Sau nhiều tháng, vấn đề xét đặc cách cho gần 3.000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội dường như cũng có phương án giải quyết.
Theo đó, chiều ngày 10/12/2019, tại Hội nghị giao ban báo chí thành uỷ, Sở Nội vụ Hà Nội đã thông tin cho báo chí về kế hoạch xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng.
Hà Nội sẽ dành 3000 chỉ tiêu biên chế để giải quyết hết số giáo viên hợp đồng? |
Ông Nguyễn Chí Đoàn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Ngày 5/11 vừa qua Bộ Nội vụ có văn bản 5.378 hướng dẫn tuyển dụng đặc cách đối với viên chức giáo viên, tức là tiếp nhận vào viên chức không qua thi, cùng với thời gian đó thành phố Hà Nội đang triển khai đợt thi tuyển và xét tuyển.
Trong khi đó, tại kỳ họp 11 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết: Về vấn đề xét tuyển giáo viên hợp đồng, đây là vấn đề được nhiều giáo viên hợp đồng quan tâm. Trong thời gian vừa qua, thành phố đã tổ chức xong các kỳ thi tuyển.
Hiện nay còn 2.730 giáo viên hợp đồng từ 2015 trở về trước trong đó có 1.190 giáo viên mầm non, 514 giáo viên tiểu học và 1017 giáo viên Trung học cơ sở.
Ngày 11/1/2019, Ủy ban Nhân dân thành phố đã có báo cáo Bộ Nội vụ, ngày 5/11/2019, Bộ Nội vụ đã có công văn đồng ý để thành phố tiếp tục xét tuyển đối với số giáo viên hợp đồng này (tổng số 2.692).
Mặc dù chủ trương xét tuyển đặc cách đối với giáo viên hợp đồng đã rõ ban kèm tiêu chí xét tuyển: Đối tượng giáo viên được tuyển dụng đặc cách là những người đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm, giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.
Đã có chủ trương xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng lâu năm tại Hà Nội (Ảnh:V.N) |
Tuy nhiên có 2 vấn đề mà giáo viên hợp đồng còn băn khoăn. Vấn đề thứ nhất: Đối với giáo viên hợp đồng đã bị cắt hợp đồng trước thời điểm xét đặc cách liệu có được xét đặc cách hay không?
Hiện nay rất nhiều giáo viên tại các Quận, huyện, thị xã đã bị cắt hợp đồng. Đơn cử huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây…Tại huyện Sóc Sơn, theo chỉ đạo của Huyện ủy, từ ngày 1/1/2020, giáo viên sẽ bị cắt hợp đồng – sớm hơn 4 tháng so với thông báo ban đầu.
Cô giáo Nguyễn Thị Thơm thắc mắc: “Mặc dù chủ trương xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng đã có và cụ thể hóa bằng văn bản, chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên chúng tôi rất băn khoăn: Nếu từ ngày 1/1/2020 giáo viên bị cắt hợp đồng theo chỉ đạo của huyện thì chúng tôi có thuộc diện được xét đặc cách nữa hay không?
Bên cạnh đó giáo viên cũng rất mong muốn chính sách trên sẽ sớm được thực hiện.
Chúng tôi đã trải qua thời gian hết sức khó khăn khi quả bóng trách nhiệm được đá từ bên này sang bên kia. Liệu này này quả bóng có được đá vào khung thành hay không? Hay lại đá ra ngoài”.
Đối với giáo viên đã bị cắt hợp đồng và không được đóng bảo hiểm liệu có cơ hội được xét đặc cách hay không? (Ảnh:V.N) |
Thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên thị xã Sơn Tây cho biết: “Nhiều giáo viên hợp đồng tại thị xã Sơn Tây đã bị chấm dứt hợp đồng trước năm học mới. Chúng tôi băn khoăn rằng số giáo viên này có được xét đặc cách hay không?
Nếu theo tiêu chuẩn của Bộ Nội vụ thì giáo viên tại thị xã Sơn Tây hầu hết đều đạt chuẩn.
Vì thế chúng tôi rất mong ngóng một chính sách nhân văn từ Thành phố Hà Nội để chấm dứt những mệt mỏi nhiều tháng qua”.
Vấn đề thứ hai: Nhiều giáo viên tại một số huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội không đủ tiêu chuẩn được xét đặc cách vì không được đóng bảo hiểm.
Không vướng Nghị định 161, Hà Nội có lý do gì mà không xét đặc cách giáo viên? |
Tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội), giáo viên hợp đồng phản ánh: Họ được ký hợp đồng 1 năm/ lần và hợp đồng nối liên tục trong nhiều năm.
Đáng nói số giáo viên này cho biết các giáo viên hợp đồng của huyện đều không được đóng bảo hiểm xã hội.
Cô giáo N.T.L, giáo viên hợp đồng huyện Ứng Hòa cho biết:
“Năm 2018, huyện Ứng Hòa cũng có đề xuất đóng bảo hiểm, trường mới đưa ra đề xuất nhưng chưa thực hiện.
Còn như ở trường khác, khoảng đầu năm 2018, Hiệu trưởng có đi dự một hội nghị về cũng thông báo “Sắp được đóng bảo hiểm”, kế toán trích một phần lương vì “có kế hoạch” đóng bảo hiểm, mặc dù không còn được nhận nguyên lương là 1.490.000 đồng, nhưng nhiều giáo viên của Ứng Hòa cũng mừng vì được đóng bảo hiểm.
Tuy nhiên, đến khoảng 1 tháng trước kỳ thi tuyển viên chức, kế toán lại hoàn trả lại khoản tiền đó và thông báo là chưa được đóng bảo hiểm”.
Liệu trong Qúy 1/ 2020, vấn đề giáo viên hợp đồng có được giải quyết triệt để (Ảnh:V.N) |
Không chỉ riêng huyện Ứng Hòa, tại huyện Mỹ Đức, giáo viên hợp đồng cũng không được đóng bảo hiểm và nhận lương khoảng 1,2 triệu đồng/ tháng.
Cô L.T.X bức xúc: “Mặc dù Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhiều lần phản ánh việc chúng tôi chỉ nhận được lương khoảng 1.2 triệu đồng/ tháng và không được đóng bảo hiểm.
Sau đó Chủ tịch Thành phố Hà Nội cũng cam kết giải quyết vấn đề bảo hiểm cho chúng tôi nhưng từ đó đến nay giáo viên vẫn đi dạy, hưởng lương như vậy và không được đóng bảo hiểm.
Điều này khiến chúng tôi vô cùng bức xúc vì theo tiêu chuẩn xét đặc cách giáo viên thì chúng tôi sẽ không đủ.
Chúng tôi đi dạy hưởng lương thấp, không được đóng bảo hiểm đã chịu nhiều thiệt thòi nay lại bị mất quyền lợi trong đợt xét tuyển này. Thực sự chúng tôi vô cùng buồn!”.
Sự mệt mỏi của giáo viên hợp đồng nhiều tháng đấu tranh (Ảnh:V.N) |
Như vậy, có thể thấy giáo viên một số huyện thiệt đơn, thiệt kép: Khi công tác thì chấp nhận mức lương thấp, không được đóng bảo hiểm. Đến khi có cơ chế xét đặc cách lại không đủ tiêu chuẩn.
Thành phố Hà Nội cần có bài toán giải quyết cho số giáo viên hợp đồng này để đảm bảo sự công bằng trong ngành giáo dục.