Chánh án tổn thương khi bị điều động, ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị hủy quyết định

25/07/2019 06:45
An Bình
(GDVN) - Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, cần hủy quyết định điều động không phù hợp với Chánh án Tòa án thành phố Thanh Hóa.

Cán bộ “tâm tư” vì quyết định điều động

Trong đơn phản ánh gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lương Ngọc Hùng, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa cho biết, cá nhân ông không đồng tình với quyết định điều động công tác của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, ngày 21/3/2019, ông được ông Ngô Văn Lâm, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa thông báo Ban cán sự  Đảng Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất điều động ông về giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đông Sơn; điều động ông Nguyễn Xuân Huy, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đông Sơn về giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa.

Sau khi nhận thông báo, ông Hùng đã có đơn đề nghị gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân Thanh Hóa, Thường trực Thành ủy Thanh Hóa với nguyện vọng là xin được ở lại công tác tại Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa đến khi nghỉ hưu, vì thời gian công tác của ông không còn nhiều (hơn 1 năm).

Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Báo Thanh tra Chính phủ.
Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Báo Thanh tra Chính phủ.

Ngày 8/4/2019, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 98-CV/BCSĐ trả lời ông Hùng với nội dung không điều động ông về giữ chức vụ Chánh án Tòa án huyện Đông Sơn, mà dự kiến điều động về bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo quản lý cấp tòa, phòng Tòa án nhân dân tỉnh, với lý do ông không còn đủ tuổi tham gia cấp ủy địa phương.

Ngày 13/5/2019, Ban Thường vụ Thành ủy có văn bản số 1732-CV/TU gửi Ban cán sự Đảng Tòa án tỉnh Thanh Hóa, với nội dung thống nhất về chủ trương điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý của Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh.

Tuy nhiên văn bản này cũng nêu rõ, ông Hùng là Thành ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa, thời gian công tác không còn nhiều nên Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh xem xét thực hiện theo quy định hiện hành về công tác tổ chức cán bộ.

Ngày 24/6/2019, ông Hùng vẫn nhận được Quyết định số 237/QĐ-TCCB ngày 18/6/2019, của Chánh án nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc điều động ông đến làm Thẩm phán và giữ chức vụ Trưởng phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án Tòa án nhân tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 24/7, trao đổi với phóng viên, ông Lương Ngọc Hùng cho rằng, Quyết định điều động của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa là chưa đúng theo quy định về công tác cán bộ. Vụ việc khiến ông bị “tổn thương” về mặt tinh thần.

Ông Hùng viện dẫn 6 vấn đề mà ông cho là chưa phù hợp trong quyết định điều động của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đồng thời cho rằng, cấp có thẩm quyền cần thu hồi quyết định điều động công tác đối với cá nhân ông vì các lý do sau:

“Thứ nhất, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh Thanh hóa chỉ xem xét việc điều động do yêu cầu công tác, kế hoạch bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp với vị trí việc làm theo quy định mà không xem xét việc điều động cán bộ bị xử lý kỷ luật hoặc có nguyện vọng xin chuyển công tác.

Thứ hai, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa dự kiến điều động ông Nguyễn Xuân Huy, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đông Sơn về giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa để cơ cấu vào cấp ủy địa phương là chưa đúng theo tinh thần chỉ đạo tại Công văn số 1151- CV/TU ngày 22/02/2019 của Ban tổ chức tỉnh ủy Thanh Hóa.

Bởi lẽ, hiện nay, Thành ủy thành phố Thanh Hóa không quy hoạch nguồn cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Nguyễn Xuân Huy mà chỉ quy hoạch đối với bà Bùi Thị Huyền, Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025.

Thứ ba, thời gian công tác còn lại của tôi cho đến khi nghỉ hưu là 15 tháng 15 ngày, nếu điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án là trái với quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Quyết định số 28/QĐ-TANDTC ngày 14/01/2019, điểm b Điều 4 Quyết định số 1260/2008/QĐ-TANDTC ngày 24/9/2008, của Tòa án nhân dân tối cao và khoản 2 Điều 3 Quyết định số 36/QĐ-TCCB ngày 01/3/2013, của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa, về việc ban hành Quy chế điều động, luân chuyển, biệt phái đối với công chức Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Không điều động cán bộ bị kỷ luật về Trung ương
Không điều động cán bộ bị kỷ luật về Trung ương

Thứ tư, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa chưa thực hiện các bước quy trình theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Quyết định số 28/QĐ-TANDTC ngày 14/01/2019 của Tòa án nhân dân tối cao.

Đặc biệt là việc trao đổi với tập thể lãnh đạo Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa về chủ trương điều động, bổ nhiệm, lấy nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo và cấp ủy nơi tôi công tác.

Thứ năm, theo quy định của Đảng về quy trình, quy hoạch nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý các bước đều có quy hoạch động, quy hoạch mở, nếu Ban cán sự Đảng có chủ trương xây dựng nguồn thì tại sao không có văn bản phối hợp với Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Thanh Hóa để bổ sung quy hoạch cho đồng chí Nguyễn Xuân Huy trong nhiệm kỳ tới?.

Thứ sáu, tôi là cán bộ lãnh đạo quản lý chủ tài khoản nhưng trong quyết định điều động không đề cập đến việc bàn giao công việc đơn vị cho ai”, ông Hùng nói.

Được biết, trước đó, ngày 14/01/2016, được Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao có quyết định số 78/QĐ-TCCB, bổ nhiệm lại chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Về việc này, trao đổi nhanh với phóng viên qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Nga – Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xác nhận, lãnh đạo đơn vị đã nắm được nội dung khiếu nại của ông Hùng liên quan tới quyết định điều động công tác đối với cán bộ này.

Bà Nga cũng khẳng định: “Quy trình điều động cán bộ được chúng tôi thực hiện chặt chẽ và xin ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao.

Sau khi nhận được sự đồng ý từ Tòa án nhân dân tối cao, chúng tôi mới ký quyết định điều động ông Hùng.

Sau khi ban hành quyết định hành chính nhưng cán bộ không đồng ý thì có quyền khiếu nại lên Tòa án nhân dân tối cao để được xem xét giải quyết”, bà Nga cho hay.

Quyết định điều độngcần phải được xem xét

Căn cứ vào hồ sơ tài liệu có được cho thấy, khẳng định của ông Hùng cần được xem xét. Cụ thể: Tại Điểm b Mục 4 Phần I Quy định về danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân (Ban hành kèm theo Quyết định số 1260/2008/QĐ-TANDTC ngày 24/9/2008 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao) nêu rõ:

Thanh Hóa điều động, luân chuyển nhiều cán bộ cấp cao
Thanh Hóa điều động, luân chuyển nhiều cán bộ cấp cao

“Không thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ đối với cán bộ, công chức có thời hạn công tác còn lại dưới 18 tháng trước khi đủ tuổi nghỉ hưu”.

Ngoài ra, Khoản 2 Điều 3 Quy chế điều động, luân chuyển, biệt phái công chức ngành Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa (Ban hành kèm theo Quyết định số 36/QĐ-TCCB ngày 01/3/2013 của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa) cũng nói rõ:

“Công chức có thời hạn công tác còn lại dưới 18 tháng trước khi đủ tuổi nghỉ hưu hoặc có lý do đặc biệt về sức khỏe và hoàn cảnh gia đình” thì không thuộc đối tượng áp dụng quy chế này, có nghĩa là không thuộc đối tượng điều động công tác.

Trong khi thời gian công tác còn lại của ông Hùng đến lúc nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định chỉ còn khoảng 15 tháng. Do đó, việc điều động ông Hùng là trái với quy định, quy chế đã nêu ở trên.

Việc Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa bổ nhiệm ông giữ chức Trưởng phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án, ông Hùng cho rằng, việc bổ nhiệm này cũng không đúng quy định.

Theo Khoản B, Điều 5 Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cách chức, luân chuyển, điều động các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong Tòa án nhân dân, ban hành kèm theo Quyết định số 28/QĐ-TANDTC ngày 14/01/2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì trường hợp cán bộ đang giữ chức vụ, do nhu cầu công tác mà được xem xét bổ nhiệm chức vụ mới có phụ cấp chức vụ tương đương thì phải còn độ tuổi công tác từ 03 năm (36 tháng) trở lên. Trong khi đó thời gian công tác còn lại của ông Hùng chỉ còn 15 tháng.

Ở một khía cạnh khác, tại Điều 16 Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cách chức, luân chuyển, điều động các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong Tòa án nhân dân, ban hành kèm theo Quyết định số 28/QĐ-TANDTC ngày 14/01/2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì một trong các bước quy trình để điều động, bổ nhiệm Chánh án, Phó Chánh Tòa án nhân dân cấp huyện lên giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo chủ trương của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân cấp tỉnh là trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cán bộ công tác về chủ trương điều động, bổ nhiệm; lấy nhận xét đánh giá của tập thể lãnh đạo và cấp ủy.

Tuy nhiên, ông Hùng khẳng định, bước này Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa chưa thực hiện.

Bàn chuyện dùng người ngày xưa và công tác cán bộ ngày nay
Bàn chuyện dùng người ngày xưa và công tác cán bộ ngày nay

Về phía Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa sau khi nhận được đơn của ông Hùng, cơ quan này đã ban hành công văn số 174-CV/BCSĐ trả lời đơn khiếu nại, trong đó có nội dung như sau:

“Trước khi có chủ trương điều động đồng chí Lương Ngọc Hùng về giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đông Sơn, Tòa án nhân dân tỉnh đã gặp đồng chí Hùng để trao đổi về yêu cầu nhiệm vụ công tác, nhưng đồng chí Hùng không đồng ý nên đã làm đơn khiếu nại ngày 22/3/2019.

Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh đã có công văn số 98-CV/BCSĐ ngày 8/4/2019 trả lời khiếu nại và đã gửi cho đồng chí Lương Ngọc Hùng, tại công văn này đã có nội dung dự kiến điều động đồng chí Lương Ngọc Hùng, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa về Tòa án nhân dân tỉnh để bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp tòa, phòng của Tòa án nhân dân tỉnh. Sau khi nhận công văn đồng chí không có khiếu nại gì”.

Về việc này, ông Hùng khẳng định: “Ngày 22/3/2019, tôi làm đơn đề nghị chứ không phải đơn khiếu nại, việc Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho rằng, có công văn số 98-CV/BCSĐ ngày 8/4/2019 trả lời khiếu nại của tôi là không đúng bản chất vụ việc. Thực tế công văn 98-CV/BCSĐ chỉ là công văn trả lời đề nghị của tôi, chỉ mang tính chất thông báo”.

Quyết định điều động số 237/QĐ-TCCB ngày 18/6/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa do Chánh án Tòa án nhân dân ký là một quyết định hành chính, sau khi nhận quyết định tôi mới làm đơn khiếu nại, điều đó có nghĩa là tôi khiếu nại quyết định hành chính số 237/QĐ-TCCB chứ không phải tôi khiếu nại công văn 98-CV/BCSĐ.

Sau khi nhận đơn khiếu nại của tôi, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa lại giải quyết khiếu nại bằng công văn số 174-CV/BCSĐ là không đúng theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011”, ông Hùng nêu quan điểm.

Ông Hùng khẳng định lại, việc Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa điều động ông khiến ông bị “tổn thương” sâu sắc.

Nếu điều động sai phải hủy bỏ quyết định

Liên quan tới vụ việc, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa bị điều động có dấu hiệu trái luật, hôm 23/7, trao đổi với phóng viên, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện Quốc hội cho biết, căn cứ vào các quy định hiện hành về công tác cán bộ, việc điều động cán bộ đối với ông Hùng là không phù hợp với đường lối, chính sách pháp luật về công tác cán bộ, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

 “Các bằng chứng liên quan tới việc điều động công tác đối với ông Hùng cho thấy, đây là quyết định điều động không phù hợp với đường lối, chính sách pháp luật về công tác cán bộ, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, không đúng theo quy định của Tòa án nhân dân tối cao và quy chế của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Tôi cho rằng, việc điều động cán bộ trong trường hợp này có dấu hiệu tùy tiện thay vì tuân thủ các quy định pháp luật nêu trên.

Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là, phải xem việc điều động công tác đối với ông Hùng có mục đích, động cơ không trong sáng gì không? Tại sao ông Hùng không thuộc diện điều động lại bị điều động?”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, để đảm bảo tính khách quan, Tòa án nhân dân tối cao cần vào cuộc, làm rõ những dấu hiệu vi phạm của người đứng đầu ngành Tòa án Thanh Hóa trong việc điều động công tác đối với ông Hùng.

“Tòa án là nơi “cầm cân nảy mực”, nơi công lý được thực thi, thì không có cớ gì để một vụ việc liên quan tới chính cán bộ công tác trong ngành của mình lại không kiểm tra, làm rõ.

Thông thường, khi bổ nhiệm, điều động cán bộ đều phải trải qua quy trình hết sức chặt chẽ. Quyết định điều động, bổ nhiệm cuối cùng là do thủ trưởng đơn vị.

Trong trường hợp, người thực thi pháp luật vi phạm những nguyên tắc này thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu tập thể biết sai nhưng điều động, bổ nhiệm thì phải kỷ luật cả tập thể và người đứng đầu đơn vị.

Trong trường hợp này, Tòa án Nhân dân tối cao cần thành lập tổ xác minh, làm rõ phản ánh của ông Hùng và trả lời dứt khoát, việc điều động này có vi phạm không?

Nếu sai phải hủy quyết định điều động, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Nếu vụ việc không được làm sáng tỏ, tôi e rằng, kỷ cương phép nước sẽ bị coi thường ngay trong chính cơ quan tòa án”, ông Nhưỡng phân tích.

An Bình