Ông Phạm Quang Nghị: "Bà Nga không trung thực khi kê khai học vấn"

19/06/2015 06:35
Anh Dũng
(GDVN) - Bí thư Thành ủy Hà Nội - ông Phạm Quang Nghị cho biết, bà Châu Thị Thu Nga không trung thực khi kê khai trình độ học vấn và lợi dụng báo chí.

Chiều 18/6, Quốc hội chính thức bãi miễn tư cách Đại biểu Quốc hội với bà Châu Thị Thu Nga (đoàn Hà Nội).

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: "Nguyên nhân bà Nga bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội là do bà có nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh.

Những người bị thiệt hại đã làm đơn tố cáo bà có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt của họ, với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, xác minh những nội dung tố cáo trên là đúng".

Trước những băn khoăn có nên đợi đến khi Toà kết án bà Nga có tội rồi mới bãi miễn tư cách Đại biểu Quốc hội? Ông Phạm Quang Nghị cho biết, có những ý kiến như vậy đã được nêu lên khi trao đổi việc đến thời điểm này đã có thể bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Nga hay chưa? Có nên đợi đến khi Toà kết án bà Nga có tội, hay không có tội?

Theo Bí thư Thành ủy, bà Nga đã có biểu hiện không trung thực khi kê khai trình độ học vấn; tranh thủ một số cơ quan báo chí để bênh vực cho việc làm không trung thực ấy; tích cực lợi dụng các phương tiện truyền thông để tuyên truyền, quảng bá đề cao cá nhân và công ty của mình để gây uy tín trước khi cuộc bầu cử diễn ra.

Khi đã là đại biểu Quốc hội, bà Nga đã có những sai phạm rất nghiêm trọng trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, gây hậu quả xấu cho xã hội và trực tiếp ảnh hưởng đến tư cách, uy tín đại biểu Quốc hội của bản thân, cũng như cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội.

"Với những tình tiết đã rõ ràng như vậy, bà Nga đã không còn tư cách và uy tín để tiếp tục làm đại biểu Quốc hội. Việc tới đây Toà án xét xử bà ra sao, cái đó liên quan đến tư cách và quyền công dân của bà Nga, chứ không đơn thuần là tư cách đại biểu Quốc hội", ông Nghị chỉ rõ.

Bí thư Thành Ủy Hà Nội - Ông Phạm Quang Nghị cho biết, bà Châu Thị Thu Nga không trung thực khi kê khai trình độ học vấn, lợi dụng báo chí tuyên truyền có lợi cho bản thân và công ty. ảnh: Xuân Hải.
Bí thư Thành Ủy Hà Nội - Ông Phạm Quang Nghị cho biết, bà Châu Thị Thu Nga không trung thực khi kê khai trình độ học vấn, lợi dụng báo chí tuyên truyền có lợi cho bản thân và công ty. ảnh: Xuân Hải.

Thực tế việc bà Châu Thị Thu Nga bị bãi miễn tư cách Đại biểu Quốc hội không gây bất ngờ cho dư luận, bởi bà này đã bị bắt tạm giam để điều tra từ 7/1/2015. Tuy nhiên, dù nhìn ở góc độ nào thì đây cũng là một "nốt trầm" của Quốc hội Việt Nam, một sự việc hết sức đáng tiếc.

Và đáng tiếc hơn nữa, đây không phải lần đầu tiên chuyện này xảy ra ở Quốc hội. Trước bà Nga thì còn một số người cũng bị Quốc hội bãi miễn tư cách Đại biểu Quốc hội như trường hợp của bà Đặng Thị Hoàng Yến (đoàn TP.HCM), ông Mạc Kim Tôn (Thái Bình), ông Lê Minh Hoàng (TP. Hồ Chí Minh).

Đại biểu Quốc hội phải có đủ phẩm chất và năng lực, đặc biệt là sự tín nhiệm trong lòng dân. Các cơ quan giới thiệu và người dân bầu, vì vậy Đại biểu Quốc hội chính là sự hội tụ của ý đảng, lòng dân.

Vậy thì từ những sự việc trên, Quốc hội khóa XIII cần rút ra bài học gì trong việc chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV?

Ông Phạm Quang Nghị: "Bà Nga không trung thực khi kê khai học vấn" ảnh 2

Kết quả biểu quyết bãi miễn tư cách Đại biểu Quốc hội bà Châu Thị Thu Nga

Bí thư Thành ủy cho rằng: "Để thực hiện tốt chủ trương đó, chúng ta cần phải hoàn thiện hơn nữa các quy trình, thủ tục, nhất là ở các khâu nhận xét, đánh giá, giới thiệu những người tự ứng cử.

So với những người được các tập thể, các tổ chức giới thiệu, thì quy trình xem xét lựa chọn chặt chẽ hơn rất nhiều so với những người tự ứng cử".

Chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Ngô Văn Minh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nói rất thẳng thắn: "Dứt khoát không thể để có việc trở thành Đại biểu để vụ lợi, và để ngăn chặn điều này thì quá trình hiệp thương phải rất chặt chẽ, chắc chắn, chứ nếu không thì chất lượng Đại biểu Quốc hội sẽ không tốt.

Có cử tri nêu ra với tôi rằng, tại sao từ trước tới giờ tôi không thấy đại biểu này, đại biểu kia nói cái gì hết. Cử tri lo lắng vì gần hết nhiệm kỳ mà không thấy đại biểu của mình nói gì.

Tôi thì lại nghĩ khác, vấn đề ở đây không phải chỉ nói hay không, khi tiếp nhận ý kiến của cử tri thì phải tổng hợp để đưa ý kiến ra Quốc hội. Nhưng quan trọng hơn, chất lượng phát biểu ấy như thế nào mới chính là điều cử tri mong chờ nhất".

Đề cập tới vụ việc cụ thể của bà Châu Thị Thu Nga, Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, đây là chuyện không lạ, vì các doanh nhân thường có nhiều rủi ro.

Nhưng mặt khác cũng phải thấy rằng, để xảy ra sự việc đại biểu Nga là hậu quả của một quá trình lựa chọn. Vì vậy, Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đang được bàn để làm sao bầu được những người xứng đáng nhất.

"Nhân dân và Quốc hội đều mong các đại biểu có đầy đủ những phẩm chất cần thiết. Tuy nhiên, cũng không nên lý tưởng hóa những mong muốn trên, vì sai sót vốn là một phần của cuộc sống", ông Quốc bày tỏ.

Anh Dũng