải xuống làm chủ nhiệm lớp (lớp 2B).

Lúc này, ông Vũ Văn Hưng nói thêm: “Khi thành phố tinh giản biên chế, hầu như các trường đều thiếu giáo viên.

Chúng tôi căn cứ trường này thiếu ít, trường kia thiếu nhiều để điều chuyển”.

Cô Hoa Anh chất vấn: “Trường tôi đang dạy, Hiệu phó phải làm chủ nhiệm, còn trường tôi chuyển đến, tôi chỉ được đóng vai người “dạy lót” cho những giáo viên khác.

Vậy, trường nào thiếu giáo viên hơn trường nào?

Cần làm rõ nội dung trong đơn tố cáo của cô giáo Hoa Anh ảnh 3
Ủy ban tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ cô giáo quỳ

Đến đây thì ông Phó Chủ tịch thành phố không có câu trả lời ngoài sự im lặng.

Thời điểm cô giáo Hoa Anh chuyển đi, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu thiếu giáo viên trầm trọng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm cô Nguyễn Thị Hoa Anh đến nhận công tác tại trường Đinh Bộ Lĩnh, trường Võ Thị Sáu còn lại 62 cán bộ, giáo viên.

Trong đó, có 03 cán bộ quản lý và 59 giáo viên tiểu học/44 lớp.

Đối chiếu Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 07 năm 2017, Thông tư hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Với cơ số 59 giáo viên/ 44 lớp Trường Tiểu học Võ Thị Sáu sẽ thiếu tới 7 giáo viên (áp dụng thời khóa biểu dạy 2 buổi/ ngày).

Chính nguyên nhân thiếu người trực tiếp giảng dạy nên hiện tại nhà trường đã phải bố trí bà Lương Thị Bích Nguyên, Phó Hiệu trưởng thực hiện công tác chủ nhiệm lớp 2B.

Dù thế, phần lớn các giáo viên trong trường đều phải dạy tăng tiết rất nhiều.

Đơn cử, ngoài 4 tiết dạy theo tiêu chuẩn thì bà Lương Thị Bích Nguyên phải dạy 1 tuần lên đến 38 tiết và hàng chục giáo viên khác cũng phải dạy 38 tiết/tuần.

Ngoài ra, còn nhiều giáo viên khác dạy trên 30 tiết/tuần.

Theo định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học (Căn cứ vào điều 6 chương 2 của văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT 2017): theo đúng quy định của pháp luật giáo viên tiểu học sẽ dạy 23 tiết/tuần.

Cần làm rõ nội dung trong đơn tố cáo của cô giáo Hoa Anh ảnh 4
Vì sao, những câu hỏi của cô giáo Hoa Anh vẫn không có câu trả lời?

Vậy, một năm giáo viên tiểu học sẽ phải dạy (23 tiết x35 tuần=805 (tiết).

Thế nhưng, tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu vào thời điểm đó, nhiều giáo viên dạy đến 1.330 tiết/35 tuần và dư đến 525 tiết.

Theo Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch này không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật.

Theo đó, căn cứ vào quy định trên thì số giờ dạy thêm được trả tiền lương là không quá 200 giờ/năm, trừ trường hợp ngoại lệ không quá 300 giờ/năm.

Thế nhưng, nhiều giáo viên tại Trường Võ Thị Sáu đã dạy trên 500 giờ/năm, không biết chính quyền nơi đây sẽ thanh toán số tiền dạy tăng giờ cho giáo viên thế nào?

Để phản ánh trung thực đến bạn đọc, chúng tôi đã liên hệ nhiều lần với bà Nguyễn Thị Tuyết, Hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Thị Sáu để tìm hiểu thêm về thông tin biên chế lớp, biên chế nhân sự hiện có cũng như quy mô giảng dạy của nhà trường.

Thế nhưng khi tiếp điện thoại thì bà Tuyết yêu cầu chúng tôi phải đến gặp bà trực tiếp tại cơ quan vì hiện tại bà “đang bận dạy”, lúc lại “đang bận xem thi”...

Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh lại thừa khá nhiều giáo viên

Cần làm rõ nội dung trong đơn tố cáo của cô giáo Hoa Anh ảnh 5
Có hay không chuyện tham nhũng giờ dạy ở trường Võ Thị Sáu?

Ngay năm học 2018 - 2019, khi cô Hoa Anh được điều chuyển về Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh thì tại đây trường vẫn dư đến 3 giáo viên, tính cả cô Hoa Anh là 4.

Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Buôn Mê Thuột đã làm tờ trình số 129/TTr-PGDĐT lên Ủy ban Nhân dân thành phố điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu.

Và 2 giáo viên, cô Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Hiền đã được điều chuyển qua Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc và Trường Tiểu học Lê Hồng Phong.

Tháng 1 năm 2019, thầy giáo Dương được đề bạt lên làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh.

Và đến lúc này, nhân sự của Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh không bị thừa nữa.

Ngay khi có những minh chứng trong tay về nhân sự của 2 trường tiểu học Võ Thị Sáu và Đinh Bộ Lĩnh, chúng tôi vẫn không thể lý giải được vì sao Trường Tiểu học Võ Thị Sáu thiếu tới 7 giáo viên lại được cán bộ Phòng Giáo dục và Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Mê Thuột xem là thừa?

Còn Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh thừa tới 4 giáo viên lại được xem là thiếu?

Chẳng biết các vị cán bộ nơi đây hiểu khái niệm Thừa-Thiếu thế nào? Lẽ nào lại khác với tất cả mọi người?

Câu chuyện nói trên cho thấy việc điều chuyển công tác tùy tiện đối với giáo viên và nguyên nhân được nêu ra để viện dẫn cho việc điều chuyển của chính quyền địa phương thành phố Buôn Mê Thuột là không đúng và thiếu căn cứ thuyết phục.

Từ thực tế trên, chúng tôi mong muốn Thanh tra tỉnh Đắk Lắk sẽ làm việc thật công tâm, minh bạch để để làm rõ nội dung tố cáo của cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh.

Có thế mới lấy lại được lòng tin của giáo viên và toàn thể độc giả đang rất quan tâm đến chuyện này.

Phan Tuyết