Nhân dịp này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Trọng Thơ, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã có bài viết nêu bật những bài học quý báu của Cách mạng Tháng Tám và sự kế thừa, phát huy những bài học này vào công cuộc đổi mới hiện nay.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Trọng Thơ:
Những ngày Tháng Tám sôi sục ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Tư liệu Thông tấn xã Việt Nam |
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã làm nên một kỳ tích đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX: tiến hành thành công Cách mạng tháng Tám 1945, lật đổ ách thống trị tàn bạo của phát xít Nhật, xóa bỏ chế độ quân chủ lỗi thời, giành quyền độc lập dân tộc, thành lập Nhà nước dân chủ cộng hòa, khôi phục nền thống nhất quốc gia, đưa dân tộc Việt Nam phát triển theo con đường cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Là hiện thân của xu thế giải phóng và phát triển của dân tộc Việt Nam theo con đường cách mạng do lãnh tụ Hồ Chí Minh xác lập, phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại, với tầm vóc thời đại và ý nghĩa lịch sử lớn lao đã được kiểm nghiệm bằng những thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam hơn 7 thập kỷ qua, Cách mạng tháng Tám 1945 và Quốc khánh 2/9 để lại những di sản về lý luận, bài học vô cùng quý giá chứa đựng nhiều giải pháp cần được chắt lọc, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đó là bài học trong mọi hoàn cảnh, phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên trì thực hiện đường lối đổi mới.
Gắn kết giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một trong những cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh, được thể hiện trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, giải quyết một cách đúng đắn và xác đáng mối quan hệ chủ quyền quốc gia và lợi ích của nhân dân, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội, giữa mục tiêu trước mắt và định hướng phát triển lâu dài, phù hợp với dòng chảy của lịch sử nhân loại và đặc điểm Việt Nam.
Chính đường hướng đó đã được vận dụng và thể nghiệm trong thực tiễn Việt Nam từ khi Đảng ra đời và đã tạo nên nguồn gốc sức mạnh, đưa đến thành công rực rỡ của Cách mạng tháng Tám 1945, nước Việt Nam hiện đại ra đời.
Tiến bước trên hành trình hướng tới hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” được mở ra từ Cách mạng tháng Tám 1945, qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đồng thời, phải đối diện nhiều vấn đề lớn, phức tạp, phải giải quyết nhiều hạn chế, yếu kém để đưa đất nước phát bền vững.
Công cuộc đổi mới càng mạnh mẽ càng đặt ra yêu cầu khách quan phải kiên định và giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội vì đó vừa là lý tưởng, mục tiêu vừa là nguồn gốc sức mạnh của cách mạng và dân tộc Việt Nam đã được kiểm nghiệm từ thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam.
Đây là bài học, đồng thời là nguyên tắc bao trùm của công cuộc đổi mới được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng xác định “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau”.
Đó là bài học phải củng cố và tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết tụ trong Mặt trận dân tộc thống nhất do liên minh công, nông, trí thức làm nòng cốt, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Quốc khánh 2/9/1945 đã trở thành một mốc son hào hùng của dân tộc Việt Nam |
Khởi đầu tiến trình chuẩn bị mọi mặt cho Tổng khởi nghĩa năm 1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh viết: “muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần Toàn dân đoàn kết” (trích Văn kiện Đảng toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia).
10 chính sách của Mặt trận Việt Minh do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập, gói gọn trong hai vấn đề cơ bản nhất: “một là ích Nước, hai là lợi Dân”, hàm chứa tính chất dân tộc sâu sắc, tính chất dân chủ hết sức rộng rãi, mở ra khả năng giải quyết hài hòa lợi ích tối cao của dân tộc với quyền lợi thiết thực của mọi tầng lớp nhân dân, hướng tới thiết lập một chế độ thực sự tự do, dân chủ, phát triển toàn diện, công bằng và hạnh phúc cho nhân dân. Khối đoàn kết toàn dân tộc cũng là một cơ sở để cách mạng Việt Nam tăng cường đoàn kết quốc tế, tạo nên thành công của Cách mạng tháng Tám 1945.
Đại đoàn kết toàn dân tộc là qui luật giành thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong dựng nước và giữ nước, là động lực và là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp đổi mới.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”( Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia).
Để tạo động lực và bảo đảm phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng và nhân dân ta phải tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế; phải động viên toàn dân, khơi gợi ý thức, tình cảm dân tộc trong sáng, lòng yêu nước chân chính của nhân dân và tạo điều kiện cho nhân dân trong nước và đồng bào định cư ở nước ngoài phát huy lòng yêu nước, đồng tâm hiệp lực cống hiến sức lực và tài năng phụng sự Tổ quốc.
Đồng thời, phải bảo đảm những lợi ích thiết thực, những quyền lợi chính đáng của nhân dân; người dân phải được hưởng thụ bình đẳng những thành quả cách mạng, thành quả của sự nghiệp đổi mới;
Phải thực hành dân chủ rộng rãi, tôn trọng những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc;
Tạo dựng và bảo đảm đồng thuận xã hội, giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội;
Gắn những lợi ích và quyền lợi của các tầng lớp nhân dân với vận mệnh và lợi ích dân tộc; gắn thực hành, mở rộng dân chủ với tăng cường kỷ cương.
Đó là bài học phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường kết tinh trong luận điểm nổi tiếng của lãnh tụ Hồ Chí Minh “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” được áp dụng và thực thi triệt để trong Cách mạng tháng Tám.
Sự chủ động và sáng tạo về xác định và hoàn thiện đường lối chính trị, về phương thức tiến hành, chuẩn bị thực lực, về nắm bắt và tận dụng triệt để thời cơ, về chính sách đối ngoại…; sự phát huy tinh thần tự lực tự cường, “không trông chờ hoặc ỷ đâu đâu”, đồng thời chủ động hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của phe Đồng minh và các lực lượng chống chủ nghĩa phát xít đã làm cho Cách mạng tháng Tám 1945 trở thành một mẫu mực về phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, sức mạnh tự lực, tự cường, tranh thủ sức mạnh quốc tế.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực xuất hiện những mưu toan và hành động kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi, áp đặt cường quyền trong quan hệ quốc tế, trong giải quyết tranh chấp biển, đảo..., công cuộc chủ động mở cửa, hội nhập quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối đối ngoại của nhân dân ta càng phải dựa trên nền tảng nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, tự quyết định con đường phát triển, tránh giáo điều, đồng thời tranh thủ sức mạnh thời đại, hội nhập quốc tế sâu rộng, nắm bắt thời cơ phát triển đang mở ra từ “Cách mạng công nghiệp 4.0”...
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã đúc kết một bài học, đồng thời là một chân lý thắng lợi của cách mạng Việt Nam:
“Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại”.
Đó là bài học tổng kết thực tiễn, chớp thời cơ thực hiện mục tiêu cách mạng mạng lại hiệu quả tối ưu.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của quá trình dày công chuẩn bị với đường lối đúng đắn, năng lực dự báo chính xác thực tiễn, vạch ra những phương hướng hành động một cách khoa học trên tinh thần chủ động, tự lực, tự cường và nghệ thuật chớp thời phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Chính vì thế, Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một điển hình về khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân diễn ra nhanh chóng, sâu sắc, hiệu quả, ít đổ máu tại một nước thuộc địa do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Công cuộc đổi mới, hội nhập, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của nhân dân ta hiện nay đang có những thời cơ và thuận lợi rất cơ bản.
Tuy nhiên, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cũng đang đối diện với những khó khăn, thách thức to lớn.
Bên cạnh 4 nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra, chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo... đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng.
Tình hình đó đòi hỏi Đảng và nhân dân tiếp tục phát huy tinh thần nhạy bén, chủ động, bám sát và tổng kết thức tiễn, nâng cao năng lực phân tích và dự báo những biến chuyển của tình hình quốc tế, đón đầu những thành tựu về khoa học, công nghệ của nhân loại, kịp xác lập ra lãnh đạo thực hiện những quyết sách phát triển.
Đó là bài học không ngừng nâng cao tầm trí tuệ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, bản lĩnh và phẩm chất đạo đức cách mạng, đặt lợi ích của Đảng trên lợi ích cá nhân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là bộ phận cán bộ cấp chiến lược.
Trong Cách mạng tháng Tám 1945, với số lượng chỉ trên 1.300 đảng viên, một số lượng lớn còn bị giam giữ trong nhà tù đế quốc tại Côn Đảo, song, Đảng có uy tín tuyệt đối trong quần chúng, được nhân dân tin tưởng, chở che, bảo vệ và sẵn sàng theo Đảng làm cách mạng.
Mấu chốt để làm được điều đó là Đảng đã xây đường lối cách mạng hàm chứa sự phân tích khoa học, đúng đắn về sức mạnh to lớn của chủ nghĩa dân tộc chân chính, về thực tiễn xã hội Việt Nam;
Thấu hiểu những giá trị đặc trưng của văn hoá Việt Nam, luôn đặt chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cố kết cộng đồng dân tộc ở nấc thang giá trị cao nhất, đứng trên lập trường dân tộc để giải quyết những nhiệm vụ căn cốt của cách mạng để đánh giá đúng đắn năng lực và thái độ tích cực của các giai cấp, các tầng lớp xã hội đối với sự nghiệp đấu tranh giành quyền độc lập dân tộc và xây dựng đất nước giàu mạnh, coi toàn bộ hoạt động của Đảng xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần xả thân vì dân tộc, đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích cá nhân, đoàn kết, gắn bó, yêu thương lẫn nhau, nỗ lực học tập, rèn luyện trong phong trào cách mạng của nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, hòa mình trong quần chúng mà dẫn dắt quần chúng tiến lên.
Chính vì thế, Đảng đã vượt qua sự khủng bố ác liệt của kẻ thù, dẫn dắt nhân dân làm nên Cách mạng tháng Tám 1945 vĩ đại.
Là lực lượng cầm quyền, trong lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân và dân tộc, tự đổi mới, tự chỉnh đốn về cả phương diện lý luận, tổ chức và hoạt động thực tiễn, không ngừng tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng.
Nhờ đó, Đảng lãnh đạo nhân dân tạo nên những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới.
Tuy nhiên, Đảng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm cả trên lĩnh vực nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn xây dựng Đảng, thể hiện trên các mặt, các nội dung, các khâu công tác...;
Một bộ phận cán bộ, đảng viên đã không tiếp nối và giữ gìn được những phẩm chất của người cộng sản, phai nhạt lý tưởng, tha hóa về nhân cách, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, tạo nên nguy cơ lớn đối với vai trò cầm quyền của Đảng.
Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, về đạo đức, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, chỉnh đốn, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng... theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (tháng 1/2016) và Nghị quyết số 04-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, khóa XII (tháng 10/2016) là đòi hỏi mang tính sống còn trước những yêu cầu của công cuộc đổi mới hiện nay.