Thường thì người ta đi học thêm Toán, Anh văn hay ít ra cũng là Lý, Hóa, Sinh. Thế mà lớp học thêm văn của một giáo viên bậc trung học cơ sở quê tôi cứ đông nghẹt người, đặc biệt là vào mùa thi cuối kỳ và kỳ thi vào lớp 10.
Học tủ học vẹt khiến người buồn kẻ vui. (Ảnh minh họa: Vtv.vn) |
Học sinh truyền tai nhau, phụ huynh cũng rỉ rả: “Nghe bảo cô H. đoán đề văn trúng phốc. Đứa nào học với cô ấy văn không dưới 7 điểm”.
Bí quyết của cô là học thuộc hàng chục bài văn mẫu
Trước đây, khi còn thi tốt nghiệp lớp 9, thi vào 10 và tốt nghiệp lớp 12 cùng với kỳ thi đại học thì hầu như năm nào cô H. cũng đoán trúng đề, chỉ họa hoằn lắm mới đoán sai một năm.
Còn chuyện đề thi 1 tiết do nhà trường bốc thăm ngẫu nhiên nhưng cô vẫn đoán trúng đề đã là chuyện bình thường.
Có lẽ vì thế, mà học sinh thích học văn do cô dạy nên thường đi học khá đông.
Tò mò hỏi chuyện, đến lớp học thêm cô dạy những gì? Có em bật mí: “Cô đọc cho chép những bài văn mẫu do cô làm. Chép xong về phải học thuộc và buổi học tiếp theo cô sẽ kiểm tra xem ai thuộc, ai không?”
Rồi em cho biết: “Bạn nào không thuộc, cô phạt ngồi học cho bằng thuộc. Gần đến ngày thi, cô hệ thống lại và lưu ý khoảng một số đề trọng tâm về nhà phải học thật kĩ”.
Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhiều năm đề thi ra y chang như cô dặn. Thế là vào thi, học sinh chỉ cần chép hết bài văn đã học thuộc ấy và làm thêm đôi ba câu đã đạt điểm khá. Những bạn có lực học nổi trội hơn thì đạt điểm giỏi.
Đề thi vào 10 của tỉnh ra cô còn đoán trúng thì đề kiểm tra một tiết ở trường có khó gì?
Nói rồi cậu học trò kết luận: “Muốn có điểm phải đi học thêm nhà cô thôi”.
Giải mã cô giáo có “biệt tài” đoán trúng đề
Khi kiểm tra và thi, đề văn thường trúng như cô phỏng đoán, học sinh thì thán phục, phụ huynh cũng ngạc nhiêu còn giáo viên trong nghề lại thấy quá ư bình thường. Vì sao lại thế?
Một giáo viên dạy bậc trung học cơ sở cho biết: “Để đoán đề kiểm tra trong trường, thậm chí đề của phòng, của sở cũng chẳng có gì khó”.
Nói rồi giáo viên giải thích, đề kiểm tra ở trường cũng là giáo viên tổ Văn ra nộp lên. Giai đoạn đó có vài đề, làm phép loại trừ sẽ đoán ngay ra đề sẽ kiểm tra cho học sinh lần ấy.
Còn đề kiểm tra của phòng, giáo viên cốt cán ra đề mà cô H. là tổ trưởng tổ Văn của trường lại là giáo viên cốt cán cấp tỉnh sao có thể không biết đề sẽ kiểm tra là đề nào cơ chứ?
Đến đề thi vào lớp 10, tỉnh mình có ra quyển sách ôn thi vào 10, trong đó có khoảng gần hai chục đề Văn. Thế là cô H. bắt học sinh học thuộc hết những bài văn ấy.
Vào ngày gần thi cô lưu ý những đề có thể ra, điều này cũng chẳng có gì khó. Bởi, cũng nhờ phương pháp loại trừ đề nào đã thi vào những năm gần đây thì loại ra, tập trung kĩ vào những đề còn lại. Thế là chuyện trúng đề cũng chẳng có gì khó cả.
Chúng tôi không làm thế vì không muốn dạy trò học gạo
|
Nhiều giáo viên dạy Văn cho biết, mình cũng đoán được đề nhưng không làm thế vì sợ học sinh học tủ, dù điểm có cao nhưng chính là làm hại các em.
Hơn nữa, không phải lần nào đoán cũng trúng đề, có năm đoán sai thì kết quả thật là thảm hại.
Chúng tôi còn nhớ, có một năm, cũng làm phương pháp loại trừ nên cô H. nói với học trò đề ấy mới ra nên không cần ôn kĩ.
Nghe thế, nhiều em còn không học. Ai dè, kỳ thi vào 10 năm ấy tại tỉnh tôi lại ra ngay cái đề mới thi trước đó vài năm.
Thế là học trò của cô H. làm không được bài, nhiều người lấy đó làm câu chuyện cười mỉa mai, đi đâu cũng hỏi: “Làm Văn tốt không? Bị tủ đè hả?”.
Chương trình mới mà dạy kiểu này chỉ có thất bại thảm hại
Nhiều người quan tâm, chương trình mới học sinh có còn phải học gạo kiểu này không? Câu trả lời chỉ có những giáo viên dạy như cô H. mới trả lời được. Bởi, dạy kiểu học tủ, học thuộc lòng cả bài văn thì chẳng có chương trình nào cho phép.
Quan trọng nhất vẫn thuộc về phía người dạy. Bởi thế, phải tự mình thay đổi, đừng vì những khoản tiền dạy thêm hấp dẫn mà bất chấp dạy trò cái kiểu học đối phó giống như cô H. ở tỉnh tôi.