Mong Quốc hội quy định rõ giáo viên môn nào cần ngoại ngữ, môn nào không

30/10/2019 06:41
Phan Tuyết
(GDVN) - Quy định chứng chỉ ngoại ngữ nhưng không kiểm soát chất lượng, giáo viên bị rút tiền túi còn nhiều trung tâm lại thu về những món lợi khủng, làm thế để làm gì?

Bỏ ra vài ba triệu lấy về 2 chứng chỉ ngoại ngữ và tin học chỉ để kẹp hồ sơ cho đúng quy định, nhiều giáo viên bức xúc vì tiếc tiền, vì chính mình tiếp tay cho những việc làm gian dối của nhiều trung tâm giảng dạy hiện nay.

Nhiều chứng chỉ ngoại ngữ hiện nay chỉ nộp tiền xong là có (Ảnh minh họa Vũ Ninh)
Nhiều chứng chỉ ngoại ngữ hiện nay chỉ nộp tiền xong là có (Ảnh minh họa Vũ Ninh)

Dù biết thế nhưng đa phần các thầy cô vẫn buộc phải làm vì tự mình không thể chống lại những điều đã thành quy định.

Những tờ chứng chỉ hỏa tốc

Hàng ngàn giáo viên có nhu cầu cần chứng chỉ trong khi bản thân họ không biết một từ ngoại ngữ cắn đôi.

Học đoàng hoàng để lấy chứng chỉ một cách chất lượng, giáo viên sẽ chẳng có thời gian. Cái quan trọng là có học hàng năm trời cũng chưa chắc đủ trình độ để thi chứng chỉ.

Trong khi đó, việc có chứng chỉ ngoại ngữ hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì đến chất lượng dạy của giáo viên.

Thế là mô hình học chứng chỉ cấp tốc ra đời. Nói là học chứ đến ghi tên và chủ yếu nộp tiền đủ, tham gia làm một bài thi (có tài liệu in sẵn) thế là đỗ.

Giáo viên biết đó là những tờ chứng chỉ “ma”, trung tâm biết đó là sự gian dối, ngành giáo dục cũng biết những chứng chỉ này chất lượng chẳng bao nhiêu…thế nhưng tất cả vẫn đồng lõa chấp nhận với nhau, vẫn yêu cầu phải thế.

Mong Quốc hội quy định rõ giáo viên môn nào cần ngoại ngữ, môn nào không ảnh 2
Chẳng cần những chứng chỉ ấy thì chúng tôi vẫn dạy tốt

Câu hỏi nhiều người thắc mắc: “Quy định chứng chỉ ngoại ngữ nhưng không kiểm soát chất lượng, làm như thế để làm gì?

Trong khi giáo viên bị rút tiền túi còn nhiều trung tâm lại thu về những món lợi khủng?”

Cần quy định rõ môn nào cần ngoại ngữ, môn nào không?

Giáo viên mà đặc biệt là những giáo viên mẫu giáo, tiểu học (trừ giáo viên dạy ngoại ngữ) họ cần biết ngoại ngữ không?

Việc không biết ngoại ngữ có làm chất lượng giảng dạy của giáo viên đi xuống không?

Phải khẳng định ngay rằng, chắc chắn là không rồi! Vì trong giảng dạy, trong soạn giảng hằng ngày, chẳng bao giờ thầy cô phải vận dụng đến một tí ti gì kiến thức ngoại ngữ.

Cũng vì điều này, khi đi học, nhiều thầy cô chỉ lo học cho chuyên ngành của mình là đủ.

Thế nhưng theo quy định hiện nay, giáo viên phải có cả 2 loại chứng chỉ ngoại ngữ và tin học.

Đây chính là quy định không thiết thực và đang làm khổ nhiều thầy cô giáo.

Mong Quốc hội quy định rõ giáo viên môn nào cần ngoại ngữ, môn nào không ảnh 3
Chất lượng giáo viên cần chuẩn trình độ hơn chuẩn bằng cấp

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, cho rằng:

"Giáo viên tiểu học tới trung học phổ thông được bao nhiêu người thành thạo tiếng Anh mà lại yêu cầu họ phải có chứng chỉ?

Yêu cầu này dẫn đến sự đối phó, hình thức khi các giáo viên phải chạy bằng rởm, bằng giả chỉ để đáp ứng yêu cầu".

Và ông yêu cầu: "Cần phải làm rõ môn nào cần ngoại ngữ, môn nào không, và nếu như vị trí đó cần phải có ngoại ngữ thì tôi đề nghị phải có chương trình đào tạo chứ không thể để họ đi học ở ngoài theo kiểu giả vờ, giả vịt".

Khi đã làm rõ yêu cầu môn nào cần ngoại ngữ, môn nào không sẽ không còn tình trạng nhiều nhà giáo phải tất tả vay mượn tiền khắp nơi để đem về những tờ chứng chỉ vô hồn như hiện nay.

Đừng nên quy định những điều không thiết thực để thầy cô phải kêu cứu, đừng yêu cầu những chuyện vượt sức để gây sức ép buộc thầy cô phải tìm mọi cách có được.

Khi giáo viên luôn bị "đòi nợ", bị hăm dọa nếu không bổ sung đủ chứng chỉ, sẽ chẳng thầy cô nào ổn định được tư tưởng, khi nào cũng sống trong lo sợ bị đào thải bất cứ lúc nào thì làm sao họ có thể yên tâm giảng dạy được?

Phan Tuyết