Cuộc điện thoại đặc biệt với Giáo sư John Vũ - Nguyên Phong

12/08/2019 06:10
Nguyễn Văn Phước
(GDVN) - Trong tất cả các cuộc trao đổi qua điện thoại và email, Giáo sư luôn vô cùng nhẹ nhàng và khiêm tốn, trong từng câu từng chữ, dù tôi nhỏ tuổi hơn rất nhiều.

Nhân duyên và những bí ẩn bất ngờ

Sau nhiều năm có nhân duyên được kết nối trò chuyện với Giáo sư John Vũ, tôi đã từng được chia sẻ tâm sự hàng trăm giờ điện thoại với Giáo sư, thường là sau quá nửa đêm về sáng, giờ Việt Nam - khi đó là khoảng giữa giờ sáng hay đầu chiều tại Đại học Carnegie Mellon ở Mỹ, nơi Giáo sư đang là Viện Trưởng Viện Công nghệ Sinh học.

Bí ẩn “Hành trình về phương đông”, một cuốn sách có số phận kỳ lạ
Bí ẩn “Hành trình về phương đông”, một cuốn sách có số phận kỳ lạ

Tôi đã được nghe Giáo sư chia sẻ về rất nhiều chuyện mà có lẽ chưa từng kể với ai, vì Giáo sư nói rất ít khi nói chuyện chia sẻ với người Việt từ rất nhiều năm qua, từ sự thật nhân duyên khi viết phóng tác tác phẩm nổi tiếng “Hành Trình về Phương Đông” - tác phẩm gối đầu giường đang được yêu thích nhất về khoa học tâm linh của hầu hết độc giả và người Việt Nam khắp nơi trên thế giới nhiều thập kỷ nay.

Giáo sư đã viết phóng tác tác phẩm này ngay từ khi 24 tuổi, 1974, khi Giáo sư tình cờ ghé một tiệm sách cũ nhặt lên một cuốn, đọc như bị thôi miên và về thức đêm viết lại theo ký ức tiềm thức kỳ lạ của mình.

Giáo sư kể về ngọn nguồn rõ từng cuốn đã dịch viết, dù đã trải qua thời gian rất lâu “Ngọc sáng trong hoa sen", "Bên rặng Tuyết Sơn", "Hoa trôi trên sóng nước", "Minh triết trong đời sống", "Đường mây qua xứ tuyết", "Trở về từ xứ tuyết", "Dấu Chân Trên Cát", "Huyền thuật và các Đạo sĩ Tây Tạng"....

Giáo sự đã chia sẻ nhiều về bí mật huyền thoại và lời nguyền tâm linh từ ngôi mộ Tần Thuỷ Hoàng, về bài học Tam Quốc Diễn Nghĩa, từ đập thuỷ điện Cảnh Hồng, Vân Nam Trung Quốc dẫn đến nguyên nhân hạn hán, ngập mặn ở các tỉnh miền Tây Đồng bằng sông Cửu Long.

Và vì sao nguồn sống nông nghiệp của ba nước Đông Dương lại phụ thuộc quá lớn vào thượng lưu của hai con sông bắt nguồn từ Trung Quốc...

Giáo sư John. Vũ
Giáo sư John. Vũ

Từ ước mơ trăn trở của Giáo sư đối với sự rèn luyện khởi nghiệp của giới trẻ, sinh viên Việt Nam đến mong muốn hướng đi của quê hương đau đáu Việt Nam.

So sánh nền giáo dục và triết học trong giáo dục của các quốc gia, phân tích tình hình thế giới từ Phi Châu đến Trung Đông, sự tiên đoán suy thoái kinh tế sẽ xảy ra ở Châu Âu, sự trúng cử định mệnh và động lực tầm nhìn khoa học xuyên suốt kỳ lạ của Tổng thống Donald Trump khi muốn đưa nước Mỹ giữ vững vị trí số 1 thế giới đúng như lời hứa “Make America Great Again”, đến lời cảnh báo cuộc tháo chạy của các nhà máy lớn, công xưởng của công ty hàng đầu nước Mỹ ra khỏi Trung Quốc vài năm trước khi xảy ra cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung...

Và cả bí mật nguyên nhân vì sao Giáo sư dừng không viết Face Book tiếng Việt trên mạng xã hội dù hàng ngàn bạn trẻ Việt Nam vẫn đang mong chờ…

Trong tất cả các cuộc trao đổi qua điện thoại và email, Giáo sư luôn vô cùng nhẹ nhàng và khiêm tốn, trong từng câu từng chữ, dù tôi nhỏ tuổi hơn Giáo sư rất nhiều nhưng Giáo sư luôn gọi bằng “anh”.

Các chủ đề nói chuyện thường là khi tôi hỏi, lúc thì Giáo sư kể, có những cuộc điện thoại kéo dài nhiều tiếng đồng hồ kết thúc khi gần sáng.

Tôi đã thật xúc động vì không thể nghĩ người đang nói chuyện rất cởi mở, chân tình với mình lại là một nhà khoa học lừng danh thế giới đứng Top 10 nước Mỹ, từng là Phó Chủ tịch tập đoàn máy bay Boeing hàng đầu của Mỹ và hiện đang là Viện Trưởng Viện Công nghệ Sinh học của một trường đại học danh tiếng, uy tín thứ tư nước Mỹ.

Tin nhắn bất ngờ khuya tối thứ bẩy

Vào một tối thứ bẩy yên tĩnh sau ngày cuối bận rộn, bất ngờ vào lúc hơn 11 giờ đêm, tôi nhận được tin nhắn, lần đầu tiên tôi nhận được tin nhắn qua điện thoại của Giáo sư từ Đại học Carnegie Mellon:

“- Anh Phước. Tôi đang ở trường thu dọn vật dụng sách vở, cuối tháng này là ngày cuối cùng ở Carnegie Mellon. Tôi sẽ rời xa và tìm một nơi cách biệt để tĩnh lặng thiền”.

Giáo sư chưa từng dùng điện thoại nhắn tin, mà thường dùng email trao đổi trong nhiều năm và trò chuyện trực tiếp khi tôi canh giờ gọi.

Linh cảm trực giác báo cho tôi biết hôm nay là một ngày rất đặc biệt nên tôi liền chọn một chỗ yên tĩnh và gọi cho Giáo sư và dùng một điện thoại khác để ghi lại lời Giáo sư vì sợ rằng mình sẽ quên, điều mà trước nay tôi chưa từng làm, vì vẫn luôn tin còn nhiều dịp được nói chuyện với Giáo sư nữa, còn lần này linh tính tôi sực nhớ tôi đã nghe Giáo sư trong một vài lần trò chuyện đã đề cập đến ngày được “rời xa trần thế” để thiền định cho hành trình sắp tới này rồi...

10 lời khuyên của giáo sư John Vũ dành cho người muốn khởi nghiệp
10 lời khuyên của giáo sư John Vũ dành cho người muốn khởi nghiệp

Hai năm về trước, lần đầu khi nghe Giáo sư nói về điều này tôi đã hỏi cùng với câu hỏi về cách dịch sách rất đặc biệt và hiếm có của Giáo sư:

“- Vì sao anh lại muốn trở về? Khi anh đã làm được rất nhiều việc đủ mọi lĩnh vực mà trên đời rất hiếm người làm được ”.

“- Chúng ta có hai thế giới cần khám phá và trải nghiệm, một là ở thế giới này cần làm tất cả những điều cần làm, hai là một thế giới nội tâm bên trong chúng ta...”.

“- Vì sao các bản dịch của anh mang bút danh Nguyên Phong lại được bạn đọc rất yêu thích, nhiều người đã đọc bản gốc và nhận xét bản gốc không hay và thú vị bằng bản dịch?”.

“- Tôi thường chọn một cuốn sách để dịch rất kỹ. Như một nhân duyên cuốn sách như chọn tôi hơn là tôi chọn cuốn sách. Tôi đọc bản tiếng Anh một cuốn sách trước khi dịch nhiều lần, sau đó đọc thêm các cuốn khác có các đề tài liên quan đến cuốn đó.

Sau khi nắm và hiểu hết tất cả, tôi bắt đầu dịch và viết lại theo hành văn của mình, bổ sung những chi tiết sâu hơn bản gốc từ những kiến thức tôi có được.

Để dịch một cuốn sách tôi đầu tư thời gian và công sức khá nhiều và biên tập rất kỹ, từng từ, từng câu, từng dòng. Và cuốn sách sẽ hoàn chỉnh và sâu hơn rất nhiều bản gốc”.

Ba lần từ chối gặp Tổng thống Obama

- Em có nghe nói anh đã 3 lần từ chối gặp Tổng thống Obama, có phải vậy không ạ?

- Tổng thống Obama đã đến trường Carnegie Mellon 3 lần cả thảy, thường là đến gặp trò chuyện với một vài giáo sư do trường đề cử, đọc một bài diễn văn trước các giáo sư, sinh viên toàn trường và có thể muốn tuyên bố một vấn đề gì thông qua buổi nói chuyện này.

Trong số danh sách các giáo sư gặp tổng thống lần nào cũng có tên tôi nhưng tôi luôn nhường cho các giáo sư khác và tránh không gặp. Chỉ là tính tôi không thích đám đông, chụp ảnh với những người quan trọng.

Một số vị giáo sư khác lại thích đứng bên cạnh tổng thống, thích bắt tay, chụp ảnh với tổng thống trước các máy quay, truyền hình để kỷ niệm hay để khoe bạn bè còn tôi lại thường không thích, và thường tránh ngay từ đầu chứ cũng không hề có chuyện gì không bằng lòng hay bất mãn với tổng thống cả.

Lần cuối cùng khi Obama đến trường lúc sắp hết nhiệm kỳ, đích thân Chủ tịch - Hiệu trưởng trường gặp tôi và nói tại sao những lần trước anh không đi gặp tổng thống, anh nên gặp những người quan trọng đó vì sau này thế này thế nọ sẽ tốt cho anh và tôi trả lời thẳng tính tôi không thích những vấn đề đó.

Tôi không để ý đến vấn đề chính trị hay những vấn đề cá nhân của ông tổng thống nào hết, quan trọng là họ có giúp cho quốc gia, cho người dân không thôi.

Triết lý sống và ứng xử, hành đạo và có thực sự quan tâm đến người dân của một vị nguyên thủ quốc gia làm tôi quan tâm hơn cả.

Giáo sư John Vũ, triết học, các triết gia và Krishnamurti  

- Anh là một nhà hiền triết thông thái hiếm có trên thế giới đương đại mà em từng được gặp. Triết gia nào trên thế giới mà anh đánh giá cao và thích nhất?

- Các bạn trẻ Việt Nam dường như ít quan tâm đến triết học, mà thường quan tâm đến những việc trước mắt.

Ở các quốc gia khác, mục đích, ý nghĩa cuộc sống và triết học rất được coi trọng và được đưa ra trao đổi nhiều trong các trường đại học.

Một số cuốn sách của triết gia Krishnamurtri.
Một số cuốn sách của triết gia Krishnamurtri.

Tôi thấy Công ty Trí Việt của anh có xuất bản những cuốn triết học của triết gia Krishnamurti đó.

Tôi thì tôi rất thích Krishnamurti, tôi ít thích dự các buổi nói chuyện nhưng đã đi dự các buổi nói chuyện của Krishnamurti rất nhiều lần, khi còn là học sinh, sinh viên ở Việt Nam tôi đã đọc sách của ông ấy rất nhiều. Đó là một người mà tôi hết sức kính trọng.

- Anh có thích Osho không ạ?

- Osho là một trường hợp khá đặc biệt với những tư tưởng rất lạ nhưng tôi vẫn thích Krishnamurti hơn nhiều, dù bên Mỹ và trên thế giới rất nhiều người thích Osho, bởi đằng sau Osho là một bộ máy truyền thông rất mạnh.

Nhưng triết gia Krishnamurti giữa tư tưởng, triết lý sống và cách sống ngoài đời của rất tương đồng và trùng khớp, đồng nhất với nhau và triết lý của ông ấy nếu áp dụng đúng sẽ làm con người thành công và hạnh phúc.

Tôi vốn không thích những ai giữa nói và làm, giữa giảng dạy và hành đạo có sự khác biệt.

Một người triết gia có thể nói hay đưa ra các vấn đề về triết học nghe qua về lý thuyết thì rất hay, nhưng khi áp dụng, thì chính bản thân họ, cuộc sống của họ lại không hề hoàn toàn đi theo đến tận cùng những lý thuyết, triết lý họ giảng dạy đó.

Và thực tế là mọi người đi theo như một phong trào, và cảm nhận từng giai đoạn, nhưng tận cùng kết quả thì lại không hề giống lý thuyết của triết lý đó một cái gì hết đôi khi lại đi ngược lại hoàn toàn.

- Tôi thấy có những triết gia trên thế giới đưa ra những lý thuyết triết học, triết lý sống trong các cuốn sách thì rất hay, nhưng cuộc sống đời thực của họ thì lại rất bê bối, ứng xử thì tệ hại.

Nên tôi hoàn toàn không thích. Krishnamurti lại là một trường hợp khác hẳn, khi 15, 16 tuổi tôi đã đọc say mê các sách của ông ấy, khi qua Mỹ tôi đã trực tiếp đi nghe ông ấy nói chuyện, tôi rất hay quan sát và có những buổi tối ngồi cách ông ấy rất gần và tôi nhìn rõ, nhận ra ông ấy thực sự là một con người rất phi thường.

- Điểm nổi bật nhất gì khiến anh yêu thích và kính trọng triết gia Krishnamurti?

- Krishnamurti luôn nói thật và nói thẳng, ông ấy không hề vòng vo gì hết. Nếu anh đọc kỹ sách của Krishnamurti thì ông ấy không hề khuyên bảo dạy hay trả lời gì hết mà bắt anh phải tư duy suy nghĩ chiêm nghiệm để tự tìm ra câu trả lời.

Nếu trong buổi nói chuyện, anh hỏi ông ấy một câu, thì ông ấy lập tức xoay vấn đề lại và hỏi ngược lại anh, để anh phải suy luận để tự tìm ra lời giải. Cái đó tôi phải nói là một nghệ thuật cực kỳ cao của một thiền sư.

Cái hay của triết gia Krishnamurti là bắt độc giả phải suy nghĩ cao độ khi đọc sách của ông và thường là khi đọc xong cuốn sách, họ đã cảm nhận và thay đổi rất nhiều bởi vì trong khi đọc họ đã phải vận động suy nghĩ để tự lý giải chiêm nghiệm các vấn đề trong sách của ông ấy.

“Tự do vượt trên sự hiểu biết” – Chia sẻ về tự do từ nhà triết học Krishnamurti
“Tự do vượt trên sự hiểu biết” – Chia sẻ về tự do từ nhà triết học Krishnamurti

- Thế anh nghĩ gì về Jack Canfield?

- Tôi đã gặp nói chuyện với Jack Canfield nhiều lần, từ khi Jack Canfield còn là sinh viên đã rất chịu khó, tư duy và khả năng nói chuyện của Jack Canfield cũng rất thú vị vì tôi sau đó đã dự nhiều lần.

Và những cuốn sách, bộ sách của ông ấy (Chicken Soup for The Soul) không chỉ ảnh hưởng tích cực đến giới trẻ bên Mỹ và trên thế giới rất nhiều mà còn ở người lớn đã trưởng thành.

Đây là lần nói chuyện điện thoại lâu nhất, khá nhiều chủ đề, khi điện thoại hết pin, giáo sư chờ tôi gọi lại (không thể viết hết trong một lúc này hết được, sẽ còn những lúc sau).

Cảm xúc trong tôi lúc đó rất lạ như sắp chia tay với một ân nhân, một tri kỷ lớn, tôi lặng một hồi rồi xúc động hỏi giáo sư:

- Anh John Vũ ơi, từ nay anh lên núi không dùng điện thoại nữa, thì sao em có thể liên lạc với anh được? Và các bạn trẻ ở Việt Nam cũng rất mong tin từ anh kể từ ngày anh đóng cửa Facebook? Có cách nào không anh?

- Tôi sẽ không dùng điện thoại nữa, trừ những trường hợp khẩn cấp bằng tin nhắn và sẽ dùng email. Anh có thể đăng lá thư tôi viết gửi các trẻ Việt Nam in trên cuốn “Kiến Tạo Thế Hệ Việt Nam Ưu Việt” lên trang tin Hatgiongtamhon.vn của First News từ tuần sau như một lá thư chia tay tạm biệt các bạn giúp tôi. Và khi nào có thể, tôi sẽ viết thêm và gửi anh để đăng lên chia sẻ với các bạn trẻ Việt Nam.

Anh có thể chuyển tất cả những bài đã viết của tôi trên blog cá nhân mà anh Ngo Trung Viet đã dịch lên trang Hạt Giống Tâm Hồn.vn để các bạn sinh viên có thể truy cập tìm đọc.

- Thế anh ơi! Còn dự định về quê hương Việt Nam chia sẻ với mọi người, với các bạn trẻ thì sao anh?

Nguyễn Văn Phước