Động vật hoang dã: Từ quốc lộ 6 đến… bàn nhậu

30/07/2011 09:21
Phó giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết hiệu quả công tác đấu tranh chống tội phạm buôn bán ĐVHD vẫn phải dựa vào người dân.

Không chỉ ma túy, từ lâu Tây Bắc còn được biết đến như một địa bàn phức tạp nhất về buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã (ĐVHD). Hơn 500 cây số quốc lộ 6 Điện Biên - Hà Nội trở thành những cây số nóng bỏng hoạt động của tội phạm này. Không liều lĩnh, manh động như tội phạm ma túy, nhưng đối tượng cũng có cả ngàn vạn chiêu thức, thủ đoạn dựng lên những "ma trận" mặt đường tinh vi, xảo quyệt nhằm đối phó với các lực lượng chức năng.

Xâm nhập thị trường ngầm "hàng tươi sống"

 

Nhà nước có chủ trương đóng cửa rừng, ngày càng nhiều các loài muông thú được đưa vào danh sách đỏ thì cuộc chiến chống buôn bán ĐVHD ngày càng cam go và khốc liệt. Qua số liệu tổng kết của lực lượng Cảnh sát Môi trường, Công an các tỉnh Tây Bắc, 2 năm trở lại đây, số vụ buôn bán, vận chuyển ĐVHD được phát hiện có xu hướng giảm, không còn những vụ vận chuyển hàng trăm, hàng ngàn kilôgam bị bắt giữ nhưng theo nhận định của lực lượng chức năng, những gì đang diễn ra chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", các đối tượng hoạt động tinh vi, với tính "chuyên nghiệp" cao hơn…

Khi nguồn hàng trong nước cạn kiệt, nguồn cung cho thị trường ĐVHD - tiếng lóng dân trong nghề là "hàng tươi sống" - ở Việt Nam giờ đây chủ yếu có nguồn gốc từ nước ngoài, phổ biến là từ Lào, một số quý hiếm hơn là từ Myanmar.

Chúng hình thành các đường dây có tổ chức chặt chẽ, hoạt động xé lẻ theo từng địa bàn, từng cung đoạn; một ngả qua tuyến biên giới miền Trung (chủ yếu là 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh) để vào sâu nội địa Việt Nam; ngả thứ hai qua các tỉnh Tây Bắc dọc theo quốc lộ 6 (Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, nóng bỏng nhất là Điện Biên) về Hà Nội và tiếp tục tỏa rộng ra các tỉnh biên giới phía Bắc.

Bản đồ tác chiến của lực lượng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Điện Biên từng dựng lên cả chục đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ĐVHD xuyên quốc gia, nhưng như Thượng tá Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Điện Biên nhận định là không dễ đối phó với các thủ đoạn tinh vi của loại tội phạm này.

Lò Văn K. - một đối tượng có đai có số trong buôn bán ĐVHD từ biên giới Việt - Lào về khu vực Si Pa Phìn, huyện Mường Chà từng tiết lộ rằng: "Cái gì cũng có, đảm bảo xịn 100%, từ cao hổ cốt, xương, da hổ nguyên con, bàn tay gấu, mèo rừng, thậm chí cả sừng tê giác(?)". Những thứ này ở đâu ra? K. trả lời tôi bằng cái ngoác miệng cười bí hiểm...

Dù các cơ quan chức năng hoạt động ráo riết, nhưng thực tế, "hàng tươi sống" vẫn có ở khắp mọi nơi, ê hề trên các bàn nhậu của các nhà hàng, quán ăn đặc sản từ miền ngược đến ngay giữa Hà Nội. Thời điểm hiện tại (7/2011), trên thị trường “hàng tươi sống” 1 lạng cao hổ giao tận tay "có bảo hành" giá 22 - 25 triệu, 1 chỉ (3,75gram) sừng tê giác (kích cỡ bằng hạt ngô) được rao bán 3 triệu đồng, mật gấu (khô) giá 1,8 - 2 triệu đồng/chỉ…

"Buôn bán ĐVHD hời như buôn bán ma túy mà không có nguy cơ dựa cột…" - Dương Thành T. - một tay có thâm niên hơn 10 năm chạy hàng tươi sống trên tuyến quốc lộ 6 tiết lộ. Chế tài xử lý với loại tội phạm này nhìn chung còn nhẹ, chủ yếu là tịch thu và xử lý hành chính, chưa đủ sức răn đe.

Năm 2010, Công an tỉnh Điện Biên phát hiện, bắt giữ 30 vụ/31 đối tượng, nhưng cũng chỉ 1 vụ/1 đối tượng đủ điều kiện để khởi tố, còn lại 29 vụ xử lý hành chính với số tiền vỏn vẹn 124 triệu đồng. Trong khi đó, 1kg tê tê mua gom ở biên giới chỉ có 1 triệu đồng, về Điện Biên từ 3 - 3,5 triệu (tùy chất lượng), xuống Hà Nội giá lên tới 5 triệu, đưa ra Quảng Ninh còn lên đến 6 - 8 triệu đồng, lãi như thế ai mà chẳng ham.

"Một chuyến đánh hàng của tôi thời hoàng kim có thể kiếm vài ba trăm triệu đồng dễ như người ta húp bát cháo nguội" - Dương Thành T. cười khùng khục bật mí với tôi. Tôi ngước nhìn dinh cơ vật vã của T. ở phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ, cùng mấy thửa đất, nhà chung cư ở Hà Nội là tôi biết T. không nói đùa…

"Ma trận" mặt đường…

Thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép ĐVHD địa bàn Tây Bắc - mà đầu mối là tỉnh Điện Biên cho thấy "hàng hóa" loại này có 3 con đường chính. Một là được các đầu nậu mua gom từ bên kia biên giới vào Điện Biên qua ngả đường tiểu ngạch Mường Nhé, Mường Chà, xuôi quốc lộ 6 xuống các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Hà Nội hoặc từ đó ngược quốc lộ 12, quốc lộ 4D đi Lai Châu, Lào Cai và sang bên kia biên giới hoặc về Hà Nội - Quảng Ninh; ngả thứ hai gom từ các địa bàn giáp ranh với huyện Điện Biên (địa bàn xã Mường Lói, Mường Nhà sau đó tập kết về các đầu nậu ở khu vực lòng chảo Điện Biên và TP Điện Biên Phủ rồi tỏa đi các địa phương khác.

ĐVHD (sống) bị phát hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên nhiều nhất vẫn là tê tê, rắn, rùa, gấu, kỳ đà, mèo rừng, nhím, các loại linh trưởng. Còn hàng "đông lạnh" (chết) chủ yếu là các bộ phận của hổ (xương, thịt, da), gấu (mật gấu, bàn tay), nai, hoẵng (thịt, sừng, nước tiểu), sừng bò tót… Thủ đoạn của các đối tượng là khớp nối với đám đầu nậu ở khu vực biên giới (thực ra là người dân) tổ chức thu gom nhỏ lẻ, sau đó sử dụng xe máy vận chuyển về thị trấn hoặc thành phố, tập kết đủ chuyến rồi mới chuyển về xuôi.

Thiếu tá Giàng Páo Sính, Trưởng Công an huyện Mường Nhé cho biết: Khi vận chuyển, các đối tượng thường cất giấu trong các sọt rau, bao tải ngô, sắn, chia nhỏ hàng, mỗi đối tượng vận chuyển một hai cá thể, hoặc đi làm nhiều chuyến nên rất khó phát hiện. Tại các điểm tập kết hàng ở các thị trấn, thị xã, thành phố, các đối tượng rất ranh ma, xảo quyệt, thường ngụy trang làm trang trại, chăn thả nhím, ba ba. Thậm chí có đối tượng còn đào cả hầm ngầm nuôi nhốt nhiều ngày, khi gom đủ hàng mới vận chuyển một chuyến.

Đại úy Nguyễn Đức Trung, Đội trưởng Đội CSGT Tuần Giáo (Phòng CSGT Công an tỉnh Điện Biên) - đơn vị khắc tinh của các đối tượng buôn bán ĐVHD trên tuyến quốc lộ 6, nhận định: Đã qua rồi cái thời các đối tượng rầm rập chuyển hàng trên các tuyến quốc lộ. Để đối phó với lực lượng Công an, Kiểm lâm trên các tuyến quốc lộ, chiêu phổ biến vẫn là ngụy trang vận chuyển trên xe khách, hoặc sử dụng xe công vụ.

Nguyễn Quang Điền - lái xe khách chạy tuyến Điện Biên - Hà Nội kể lại cách đây hai năm, hồi đó tuần nào anh cũng chở hàng cho một đối tượng ở Điện Biên, trả hàng ở Chương Mỹ (Hà Nội), những thùng các tông nặng mãi sau này anh mới biết đó toàn là tê tê và rắn hổ mang.

Một cán bộ Đội cơ động Chi cục Kiểm lâm Điện Biên cung cấp thêm: "Thủ đoạn của bọn chúng là người một nơi, hàng một nơi. Các đối tượng cho người lên từ bến xe, nhưng lại lấy hàng ở cách đó vài chục cây số, cách xa các trạm kiểm soát. Khi bị phát hiện, lợi dụng đêm tối, địa bàn hẻo lánh, chúng liều mạng phóng xe bỏ chạy, tìm cách tẩu tán hàng bằng cách ném xuống vực, không ít vụ các đối tượng còn liều lĩnh chống trả quyết liệt lực lượng truy bắt".

Các tỉnh Tây Bắc, trong đó có Điện Biên hiện chưa có các trung tâm cứu hộ ĐVHD, chính vì vậy, ngoại trừ những loài thú đặc biệt quý hiếm mới được đưa về các trung tâm cứu hộ quốc gia (Ba Vì, Hà Nội), còn lại phương án giải quyết vẫn là mang thả vào rừng. Các con vật bị bắt nhốt lâu ngày nhìn chung yếu sức, không còn khả năng tự kiếm ăn trong môi trường tự nhiên. Nắm được "thóp", các đối tượng còn tổ chức theo dõi ngược cơ quan chức năng.

Một trinh sát Phòng Cảnh sát môi trường kể: "Để thả động vật hoang dã về rừng, phải thành lập một "ban bệ" đầy đủ các lực lượng: Công an, Kiểm lâm, Viện kiểm sát v.v... và đi bí mật, nhưng nhiều lần chúng tôi bị chính đối tượng… bám theo!". Không thể lặn lội vào tận trong đại ngàn, nên các cánh rừng ven quốc lộ vẫn là nơi thuận lợi nhất để thả ĐVHD trở về môi trường tự nhiên. Chính điều này đã "tạo điều kiện" để các đối tượng tổ chức phục và bắt lại số động vật vừa thả.

"Tê tê là loài cực kỳ nhát, khi thả xuống nhiều khi xua mãi cứ cuộn tròn không chịu đi, hoặc nếu có đi thì chỉ loanh quanh, sau đó trèo lên cây, nên không ít con chúng tôi vừa thả ra hôm trước, mấy hôm sau có khi lại thấy nó trên thùng xe trong một vụ khác rồi" - một cán bộ Hạt Kiểm lâm Tuần Giáo chua chát nói.

Đại tá Lê Công Bính, Phó giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết hiệu quả công tác đấu tranh chống tội phạm buôn bán ĐVHD vẫn phải dựa vào người dân. Nếu người dân vì cuộc sống khó khăn còn tiếp tay cho lâm tặc thì cuộc chiến này còn gặp nhiều khó khăn, còn khi người dân đồng tình ủng hộ, đây sẽ là tai mắt quan trọng nhất của lực lượng Công an, Kiểm lâm giúp phát hiện, ngăn chặn hoạt động của tội phạm.

Theo Công An Nhân Dân

alt