Mùa xuân đổi thay trên vòng cung biên thùy

14/02/2018 08:14
Minh Ngọc – Thanh Thảo
(GDVN) - Những thành tích mà các xã khu 7 đã làm được có thể gọi là một kỳ tích ở vùng cao này, nhưng vẫn còn đó muôn vàn những khó khăn.

Bốn xã vùng cao của Tây Giang (Quảng Nam) giáp Lào trước kia thường được gọi là khu 7, trong tâm trí nhiều người đó là vùng biễn viên cheo leo, nghèo khó và và xa lắc.

Nhưng giờ đây trên vòng cung biên thùy ấy, đồng bào Cơ Tu trong 4 xã gồm Tr'Hy, Gary, Ch'Ơm và A Xan đang từng ngày từng giờ vươn lên để thoát đói nghèo.

Chúng tôi đã thấy được những sự đổi thay đáng mơ ước trong những mái nhà sàn nơi đây trong mùa xuân mới này…

Những cánh đồng lúa nước ở A Xan, Ch’ơm (Ảnh: tác giả cung cấp).
Những cánh đồng lúa nước ở A Xan, Ch’ơm (Ảnh: tác giả cung cấp).

Trước đây, tuyến đường lên các xã vùng cao này đi qua 4 xã của Tây Giang gồm Tr'Hy, Gary, Ch'Ơm và A Xan được thi công, hết cảnh xe đò chỉ đến trung tâm huyện lỵ, còn muốn đến các xã chỉ có một cách là đi xe thồ, hoặc cuốc bộ vì mùa mưa được bị cắt.

Đón chúng tôi ngay từ con suối Abanh cách trung tâm xã khoảng gần 13km, ông Tơ Ngol Tờ, Phó Chủ tịch xã A Xan cùng nhiều người khác tay bắt mặt mừng, vội huy động anh em người mang giúp ba lô, người đưa gậy để chống đi lên những con dốc cao ngút trời.

Cuối cùng, sau những vất vả không thể tưởng tượng được, thung lũng A Xan nhỏ bé cũng hiện ra trong sắc cầu vồng sau cơn mưa luồn trong nắng dưới chân con dốc dài và sâu chóng mặt.

Buổi chiều trên vùng cổng trời khu 7, những đỉnh núi cao quanh năm suốt tháng phủ mây mù, tưởng chừng như chỉ cần với tay là có thể chạm vào mây.

Ông Tơ Ngol Tờ cho biết chúng tôi đang đứng trên độ cao hơn 2000m so với mực nước biển, nên khí hậu lạnh, thường xuyên mưa. Nhưng ở đây, chúng tôi đã thấy được nhiều đổi thay rất tích cực.

Từ khi con đường Tây Giang sang Lào được mở ra, Ủy ban nhân dân huyện Tây Giang quyết tâm “quy hoạch” lại các bản làng người Cờ Tu.

Vẫn theo cấu trúc cũ nhưng hiện đại hơn, quy củ hơn và có nhiều công trình vệ sinh công cộng, trường học, sân chơi thể thao…một cách bài bản. Duy chỉ có giao thông là vô cùng khó khăn bởi địa hình núi non hiểm trở.

Giao thông cách trở là một khó khăn lớn để phát triển kinh tế ở khu vực biên giới này (Ảnh: tác giả cung cấp).
Giao thông cách trở là một khó khăn lớn để phát triển kinh tế ở khu vực biên giới này (Ảnh: tác giả cung cấp).

Vẫn cái nương, con suối, ngọn đồi, những bản làng mới khang trang, quy hoạch sạch đẹp. Làng nào cũng đặt nhà gươl ở giữa làng, xung quanh là sân chơi, quảng trường rộng dành để tụ hội làng, rồi mới đến các lớp nhà của các hộ dân vây xung quanh, ngoài xa là những ruộng lúa.

Dẫn chúng tôi đi men theo một lối mòn nhỏ có cây cầu là gốc cổ thụ đã mòn vẹt chân người vào bản Ca Nong 1, ông Tơ Ngol Tờ cho biết:

“Nhờ có con đường lên cửa khẩu phụ nên làng bản chúng tôi đã được đổi mới hơn.

Xưa nay, đồng bào sống lựa theo các triền dốc núi.

Các mái nhà sàn gỗ lợp lá rừng cheo leo từ cao chuyển dần xuống địa hình thấp cạnh các con suối chảy xuống từ dãy Trường Sơn.

Bây giờ nhà gỗ lợp tôn chắc chắn, lại ở trên cao nên không sợ lũ cuốn. Làng quy hoạch có chỗ vui chơi giải trí nên đời sống tinh thần của bà con cũng được thay đổi đáng kể. Muốn đời sống bà con được cải thiện, trước hết phải ổn định chỗ ở đã”, ông Tơ Ngol Tờ hồ hởi.

Người dân trao đổi hàng hóa (Ảnh: tác giả cung cấp).
Người dân trao đổi hàng hóa (Ảnh: tác giả cung cấp).

Còn già làng Zơ Râm Bơơi cười viên mãn khi nói chuyện với chúng tôi: “Bây giờ, vào bản thấy đàng hoàng hơn, to hơn.

Có sân cho trẻ con chơi, có tivi truyền hình cáp cho người trong làng xem tivi, có công trình nước sạch, có nhà vệ sinh hợp lý không lo dịch bệnh nữa. Đấy là nhờ đảng và nhà nước làm cho đấy, chứ người làng mình không làm được đâu!

Bây giờ, đã hết cảnh nhà trên chuồng trại sát nhà dưới, rồi mưa đến, phân gio, nước thải từ chuồng trại chảy tràn xuống. Không còn bệnh tật, đồng bào sống vui khỏe hơn hẳn, có nhiều thời gian làm lụng và nuôi dạy con cái hơn”.

Trên vùng đất núi, nhiều bản làng đã được quy hoạch mạch lạc, đâu ra đó. Toàn những ngôi nhà còn mới, gọn ghẽ, thành hình vòng cung xung quanh một khoảnh đất rộng mà tâm là một nhà Gươl cũng mới được dựng lại. Cả làng không có lấy một chút ít rác rưởi nào.

Nhà nào dưới cầu thang gỗ cũng có xếp giày dép bỏ ngoài trước khi vào nhà. Trước sân là những khoảnh đất trống, dành để lót tấm cót phơi thóc. Lũ trẻ con mặt mũi sáng sủa, sạch sẽ tụm lại chơi trò đá cầu ở trước cửa nhà Gươl.

Trong những ngôi nhà mới, những chiếc chảo bắt sóng vệ tinh để xem ti vi cũng được đưa đến. Nhiều nhà tiếng nhạc xập xình phát ra.

Chúng tôi buột miệng: “Cảnh sống yên bình và thanh nhã quá!”. Nghe thế, anh phó chủ tịch xã cười như khoe. Chúng tôi đứng trên những triền núi cao, nhìn xuống những bản làng khang trang quy củ phía dưới mà thấy mừng cho vùng biên này.

Chúng tôi biết rằng để có được bản làng khang trang như hôm nay không biết bao nhiêu công sức của quân và dân đã đổ xuống trên miền núi cao này. Nhưng hơn hết đó là những sự đổi thay rất đáng hy vọng…

Kinh tế thị trường mới đến đây từ những quán tạp hóa của người kinh mang lên (Ảnh: tác giả cung cấp).
Kinh tế thị trường mới đến đây từ những quán tạp hóa của người kinh mang lên (Ảnh: tác giả cung cấp).

Một người dân nói đầy tự hào: “Nhờ có bộ đội, nhờ có nhà nước hướng dẫn làm kinh tế mà dân mình giờ hết đói.

Dân mình giờ đã biết làm lúa nước, biết chăn nuôi chuồng trại để đảm bảo đời sống ấm no hơn rồi. Giờ nhà nào cũng có cái ăn, có tivi để xem, có sóng điện thoại để liên lạc. Mừng lắm!”.

Ở một huyện vùng biên 8/10 xã có đường biên giới giáp với nước bạn Lào mà làm được lúa nước và không ngừng mở rộng là nỗ lực lớn của đồng bào và chính quyền Tây Giang.

Việc cơ giới hóa, thủy lợi hóa sản xuất lúa nước, áp dụng các biện pháp khoa học cũng không còn xa lạ với đồng bào.

Nhiều người nói với chúng tôi rằng Tây Giang là “vựa lúa nước vùng cao”, điều đó có lẽ không quá lời.

Với gần một ngàn ha lúa nước hai vụ, quả là một kỳ tích. Nhờ có lúa nước, lại được sự hướng dẫn của các chiến sỹ bộ đội biên phòng, người dân ở khu 7 này bây giờ đã hết đói. Hầu như các thôn làng nơi đây đã không còn hộ đói.

Bản làng nơi cổng trời A Xan, Ch’ơm bây giờ đã khang trang, gọn gàng, sạch đẹp, các tệ nạn mê tín dị đoan đã giảm hẳn, ốm đau bà con đã không còn nhờ thầy cúng mà đã đưa người bệnh đến trạm xá quân dân y kết hợp hay đồn biên phòng để khám và chữa trị.

Trên địa bàn A Xan và Ch’ơm đã có trạm thu sóng, bà con trong xã đã được xem tất cả các chương trình của Đài truyền hình Việt Nam.

100% con em đồng bào dân tộc trong xã đã được cắp sách đến trường và học trong những ngôi trường được xây dựng vững chãi, khang trang.

100% các thôn bản đều có nhà Gươl văn hoá làm nơi hội họp, đọc sách nghe đài.

Học sinh cấp hai trọ học bán trú tại trường trung học cơ sở A Xan (Ảnh: tác giả cung cấp).
Học sinh cấp hai trọ học bán trú tại trường trung học cơ sở A Xan (Ảnh: tác giả cung cấp).

Những thành tích mà các xã khu 7 đã làm được có thể gọi là một kỳ tích ở vùng cao này. Nhưng vẫn còn đó muôn vàn những khó khăn để người dân nơi đây thoát nghèo, để huyện Tây Giang không còn là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước nữa.

Con đường lên khu vực cửa khẩu phụ Tây Giang – Kà Lùm đã được thông xe hơn nửa năm, nhưng vẫn còn ngổn ngang bao nhiêu thứ.

Bây giờ khu 7 Tây Giang đã không còn cảnh thiếu trường phải lấy nhà Gươl thành chỗ cho các cháu ê a học bài nữa.

Trong những lớp học khang trang từ tiểu học cho tới trung học cơ sở, những ánh nhìn trong như con nước đầu nguồn, da đen xạm vì mưa nắng nhưng vẫn đầy hăm hở với con chữ.

Cô giáo bảo, không học sinh nào nghỉ học đâu vì nếu không đến trường để mở mang đầu óc, sẽ không cơ hội nào mở ra cho những người dân nơi đây.

Vùng cao của Tây Giang giáp Lào trước kia thường được gọi là khu 7, trong tâm trí nhiều người đó là vùng biễn viên cheo leo và xa lắc.

Nơi ấy đồng bào Cơ Tu trong 4 xã gồm Tr'Hy, Gary, Ch'Ơm và A Xan vẫn đang từng ngày từng giờ vươn lên để thoát đói nghèo.

Và giờ đây, chúng tôi đã thấy được những sự đổi thay đáng mơ ước trong những  mái nhà sàn nơi đây.

Minh Ngọc – Thanh Thảo