LTS: Chia sẻ về những bất cập, những mặt chưa được của việc các sở, phòng ra đề thi, tác giả Thạch Hoàng Sa đã gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Nếu xét về ý nghĩa tích cực, về cái được thì việc sở, phòng giáo dục ra đề kiểm tra học kỳ (học kỳ 1 và học kỳ 2) nhằm mục đích kiểm tra một cách tổng thể việc thực hiện chuyên môn, giảng dạy của các trường có theo kịp tiến độ và chất lượng giảng dạy, học tập qua từng học kỳ…
Từ cơ sở đó, có thể đánh giá, nhận xét việc thực hiện chương trình giảng dạy của các trường như thế nào để uốn nắn, nhắc nhở kịp thời…
Học sinh làm bài thi (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Nhưng, xét về sự bất cập, về những mặt chưa được thì có thể thấy việc các sở, phòng ra đề đã gây ra nhiều “hiệu ứng” không tốt, như sau:
Một là: đề thi do một người (chuyên viên phụ trách) hoặc một nhóm người thực hiện. Do nhiều nguyên nhân, có khi đề có độ khó, độ lạ nhất định nên học sinh bị điểm thấp có tỷ lệ cao, phải thi lại đề khác… dễ hơn.
Có người không chịu tìm tòi, suy nghĩ để ra đề nên đã kiếm đề trên mạng internet, đem về sửa chữa kiểu thêm mắm dặm muối biến thành đề của mình.
Đây là hành vi “đạo đề” cần nghiêm cấm, vì theo quy định về tài chính thì việc ra đề phải trả tiền thù lao cho những người làm công việc này. Không nên để xảy ra tình trạng “đạo đề ăn tiền” trong ngành giáo dục.
Hai là: học sinh thêm một khoản tiền chi trả cho việc in ấn, sao in đề thi và giấy thi. Hàng ngàn học sinh đóng tiền cho việc này là một con số không hề nhỏ.
Tiền thu - chi thế nào có được các sở, phòng công khai tài chính không? Nếu phải thi lại đề khác, số tiền sao y, photo đề thi ai chịu trách nhiệm chi trả?
Ba là: học sinh phải học bài, ôn tập rất căng thẳng theo đề cương từ trên đưa xuống. Mỗi môn có một đề cương, có độ dày từ 15 đến 20 trang giấy A4. Tất nhiên học sinh cũng phải đóng tiền photo, đóng thành tập đề cương chứ không ai cho không cả.
Phòng, Sở ra đề kiểm tra: Giáo viên sợ nhất điều gì? |
Theo quy định, học gì thi nấy nhưng đề cương chỉ “giới hạn” những bài sẽ có trong đề thi. Giáo viên chỉ việc dạy thật nhuyễn, làm bài mẫu cho học sinh học thuộc lòng để có điểm cao.
Mặc dù biết rằng đó chỉ là điểm ảo, không thực chất nhưng không những học sinh mê mà phụ huynh cũng khoái.
Bốn là: khâu chấm bài lại do… các trường tự chấm sau khi thảo luận, thống nhất biểu điểm, đáp án trong hướng dẫn chấm của từng bộ môn.
Tổ trưởng phát bài cho giáo viên chấm và hẹn ngày nộp lại để giao cho người khác chấm. Thay vì tổ chức chấm tại trường, làm đủ, làm đúng quy trình chấm thì việc chấm khách quan hơn. Bài đưa về nhà chấm không đánh số mật mã, không rọc phách mà để nguyên cho gọn.
Thế thì xin hỏi có còn khách quan, có còn bí mật, có còn “vô tư” để giáo viên chấm bài thi của học sinh không?
Năm là: nhiều trường báo lên cấp trên, nếu điểm có tỷ lệ trên trung bình cao thì được, nếu tỷ lệ điểm dưới trung bình nhiều thì nhắc nhở… xem lại các cặp chấm. Nếu thấp quá nhiều thì thi lại như chuyện đã xảy ra ở một trường trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội.
Như vậy, việc sở, phòng ra đề thi, kiểm tra rõ ràng đã vô hiệu hóa tính chính xác của tỷ lệ điểm giữa các trường, ảnh hưởng không nhỏ đến việc chỉ đạo chuyên môn của sở, của phòng …
Rõ ràng, việc sở, phòng ra đề là việc làm “đầu voi đuôi chuột”, không thống nhất, theo sát từ khâu ra đề đến khâu tổ chức thi và khâu đánh giá, chấm bài.