Thầy cô yên tâm, bỏ chế độ viên chức suốt đời, người dạy tốt không dễ mà bị loại

09/12/2019 06:23
Đỗ Thơm
(GDVN) - “Nếu giáo viên năng lực kém mà không bị đào thải thì sẽ rất nguy hiểm bởi đây là công việc trồng người", đại biểu Thái Trường Giang chia sẻ.

Ngày 25/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Như vậy, theo quy định của Luật, sẽ không còn chế độ hợp đồng không xác định thời hạn đối với đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày Luật này có hiệu lực (01/7/2020).

Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang. Ảnh: Quochoi.vn

Ngay khi luật thông qua, nhiều ý kiến kỳ vọng điểm thay đổi này sẽ giúp giải quyết câu chuyện vào viên chức rồi là yên tâm không bị mất việc, tạo nên sự trì trệ trong một bộ phận người lao động khu vực này nhiều năm qua.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Thái Trường Giang – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng, điểm đổi mới này của Luật sẽ giúp tốt hơn.

“Đầu tiên quy định về thực hiện chế độ hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới là thể chế hóa Nghị quyết Trung ương về “Thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới. Đây là điểm sáng hơn so với quy định cũ.

Việc đánh giá viên chức, công chức những năm qua cho thấy không nhiều trường hợp có 2 năm đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ liên tục. Tức là người làm không tốt cũng không bị đào thải.

Hay như vừa qua tuyển giáo viên có lúc thì thi, lúc không thi, mỗi nơi áp dụng một kiểu khác nhau… không đồng bộ.

Cùng với đó, sự thay đổi này giúp kích thích người lao động cố gắng để tránh bị mất việc. Theo tôi nghĩ, lần này sửa Luật sẽ giải quyết được những bất cập đó”, đại biểu đánh giá.

Đại biểu Thái Trường Giang cũng nhấn mạnh: “Các thầy cô yên tâm và hãy phấn đấu để làm tốt công việc của mình. Việc đánh giá để tiếp tục ký hợp đồng cũng không cần quá lo lắng”.

Đại biểu cũng chia sẻ một thực tế, hiện nay có tình trạng, một bộ phận giáo viên có tư duy đã vào được viên chức là yên trí suốt đời có công ăn việc làm.

Như vậy, cơ hội giáo viên khác làm tốt hơn, của các bạn trẻ khác sẽ không còn chỗ để vào dù người đang làm việc yếu kém về năng lực, chuyên môn.

“Nếu giáo viên năng lực kém mà không bị đào thải thì sẽ rất nguy hiểm bởi đây là công việc trồng người.

Với viên chức, đặc biệt là giáo viên, tôi nghĩ rằng, thầy cô cố gắng, làm tốt công việc thì người đứng đầu cơ sở giáo dục đương nhiên sẽ phải ký tiếp hợp đồng lao động tiếp.

Bỏ biên chế suốt đời, cơ hội thêm đãi ngộ cho giáo viên giỏi
Bỏ biên chế suốt đời, cơ hội thêm đãi ngộ cho giáo viên giỏi

Bởi Luật vừa được thông qua cũng quy định khá rõ là “Đối với hợp đồng làm việc xác định thời hạn, trước khi hết hạn hợp đồng làm việc 60 ngày, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ký kết tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức.

Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhu cầu, viên chức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký kết tiếp hợp đồng làm việc với viên chức.

Trường hợp không ký tiếp hợp đồng làm việc đối với viên chức thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải nêu rõ lý do bằng văn bản”.

Trước một số lo ngại, người đứng đầu có thể sẽ khó khách quan, công tâm trong đánh giá giáo viên sẽ làm giáo viên có cố gắng, dạy tốt nhưng có thể không được ký tiếp, đại biểu Thái Trường Giang nhấn mạnh: “Sẽ có cơ chế, quy định để đánh giá xếp loại viên chức theo vị trí việc làm cụ thể chứ không phải muốn đánh giá sao thì đánh giá. Lúc đó, các tiêu chí đánh giá chắc chắn sẽ cụ thể.

Chính phủ sẽ có hướng dẫn chi tiết hơn nữa trong quá trình triển khai thực hiện. Cùng với đó là sự giám sát của các cơ quan chức năng, của chính các thầy cô, vì vậy, các thầy cô hãy yên tâm thực hiện chuyên môn của mình”.

Đỗ Thơm