Khủng bố đổi chiến thuật, cuộc chiến chống cái ác còn lắm gian nan

27/11/2017 07:36
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - IS ở Sinai đã thay đổi chiến thuật, từ đối đầu với các lực lượng vũ trang và cảnh sát Ai Cập sang đối đầu trực tiếp với người dân nước này.

Mấy ngày qua, cả thế giới đang bàng hoàng và phẫn nộ trước vụ tấn công bằng bom và súng máy vào nhà thờ Hồi giáo al Rawdah Sufi ở một ngôi làng nhỏ Bir al-Abed miền bắc Sinai (Ai Cập), giáp với Israel và Dải Gaza của Palestine, khi những người dân thường đang tiến hành một buổi lễ cầu nguyện trong yên lặng.

Hãng CNN hôm 25/11 dẫn nguồn tin trên kênh Nile TV của chính phủ Ai Cập cho biết, tính đến thời điểm này đã có ít nhất 305 người thiệt mạng, trong đó có 27 trẻ em.

Tuy nhiên, con số những người bị chết có thể sẽ còn tăng lên, bởi hiện tại vẫn còn tới 128 người khác đang bị thương, trong số đó, có nhiều người vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.

Nguồn tin cho biết thêm, những kẻ tấn công có khoảng từ 25 đến 30 tên, đi trên 5 chiếc xe hơi nhãn hiệu SUV, được trang bị súng máy tự động đã đứng chặn các lối ra vào của nhà thờ Hồi giáo và tiến hành vụ tấn công đẫm máu này.

Những người sống sót đang được điều trị tại bệnh viện nói với phóng viên CNN rằng, những kẻ tấn công để râu tóc dài, mặc quần áo quân phục và được trang bị súng máy hạng nặng và có mang theo một lá cờ đen của tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Đồng thời các nạn nhân cho biết, cuộc tấn công bắt đầu khi một thiết bị nổ phát nổ trong một tòa nhà kế bên nhà thờ Hồi giáo, sau đó các tay súng bắn đã vào những người đang cầu nguyện bên trong nhà thờ.

Các nạn nhân trong nhà thờ Hồi giáo ở Sinai (Ảnh: CNN)
Các nạn nhân trong nhà thờ Hồi giáo ở Sinai (Ảnh: CNN)

Các nhân chứng cho biết thêm, những kẻ tấn công cũng đã thiết lập các địa điểm “phục kích” và bắn vào các xe cứu thương khi các xe này chạy đến nhà thờ để cấp cứu những người bị nạn.

Tôi lái một trong những chiếc xe cứu thương đầu tiên đến hiện trường nhưng đã phải quay lại khi những kẻ tấn công đã phục kích bắn vào xe của chúng tôi.

Xe cứu thương của chúng tôi chỉ đến được nhà thờ khi lực lượng an ninh đã kiểm soát được tình hình”, một người lái xe cứu thương nói.

Hiện chưa có tuyên bố nào về việc nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công từ phía IS hoặc các biến thể của chúng ở Ai Cập. 

Tuy nhiên, cuộc tấn công này đã mang những dấu ấn của một cuộc tấn công của nhóm khủng bố IS, nhằm mục đích duy trì một chỗ đứng ở phía bắc bán đảo Sinai và kích động các nhóm Hồi giáo cực đoan ở địa phương trỗi dậy.

Sự đau buồn của người thân các nạn nhân trong vụ khủng bố ở Sinai (Ảnh: AP)
Sự đau buồn của người thân các nạn nhân trong vụ khủng bố ở Sinai (Ảnh: AP)

Sau khi xảy ra vụ tấn công, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã có bài phát biểu trên truyền hình Trung ương, cực lực lên án vụ tấn công này, coi đây là một hành động “bạo lực” và thề sẽ đáp trả vụ thảm sát này một cách thích đáng.

Đây được coi là vụ tấn công khủng bố chết người trên đất nước này, và đó là một hành động vô cùng tàn bạo.

Quân đội và cảnh sát sẽ trả thù cho những người tử đạo của chúng tôi và nhanh chóng đưa tình hình an ninh trở lại ổn định”, ông Fattah el-Sisi nói.

Ngay sau đó, ông Fattah el-Sisi đã có cuộc họp khẩn cấp với các quan chức an ninh tại Cairo và tuyên bố rằng, chính phủ sẽ phải tiến hành một cuộc săn lùng mạnh mẽ để tiêu diệt những kẻ khủng bố.

Chúng ta sẽ phản ứng lại hành động này bằng vũ lực, bởi hành động của chúng đã củng cố thêm quyết tâm, sự kiên định và ý chí của chúng ta để chống lại chủ nghĩa khủng bố”, ông Fattah el-Sisi nói.

Sự đau buồn của người thân các nạn nhân trong vụ khủng bố ở Sinai (Ảnh: AP)
Sự đau buồn của người thân các nạn nhân trong vụ khủng bố ở Sinai (Ảnh: AP)

Phát ngôn viên của quân đội Ai Cập Tamer Rifai cho biết, ngay sau cuộc họp của Tổng thống Fattah el-Sisi với các quan chức an ninh, các máy bay chiến đấu của quân đội Ai Cập đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các “tiền đồn” của bọn khủng bố và các phương tiện cơ động của nhóm này.

Không lực Ai Cập đã nhắm mục tiêu và một số ‘tiền đồn’ có chứa vũ khí, đạn dược, cơ sở hậu cần cũng như đuổi theo các phần tử khủng bố, phát hiện và phá hủy một số xe cộ, tiêu diệt tất cả những kẻ khủng bố bên trong”, Rifai nói. [1]

Vụ tấn công khủng bố đẫm máu này đang tạo ra một làn sóng lên án mạnh mẽ ở Ai Cập và cộng đồng quốc tế bởi hành động hèn nhát của những kẻ khủng bố.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã viết trên Twitter bày tỏ sự chia buồn với các nạn nhân của vụ tấn công và cam kết sẽ tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố cho đến khi hoàn thành.

Cuộc tấn công này là hành động khủng khiếp và hèn nhát nhất của những kẻ khủng bố đối với những người dân vô tội và không có khả năng tự vệ đang cầu nguyện ở một nhà thờ Ai Cập.

Thế giới không thể chịu đựng được chủ nghĩa khủng bố, chúng ta phải đánh bại chúng bằng các hành động quân sự và xóa bỏ hệ tư tưởng cực đoan đang tạo thành nền tảng cho sự tồn tại của chúng”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã bày tỏ sự chia buồn với người dân Ai Cập về vụ tấn công bi thảm này và lên tiếng ủng hộ Ai Cập trong cuộc chiến chống khủng bố.

Đại sứ Anh tại Ai Cập, ông John Casson cũng đã lên án vụ tấn công khủng bố nhắm vào những người dân vô tội đang cầu nguyện.

Tôi ghê tởm bởi cuộc tấn công tàn bạo này, vì nó đã giết chết và làm bị thương rất nhiều người Ai Cập ở Sinai hôm nay.

Thay mặt Vương quốc Anh, tôi chia buồn sâu sắc với các nạn nhân và những những người thân của họ.

Cuộc tấn công này sẽ chỉ tăng cường quyết tâm của chúng ta để đứng cùng nhau và đánh bại chủ nghĩa khủng bố”, ông Casson nói. [2]

Cùng động thái tương tự, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã đưa ra lời kêu gọi, phải đưa những kẻ thủ phạm của cuộc tấn công ở Ai Cập vừa qua ra trước công lý.

Trong khi đó, ông Khaled Okasha, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh quốc gia ở Ai Cập đã mô tả cuộc tấn công này như là một “hành động chưa từng có với mức độ hoang dã nhất và vượt qua tất cả các giới hạn của các nhóm khủng bố”.

Mục đích của cuộc tấn công này là nhằm gây ra số lượng thương vong lớn, và nó không chỉ đơn thuần là một hành động mang tính ‘phản ứng’ mà còn nhằm làm lan truyền nỗi kinh hoàng cho người dân Ai Cập”, ông Okasha nói.

Còn theo các chuyên gia an ninh, thảm kịch hôm thứ Sáu ở Ai Cập là một bằng chứng rõ ràng cho thấy:

Các nhóm khủng bố, mà chủ yếu là các chi nhánh của IS ở Sinai đã thay đổi chiến thuật, từ đối đầu với các lực lượng vũ trang và cảnh sát Ai Cập sang đối đầu trực tiếp với người dân nước này bất kể họ thuộc tôn giáo nào.

Cuộc tấn công khủng bố đẫm máu này đã cho thấy một hệ tư tưởng rõ ràng về những kẻ khủng bố, bởi chúng đã thay đổi chiến thuật”, ông Salah Samak - một chuyên gia an ninh ở Ai Cập nói. [3]

Các chuyên gia an ninh Ai Cập cũng mong đợi về một chiến dịch tấn công mạnh mẽ của nước này để đáp trả những kẻ khủng bố và duy trì cuộc chiến chống khủng nhằm bảo vệ an ninh và sự ổn định của đất nước.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đang tiến hành cuộc họp với các quan chức an ninh sau vụ khủng bố (Ảnh: AP)
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đang tiến hành cuộc họp với các quan chức an ninh sau vụ khủng bố (Ảnh: AP)

Hiện tại, Tổng thống Ai Cập Fattah el-Sisi đã tuyên bố để quốc tang ba ngày và sẽ cho xây dựng một đài tưởng niệm cho những người thiệt mạng tại nhà thờ Hồi giáo này;

Đồng thời, bày tỏ mối quan ngại rằng, các phần tử khủng bố IS chạy trốn khỏi Iraq và Syria sẽ đến Ai Cập, khiến nước này đang phải đối mặt với các cuộc tấn công khủng bố gần như hàng ngày, nhất là ở khu vực phía bắc Sinai.

Cùng chung với những lo ngại về nguy cơ khủng bố ở Ai Cập, ông Timothy Kaldas, chuyên gia nghiên cứu chính sách Trung Đông tại Viện Tahrir nói:

Những kẻ khủng bố IS đang đứng đằng sau cuộc tấn công này, và chúng sẽ sẵn sàng tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công nữa với số lượng thương vong lớn nhằm vào dân thường.

Ông Kaldas nói thêm, sẽ có hai động cơ “chính đáng” để cho những kẻ khủng bố tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công khác.

Thứ nhất, IS xem những người Hồi giáo dòng Sufi như là những kẻ dị giáo.

Từ đó các nhà thờ Hồi giáo dòng Sufi trở thành mục tiêu tấn công trong con mắt của chúng, mặc dù trong số những người đến đây cầu nguyện không phải ai cũng theo dòng Hồi giáo Sufi.

Thứ hai, IS có thể trả thù cho các thành viên của nhóm khủng bố Wilayat al-Sinai, nơi mà hầu hết người dân trong khu vực Sinai đã hợp tác với chính phủ Ai Cập trong chiến dịch chống lại nhóm khủng bố này. [1]

Wilayat al-Sinai là một trong 12 chi nhánh của IS tại Ai Cập, được thành lập theo quyết của bộ chỉ huy IS ở Trung Đông vào năm 2014.

Nhóm này đã hỗ trợ đắc lực cho sự hiện diện của các phiến quân IS ở Ai Cập, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nước này nhằm thủ tiêu chủ nghĩa khủng bố.

Các cuộc tấn công khủng bố ở bán đảo Sinai gia tăng trong những năm gần đây bởi những hỗn loạn chính trị sau cuộc nổi dậy mùa xuân Ả Rập năm 2011 lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak, tạo ra một khoảng trống chính trị ở quốc gia này.

Vào năm 2013, ông Abdel Fattah el-Sisi lúc đó đang là một quan chức hàng đầu của quân đội Ai Cập đã lãnh đạo một cuộc tấn công vào các nhóm thánh chiến ở Sinai cũng như một số khu vực khác nhằm thiết lập an ninh và sự ổn định cho đất nước.

Sau khi ông Fattah el-Sisi được bầu làm Tổng thống vào năm 2014, ông tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch chống khủng bố.

Lúc này, nhóm khủng bố Wilayat Sinai al-Sinai đã cam kết trung thành với IS và đứng đằng sau nhiều vụ tấn công khủng bố khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Giới chuyên gia cảnh báo, nếu chính phủ Ai Cập không sớm có một giải pháp dài hạn, thì bán đảo Sinai có thể từ một ngòi nổ âm ỉ sẽ trở thành quả bom làm rung chuyển toàn Trung Đông, và cuộc chiến chống khủng bố sẽ vẫn còn rất nhiều gian truân.

Tài liệu tham khảo:

[1] CNN/ Egypt mosque attack death toll climbs above 300.

[2] Xinhua News Agency/ Egypt's Sisi vows fierce action against mosque attack amid massive condemnation.

[3] Xinhua News Agency/ News Analysis: Deadly mosque attack in Egypt indicates terrorists' randomness, confusion: experts.

PHẠM DOÃN TÌNH