Thư viện ĐH, CĐ cần tăng nguồn lực thông tin số, ứng dụng AI để đáp ứng yêu cầu NQ57

07/07/2025 11:02
Quỳnh Giao
Theo dõi trên Google News

GDVN - Cơ sở giáo dục tăng cường nguồn lực thông tin số là giải pháp để hỗ trợ nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, đáp ứng các yêu cầu của Nghị quyết 57.

Ngày 4/7, Liên Chi hội Thư viện các trường đại học, cao đẳng phía Bắc (NALA) phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số (IDK) và Trường Cao đẳng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Du (Hà Tĩnh) tổ chức Hội thảo “Thư viện đại học, cao đẳng với hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số nhà trường”.

Tham dự hội thảo về phía khách mời có: Thạc sĩ Phạm Ngọc Lan - Trưởng ban Công tác Hội viên của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện IDK; Thạc sĩ Kiều Thúy Nga - Nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ông Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Hùng - Phó Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trưởng khoa, Khoa Thông tin - Thư viện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Quý - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện IDK; Ông Nguyễn Đức Cảnh - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Hà Tĩnh; Thạc sĩ Hoàng Văn Dưỡng - Phó Giám đốc Trung tâm Thư viện và Tri thức số, Đại học Quốc gia Hà Nội…

Về phía ban tổ chức có: Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương - Chủ tịch Liên Chi hội Thư viện các trường đại học, cao đẳng phía Bắc, Viện trưởng Viện IDK; Ông Hoàng Dũng - Phó Viện trưởng Viện IDK, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L cùng các thầy cô trong ban thường vụ và ban chấp hành Liên Chi hội Thư viện các trường đại học, cao đẳng phía Bắc.

Về phía Trường Cao đẳng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Du có: Tiến sĩ Đặng Thị Thúy Hằng - hiệu trưởng nhà trường; Thạc sĩ Lê Thị Cần - phó hiệu trưởng nhà trường;

Về phía doanh nghiệp có đại diện một số công ty như: Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L; Công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ Số (IDT); Công ty Cổ phần Giải pháp Thiết bị Sao Mai; Công ty Trách nhiệm hữu hạn giải pháp phần mềm Úc Việt Nam; iGroup Việt Nam;…

01403b92e9f95fa706e8.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương - Chủ tịch Liên Chi hội Thư viện các trường đại học, cao đẳng phía Bắc, Viện trưởng Viện IDK phát biểu khai mạc hội thảo.

Tăng cường nguồn lực thông tin số để hỗ trợ nghiên cứu và đổi mới sáng tạo

Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Hoàng Dũng - Phó Viện trưởng Viện IDK, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L chia sẻ cần tăng cường nguồn lực thông tin số để hỗ trợ nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trong đó, thư viện có sứ mệnh và vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ học tập và giảng dạy, thúc đẩy nghiên cứu và học thuật, thúc đẩy năng lực thông tin và năng lực số, bảo toàn di sản văn hóa và tri thức, thúc đẩy hợp tác liên ngành và sự tham gia của cộng đồng, tích cực ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ truy cập mở và trao đổi học thuật.

Nguồn lực thông tin thư viện cần đảm bảo mới và có tính cập nhật trên phạm vi thế giới, phù hợp, nhiều và đa dạng. Đặc biệt cần được kiểm chứng và có độ tin cậy học thuật, tìm kiếm dễ dàng và thuận tiện, liên kết, sử dụng mọi lúc, mọi nơi, tuân thủ bản quyền và đạo đức học thuật.

snapedit-1751798679398.jpg
Ông Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L cũng chỉ ra một số phương thức tăng cường nguồn lực thông tin số.

Theo đó, đối với nguồn lực thông tin số tiếng Việt, cần đưa vào thư viện số tối đa nguồn tài liệu nội sinh của trường; Xây dựng cách thức để đưa vào thư viện số các sản phẩm khoa học, nghiên cứu của trường; Triển khai hệ thống chia sẻ, dùng chung toàn văn giữa các khối trường; Phối hợp với các nhà xuất bản Việt Nam để xây dựng các gói ebooks tiếng Việt; Tận dụng tài nguyên giáo dục mở tiếng Việt (nếu có); Không sử dụng tài liệu vi phạm bản quyền.

Trong khi đó, để tăng cường nguồn lực thông tin số tiếng Anh cần khai thác tối đa nguồn tài nguyên truy cập mở. Mua chung, dùng chung theo mô hình hiệp hội, nhóm trường để giảm thiểu chi phí. Tham gia kết nối với các mạng lưới thư viện quốc tế để mượn tài liệu số liên thư viện.

snapedit-1751798387789.jpg
Ông Hoàng Dũng - Phó Viện trưởng Viện IDK, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L phát biểu tại hội thảo.

Trong khuôn khổ hợp tác với Viện Nghiên cứu và Phát triển tri thức số, Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L, Tập đoàn EBSCO đã cung cấp sản phẩm EBSCO eBooks Academic Collection với nhiều ưu đãi hấp dẫn cho các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng.

Với hơn 250.000 đầu sách học thuật đa ngành từ hơn 500 nhà xuất bản uy tín thế giới, bộ sưu tập này không chỉ mang đến nguồn tri thức phong phú mà còn hỗ trợ các trường trong hành trình chuyển đổi số, tối ưu hóa chi phí và nâng cao vị thế học thuật.

cdadaef998922ecc7783.jpg
Tiến sĩ Đặng Thị Thúy Hằng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Du.
snapedit-1751798960966.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Thạc sĩ Nguyễn Thùy Linh - Giám đốc Dự án Văn phòng đại diện iGroup Việt Nam cho rằng vai trò của thư viện đang thay đổi trên toàn cầu. Trong đó, không gian thư viện có thể trở thành giải pháp tốt nhất để nâng cao trải nghiệm học tập và nghiên cứu, các hoạt động chuyển đổi số; Thư viện có thể là nơi tổ chức các hội thảo và sự kiện kết nối các thành viên; Hỗ trợ quyền truy cập thông tin cho mọi thành viên trong cộng đồng; Cung cấp dịch vụ hỗ trợ học tập suốt đời thông qua các chương trình eLearning; Thúc đẩy thực hành xanh và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, hiện tại thư viện đại học ở Việt Nam còn gặp phải một số thách thức cả về thời gian, nhân sự và nguồn lực. Điều đó đòi hỏi thư viện cần xác định và bổ sung các tài nguyên học liệu phù hợp nhất. Đáp ứng các yêu cầu về tài liệu giảng dạy trong giới hạn ngân sách, đồng thời phục vụ tài liệu nghiên cứu với mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững trong tương lai.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thùy Linh, việc gia tăng cơ sở dữ liệu điện tử bản quyền cho trường đại học là một trong những giải pháp giúp đẩy nhanh quy trình chuyển đổi số - gia tăng trải nghiệm cho người dùng tin, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và hội nhập quốc tế.

3662b8cd8ea638f861b7.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Thùy Linh - Giám đốc Dự án Văn phòng đại diện iGroup Việt Nam.

Phát triển dịch vụ tri thức hỗ trợ nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu đại học nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, Thạc sĩ Hoàng Văn Dưỡng - Phó Giám đốc Trung tâm Thư viện và Tri thức số, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng cần phát triển dịch vụ tri thức hỗ trợ nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu đại học nghiên cứu và đổi mới, sáng tạo.

Theo đó, thầy Dưỡng chỉ ra tiêu chí cơ bản của đại học nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo bao gồm:

Nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế (số lượng và chất lượng công bố khoa học; chỉ số trích dẫn; tham gia các dự án nghiên cứu quốc tế; giải thưởng khoa học);

Đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ (số lượng bằng sáng chế, giải pháp hữu ích; doanh thu từ chuyển giao công nghệ; ứng dụng nghiên cứu vào thực tiễn);

Đào tạo gắn với nghiên cứu và đổi mới (chương trình đào tạo gắn với nghiên cứu, tỷ lệ sinh viên sau đại học; hỗ trợ khởi nghiệp);

Hạ tầng và nguồn lực phục vụ nghiên cứu (phòng thí nghiệm hiện đại; kinh phí dành cho R&D; hệ thống thư viện số, cơ sở dữ liệu học thuật);

Hợp tác quốc tế và vị thế học thuật (xếp hạng đại học (QS, THE, ARWU); liên kết với đại học, tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới; tỷ lệ giảng viên, nghiên cứu sinh quốc tế);

Môi trường khuyến khích sáng tạo (cơ chế tự chủ đại học, khuyến khích giảng viên nghiên cứu; văn hóa đổi mới, hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp; sự kiện khoa học (hội thảo, hackathon, demo sản phẩm).

f97092a540cef690afdf.jpg
Thạc sĩ Hoàng Văn Dưỡng - Phó Giám đốc Trung tâm Thư viện và Tri thức số, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận tại hội thảo.

Để đáp ứng các tiêu chí này, cơ sở giáo dục cần đặc biệt chú ý đến dịch vụ tri thức đáp ứng yêu cầu đại học nghiên cứu và đổi mới, sáng tạo bao gồm: dịch vụ quản lý và chia sẻ dữ liệu nghiên cứu, hướng dẫn học tập và nghiên cứu theo chủ đề; thống kê, phân tích và đánh giá công bố quốc tế cơ sở dữ liệu Scopus và Web of Science; truyền thông thông tin, tri thức khoa học công nghệ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Hùng - Phó Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trưởng khoa Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng cần tăng cường năng lực AI cho thư viện. Đây là hướng tiếp cận chiến lược trong bối cảnh triển khai Nghị quyết 57.

Thầy Hùng nhấn mạnh, chiến lược chuyển đổi số cho thư viện cần tập trung vào các trụ cột chính bao gồm:

Số hóa và xây dựng hạ tầng dữ liệu: Tăng cường số hóa tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu số.

Phổ cập và nâng cao nhận thức về AI và công nghệ: Tổ chức các buổi hội thảo và khóa đào tạo để nâng cao nhận thức.

Ứng dụng AI trong hoạt động nghiệp vụ: Triển khai chatbot và hệ thống đề xuất thông minh.

Hợp tác và tham gia đề án: Tham gia vào các dự án hợp tác và phát triển đề án khoa học công nghệ, dữ liệu.

Cộng tác hệ sinh thái chuyển đổi số quốc gia: Kết nối với các nền tảng quốc gia để giám sát và đánh giá.

Hỗ trợ đổi mới sáng tạo: Xây dựng mạng lưới thư viện sáng tạo để đổi mới địa phương.

1eddcc0b1e60a83ef171.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Hùng - Phó Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trưởng khoa Thông tin - Thư viện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Việc ứng dụng AI trong thư viện giúp nguồn tài nguyên phong phú, đội ngũ nhân viên chuyên môn cao, và khả năng tích hợp công nghệ mới. Từ đó cải thiện dịch vụ người dùng, tối ưu hóa quy trình làm việc, và thúc đẩy hợp tác, nghiên cứu.

Tuy nhiên, việc này cũng có một số hạn chế như ngân sách của nhiều cơ sở giáo dục cho việc ứng dụng AI vào thư viện còn khiêm tốn, nhân viên thư viện thiếu hụt kỹ năng về AI, và khả năng cập nhật chậm cũng khiến việc ứng dụng chưa hiệu quả. Đồng thời vẫn tồn tại những rủi ro về bảo mật và quyền riêng tư, việc không hợp tác từ nhân viên, và sự biến đổi nhanh chóng của công nghệ.

Do đó, thầy Hùng nhấn mạnh cần có các chiến lược cụ thể để việc ứng dụng AI vào hoạt động thư viện được hiệu quả.

Trước hết cần xây dựng chính sách quản lý nội dung và tuyển dụng nhân viên có kỹ năng AI.

Thứ hai cần đào tạo, phát triển nhân lực và triển khai các công cụ hỗ trợ người dùng. Đảm bảo sự phù hợp với tổ chức thông qua hợp tác nội bộ và đàm phán, đánh giá nhà cung cấp hệ thống.

Thứ ba cần tập trung vào bảo mật, quyền riêng tư, tối ưu hóa tài nguyên, chi phí và hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm.

Thứ tư, cần xây dựng khung năng lực AI tạo sinh (Gen AI) tập trung vào các nguyên tắc và khía cạnh quan trọng như thúc đẩy cách tiếp cận phê phán, ưu tiên tương tác AI lấy con người làm trung tâm, khuyến khích phát triển AI bền vững, đẩy mạnh sự toàn diện, xây dựng năng lực AI cốt lõi cho học tập suốt đời và ứng dụng AI trong chuyên môn.

Đại diện Công ty Cổ phần Giải pháp Thiết bị Sao Mai cũng chia sẻ về giải pháp xây dựng thư viện thông minh trong hoạt động thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trường học.

“Chúng ta thường nói rất nhiều về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong thư viện nhưng chúng ta chưa bao giờ có một chương trình thực tế nào dành riêng cho cán bộ thư viện để họ hiểu phải bắt đầu từ đầu, cần những công nghệ nào, ứng dụng ra sao, bổ sung những kiến thức mới ở đâu, và thay đổi quy trình làm việc ở điểm nào để có thể đồng hành nhiều hơn cùng thư viện trong quá trình này.

Trong đó, Công nghệ RFID tự động hóa các hoạt động của thư viện, tăng cường quản lý sách trong kho, bảo mật, cải thiện hiệu quả, giảm các tác vụ thủ công và cung cấp các bản cập nhật theo thời gian thực, hợp lý hóa quy trình làm việc của thư viện và nâng cao trải nghiệm người dùng thông qua xử lý nhanh hơn và độ chính xác tốt hơn.

Để bắt đầu hành trình ứng dụng công nghệ, 1 điều mà chúng ta thường xuyên bỏ qua nhất đó là trang bị cho cán bộ thư viện toàn bộ kiến thức và 1 bộ công cụ công nghệ cơ bản, đầy đủ góp phần quan trọng hỗ trợ cán bộ thư viện trong công tác ứng dụng công nghệ và chuyển đổi từ những điều nhỏ nhất trong chính thư viện của mình, cũng là bước đệm đầy thách thức để ứng dụng hiệu quả các thiết bị công nghệ vào thư viện.

Bước 2 là an ninh thư viện, không chỉ hỗ trợ cán bộ thư viện và còn giúp thư viện bảo toàn tài nguyên cũng như lưu thông tài nguyên.

Bước 3, chúng ta có thể bắt đầu ứng dụng các thiết bị công nghệ tự phục để mang lại một mô hình tự phục vụ mới trong thư viện”, đại diện Công ty Cổ phần Giải pháp Thiết bị Sao Mai chia sẻ.

snapedit-1751798301043.jpg
Đại diện Công ty Cổ phần Giải pháp Thiết bị Sao Mai cũng chia sẻ tại hội thảo.

Cũng tại hội thảo, ông Hà Đức Thành - đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn giải pháp phần mềm Úc Việt Nam đã trình bày về ứng dụng giải pháp tổng thể thư viện thông minh 4.0 trong hoạt động phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhà trường.

Theo đó, mô hình thư viện hiện đại cần chú trọng 5 yếu tố: Không gian thư viện (không gian bên ngoài, dịch vụ thư viện, không gian phân theo loại bạn đọc, phòng đọc, học nhóm,...); Thiết bị công nghệ thông tin (số hóa, mạng, máy chủ, máy trạm, máy số hóa, màn LED, KIOS); Thiết bị thư viện RFID, AI (nhận dạng khuôn mặt bạn đọc FaceId; mượn, trả tự động 24/7; kiểm kê tự động); Phần mềm thư viện số (chuẩn nghiệp vụ, tích hợp Thư viện Quốc gia Việt Nam, tích hợp thiết bị, cơ sở dữ liệu); Dịch vụ phục vụ bạn đọc (dịch vụ tài liệu online, đăng ký mượn/trả tài liệu, ChatBot, tra cứu tài liệu, số hóa, học tập, sự kiện).

Tại hội thảo, Công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ Số (IDT) chia sẻ về phần mềm Compilatio - phần mềm phát hiện đạo văn đến từ Pháp, được hơn 1.000 trường đại học và tổ chức giáo dục tại châu Âu tin dùng. Với khả năng phân tích sâu, đa ngôn ngữ (bao gồm cả tiếng Việt), Compilatio giúp nhà trường, giảng viên và sinh viên: Phát hiện nhanh chóng các nội dung trùng lặp và sao chép; Phân tích và đánh giá mức độ đạo văn chi tiết; Hỗ trợ giảng dạy kỹ năng trích dẫn và viết học thuật chuẩn mực; Bảo mật tuyệt đối – dữ liệu không bị lưu trữ trái phép; Triển khai linh hoạt: phiên bản giảng viên, thư viện học thuật; Tích hợp dễ dàng với LMS như Moodle, Teams, Google Classroom...

Kết thúc Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương đánh giá các tham luận được trình bày vừa có tính học thuật cao, vừa phản ánh khá đầy đủ, toàn diện thực tiễn Việt Nam xoay quanh chủ đề “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhà trường” theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Những trọng tâm của Hội thảo như: Tăng cường nguồn lực thông tin số; Dịch vụ tri thức hỗ trợ nghiên cứu; Tăng cường năng lực AI cho thư viện; Kết nối tri thức toàn cầu; Xây dựng thư viện thông minh do các nhà khoa học, các chuyên gia chia sẻ không chỉ cung cấp nhiều thông tin khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại của ngành Thông tin – Thư viện mà còn đề xuất các giải pháp, quy trình… khoa học, hợp lý, phù hợp đặc thù chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam.

Đặc biệt, các phân tích mang tính thời sự về tác động của AI trong toàn bộ hoạt động thông tin – thư viện và những ứng phó chiến lược và cụ thể của Nhà nước, của các bộ, ngành… là những gợi ý thiết thực mà các cơ sở đào tạo thông tin – thư viện cũng như các thư viện đại học, cao đẳng cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ viên chức trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

5e967fc149aafff4a6bb.jpg
Ban tổ chức Tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu.
snapedit-1751798760537.jpg
Phần thảo luận tại hội thảo diễn ra sôi nổi.
b4eb8cafbac40c9a55d5.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương phát biểu.
snapedit-1751798960966.jpg
Các đại biểu tham gia hội thảo.
d7801b56c93d7f63262c.jpg
Tiết mục văn nghệ tại hội thảo.
afbb826a5001e65fbf10.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương tặng quà cho Thạc sĩ Kiều Thúy Nga - Nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tri ân những đóng góp quan trọng của bà cho sự phát triển của NALA và IDK.
d2d01b06c96d7f33267c-2302.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương tặng quà cho Tiến sĩ Đặng Thị Thúy Hằng - Trường Cao đẳng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Du.
e449c99b1bf0adaef4e1.jpg
Các đại biểu tham gia hội thảo.
1cbccf6a1d01ab5ff210.jpg
Ông Hoàng Dũng chia sẻ về hợp tác của Viện IDK và Tập đoàn EBSCO.
4e1e80c852a3e4fdbdb2.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Quỳnh Giao