Ngày 12/4/2012 Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư về quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Việc ra đời của Thông tư đã trực tiếp đẩy nhiều nhà giáo vốn có cuộc sống khốn khó càng trở nên khó khăn hơn khi phải bỏ ra số tiền không nhỏ để học mà thực chất là mua Chứng chỉ (ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên) để đủ điều kiện thi thăng hạng.
Cầm được chứng chỉ cũng khá công phu
Việc học thi thăng hạng, giáo viên ở thành phố đỡ mất công đi lại nhưng giáo viên vùng khó khăn, biên giới, hải đảo cũng phải cơm đùm cơm nắm về thành phố học và thi.
Nói học và thi cho oai chứ đến nơi cho có mặt (không đến lại không được). Người vượt hàng trăm cây số, người dăm bảy trăm cây, thuê nhà, mướn xe cũng vì sự học.
Giáo viên tập huấn (hình VOV) |
Nhưng tóm lại, giáo viên mất công đi lại, tốn thêm tiền tàu xe, tiền ăn ở còn kiến thức thu nhận sau sự học ấy có thể vẫn bằng 0.
Học ít học nhiều cũng do trường đăng cai dạy. Có trường dạy khá nghiêm túc, nhưng phần lớn là dạy cho có chỉ ôn vài buổi rồi tổ chức thi.
Một trường đại học ở Đà Nẵng cấp Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên với tổng số tiết học quy định 240 tiết, thời gian học từ 1.5 đến 2 tháng.
Hình thức bồi dưỡng: Trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Giáo viên phải tham gia học làm 3 đợt. Thế nhưng theo phản ánh của nhiều giáo viên học trực tiếp tổng cộng chỉ có 6 ngày.
Nhưng học nhiều hay vài buổi thì số tiền bỏ ra cũng không nhỏ (nơi dăm bảy triệu, nơi hàng chục triệu đồng).
Có thầy cô muốn đi học nhưng không có tiền. Người phải mượn đồng nghiệp nhưng đồng nghiệp phần đa cũng khó khăn.
Người chạy đôn chạy đáo cuối cùng đành đi vay lãi nóng. Người thắt chặt mọi khoản chi tiêu của cả gia đình để dồn vào mấy tấm chứng chỉ vô dụng kia.
Hao tốn là thế nhưng chuyện được thăng hạng “vẫn chưa biết đâu mà lần”.
Không chỉ mất tiền, nhiều thầy cô còn mất cả thời gian uổng phí (những ngày hè quý báu sau cả năm miệt mài vất vả).
Giáo viên là đối tượng chịu thiệt thòi rõ nhất về cả tiền bạc, thời gian và sức lực (lo lắng mất tiền nhưng chẳng biết có đỗ không?)
Biết là tốn kém nhưng nhiều thầy cô vẫn quyết tâm bám trụ chỉ vì vẫn còn hy vọng mình được thăng hạng để yên tâm công tác.
Thầy H. một giáo viên dạy thể dục trường trung học cơ sở cho biết “cầm bằng đại học 8 năm nay nhưng vẫn chỉ ăn lương trung cấp.
Nếu không được xét thăng hạng chỉ vài năm nữa lương thầy sẽ đội khung trung cấp mà ngày về hưu còn xa lắm, thế thì thiệt thòi quá.
Thi thăng hạng giáo viên thiệt đơn thiệt kép. Vậy ai mới là người hưởng lợi?
Trước đây, mỗi lần học thi giáo viên khắp nơi phải cơm đùm cơm nắm về thành phố.
Thời gian gần đây, nhiều tỉnh thành đã cho giáo viên đăng kí danh sách và Sở Giáo dục trực tiếp mời trường đại học về giảng dạy và cấp chứng chỉ.
Được biết, có tỉnh thành nơi tổ chức sẽ được trích hoa hồng nhiều ít phụ thuộc vào số lượng học viên tham gia. Nhưng có nơi, bên tổ chức thu tiền và trực tiếp trả cho nơi giảng dạy với mức ít hơn nhiều mức học phí đã thu.
Có dịp tiếp xúc với một số giảng viên về giảng dạy, khi nghe chúng tôi hỏi “sao chỉ học có 6 ngày mà phải nộp số tiền nhiều thế (3 triệu đồng/học viên).
Bất ngờ người báo cáo viên cho biết “chúng tôi không biết chuyện này.
Tôi chỉ được trả 120.000 ngàn đồng/tiết lên lớp, tiền ăn ở, vé máy bay đi về.
Sau này chúng tôi được biết, số tiền còn lại không hề ít. Nơi tổ chức nói để trả tiền điện, nước, tiền khấu hao tài sản…và nhiều khoản tiền khác chỉ họ mới biết được.
Rõ ràng, việc tổ chức học và thi thăng hạng giáo viên đã mang lại món lợi khá lớn cho nhiều địa phương đăng cai tổ chức. Riêng giáo viên chẳng được gì nếu không muốn nói là thiệt thòi khá lớn.
Đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhìn nhận một cách công tâm mặt lợi (hầu như không có) mặt hại của việc quy định thăng hạng để dẹp bỏ ngay Thông tư về quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập để tránh làm giáo viên đã khổ càng thêm khổ hơn.