LTS: Con người sinh ra, môi môi trường đầu tiên mà mỗi đứa trẻ tiếp xúc - là gia đình - sẽ là những ảnh hưởng đầu tiên, quan trọng nhất đến việc hình thành tính cách, nhân cách và định hướng sống sau này. PGS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD & ĐT, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Ngoài công lập đã chia sẻ rất thú vị với Báo Giáo dục Việt Nam về cách nuôi dạy con của mình.
Bài học về đòn roi
PGS Trần Xuân Nhĩ sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 10 người con (bao gồm 7 người con ruột và 3 người con nuôi). Thời chiến, khó khăn trăm bề không chỉ có gia đình PGS mà còn là tình trạng chung của cả nước. Các cụ thân sinh ra PGS đã phải làm đủ nghề để sống như làm ruộng, buôn bán, cố gắng làm lụng, dành dụm cho con được đi học bằng bạn, bằng bè.
Ngày còn nhỏ, cậu bé Trần Xuân Nhĩ đã phải đi bộ với đôi bàn chân đất 4 km mỗi ngày để đến trường tiểu học, đi từ sáng sớm tinh mơ, ngủ trưa dưới nền đất tại trường rồi về nhà khi trời tối mịt.
Lên cấp II, quãng đường từ nhà đến trường dài tới 30km, học bán trú nên cậu bé Nhĩ phải đi bộ mỗi tuần một lần về thăm nhà, khi lên trường mang theo gạo, mắm muối, rau củ để nấu ăn. Đó cũng là thời gian đáng nhớ nhất của PGS Trần Xuân Nhĩ về những lớp học thời chiến, vừa học, vừa chống bom đạn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Trần Xuân Nhĩ |
Thời gian ấy, cả liên khu 5 chỉ có một trường cấp III, bao gồm hai lớp 8, quãng đường từ nhà đến trường cách nhau 120km. Chặng đường này vẫn được học sinh Trần Xuân Nhĩ tiếp tục… đi bộ. Cứ 3 tháng, cậu bé Nhĩ lại đi bộ về thăm nhà, rồi lại đi bộ lên trường, mỗi lần đi bộ hết 2 ngày 1 đêm.
Đời sống hết sức vất vả, thế nhưng cả con cái và bố mẹ đều không từ bỏ sự nghiệp học hành. PGS Trần Xuân Nhĩ cho biết: Thời đó, việc học không căng thẳng như hiện tại, ngoài thời gian trên lớp, học sinh không phải học thêm, vẫn có thời gian vui chơi.
Nghĩ về thời thơ ấu, PGS Trần Xuân Nhĩ tâm sự: Mỗi lần mắc lỗi, cụ thân sinh ra tôi sẽ không đánh đòn mà cho các con nằm giữa nhà, đặt ngang bụng một thân cây gỗ, để như vậy suốt mấy tiếng đồng hồ.
Không hề mắng mỏ, không đánh đập nhưng đó lại là cách giáo dục có hiệu quả. Bởi trẻ con thường rất hiếu động, khi bị phạt nằm im một chỗ đồng nghĩa với… cực hình. Với hình phạt này, người con sẽ có thời gian nằm nghĩ lại những lỗi lầm của mình, để từ đó biết cách sửa đổi. PGS Trần Xuân Nhĩ không tán thành cách dạy con, dạy trò sử dụng roi vọt.
Ngày còn nhỏ, cậu bé Trần Xuân Nhĩ còn có tật xấu là tính hay hờn, hay dỗi trong mỗi bữa ăn. Cho dù bố mẹ có nói nhẹ, nói ngọt như thế nào thì cậu bé Nhĩ chỉ thêm hờn dỗi. Trong một lần hờn dỗi như bao lần khác, mẹ của Trần Xuân Nhĩ đã cất luôn cơm cùng thức ăn đi, để mặc cậu bé nằm dỗi. Sau đó, cậu bé Nhĩ đói lả người, cố gắng đập tay, đập chân lên giường để gây sự chú ý với bố mẹ. Từ lần sau, cậu bé Trần Xuân Nhĩ không dám dỗi hờn những lần tiếp theo, vì như thế mình chỉ dại dột mà thôi.
Bài học dạy con từ những bộ quần áo cũ
Sau khi lập gia đình, PGS Trần Xuân Nhĩ có hai người con gái. Dù người xưa quan niệm: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” nhưng bản thân PGS luôn hạnh phúc và tự hào vì con. Bởi đối với PGS, con trai hay con gái không quan trọng, quan trọng là lòng hiếu thảo và sự trưởng thành của con.
Hai người con gái của PGS Trần Xuân Nhĩ cách nhau 8 tuổi, chị cả là Trần Thị Quế Hà, em gái tên là Trần Thị Tuyết Hoa. Đối với người con gái lớn, sau khi quan sát từ thuở nhỏ, PGS đã nhận thấy con thích chơi búp bê, thường cho búp bê hóa thân trong các nhân vật như thầy giáo, cô giáo, học sinh. Sau này, PGS hướng con theo chuyên văn, học Trường ĐH Sư phạm II rồi đi du học ngành tâm lý trẻ em. Hiện tại, sau khi trải qua các công việc như viết sách, Biên tập viên, chị Quế Hà hiện đang mở một hệ thống trường mầm non tư thục, giảng dạy với mục đích giúp trẻ thân thiện, khỏe mạnh, thông minh và giỏi ngoại ngữ.
Con gái út của PGS là chị Tuyết Hoa, ngay từ nhỏ đã rất thích vẽ. PGS quan sát con ngồi đâu cũng lấy phấn vẽ, vẽ bằng que củi, vẽ bằng than đen. Vì vậy, ông hướng cho con thi vào Trường ĐH Kiến trúc, du học tại Nhật và hiện chị đang làm việc tại Singapore.
PGS Trần Xuân Nhĩ cho biết: "Ngay từ nhỏ, tôi đã nói cho con hiểu, việc học là quan trọng nhất. Vì vậy, học chưa xong đừng hòng đi ngủ, học chưa đủ đừng rủ đi chơi".
Đã rất nhiều lần, hai cô con gái của PGS xin phép bố mẹ đi chơi nhưng vì chưa học bài xong nên bắt buộc phải ở nhà. Trẻ con vốn ham chơi nên các con khi ấy không hiểu lòng bố mẹ, thấy ấm ức. Nhưng sau này, khi trưởng thành các con càng thêm hiểu bố mẹ hơn.
PGS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ, năm 1969, là những ngày đầu đi dạy, lương của PGS được 50 kg gạo. Năm 1975, khi trở thành giảng viên đại học, lương PGS được 60 đồng. Vào thời điểm đó, một bát phở chỉ có 1 hào, như vậy lương của PGS được 600 bát phở, có thể nuôi cả gia đình trong 4 tháng. Lương của giáo viên thời bấy giờ là khá so với các nghề nghiệp khác, thế nhưng PGS không để cho con có một cuộc sống quá sung túc, dẫn đến sự lười biếng mà luôn dạy con phải biết tiết kiệm.
PGS Trần Xuân Nhĩ nhớ lại, vào thời buổi khó khăn, PGS thường dùng quần áo người lớn đã bị rách để cắt đi, may lại thành áo quần cỡ nhỏ cho con mặc. Những chiếc áo quần đó luôn là những kỷ niệm sau này hai cô con gái của PGS thường nhắc lại đầy xúc động. Để bây giờ, khi đã trưởng thành những đứa con của PGS luôn biết tiết kiệm trong cuộc sống, làm sao cho không hoang phí.
Bên cạnh đó, PGS cho biết: Việc dạy con biết cách lao động luôn là điều cần thiết, cần phải rèn con từ những việc đơn giản như nấu cơm, rửa bát, quét nhà…PGS Trần Xuân Nhĩ kể lại, ngày còn ở trong nhà tập thể, nước vô cùng khan hiếm, vì thế PGS giao cho hai cô con gái phải thay phiên nhau đi xếp hàng, lấy nước về để dùng. Điều này đã trở thành thói quen của hai chị em. Có những hôm, chị cả phải phải dậy lúc 12 giờ đêm để xách đủ hai xô nước về nhà, đến 2 giờ sáng mới xong việc.
PGS Trần Xuân Nhĩ khẳng định: "Môi trường sống của gia đình, cách giáo dục của cha mẹ là điều kiện tiên quyết hình thành nên tính cách con trẻ".
PGS Trần Xuân Nhĩ khẳng định: "Môi trường sống của gia đình, cách giáo dục của cha mẹ là điều kiện tiên quyết hình thành nên tính cách con trẻ".
Đỗ Quyên