Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của các giáo viên trường tư, đặc biệt là các giáo viên mầm non tư thục.
Các cô giáo của những cơ sở giáo dục này vốn lương nhận hàng tháng ít ỏi, thì nay khi học sinh nghỉ học, các cơ sở không có nguồn thu, các cô không có việc làm và chủ trường thì không có nguồn tiền để trả lương.
Nguồn tài chính của các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đang cạn kiệt, nhiều giáo viên đã phải nghỉ không lương (ảnh minh họa - nguồn giaoduc.net.vn). |
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đoàn Thị Hậu chủ của cơ sở giáo dục tư thục Trẻ Em Thông Minh ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, các cô giáo của nhóm Trẻ Em Thông Minh hiện đang được cho nghỉ không lương và đa phần về quê nương nhờ bố mẹ.
Cùng chung tình cảnh trên là các cô giáo mầm non tư thục Ban Mai (Cầu Giấy). Theo chị Đoàn Thị Đào, chủ của cơ sở mầm non tư thuc này thì hiện nay các cô đã được cho nghỉ không lương. Cơ sở của chị không lấy đâu ra nguồn thu để chi trả lương cho các cô.
Đến nay, một số cô giáo của trường Ban Mai đã phải đi tìm việc khác để tự nuôi sống bản thân. Còn đa số về quê, trông chờ hết dịch để quay lại trường.
Tình trạng nghỉ không lương của các cô giáo tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đang là tình trạng chung.
Nếu khối trường tư thục phá sản, chúng tôi lo cho học trò |
Trong giai đoạn khó khăn này, việc các nhóm trẻ phải duy trì trả tiền thuê nhà, tiền trả lãi ngân hàng cũng đang là gánh nặng thì việc có nguồn tài chính để chi trả cho các cô giáo và nhân viên gần như cạn kiệt.
Trong khi đó, các giáo viên ở các nhóm trẻ đa phần là những người xuất thân từ nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn. Ra thành phố tìm việc làm nay về quê nghỉ không lương cũng khiến đời sống càng khó khăn hơn.
Bày tỏ nguyện vọng, chị Đào chủ của cơ sở mầm non tư thục Ban Mai mong rằng, cần sớm dập dịch để hoạt động dạy và học trở lại bình thường. Họ cũng mong muốn nhà nước và xã hội chia sẻ gánh nặng cùng với các cô.
Cô Hậu chủ của trường mầm non Trẻ Em Thông Minh cho rằng, thách thức lớn nhất đối với các cơ sở như chị hiện nay là tiền thuê mặt bằng.
Bình quân giá thuê mặt bằng của các nhóm trẻ này mỗi tháng lên đến 30 – 40 triệu đồng, cá biệt có nhóm trẻ thuê đến 70 triệu, thậm chí gần 150 triệu đồng.
Do đó, chỉ mong các chủ nhà chia sẻ gánh nặng này cùng với các cô đảm bảo duy trì ổn định cơ sở để sau khi hết dịch có thể tổ chức dạy học bình thường ngay.
Qua trao đổi với nhiều chủ cơ sở và các giáo viên mầm non, có thể thấy rằng, sự chia sẻ của xã hội, cơ quan chức năng trong đó có chủ nhà cho thuê là hết sức cần thiết đối với các nhóm trẻ mầm non tư thục trong giai đoạn này.
Hiện dịch bệnh đang rất phức tạp, diễn biến khó lường, nếu không có sự chia sẻ thì nguy cơ đóng cửa là rất cao.
Nếu chuyện này xảy ra thì xảy ra tình trạng thiếu nơi học của trẻ sau khi dịch bệnh kết thúc. Bản thân các cô giáo và chủ đầu tư nhóm trẻ tư thục lại càng lao đao, mất thời gian rất lâu mới có thể khôi phục được lại hoạt động.
Nhóm trẻ tư thục đang nguy lắm rồi! |
Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam từng đưa tin, chị Nho, chủ của cơ sở mầm non tư thục Bé Thông Minh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) hiện chị đang rất lo lắng về khoản tiền thuê nhà.
Chị Nho chia sẻ rằng, không chỉ riêng mình chị Nho mà tất cả các nhóm trẻ, hệ thống giáo dục tư thục và các lĩnh vực kinh doanh đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Hiện chị đang xin sự trợ giúp của chủ nhà vì cơ sở mặt bằng đang phải thuê. Nhờ chủ chia sẻ khăn như hỗ trợ tiền nhà.
“Tất cả nhóm trẻ dựa vào thu học phí của học sinh để chi trả các hoạt động. Còn bây giờ, học sinh không đi học chắc chắn không thu học phí nên tất cả các khoản chi nhà cửa, lương cơ bản của giáo viên, nhân viên bảo vệ, đóng bảo hiểm… các khoản đó đã lên đến mấy chục triệu rồi.
Ngoài ra còn tiền nhà, duy trì giáo viên đến trường tẩy trùng, khử trùng, hoạt động thì những phần lương đấy phải trả cho giáo viên và quản lý.
Một tháng phải chi phí 100 triệu đồng chưa kể các khoản phát sinh khử trùng, tẩy trùng và sắm các trang thiết bị để chuẩn bị đón học sinh đến học trở lại nên cũng rất tốn kém”.