Nhiều năm trở lại đây, không ít địa phương luôn thay đổi xoành xoạch sách giáo khoa như sách của chương trình VNEN, sách giáo khoa môn Anh văn, Tin học và Mỹ thuật.
Sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa cho các địa phương chọn lựa (Vinhphuc.edu.vn) |
Có khi 2 năm liên tục thay 2 lần sách. Việc chọn sách giáo khoa nào là do sở, phòng địa phương ấy quyết định. Các cơ sở giáo dục thường rất bị động trong chuyện này.
Không ít trường học bức xúc vì liên tục thay sách mới nhà trường không chỉ phải bỏ cả tủ sách dùng chung mà còn phải chi thêm một khoản tiền mua sách cho giáo viên giảng dạy.
Đã thế, những bộ sách giáo khoa dù thay mới vẫn đầy lỗi sơ đẳng như lỗi chính tả, lỗi về câu từ…
Chương trình hiện hành còn thế, nay sắp bước sang chương trình mới sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa để các địa phương lựa chọn.
Việc chọn lựa để đi đến quyết định dùng bộ sách nào cho phù hợp với học sinh địa phương mình là điều nên làm. Thế nhưng nhiều câu hỏi thắc mắc đã được đặt ra:
“Ai sẽ là người được chọn sách? Giáo viên có được quyền góp tiếng nói trong chuyện này hay không?’
Những ai sẽ là người chọn sách?
Theo quy định mới việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông từng tỉnh thì chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa.
Trong đó, chủ tịch hội đồng là lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, các phó chủ tịch là lãnh đạo sở Giáo dục và Đào tạo, thư ký hội đồng là lãnh đạo các phòng chức năng trực thuộc sở Giáo dục và Đào tạo. Mỗi môn học/hoạt động giáo dục ở một cấp học có một tiểu ban.
Thành phần của các tiểu ban này có nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, đại diện các cơ quan tổ chức có liên quan...
Đặc biệt, dự thảo đưa ra quy định có ít nhất 2/3 tổng số thành viên là nhà giáo hoạt động giáo dục, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc các vùng miền trên địa bàn. {1}
Những băn khoăn
Nếu nhìn vào thành phần chọn sách giáo khoa của từng địa phương, chúng ta sẽ thấy nắm giữ các vị trí chủ chốt để ra quyết định toàn những cán bộ cấp cao của địa phương.
“Chủ tịch hội đồng là lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, các phó chủ tịch là lãnh đạo sở Giáo dục và Đào tạo, thư ký hội đồng là lãnh đạo các phòng chức năng trực thuộc sở Giáo dục và Đào tạo”. Giáo viên chỉ nằm trong một tiểu ban nhỏ.
Liệu rằng những ý kiến của những thầy cô giáo dày dạn kinh nghiệm trong thực tế có được lưu ý?
Từ nay tính đến năm học mới 2020-2021 chỉ còn khoảng 8 tháng (trong đó, học sinh chỉ học 5 tháng là nghỉ hè) thế nhưng hiện vẫn chưa có sách giáo khoa để chọn lựa.
Việc chọn lựa được bộ sách vào giảng dạy lẽ nào chỉ được thẩm định bằng mắt? Nếu không thông qua thực tế giảng dạy liệu việc chọn lựa có chính xác không?
Sao không cho tất cả giáo viên tham gia góp ý kiến?
|
Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà cha ông ta lại nói: “Trăm hay không bằng tay quen”.
Việc thẩm định để chọn lựa sách giáo khoa cho từng địa phương được giao cho những cán bộ chủ chốt của tỉnh.
Có thể nói họ toàn người học thức cao, hiểu biết rộng.
Thế nhưng nói về kinh nghiệm thực tiễn lại chẳng ai bằng được thầy cô giáo đang giảng dạy.
Chỉ cần cầm một bài học trên tay, giáo viên đã tức thời có ngay phương pháp giảng dạy trong đầu sao cho học sinh tiếp cận kiến thức một cách nhanh nhất.
Thầy cô sẽ chỉ ngay được kiến thức cao hay phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Nếu như từng trường học sẽ có vài bộ sách giáo khoa, giáo viên được tạo thời gian xem, cùng nhau thảo luận và được dạy thí điểm trên lớp mươi tiết chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến khá bổ ích giúp cho việc chọn bộ sách học tại địa phương mình phù hợp và hiệu quả hơn.
Tài liệu tham khảo:
https://tuoitre.vn/nhieu-sach-giao-khoa-ai-duoc-chon-chon-the-nao-20191112222842173.htm{1}