Ngày 3/11, sau khi có thông tin từ Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cái Nước về việc “truyền đạt ý kiến Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau yêu cầu rút lại quyết định và tiến hành quy trình kỷ luật cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh”.
Phóng viên báo Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ trực tiếp với lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau thì được biết hiện tại chưa có văn bản chỉ đạo việc “rút lại quyết định và tiến hành quy trình kỷ luật cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh”.
Vị Lãnh đạo này khẳng định, tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của Luật khiếu nại khi có đơn yêu cầu giải quyết khiếu nại của cô giáo Thanh.
Quyết định về kỷ luật viên chức Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông đối với bà Hoàng Thị Hoài Thanh (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Như tin đã đưa, cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh (42 tuổi), nguyên giáo viên của Trường trung học cơ sở Võ Thị Sáu, Thị Trấn Cái Nước, huyện Cái Nước được do Trưởng phòng Giáo dục huyện Cái Nước Nguyễn Minh Phụng ký ban hành Quyết định số 841/QĐ-PGDĐT ngày 22/8/2018 điều động về công tác tại Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông.
Thế nhưng nhận Quyết định 48 ngày thì cô giáo Hoài Thanh bị kỷ luật với hình thức “buộc thôi việc” vì không chấp hành sự phân công của Hiệu trưởng và nghỉ việc không lý do 36 ngày (từ ngày 6/9 - 18/10/2018).
Sau khi câu chuyện được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các ngành có liên quan thành lập tổ công tác kiểm tra, xác minh để báo cáo vụ việc và có hướng chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, cô giáo Hoài Thanh đã gửi đơn khiếu nại tới cấp có thẩm quyền xử lý là Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông và đồng gửi đơn tới Trưởng Phòng Giáo dục Đào tại huyện Cái Nước.
Tuy nhiên, tiếp tục để xác thực các thông tin gửi tới bạn đọc, chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông, người đã ban hành Quyết định kỷ luật buộc thôi việc với cô giáo Hoài Thanh thì thấy có thêm nhiều điều kỳ lạ.
Thầy Hiệu trưởng Phạm Bá Quyển chia sẻ: “Khi cô Thanh được điều động về đơn vị thì các vị trí đã được bố trí phân công đủ, chỉ còn vị trí nhân viên thư viện là có thể phân công.
Bản thân thầy cùng tập thể nhà trường đã động viên cô Thanh rất nhiều là tạm nhận nhiệm vụ này khi có điều kiện sẽ bố trí phân công ra lớp nhưng cô Thanh kiên quyết không đồng ý.
Thực hiện việc xử lý kỷ luật cô Thanh thầy rất day dứt vì thầy và cô Thanh cùng quê từ miền Trung vào Cà Mau công tác, và vì những sai phạm của cô Thanh đã rất rõ đó là tự ý nghỉ việc 36 ngày nên các cấp lãnh đạo rất đồng thuận quan điểm kỷ luật với hình thức này”.
Tuy nhiên, khi hỏi về quy trình thực hiện quản lý và sử dụng viên chức của ngành giáo dục huyện Cái Nước (điển hình là việc quản lý, sử dụng viên chức tại Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông) chúng tôi thấy có rất nhiều điều cần các cấp có thẩm quyền kiểm tra, làm rõ.
Cụ thể, thầy Hiệu trưởng cho biết: “Đơn vị Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông không thiếu vị trí giáo viên trực tiếp giảng dạy, thầy đã có ý kiến không đồng ý tiếp nhận và cá nhân cô giáo Hoài Thanh cũng không có đơn gửi Hiệu trưởng để xin về trường”.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là dựa vào cơ sở nào để Trưởng phòng Giáo dục huyện Cái Nước Nguyễn Minh Phụng ban hành Quyết định số 841/QĐ-PGDĐT ngày 22/8/2018 điều động cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh giáo viên của Trường trung học cơ sở Võ Thị Sáu, Thị Trấn Cái Nước, huyện Cái Nước đến công tác tại Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông?
Trên văn bản Quyết định 841/QĐ-PGDĐT đưa ra căn cứ để thực hiện việc điều động: “(1) Quyết định số 346/QĐUBND ngày 28/04/2008 của Ủy ban nhân dân huyện Cái Nước về việc thành lập Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Nước; (2) Công văn 1251/UBND ngày 22/08/2016 huyện Cái Nước về việc giao quyền cho Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo”.
Chỉ với 02 căn cứ nói trên nhưng Phòng Giáo dục có thể quyết định điều động viên chức từ đơn vị này sang đơn vị khác dù đơn vị sử dụng không có nhu cầu và không thể phân công đúng vị trí việc làm.
Chính điều này, đã gây nên tình trạng quyền và lợi ích của nhà giáo bị xâm hại và tạo sự bất ổn trong nội bộ đơn vị sử dụng viên chức.
Vậy trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ như thế nào?
Thế nhưng khi liên hệ để tìm hiểu câu trả lời từ Trưởng Phòng Giáo dục thì ông Phụng không tiếp nhận cuộc gọi.
Trong quá trình theo dõi câu chuyện, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin cô giáo Hoài Thanh chưa được Trường trung học cơ sở Võ Thị Sáu, Thị Trấn Cái Nước, huyện Cái Nước thực hiện chấm dứt hợp đồng làm việc như Điều 14,Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ Nội vụ quy định về việc chấm dứt hợp đồng làm việc trong trường hợp viên chức chuyển công tác đến cơ quan, đơn vị khác.
“1. Khi viên chức chuyển công tác đến cơ quan, đơn vị khác thì phải chấm dứt hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập đang làm việc.
2. Việc chấm dứt hợp đồng làm việc phải được thể hiện bằng văn bản có xác nhận của viên chức và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền ký kết hợp đồng làm việc. Văn bản chấm dứt hợp đồng làm việc được lập thành hai bản, mỗi bên giữ một bản”.
Cô Hoài Thanh cũng chưa được Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông ký hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật, như quy định tại Điều 15, Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ Nội vụ về việc quy định Ký kết hợp đồng làm việc đối với viên chức khi chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập mới.
Trên cơ sở này, cô Hoài Thanh đang thuộc biên chế của Trường trung học cơ sở Võ Thị Sáu nên Quyết định kỷ luật do Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông ký là vô hiệu.
Có thể nói đây là một câu chuyện rất buồn trong ngành giáo dục Cà Mau. Bởi lẽ thầy Hiệu trưởng thì dày vò vì phải “hạ bút” ký quyết định để kỷ luật cô giáo và cũng là người đồng hương xa xứ đến Cà Mau cống hiến cho ngành giáo dục địa phương.
Cô giáo thì đau khổ, uất ức vì bị kỷ luật buộc thôi việc khi chưa được “tiếp nhận” theo quy định pháp luật.
Dân tộc Việt Nam ta có truyền thống “tôn sư, trọng đạo”, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa thêm thông tin với mong muốn vụ việc được thực hiện và xử lý một cách vẹn tình, trọn nghĩa trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành để cô giáo được tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục mà mình đã theo đuổi và niềm tin của nhân dân với ngành giáo dục ngày càng tốt đẹp hơn.