Muôn vàn nghề mưu sinh của giáo viên hợp đồng trong mùa dịch

15/03/2020 06:49
Thanh Hoa - Trần Phương
(GDVN) - Học sinh nghỉ, các cô cũng nghỉ và cũng…không lương, giáo viên hợp đồng tại các trường công đang gồng mình với ước mơ con chữ.

Những người…may mắn

Thực hiện Chỉ thị của Chính phủ, công văn hỏa tốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từng đối tượng học sinh - sinh viên các cấp được cho phép nghỉ học liên tiếp sau Tết Nguyên đán, cụ thể là từ ngày 3/2 đến hết ngày 16/3.

Với các giáo viên hợp đồng tại trường công theo vị trí việc làm, học sinh nghỉ, không có tiết dạy, đồng thời cũng không có lương nên các giáo viên dạy hợp đồng trong trường công đang tìm đủ công việc khác nhau để mưu sinh trong mùa dịch.

Với giáo viên đã biên chế, có thâm niên, họ vẫn được hưởng lương theo chế độ, nhưng giáo viên dạy hợp đồng ở trường công thì không được như vậy. Họ phải vất vả mưu sinh, duy trì cuộc sống, đợi ngày trở lại bục giảng.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Thanh Tùng /TTXVN.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Thanh Tùng /TTXVN.

 “Tôi cảm thấy mình may mắn hơn so với các cô giáo ở ngoại tỉnh, là có nhà ở Hà Nội. Chưa lấy chồng vẫn ở cùng bố mẹ, được gia đình hỗ trợ nên cũng không lo về chi phí sinh hoạt. Chỉ khổ cho các cô giáo ở tỉnh lên dạy phải đi thuê nhà, chưa kể còn nuôi gia đình”.

Đó là lời chia sẻ của cô giáo Nguyễn Bích P.- giáo viên dạy môn Tin học trường tiểu học công lập K.L trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cô P. cho biết, giáo viên hợp đồng trong trường công cứ nghỉ làm là không có lương, kể cả trong mùa dịch.

Nếu học sinh phải đi học bù đến tháng 6, thì lúc đó giáo viên hợp đồng mới được hưởng lương.

Mặc dù có gia đình hỗ trợ nhưng cô P. vẫn dạy lớp online trực tuyến dạy thêm kiến thức cho học sinh và kiếm thêm thu nhập cho bản thân.

Các chủ nhà cho thuê cần chia sẻ gánh nặng với các cô giáo mầm non!
Các chủ nhà cho thuê cần chia sẻ gánh nặng với các cô giáo mầm non!

“Dạy online không vất vả như mình nghĩ, linh hoạt được về thời gian và lấp được lỗ hổng kiến thức cho các em. Đối với các học sinh chuyển cấp, việc này rất cần thiết.

Nhiều phụ huynh có đề nghị tôi dạy qua online để tránh tình trạng lây nhiễm virut Covid-19 đang diễn ra phức tạp. Nên tôi cũng không ngần ngại” – Cô P. tâm sự.

Cô giáo M.A - giáo viên dạy Tin học trường tiểu học công lập C.L (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, đa số giáo viên hợp đồng với các trường công lập là không có lương khi học sinh nghỉ học do dịch.

“Song tôi vẫn may mắn hơn là có thêm lương làm văn phòng ở trường. Hàng tuần, tôi phải đến trường để dọn dẹp, khử trùng các phòng học nên vẫn được trả lương những ngày đến trường.”

Làm ruộng, xe ôm, shipper đợi ngày lên giảng đường

Mất đi khoản thu nhập chính, cô M.H – giáo viên dạy môn Toán trường Trung học cơ sở T.H (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đăng kí ngay phần mềm giao hàng để kiếm thêm thu nhập.

Theo cô, hai vợ chồng dưới quê lên Hà Nội làm việc, chồng làm trong nhà nước còn vợ đi dạy hợp đồng trong trường công, chờ thi công chức. Tiền lương của hai vợ chồng hiện tại chưa thể mua nhà ở Hà Nội, cuộc sống chỉ đủ ăn đủ mặc. Nay mất đi một khoản thu nhập chính, cuộc sống lại khó khăn hơn.

“Gần hai tháng nay học sinh được nghỉ, tôi được em trai chỉ cho cách chạy xe giao hàng công nghệ thay vì chở người. Mình có sức khỏe thì mình chạy thôi! Có đồng ra đồng vào.” . Cô cho biết, các đồng nghiệp nam cùng trường cũng chạy xe ôm và giao hàng công nghệ để kiếm thêm thu nhập.

Cô giáo giảng dạy ở thành phố thì có thể tạm kiếm thêm thu nhập bằng những nghề mưu sinh khác còn các cô giáo vùng nông thôn phải chuyền về nghề gốc…làm ruộng.

Học sinh trường Tiểu học Húc (Hướng Hóa) ôn bài nghỉ mùa dịch. Ảnh: LC
Học sinh trường Tiểu học Húc (Hướng Hóa) ôn bài nghỉ mùa dịch. Ảnh: LC

Chia sẻ với báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cô giáo Lê Thị T.T (cô giáo người Vân Kiều) trường Tiểu học Húc (Hướng Hóa, Quảng Trị) cho biết, dù không có lương nhưng cô vẫn đến trường tham gia giao bài, thực hiện các kế hoạch của nhà trường.

“Có con nhỏ không có thu nhập nên cũng có vất vả. Nhưng chúng em vẫn phải cố gắng đến trường. Các kế hoạch khác của nhà trường cũng được hỗ trợ kinh phí đi lại đôi chút.

Tuy nhiên cũng rất vất vả. Trong thời gian nghỉ dạy em tranh thủ đi làm ruông đợi ngày học sinh lên lớp mình đi dạy lại”, cô T.T cho biết.

Cô Nguyễn Thị Thuận, Hiệu phó phụ trách trường Tiểu học Húc cho biết, các giáo viên hợp đồng rất vất vả trong cuộc sống nhưng nhà trường cũng chỉ hỗ trợ được phần nào.

Quan trọng nhất là dù giáo viên hợp đồng, mùa dịch thu nhập có bị ảnh hưởng nhưng các cô đều hết mình vì học sinh. Các điểm bản xa các cô vẫn đi để giao bài tập cho các em để các em không quên kiến thức.

Cô giáo Kim Q. (giáo viên Trung học phổ thông tại Hải Phòng) cho biết cấp trung học phổ thông đã đi học trở lại nên các cô bớt vất vả hơn.

Trước kia, khi học sinh nghỉ học, các cô vẫn phải tham gia lao động, vệ sinh trường nên cũng không có nhiều thời gian để làm thêm đành nhờ… chồng nuôi.

Đồng lương của giáo viên hợp đồng đã eo hẹp nên các cô phải cố gắng chắt bóp chi tiêu lo cho gia đình trong mùa dịch.

Thanh Hoa - Trần Phương