Phía sau câu chuyện đồng phục trong trường học là gì?

28/08/2018 06:16
Thanh An
(GDVN) - Một số trường học bây giờ lại yêu cầu bắt buộc giáo viên và học sinh phải “đồng phục” nhiều thứ từ quần áo đến những cái nhãn vở...

LTS: Câu chuyện về đồng phục học sinh trong nhà trường hiện nay khiến nhiều phụ huynh bất bình mà không dám lên tiếng.

Thầy giáo Thanh An cho rằng Ban giám hiệu đừng vì hoa hồng mà can thiệp quá nhiều vào chuyện đồng phục.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hiện nay, không có văn bản hướng dẫn nào của ngành giáo dục hay địa phương bắt buộc giáo viên, học sinh phải đồng phục giống nhau trong nhà trường.

Tuy nhiên, thực tế một số trường học bây giờ lại yêu cầu bắt buộc giáo viên và học sinh phải “đồng phục” nhiều thứ.

Đồng phục từ cái áo, cái quần vài trăm ngàn đồng 1 bộ đến những cái nhãn vở con con chỉ vài trăm đồng bạc.

Bởi, phía sau câu chuyện yêu cầu của đồng phục ấy là những khoản chênh lệch, hoa hồng mà họ được hưởng.

Đối với giáo viên thì một số Ban giám hiệu cũng yêu cầu đồng phục áo quần.

Chẳng hạn trong 1 tuần thì giáo viên nữ phải mặc áo dài, áo vest, áo sơ mi theo từng buổi nhất định. Hôm nào quy định giáo viên nữ mặc áo dài là cả trường áo dài, áo sơ mi cũng cả trường…

Ban giám hiệu đừng vì hoa hồng mà quên đi chất lượng của những bộ đồng phục. Ảnh chỉ mang tính minh họa: http://thoitrangdongphuc.net
Ban giám hiệu đừng vì hoa hồng mà quên đi chất lượng của những bộ đồng phục. Ảnh chỉ mang tính minh họa: http://thoitrangdongphuc.net

Tất nhiên, khi đồng phục thì cũng tạo nên được một nét đẹp nhất định nhưng không phải lúc nào cũng hoàn toàn như thế.

Đối với phụ nữ Việt Nam thì tà áo dài thường tôn vinh lên vẻ đẹp thuần khiết, dịu dàng. Nhưng, đó phải là những người cân đối, có hình dáng thon gọn, cân đối, có làn da trắng đẹp.

Những cô giáo có hình dáng mập mạp quá mức hay có làn da đen, dáng hình nhỏ thó thì đôi khi mặc áo dài lại trở nên không đẹp.

Đó là chưa kể nhiều khi nhà trường tặng màu áo đồng phục, có người trẻ mặc màu trắng thì đẹp, tôn vinh lên hình dáng nhưng người lớn tuổi lại có phần không phù hợp khi mặc những bộ áo quần trắng và mỏng manh….

Đối với học sinh ở cấp tiểu học của khu vực Tây Nam Bộ gần như đều mặc đồng phục: quần cộc (nam), váy (nữ), áo cụt tay khi đến trường.

Mặc dù, việc mặc đồng phục đã tạo nên một nét đẹp rất riêng cho mỗi trường học khi các em cùng hòa chung một màu áo, màu quần.

Nhất là với các em học sinh Tiểu học, việc mặc quần cộc, áo cụt tay cũng rất tiện cho việc đi lại và học tập với các em khi ở trường bởi lứa tuổi này các em thường hiếu động, hay đùa giỡn khi thời tiết nắng nóng.

Tuy nhiên, khi vào mùa đông mà các em học sinh tiểu học từ 7- 12 tuổi mặc quần áo như vậy sẽ gặp rất nhiều những khó khăn trong học tập và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Phía sau câu chuyện đồng phục trong trường học là gì? ảnh 2Đồng phục học trò, người lớn lắm ý kiến, quần áo thì các con mặc

Thứ nhất, là mặc đồng phục: quần cộc áo cụt tay sẽ không giúp các em đủ ấm cho những ngày giá lạnh.

Đến lớp các em ngồi co ro trong lớp mà nghĩ đến cái lạnh đang bủa vây quanh thì rất khó tiếp cận bài vở.

Đồng thời, thời tiết lạnh cũng rất dễ mắc phải một số bệnh như cảm cúm, ho, sổ mũi…bởi cơ thể các em rất dễ thay đổi khi thời tiết trở lạnh bởi khí hậu miền Nam đã quen ấm, nắng.

Thứ hai là hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết ở các tỉnh miền Tây có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chính của bệnh này là do ở những khu vực này có qúa nhiều muỗi anophen.

Không chỉ muỗi ở nhà mà đến trường các em cũng phải đối mặt với một số lượng muỗi nhiều kinh khủng.

Nhất là trong các nhà vệ sinh của trường muỗi đậu kín đen cả các bức tường, ai vào nhìn thấy cũng phải… rùng mình.

Trong các lớp học, những lớp có sĩ số đông, lượng bàn ghế bố trí gần kề nhau nên không đủ sự thông thoáng và ánh sáng.

Hơn nữa, thường là trong các lớp học thì khâu vệ sinh các em thực hiện chưa tốt, chưa đồng bộ.

Trong những tiết đầu của buổi sáng, muỗi bám vào các bờ tường lớp, trong hộc bàn và lao ra bám đậu vào học sinh rất nhiều. Nhiều em học sinh không dám để chân xuống đất bởi sợ muỗi.

Mặc dù các Y tế học đường phối hợp với các trung tâm y tế xã phường thỉnh thoảng xịt thuốc diệt và phòng muỗi nhưng rồi chỉ một hai ngày thì muỗi lại nhiều vô kể.

Theo chúng tôi, nếu nhà trường muốn học sinh đồng phục áo trắng, quần xanh thì chỉ cần yêu cầu phụ huynh đầu năm mua áo quần các màu đó.

Thực ra, phụ huynh đi mua vừa rẻ, vừa chắc chắn mà lại vừa vặn với con em họ.

Phía sau câu chuyện đồng phục trong trường học là gì? ảnh 3Hoa hồng chính là thủ phạm sinh ra lạm thu

Mua ở trường thì họ may không chỉ may ẩu, xấu mà chất lượng vải cũng không tốt bởi họ phải đặt lợi nhuận lên trên hết.

Ngoài lợi nhuận họ còn tính phần trăm chiết khấu cho nhà trường nên các sản phẩm đều phải đội giá lên.

Hơn nữa, nếu phụ huynh mua ở ngoài thì ngoài mặc đi học, các em có thể mặc ở nhà hoặc đi chơi đâu đó, thậm chí là để cho các em khóa sau mặc được.

Nhưng, mua đồng phục của nhà trường chỉ có cách mặc hết năm là bỏ.

Nó vừa xấu, vừa kém chất lượng mà bao giờ trên ngực áo cũng được may sẵn tên trường, rồi nhà trường lại yêu cầu dán tên học sinh trên áo…

Không chỉ đồng phục về áo quần mà trường học bây giờ có nhiều thứ đồng phục khác nữa.

Đầu năm, nhà trường bán vở viết cho học trò, yêu cầu mua bìa bao có hình ảnh nhà trường.

Rồi mỗi quyển sách, vở phải mua bìa bao, giấy kiếng và nhãn vở để bao dán giống nhau. Thậm chí có trường còn yêu cầu đồng phục cả ba lô, cặp sách…

Phía sau câu chuyện đồng phục trong trường học là gì? ảnh 4Hiệu trưởng có trăm phương, ngàn kế để lạm thu

Nói thật, những trường như thế này là đã ép buộc và can thiệp quá sâu vào sở thích của mỗi học trò. Chuyện bìa bao, nhãn vở đâu nhất thiết cứ phải của nhà trường bán ra mới đẹp, mới phù hợp.

Thực tế, mỗi loại sản phẩm đồng phục đều khoác trên mình một tỉ lệ “hoa hồng” nhất định.

Có những sản phẩm được hưởng một vài chục ngàn, có sản phẩm vài trăm đồng bạc nhưng việc “góp gió thành bão” của các loại đồng phục trong những ngày đầu năm học của một số Ban giám hiệu nhà trường cũng không hề ít chút nào, nhất là những trường loại I, những trường ở các đô thị lớn.

Ai cũng biết, một bộ phận phụ huynh còn rất nghèo, vì nghèo cho nên có những loại đồng phục đã quá sức với kinh tế gia đình họ. Nhưng, vì nhà trường yêu cầu như vậy mà họ đành phải theo.

Vì thế, các Ban giám hiệu nhà trường cũng đừng nên quá can thiệp sâu vào mấy chuyện đồng phục một cách quá thái.

Vì ai cũng hiểu, chuyện đồng phục sẽ không trở nên khắt khe, bắt buộc nếu những lãnh đạo nhà trường không được ăn chia phần trăm trên những sản phẩm đó.

Thanh An