Giáo sư Toán học không giải nổi đề Toán phổ thông là hết sức bình thường

05/11/2019 11:54
Thùy Linh
(GDVN) - "Nhiều ý kiến đưa ra là nên bỏ thi trắc nghiệm môn Toán trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, theo tôi ý kiến đó là hoàn toàn chưa có cơ sở khoa học”.

Nhân việc đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh nêu lại vấn đề "thi trắc nghiệm" trên diễn đàn Quốc hội, Giáo sư Phùng Hồ Hải - Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam đã chia sẻ lại lá thư gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam năm 2018 về việc xem xét lại việc thi trắc nghiệm môn Toán. 

Theo Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, mô hình thi trắc nghiệm 100% môn Toán ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia là "hết sức sai lầm và có hại lớn đối với sự nghiệp chấn hưng giáo dục".

Trước đề xuất này, chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Nguyễn Phương Nga - giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho biết: “Mấy ngày qua có nhiều ý kiến đưa ra là nên bỏ thi trắc nghiệm môn Toán trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, theo tôi ý kiến đó là hoàn toàn chưa có cơ sở khoa học”. 

Phó giáo sư Nguyễn Phương Nga - giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho biết: "Nhiều ý kiến đưa ra là nên bỏ thi trắc nghiệm môn Toán trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, theo tôi ý kiến đó là hoàn toàn chưa có cơ sở khoa học”.(Ảnh: Thùy Linh)
Phó giáo sư Nguyễn Phương Nga - giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho biết: "Nhiều ý kiến đưa ra là nên bỏ thi trắc nghiệm môn Toán trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, theo tôi ý kiến đó là hoàn toàn chưa có cơ sở khoa học”.(Ảnh: Thùy Linh)

Bà Nga chia sẻ thêm, mục tiêu chính của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là đánh giá những kiến thức và kỹ năng cơ bản học sinh nắm được trong chương trình học lớp 12 trong đó có môn Toán chứ đây không phải kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi Toán quốc gia cũng không phải kỳ thi tuyển sinh cho ngành Toán học. 

Hơn nữa, hiện nay các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong tuyển sinh nên việc xét tuyển thí sinh có điểm môn Toán cao hay thấp là quyền của nhà trường. 

Cũng theo cô Nga: “Những kỳ thi đại trà trên thế giới vẫn sử dụng hình thức thi trắc nghiệm môn Toán, do đó không thể nhặt những hiện tượng đơn lẻ trên cả nước để cho rằng chúng ta không thể đưa công nghệ vào kỳ thi quốc gia này. 

Bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, khi con người đã cố tình can thiệp vào thì công nghệ có giỏi đến mấy cũng sẽ bị ảnh hưởng”. 

Đề thi trắc nghiệm phổ thông quốc gia được ra như thế nào?

Đặc biệt, với ý kiến những người siêu giỏi về giải Toán sơ cấp cũng phàn nàn là không giải nổi đề Toán trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia thì cô Phương Nga cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng công bố kết quả thi môn Toán, có phổ điểm đánh giá được rằng đề thi đó hoàn toàn đánh giá đúng năng lực người học. 

Còn việc cho rằng, đề thi Toán khiến tiến sĩ Toán, giáo sư Toán không giải được đề thi trung học phổ thông quốc gia môn Toán do đề thi khó là thiếu logic. 

Cô Nga nhấn mạnh: “Tiến sĩ Toán, giáo sư Toán là những người đạt được công trình nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực đó. Nhưng công trình đó có phải về phân tích đề thi hay các hình thức đo lường đánh giá kết quả học tập môn toán bậc trung học phổ thông không. Chắc chắn không. 

Do đó mặc dù học hàm, học vị về Toán rất cao nhưng nếu không chuyên sâu đến kỹ năng giải toán phổ thông thì việc họ “không giải nổi đề Toán” là hết sức bình thường. 

“Chẳng lẽ giáo sư Toán không giải được đề toán phổ thông thì học sinh lớp 12 lại giỏi hơn giáo sư ư. Điều này chắc chắn không đúng”, cô Nga nhấn mạnh. 

Giáo sư Phùng Hồ Hải chỉ ra 5 tác hại của mô hình thi trắc nghiệm ở môn Toán:

Thứ nhất, thi trắc nghiệm tất cả môn sai ở xuất phát điểm. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông lên tới 90% hoặc hơn thế nữa ở đa số vùng miền trên cả nước, do bệnh thành tích. Một kỳ thi mà gần như tất cả học sinh đều đỗ, việc tổ chức hoàn toàn không có ý nghĩa.

Thứ hai, những vụ việc tiêu cực vừa qua thêm một lần nữa khẳng định áp dụng máy móc, thiếu cân nhắc, thiếu chuẩn bị các mô hình nước ngoài vào Việt Nam chắc chắn dẫn tới thất bại. Khó khăn lớn nhất của chúng ta là con người chứ không phải cơ chế.

Thứ ba, với các đề thi Toán khó như năm nay, những người có thể nói là siêu giỏi về giải Toán sơ cấp cũng phàn nàn là không giải nổi. Câu hỏi đặt ra là việc tổ chức làm đề đã đúng quy trình chưa?

Thứ tư, việc tổ chức thi trắc nghiệm hoàn toàn không đơn giản, nhất là đối với một kỳ thi trên diện rộng, cần sự chuẩn bị lâu dài và kỹ lưỡng với nhiều nhân lực, vật lực. 

Thứ năm, tác hại lớn nhất của kỳ thi liên quan mục tiêu thứ hai của nó, là xét tuyển vào đại học. 

Tài liệu tham khảo

https://thanhnien.vn/giao-duc/khan-thiet-de-nghi-pho-thu-tuong-xem-xet-lai-viec-thi-trac-nghiem-hoan-toan-mon-toan-1144420.html

Thùy Linh